Thi công chức người điểm liệt thành đậu, người đậu thành rớt
Sau phúc khảo thi công chức của tỉnh Đắk Lắk, nhiều người tăng hàng chục điểm và từ rớt thành đậu. Lãnh đạo Sở Nội vụ Đắk Lắk khẳng định kỳ thi diễn ra ‘ nghiêm túc’.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn (bên trái, hàng đầu) trao đổi với các phóng viên báo chí – Ảnh: TRUNG TÂN
Theo hồ sơ, ngày 3-3-2018, hơn 1.000 thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức năm 2017 do UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức để lựa chọn 114 chỉ tiêu.
Ngày 20-4-2018, UBND tỉnh Đắk Lắk công bố điểm thi phúc khảo, nhiều thí sinh tham gia kỳ thi nghi ngờ có tiêu cực và làm đơn tố cáo.
Tăng 67,5 điểm sau phúc khảo
Trước phúc khảo, anh Nguyễn Quốc Tuấn (41 tuổi, trú TDP 3, thị trấn Phước an; Huyện Krông Pắk, Đăk Lăk – thi tuyển vào phòng Nội vụ huyện MĐrắk), đạt 335,5 điểm, cao nhất trong 14 người cùng đăng ký.
Sau khi có kết quả phúc khảo, chị P.A.H. (37 tuổi) từ 330,5 điểm tăng lên 336,5 điểm, cao hơn anh Tuấn 1 điểm nên từ rớt thành đậu, còn anh Tuấn từ đậu thành rớt.
Tương tự anh Tuấn là chị Lưu Thị Cẩm Vân (27 tuổi, thi vào huyện Ea Kar) đạt 355 điểm và Trần Quang Thanh (31 tuổi thi vào huyện Ea H’Leo) đạt 305,5 điểm. Cả hai thí sinh này đều đủ điểm đậu nhưng sau phúc khảo, hai người khác có số điểm liệt đã tăng điểm, cao điểm hơn họ và trúng tuyển.
Nghi ngờ có tiêu cực, anh Tuấn dò kết quả phúc khảo và phát hiện hàng loạt người có điểm sau phúc khảo tăng lên bất thường. Điển hình, tại môn thi chuyên ngành tự luận thí sinh T.N.T. tăng 8,5 điểm, B.T.T.T. tăng 9,5 điểm, P.Đ.D. tăng 17 điểm…
Đặc biệt, tại môn thi nghiệp vụ chuyên ngành (thi trắc nghiệm), thí sinh N.T.T.H. điểm thi lần đầu đạt 30 điểm (điểm liệt) nhưng điểm phúc khảo tăng lên 97,5 điểm (tăng 67,5 điểm).
“Nguyên nhân do đâu mà có sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm phúc khảo quá cao như vậy? Nếu có sự sai sót ở đây thì trách nhiệm thuộc về ai?”, anh Tuấn đặt vấn đề.
Video đang HOT
Do sai sót trong việc chấm thi?
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, ông Miêng Klơng – giám đốc Sở Nội vụ, phó chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Đắk Lắk năm 2017, cho biết việc chấm phúc khảo rất chặt chẽ với hai nhóm riêng biệt, độc lập.
Cách làm là nhóm 1 chấm xong sẽ chuyển sang nhóm 2 chấm, cả hai đều chịu sự giám sát của nhiều camera và lực lượng an ninh.
Nếu bài thi nào đó có chênh lệch nhau 10 điểm giữa hai nhóm chấm thì phải đối thoại với nhau; nếu không thống nhất thì chủ tịch hội đồng thi tuyển sẽ chấm lần thứ 3 (cộng điểm hai lần chấm chia đôi).
Ông Miêng Klơng cho biết, sau khi chấm phúc khảo, điểm số nhiều bài thi tăng vọt, có bài thi trắc nghiệm tăng gần 70 điểm, dư luận cũng nghi ngờ. Vì vậy, ban chấm phúc khảo đã báo cáo và ông Nguyễn Hải Ninh – phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, chủ tịch Hội đồng thi tuyển, chỉ đạo các tổ chấm thi phải báo cáo, giải trình về kết quả chênh lệch quá lớn như vậy.
Theo ông Miêng Klơng, về nguyên tắc, chấm trắc nghiệm thì không thể sai được, tuy nhiên quá trình chấm thi lần đầu có sai sót nên chênh lệch điểm.
Cụ thể, trong đề thi trắc nghiệm có đề chẵn và lẻ. Khi chấm bài chị H. thì tổ chấm lần đầu áp nhầm đáp án mã đề chẵn sang lẻ khiến sai lệch điểm số (tăng 67,5 điểm). Việc này đã được báo cáo chủ tịch hội đồng thi tuyển, lập thành biên bản…
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị tiếp cận biên bản về việc áp sai mã đề, ông Miêng Klơng nói đây là “tài liệu bí mật chưa được mở”. Còn tổ chấm thi có sai sót bị xử lý ra sao, ông Miêng Klơng nói “tỉnh chưa đặt ra vấn đề này”.
Đang tập hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo của thí sinh
Cũng theo ông Miêng Klơng, hiện UBND tỉnh mới chỉ công bố điểm thi, điểm phúc khảo chứ chưa công bố kết quả trúng tuyển công chức năm 2017. Đơn vị đang tiếp nhận và phân loại đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của thí sinh và lập tổ công tác của nhiều sở ngành để giải quyết theo thẩm quyền…
Theo đó, hiện tổ công tác cũng đang rà soát, áp các cơ chế chính sách ưu tiên cho từng thí sinh để cộng điểm phù hợp với có văn bản tham mưu UBND công bố kết quả trúng tuyển. Tuy nhiên, dựa vào kết quả thi, điểm phúc khảo đến này có 102 người trúng tuyển và 2 người được xét đặc cách (không thi). Như vậy, so với số người cần tuyển vẫn còn thiếu 10 chỉ tiêu.
“Tỉnh cũng giao sở phải rà soát lại danh sách trúng tuyển về bằng cấp, chứng chỉ liên quan để tránh nhầm lẫn. Ngoài ra cũng soát xét lại những người được hưởng chế độ chính sách để cộng điểm cho chính xác, tránh trường hợp sau khi tuyển dụng rồi mới phát hiện sai sót”, ông Miêng Klơng cho biết.
Theo tuoitre.vn
Chưa tìm ra kinh phí hỗ trợ 500 giáo viên dôi dư sắp mất việc
Tỉnh Đắk Lắk sẽ phải chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk nhưng số tiền khoảng 5 tỉ đồng để giải quyết các chế độ cho người mất việc chưa biết sẽ lấy từ đâu.
Hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiều 9-5, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Sở Nội vụ Đắk Lắk đã trình giải pháp giải quyết số giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk lên UBND tỉnh.
Theo đó từ đầu tháng 3-2018 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng đến nay chủ trương ở trên là phải "chấm dứt hợp đồng với số giáo viên dôi dư theo đúng quy định pháp luật".
Tuy nhiên, qua nhiều lần họp bàn, tỉnh vẫn chưa biết lấy nguồn kinh phí nào để giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên mất việc.
Theo nguồn tin trên, ngày 22-4, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức thi tuyển giáo viên từ bậc mầm non đến THCS tại địa phương này. Có hơn 441 giáo viên đã dự thi để tuyển 83 chỉ tiêu, tuy nhiên đến nay kết quả chỉ có 58 người trúng tuyển.
Đến nay UBND huyện Krông Pắk chưa lọc trong 58 người trúng tuyển có bao nhiều người nằm trong số 370 giáo viên dôi dư "đủ điều kiện dự thi".
"Giáo viên nào thi rớt, theo quy định là phải chấm dứt hợp đồng", nguồn tin này nói.
Đối với 208 giáo viên "không đủ điều kiện thi tuyển", chủ trương là cũng sẽ chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên bằng hình thức thỏa thuận hoặc giáo viên sẽ khởi kiện UBND huyện ra Tòa án nhân dân.
Dù bằng cách nào, nhà nước cũng phải hỗ trợ một khoản kinh phí cho số giáo viên này khi họ mất việc.
Anh Nguyễn Ánh Dương, giáo viên hợp đồng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai nói: "Tôi biết mình sẽ mất việc nhưng yêu cầu UBND huyện phải thực hiện việc hỗ trợ kinh phí thất nghiệp cho các giáo viên đúng quy định, nhanh chóng" - Ảnh: TRUNG TÂN
Như vậy, cùng với số 208 giáo viên hợp đồng "không có vị trí việc làm" và số giáo viên vừa thi rớt (nằm trong số 370 người), toàn huyện hiện nay có khoảng 514 giáo viên phải chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới.
"Một vấn đề rất khó là sau khi chấm dứt hợp đồng với giáo viên, phải hỗ trợ một khoản tiền để họ kiếm công việc khác. Nhưng nguồn kinh phí lấy từ đâu, đến nay chúng tôi hoàn toàn bế tắc", nguồn tin này nói.
Cụ thể, theo tính toán, khoản kinh phí để hỗ trợ cho 514 giáo viên mất việc sắp tới là từ 4-5 tỉ đồng. "Số tiền này không lớn nhưng theo quy định về sử dụng ngân sách, chúng tôi vẫn chưa biết lấy nguồn nào để chi trả", vị này thừa nhận.
Không thể trích kinh phí để giải quyết hậu quả do cán bộ, lãnh đạo làm sai. Hiện nay rất bí vì trước đến nay chưa có tiền lệ. Nếu trình HĐND tỉnh để ra nghị quyết để lấy tiền chi trả thì càng khó hơn.
Nguồn tin Tuổi Trẻ Online nói
Như Tuổi Trẻ Online nhiều lần thông tin, chiều 9-3-2018, UBND huyện Krông Pắk thông báo có 208 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng vì "không đủ điều kiện xét tuyển". Trước thông tin này, hàng trăm giáo viên đã rất hoang mang, kéo lên UBND huyện cầu cứu.
Sau đó 2 ngày, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phải tạm đình chỉ quyết định trên của UBND huyện Krông Pắk để tìm giải pháp thích hợp hơn.
Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã ra các quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015; khiến trách các ông Nguyễn Thành Dũng - bí thư, Y Suôn Byă - chủ tịch đương nhiệm liên quan đến việc tuyển dôi dư nêu trên.
Công an huyện Krông Pắk cũng đã khởi tố một hiệu trưởng, thụ lý điều tra dấu hiệu hình sự một hiệu trưởng khác về hành vi nhận hàng trăm triệu đồng chạy việc...
Theo tuoitre.vn
Vụ biến động điểm sau phúc khảo thi tuyển GV: Rút bài thi về Sở Nội vụ chấm lại Những bài thi biến động điểm sau phúc khảo làm thay đổi danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển trong kỳ thi tuyển giáo viên tại 10 huyện của tỉnh Quảng Ngãi đã được mang về Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi để tổ chức chấm lại. Thông tin với phóng viên Dân trí, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi,...