Theo chuyến xe tốc hành cấp cứu F0: ‘Người nhà bình tĩnh, chúng tôi tới ngay’
Người nhà trước tiên bình tĩnh, tháo dây thở mũi thay vào ống thở chụp, tăng mức oxy mạnh hơn thêm 10%, cho bệnh nhân hít sâu vào thở đều.
Chúng tôi sẽ đến ngay, Hoàng hướng dẫn qua điện thoại, rồi cùng tài xế vội vàng mặc đồ bảo hộ lao đi.
10h20. Tại điểm tập kết xe taxi Mai Linh được chuyển đổi thành xe cứu thương khu vực Trường tiểu học Lê Quang Định (huyện Nhà Bè, TP.HCM), nhân viên y tế Nguyễn Minh Hoàng (sinh viên Y6 Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch) nhận cuộc gọi từ tổng đài 115 cấp cứu một bệnh nhân nữ F0 đang có dấu hiệu nặng, khó thở và số điện thoại…
Tài xế Nguyễn Đức Dũng hối hả ôm bình oxy, dụng cụ đo oxy và các thứ cần thiết sơ cứu ban đầu. Lấy đồ bảo hộ sẵn sàng, vài thứ dụng cụ cần thiết theo xe. Cùng lúc, Hoàng thực hiện công tác tư vấn và đánh giá mức độ bệnh nhân F0.
Rất nhanh, những câu hỏi được đưa ra: Bệnh nhân tên gì? Tuổi? Có bệnh nền không? Bệnh nhân có còn tỉnh táo, mức oxy đo được bao nhiêu?…
Sau khi nhận được đầy đủ thông tin, Hoàng tư vấn: “Người nhà trước tiên hãy bình tĩnh, tháo dây thở mũi thay vào ống thở chụp, tăng mức oxy mạnh hơn thêm 10%, cho bệnh nhân hít sâu vào thở đều. Chúng tôi sẽ đến ngay”.
Gác máy, Hoàng đánh giá bệnh nhân ở mức độ bệnh tầng 3. Bắt đầu những cuộc gọi tìm bệnh viện. “Alô… Điểm cấp cứu taxi có bệnh nhân trở nặng cần nhập viện”. “Bệnh viện tiếp nhận cuộc gọi và sắp xếp. Chờ chúng tôi gọi lại”, bên kia trả lời.
Nhưng bệnh nhân không thể chờ. Hoàng tiếp tục gọi chỗ khác. Đến cuộc gọi thứ ba, Bệnh viện dã chiến số 6 (TP Thủ Đức) đồng ý đưa bệnh nhân đến gấp. Buông máy xuống, tài xế cũng vừa chuẩn bị xong. Chuyến xe cấp cứu F0 tốc hành lăn bánh.
10h51. Xe lao nhanh trên đường. Điểm đến là khu vực Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Anh Hoàng lại tiếp tục liên lạc lấy địa chỉ cụ thể, tìm đường vào dễ nhất, nhanh nhất, đặc điểm nhận dạng con hẻm… Cuối cùng thì thông tin đã rõ: đường Nguyễn Thị Hương, hết đường có hẻm nhỏ, chạy thẳng vào nhà có cây bông giấy, kế bên có con hẻm là tới.
11h10, xe cấp cứu có mặt tại đầu hẻm nhà F0. Rất nhanh, Hoàng cầm bộ dụng cụ sơ cấp cứu, chạy về phía nhà F0 cách khoảng 30m. Tài xế Dũng lùi xe sát nhà, rồi ôm bình oxy chạy thẳng lên lầu.
F0 đang thở hơi lên như đớp oxy. Hoàng nhanh tay đo oxy, huyết áp bệnh nhân. “Cô bình tĩnh. Cô nghe con, hít thật sâu, thở đều. Cứ vậy, cứ vậy… Có tụi con đây. Cô yên tâm”.
Hoàng yêu cầu mở toàn bộ cửa thông thoáng. Oxy trong máu bệnh nhân từ dưới 80 tăng dần tăng dần lên 86, rồi 87%. Tài xế Dũng thay bình oxy, gắn ống, mở van theo yêu cầu của Hoàng, chính xác từng giây.
Hoàng tâm sự: “Sau hơn ba tuần trực cấp cứu, mới thấy tâm lý bệnh nhân và người nhà là rất quan trọng. Khi mất bình tĩnh, bệnh nhân vốn khó thở càng thêm nguy cơ tử vong. Do vậy cuộc gọi đầu tiên của chúng tôi là liều thuốc tâm lý, qua đó đánh giá tình hình ban đầu nhằm trấn an giữ ổn định.
Sau khi nhân viên y tế có mặt tại nhà, hầu hết các bệnh nhân bình tĩnh hơn, nhịp thở đều dần và thêm hỗ trợ oxy, lúc đó có thể xử lý dễ dàng. Đây là khâu có thể giảm nguy cơ tử vong rất lớn đối với người bệnh COVID-19″.
Video đang HOT
Hơn 30 phút sơ cứu, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, bước đi theo người dìu. Nhưng cầu thang hẹp chỉ lọt một người, Hoàng ghé lưng cõng bệnh nhân xuống. Tài xế Dũng vác bình oxy đi sau để giữ ổn định đường truyền cung cấp oxy cho bệnh nhân.
11h40, hai chú cháu đưa được bệnh nhân ra xe để đến bệnh viện. Trên đường đi, Hoàng luôn kiểm tra tỉ lệ oxy trong máu, trấn an và điều chỉnh bình oxy đúng với thể trạng và sức khỏe bệnh nhân…
Nhiều chốt chặn đã ưu tiên mở sẵn cho xe qua trạm. Đúng 12h, xe đưa được bệnh nhân nhập Bệnh viện dã chiến số 6 trong tình trạng sức khỏe ổn định, chờ bác sĩ theo dõi điều trị.
Tài xế Dũng và Hoàng thở phào nhẹ nhõm sau khi bàn giao hồ sơ tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
“Nhanh, có mặt kịp thời, đánh giá sức khỏe là những yếu tố then chốt của một chuyến xe cấp cứu F0 tốc hành. Dù nhân viên y tế chưa phải là bác sĩ nhưng đều là sinh viên tình nguyện năm cuối chuẩn bị ra trường cũng giúp bệnh nhân yên tâm, giảm căng thẳng và từ đó giảm tử vong”, anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Đức Dũng, xe taxi chuyển đổi thành xe cấp cứu được trang bị 3 bình oxy và dụng cụ y tế sơ cứu. Có 5 trạm, 7 xe phủ toàn địa bàn huyện Nhà Bè. Đi kèm mỗi xe là 1-2 nhân viên y tế, hầu hết là sinh viên ngành y năm thứ 5-6 chuẩn bị ra trường do Sở Y tế TP.HCM điều động.
“Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, các em bị sốc khi người nhà nạn nhân thông báo quá trễ đến nơi thì nạn nhân tử vong. Nhưng với tuổi trẻ nhiệt huyết sau hàng trăm chuyến xe cấp cứu, các em đã có nhiều kinh nghiệm đánh giá đúng tình trạng bệnh nhân để chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời. Dù công việc quá sức nhưng chỉ cần có cuộc gọi từ tổng đài 115 là bao nhiêu mệt mỏi tan biến, chúng tôi lại sẵn sàng đến nơi cứu người bệnh”.
Hoàng nhận cuộc gọi và xử lý thông tin – Ảnh: TỰ TRUNG
Vội vã mặc đồ bảo hộ lên đường – Ảnh: TỰ TRUNG
“Cô bình tĩnh. Cô nghe con, hít thật sâu, thở đều. Cứ vậy, cứ vậy… Có tụi con đây. Cô yên tâm” – Ảnh: TỰ TRUNG
Sau khi sơ cứu, Hoàng cõng bệnh nhân xuống lầu – Ảnh: TỰ TRUNG
Trên xe, Hoàng liên tục kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân – Ảnh: TỰ TRUNG
Tài xế Dũng tập trung cao độ trên đường để đưa bệnh nhân đến viện nhanh nhất và an toàn – Ảnh: TỰ TRUNG
Xe đến Bệnh viện dã chiến, bệnh nhân được các nhân viên y tế tiếp nhận và đưa vào phòng điều trị – Ảnh: TỰ TRUNG
Bệnh nhân được các nhân viên y tế kiểm tra trong phòng điều trị ở Bệnh viện dã chiến – Ảnh: TỰ TRUNG
Tài xế Hoàng phun khử khuẩn xe sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” – Ảnh: TỰ TRUNG
Hết dịch anh sẽ tặng em chiếc váy cô dâu
Ngày thứ 13 ở tâm dịch, kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Đình Hoàng dành hết chuyên môn và tâm sức cho từng mẫu xét nghiệm.
Ít ai biết, anh và người vợ chỉ mới đăng ký kết hôn được 10 ngày. Tất cả riêng tư tạm gác lại, anh xung phong vào TP.HCM chống dịch.
Anh Nguyễn Đình Hoàng (SN 1987) là một trong 55 nhân viên y tế mà tỉnh Phú Thọ cử vào TP.HCM chi viện. Anh cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại BV Hồi sức COVID-19 (BV Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức) - nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
Tạm gác hạnh phúc riêng
Ở BV Hồi sức COVID-19, giờ nghỉ trưa, anh Hoàng ngồi trên chiếc ghế đá tranh thủ gọi điện thoại về nhà. Rất nhanh, chị Lê Thị Thanh Tâm đã nghe máy, giọng đầy quan tâm. Anh luôn cười, nói "ở đây anh ổn". Chị vẫn cứ nhắc nhở "làm việc xong anh cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khoẻ... mong sớm hết dịch để anh về". Anh mỉm cười, tiếp tục truyền về hậu phương những nhung nhớ và niềm tin.
Nói chuyện qua điện thoại cùng vợ, anh Nguyễn Đình Hoàng bảo "dù xa mà gần". Ảnh: H.T
Anh Hoàng cho hay, anh là kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm của BV Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Trong 55 nhân viên y tế của tỉnh Phú Thọ chi viện vào TP.HCM thì BV Hùng Vương có 3 người, gồm 1 bác sĩ hồi sức, 1 điều dưỡng và anh, còn lại 52 nhân sự của Sở Y tế.
Những ngày đầu đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát ở một số tỉnh thành, anh và nhiều đồng nghiệp đã ghi danh tình nguyện vào các tâm dịch. Chuyến chi viện đến Bắc Giang anh Hoàng bị lỗi hẹn bởi thời điểm đó ngành y tế Bắc Giang cần nhiều điều dưỡng. Anh nhường suất lại cho các đồng nghiệp điều dưỡng lên đường. Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM, lần này anh quyết tâm không để mình đứng ngoài cuộc, tiếp tục đăng ký xung phong.
Ngày được thông báo lịch lên đường vào TP.HCM, cả 2 vợ chồng anh vừa ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn, bút mực còn chưa ráo. Anh nhẩm tính, nói "hôm lên đường, 2 vợ chồng son mới sống chung với nhau được 10 ngày". Phải tạm gác lại hạnh phúc riêng, thế nhưng may mắn là thời điểm chia tay không có nước mắt, cũng không níu kéo để anh phải xao lòng. Ngược lại, chị Lê Thị Thanh Tâm và gia đình hai bên nội ngoại đều ủng hộ anh lên đường làm nhiệm vụ. Ở nhà, họ sẽ là hậu phương vững chắc của anh.
Mọi sự chung sức lúc này đều rất đáng quý
Ngày 14/7, đoàn Phú Thọ vào đến TP.HCM, chia ra từng mũi nhọn hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn. Anh Hoàng và một số đồng nghiệp được phân công tới BV Hồi sức COVID-19, nơi tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Là kỹ thuật viên xét nghiệm, hàng ngày anh trực chiến trong phòng lab trực tiếp tách chiết chạy xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Dù không vào các phòng điều trị nhưng cập nhật tin tức mỗi ngày và trực tiếp chứng kiến các đồng nghiệp khối điều trị quay cuồng trong khối công việc, anh có thể hiểu rõ cuộc chiến này thật sự cam go.
Anh Nguyễn Đình Hoàng vừa rời khỏi phòng lab. Ảnh: H.T
Đối với nhiệm vụ chạy mẫu, để đảm bảo được khối lượng công việc, anh và các đồng nghiệp chia thành 2 ca, 3 kíp. Mỗi ca kéo dài 12 giờ đồng hồ (ca ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, ca đêm 6 giờ tối đến 6 giờ sáng). Các ca trực sẽ được luân phiên mỗi ngày để đảm bảo giữ sức bền trong cuộc chiến này.
Đời người hẳn đã từng đưa ra nhiều quyết định ở những cột mốc đáng nhớ, có thể đúng hoặc sai. Khi được hỏi "anh có hối hận khi quyết định rời xa tổ ấm để xung phong vào tâm dịch". Anh cười, nói: "Hết ca trực thì nhớ vợ, nhớ gia đình nhưng có thể gọi điện thoại về trò chuyện, dù xa mà gần. Còn ngày đó (ngày 14/7 đoàn lên đường chi viện vào TP.HCM- PV), nếu không lên đường, có lẽ cả cuộc đời tôi phải sống trong ân hận vì phủi đi trách nhiệm. Hiện giờ mọi sự chung sức lúc này đều rất đáng quý. Tôi tin tưởng vào quyết định của mình".
Vợ chồng anh Hoàng chị Tâm vừa chỉ đăng ký kết hôn. Đám cưới chưa được tổ chức. Những ngày ở TP.HCM, anh và đồng nghiệp gồng mình, nỗ lực. Anh luôn nhắc vợ: "Hết dịch anh sẽ tặng em chiếc váy cô dâu". Một đám cưới muộn nhưng trọn vẹn hạnh phúc riêng trong hạnh phúc chung của xã hội.
Đạp đổ bàn lấy mẫu xét nghiệm: Ai cũng sợ và ích kỷ thì mọi thứ sẽ ra sao? "Không thể viện lẽ bất cứ lý do gì để thông cảm với hành động như vậy nhất là đối với những anh em lực lượng y tế đang bỏ tất cả tâm sức hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình mình ra phục vụ cộng đồng". Mới đây một clip có nội dung người đàn ông nổi nóng đạp đổ bàn...