Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động ĐH Ngoại thương
(Chinhphu.vn) – Trường Đại học Ngoại thương chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, đổi mới hệ thống quản trị theo hướng hiện đại, bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; hướng mục tiêu chiến lược phát triển Trường đến năm 2030 thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu có chất lượng và uy tín trong khu vực và thế giới.
Trường Đại học Ngoại thương
Thủ tướng Chính phủ vừaphê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2015 – 2017.
Video đang HOT
Theo đó, Trường Đại học Ngoại thương (Trường) được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó Trường được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của Trường. Đối với ngành đào tạo mới không có trong Danh mục giáo dục đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trường được quyết định mở nhưng phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thí điểm ngành mới.
Bên cạnh đó, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của Trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định.
Trường quyết định chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chuẩn đầu ra mà Trường đã cam kết;…
Về tổ chức bộ máy, nhân sự, Trường quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Trường được quyết định số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm; tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng trên cơ sở quy chế và chủ trương được Hội đồng trường thông qua, phù hợp với yêu cầu phát triển của Trường; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật;…
Học phí tối đa năm học 2015 – 2016 là 14,5 triệu đồng/người
Trường thu học phí theo kế hoạch. Cụ thể, mức thu học phí tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015 – 2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016 – 2017 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm.
Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí tối đa (của các chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí tối đa của Trường theo quy định.
Trường được quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần; cao đẳng bằng 0,8 lần mức học phí tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.
Đối với các đối tượng đã nhập học trước ngày 2/6/2015, Trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ ngày 2/6/2015.
Theo chinhphu.vn