Thêm nhiều trường đại học tăng mạnh học phí
Mới đây, Trường Đại học Luật Hà Nội đã ra thông báo tăng học phí gấp đôi đối với hệ đại trà cho năm học 2022-2023.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tăng học phí từ mức 9,8 lên 12 triệu đồng/năm.
Cụ thể, trong đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Luật Hà Nội, mức học phí với sinh viên hệ chính quy lớp/khóa tuyển sinh từ năm học 2022-2023 là 572 nghìn đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1,605 triệu đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao.
Trước đó, trong năm học 2021-2022, mức thu đối với hệ đại trà là 280 nghìn đồng/tín chỉ và 990 nghìn đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao. Như vậy, học phí của Trường Đại học Luật Hà Nội đã tăng gấp đôi với hệ đại trà, trong khi học phí của hệ chất lượng cao tăng 62%.
Mức thu học phí của Trường Đại học Luật Hà Nội từ năm học 2022-2023
Tuy nhiên, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng điều chỉnh học phí đối với các khóa tuyển sinh trước năm học 2022-2023. Cụ thể, đối với các lớp/khóa tuyển sinh từ năm học 2019-2020, mức thu học phí là 438.000 đồng/tín chỉ; các lớp/khóa tuyển sinh từ năm học 2019-2020 là 426.000 đồng/tín chỉ; các lớp/khóa từ năm học 2021-2022 là 429.000 đồng/tín chỉ. Phương thức thu đều là thu theo số tín chỉ mà sinh viên đã đăng kí trong kì.
Học phí của Trường Đại học Luật Hà Nội với sinh viên các khóa
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng vừa tăng học phí theo quy định chung. Theo đề án tuyển sinh năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội, học phí dự kiến với sinh viên chính quy các chương trình đào tạo chuẩn từ 12-24,5 triệu đồng/năm và từ 30-60 triệu đồng/năm với các chương trình đào tạo đặc thù, chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Trong khi đó, năm học 2021-2022 có mức học phí rơi vào khoảng 9,8 – 14,3 triệu đồng/ năm/ sinh viên.
Video đang HOT
Trường Đại học Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong ba năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng mỗi năm. Đối với sinh viên đại học chính quy ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao, mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 là 98 triệu đồng/sinh viên/ khóa học (tương ứng 2,45 triệu đồng/tháng; 770 nghìn đồng/tín chỉ).
Mức học phí theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022
Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa đã ra quyết định về việc quy định, định mức học phí đào tạo đại học, sau đại học năm học 2022-2023. Cụ thể, học phí Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2022-2023 đối với các chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao có mức học phí cao nhất là 715 nghìn đồng/tín chỉ, cao hơn mức cũ 315 nghìn đồng là 2,26 lần.
Học sinh, phụ huynh lo lắng khi học phí tăng cao
Nhiều trường đại học nâng mạnh mức học phí, khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.
Nhiều phụ huynh có con em định thi tuyển các trường đại học tỏ ra lo lắng và bất an trước việc học phí trong năm học mới có thể tăng mạnh.
Để khắc phục điều này, nhiều thí sinh trước khi thi vào trường cũng đặt mục tiêu phải đạt học bổng, hoặc đi làm thêm để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt.
Phụ huynh lo lắng, học sinh thở dài
Anh Tuấn Hải (Mỹ Đức, Hà Nội) đang làm công nhân tại một xưởng sản xuất đồ gỗ trên địa bàn Huyện. Vợ anh là thợ may tại nhà. Tổng mức thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khoảng 13 triệu, đang nuôi hai con học lớp 10 và lớp 12.
Những ngày qua, hay tin nhiều trường đại học tăng mạnh mức học phí các hệ đào tạo, anh chị chưa biết xoay xở ra sao, khi bé thứ hai sắp tới thi THPT Quốc gia.
"Tôi mới đi làm lại được vài tháng do doanh nghiệp tạm ngưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với gia đình thu nhập thấp như chúng tôi, việc tăng học phí gây ra nhiều khó khăn", anh Hải chia sẻ.
Đối với người hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ như hai vợ chồng chị Kim Anh tại Hà Nội cho biết, năm nay con chị dự kiến thi vào trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội . Theo chị tìm hiểu, với mức học phí trong năm 2022-2023 là 42 triệu đồng, đến năm 2026 có thể lên tới 48 triệu đồng.
Cùng với đó, bé thứ hai đang học lớp 11. Trung bình, trong năm học không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chị Kim Anh phải đóng gần 3 triệu bậc THPT hệ công lập.
Ngoài ra, hàng tháng, chị phải đóng nhiều các khoản học phí như tiền học thêm tiếng Anh, Toán chi phí rơi vào khoảng hơn 2,5 triệu/tháng, chỉ riêng với tiền học thêm của con.
Mọi chi phí như nhà thuê, điện nước, giá xăng, lương thực thực phẩm cũng tăng theo khiến vợ chồng chị Kim Anh lo lắng.
Dự định thi vào khoa Ngôn ngữ Hàn, Đại học Hà Nội, Linh Chi (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết đã tìm hiểu về học phí của trường và cảm thấy phân vân.
Theo Chi, học phí khóa mới tăng khá cao, nếu may mắn thi đỗ vào trường, Chi phải cố gắng giành học bổng để giảm bớt gánh nặng học phí cho gia đình. Hoặc sắp tới, cô sẽ cân nhắc lựa chọn vào những trường có nhóm ngành ngôn ngữ nhưng học phí thấp hơn.
Linh Chi cân nhắc lựa chọn vào những trường có nhóm ngành ngôn ngữ nhưng học phí thấp hơn. Ảnh: NVCC.
Tương tự, Ngọc Mai (Hưng Yên) dự định thi vào trường Học viện Báo chí và tuyên truyền. Theo Mai tìm hiểu, học phí đối với hệ đại trà của trường trong năm 2022 gấp hơn 1,5 lần so với các năm học trước. Việc này khiến cô trăn trở.
"Với mức học phí tăng lên chóng mặt như vậy. Mình nghĩ nếu kết hợp đi làm thêm cũng chỉ đủ đóng tiền trọ và học phí. Các khoản sinh hoạt khác ở trường chắc vẫn phải xin thêm bố mẹ", Tú thở dài.
Phụ huynh trăn trở, nghĩ nhiều cách để trang trải tiền học phí
Chị Kim Anh cho biết dù ở thành phố lớn nhưng không phải ai cũng có điều kiện nuôi con ăn học. Xung quanh khu vực chị sinh sống, rất nhiều học sinh, sinh viên cũng phải nghỉ học nửa chừng do điều kiện kinh tế khó khăn.
Với anh Hải, việc học phí tăng, gia đình anh đã phải nghĩ cách tăng thời gian lao động để có thêm tiền trang trải, lo cho con.
"Chẳng ai muốn con mình thất học, không nghề nghiệp. Nhưng với mức học phí ngày càng lên cao như vậy. Chúng tôi rất khó khăn để đáp ứng được hết nhu cầu học tập, sinh hoạt của các con", anh Hải nói.
Tương tự, Ngọc Mai cũng lo lắng bởi gia đình cô cũng thuộc diện khó khăn. Cô cũng suy nghĩ sẽ phải tìm một công việc để làm thêm, ví dụ như phục vụ quán cafe, hay các công việc về sáng tạo nội dung để giảm nỗi lo về chi phí sinh hoạt, học tập.
Cô cũng cho rằng việc tăng học phí không chỉ gây áp lực tài chính tới gia đình, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của cô và những bạn học sinh khác.
"Mình nghĩ việc tăng học phí sẽ khiến một số bạn từ bỏ ước mơ vào giảng đường do điều kiện khó khăn. Mình hy vọng chính quyền, địa phương sẽ có những phương án miễn giảm, hỗ trợ học phí cho các học sinh khó khăn", Mai chia sẻ.
Đồng quan điểm với Ngọc Mai, Linh Chi cũng cho rằng thông tin học phí tăng khiến cô "rụt rè" hơn trong việc lựa chọn môi trường và ngành học mình yêu thích. Sắp tới, các thí sinh sẽ tiến hành đăng ký nguyện vọng dự thi, điều này càng khiến cô phải cân nhắc lựa chọn.
Học phí nhiều trường đại học tăng mạnh từ năm 2022 Mức học phí dự kiến của nhiều đại học tăng cao so với năm học trước, đặc biệt các trường khối ngành y dược. Một số trường có mức tăng hơn 40%. Ngành Y dược hiện nay có học phí tăng cao nhất so với các ngành nghề khác. Đề án của khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM công bố mức thu học...