Thêm một lô trái phiếu ‘lạ’ của TPBank
Từ cuối tháng 11/2019 đến nay, TPBank đã liên tục phát hành 17 lô trái phiếu có lãi suất cao lên tới 9,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa có báo cáo kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, vào ngày 9/4/2020, TPBank đã phát hành lô trái phiếu đợt 3 có tổng giá trị 236 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm thông qua phương thức bán trực tiếp cho nhà đầu tư.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và mức lãi suất áp dụng cho kỳ đầu tiên là 9,5%/năm, các kỳ tiếp theo sẽ bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,6%/năm. Trong đó, tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu này chính là TPBank. Danh sách trái chủ không được công bố, chỉ được đề cập là “nhà đầu tư trong nước”.
Cùng ngày, TPBank đã hủy phát hành lô trái phiếu khác có kỳ hạn 10 năm, đáng chú ý, lô trái phiếu này cũng có mức lãi suất rất cao là 9,6%/năm cho kỳ đầu tiên.
Video đang HOT
Mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng phát hành cùng khoảng thời gian, đơn cử như Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank). Cụ thể, ngày 13/4/2020, HDBank đã phát hành 2 lô trái phiếu giá trị 450 tỷ đồng và 650 tỷ đồng, mức lãi suất được áp dụng lần lượt là 6%/năm, 6,3%/năm.
Bảng thống kê 9 đợt phát hành từ cuối tháng 11/2019 đến nay của TPBank.
Đây không phải lần đầu TPBank phát hành trái phiếu với lãi suất cao đột biến như này, mà theo dữ liệu, từ cuối tháng 11/2019 đến nay nhà băng này đã phát hành tổng cộng 17 lô trái phiếu trong 9 đợt phát hành, trong đó 8 lô TPBank chủ động huỷ, đều có kỳ hạn 10 năm và lãi suất 9,6%/năm đầu.
Còn 9 lô còn lại, 1 lô duy nhất có kỳ hạn 10 năm với giá trị 34 tỷ đồng được nhà đầu tư tổ chức mua, còn 8 lô có kỳ hạn 7 năm, cùng lãi suất 9,5%/ năm đầu và được nhà đầu tư cá nhân mua trọn.
Điểm chung của các lô trái phiếu này là mặc dù lãi suất cho kỳ đầu tiên rất cao nhưng các kỳ tiếp theo lại bằng mức tham chiếu cộng biên độ 2,6%, là thấp hơn khá nhiều so với so với mặt bằng chung hiện nay (biên độ từ 3-4%). Do vậy, một giả thiết là TPBank đang “khát” vốn dài hạn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính.
Giả thiết này không phải là không có cơ sở khi nhu cầu tín dụng của TPBank có dấu hiệu tăng lên đáng kể. Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán, dư nợ tín dụng của TPBank tăng 24% trong năm 2019, trong khi huy động tăng với tốc độ thấp hơn (21,4%).
Kết quả là tỷ lệ tín dụng trên huy động tăng từ 100% lên 102%. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay dài hạn tăng thêm 10.000 tỷ đồng trong năm và chiếm non nửa số dư tín dụng vào cuối năm.
Khánh An
Chứng khoán Tiên Phong (ORS) sắp phát hành tiếp cổ phiếu cho TPBank
Sau khi "sang tên đổi chủ", Chứng khoán Tiên Phong liên tục tăng vốn. Công ty vừa nhận đủ hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho TPBank.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (mã chứng khoán ORS-tên viết tắt TPS) vừa thông báo công văn của UBCKNN về việc đã nhận đầy đủ hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Theo đó, ORS sẽ chào bán 3,96 triệu cổ phần với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Tổng giá trị chào bán cổ phiếu theo giá phát hành là 39,6 tỷ đồng.
Theo thông tin chúng tôi đã đưa trước đó, sau khi phát hành riêng lẻ tăng vốn từ 240 tỷ lên 400 tỷ bằng cách phát hành 16 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân, chứng khoán Phương Đông bất ngờ đổi tên và nhận diện thương hiệu, đáng chú ý logo của doanh nghiệp này thuộc bộ logo của Ngân hàng Tiên Phong.
Cụ thể là vào ngày 18/4 năm 2019, ORS đã nhận được giấy phép của UBCK điều chỉnh giấy phép thành lập đổi tên thành CTCP Chứng khoán Tiên Phong, tên viết tắt là TPS, tên giao dịch là TP Securites với vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Ngày 26/4 HĐQT Chứng khoán Tiên Phong đã đổi logo, mang bộ thương hiệu tím cam đặc trưng của TPBank đồng thời bầu ông Đỗ Anh Tú (thành viên HĐQT) giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPS nhiệm kì 2016-2021.
Tại đại hội cổ đông hồi tháng 4 năm 2019, ORS cũng đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ lên 500 tỷ.
Phương Chi
Theo Nhịp sống kinh tế
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19 Với dư nợ cho vay đến nay đạt 546.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội chấp nhận giảm lợi nhuận để nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19. Cùng với các chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội..., các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ đã đến...