Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: Có cần thiết? Kỳ cuối: Chớ làm cảm tính
Với việc Bộ GDĐT quyết định đưa hai ngôn ngữ Hàn, Đức vào chương trình bắt buộc giáo dục phổ thông hệ 10 năm (ngoại ngữ 1), dư luận không khỏi băn khoăn về tính thiết thực, sự cần thiết của hai ngoại ngữ này.
Nếu cơ quan quản lý không thể chứng minh được sự hữu ích khi học hai ngôn ngữ này thì khó mà thuyết phục được xã hội.
Ảnh minh họa.
Tất nhiên, nói cho đến cùng thì cái sự học chẳng bao giờ là thừa, là đủ cả. Học nữa, học mãi, thậm chí càng học càng thấy dốt nên cần phải trau dồi càng nhiều kiến thức càng tốt. Song, điều đó không có nghĩa là cơ quan quản lý giáo dục, mà ở đây là Bộ GDĐT có thể dễ dàng đưa ra quyết định khi chưa đủ cứ liệu khoa học, trải nghiệm thực tiễn.
Dù đã cho dạy thử nghiệm hai loại ngôn ngữ Hàn và Đức theo hình thức lựa chọn (ngoại ngữ 2), nhưng tới thời điểm này Bộ GDĐT chưa hề công bố kết quả sơ kết, tổng kết về tính thiết thực, sự hữu ích của hai loại ngôn ngữ này, để có căn cứ quyết định đưa chúng trở thành ngoại ngữ 1 bắt buộc. Vậy quyết định trên dựa vào cơ sở nào?
Để lý giải cho việc đưa hai ngôn ngữ Hàn và Đức trở thành ngoại ngữ 1, Bộ GDĐT khẳng định qua quá trình dạy và học thí điểm, các học sinh đón nhận hết sức hào hứng, tham gia học nhiều, rất khả quan. Đó chỉ là lời giải thích phiến diện, chứ chưa hề có con số thống kê cụ thể từ một cuộc khảo sát nghiêm túc do tổ chức hay đơn vị nào thực hiện.
Hiện, trong các môn ngoại ngữ 1, chỉ có tiếng Anh là phổ biến, được triển khai dạy và học tại hầu hết các trường phổ thông. Còn lại những ngoại ngữ khác như Pháp, Nga, Nhật… thì cũng chưa thể phổ biến (nếu không muốn nói là rất ít) dạy trong các trường phổ thông. Vậy thì cớ sao lại phải “cố gắng” đưa thêm hai ngôn ngữ Hàn, Đức vào làm gì?
Video đang HOT
Dù Bộ GDĐT có đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào thành ngoại ngữ 1, nhưng nếu các trường phổ thông trên toàn quốc không muốn, hoặc không thể triển khai dạy và học thì quyết định đó cũng chỉ nằm ở trên giấy. Biết là rất khó triển khai trên diện rộng toàn quốc (bởi nhiều lý do) còn cố đưa ra một quyết định “cứng” như vậy để làm gì?
Nói là hầu hết các trường phổ thông trên toàn quốc (trừ hai địa phương lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) khó có thể triển khai dạy và học hai ngôn ngữ Hàn và Đức là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, để triển khai dạy và học những ngoại ngữ này, điều kiện cần và đủ là phải có giáo viên tiếng Hàn, tiếng Đức đạt chuẩn, cùng với đó là cơ sở vật chất đi kèm.
Cứ cho là việc tuyển giáo viên các ngoại ngữ trên đơn giản, dễ dàng, các trường cũng sẵn sàng nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất dạy và học. Cứ cho là nhiều học sinh sẽ đăng ký học hai ngoại ngữ này, vì văn hóa Hàn Quốc cũng đang hấp dẫn giới trẻ, khiến giới trẻ bị choáng ngợp. Song, ngay cả như vậy thì Bộ GDĐT cũng phải tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả khi triển khai dạy và học hai ngoại ngữ này.
Nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo, chỉ đưa ra quyết định theo cảm tính, rất có thể sẽ là sai lầm dẫn đến lãng phí nguồn lực. Một chuyên gia giáo dục đã đưa ra cảnh báo rằng, nhiều học sinh hiện đang “mê” các sao Hàn Quốc nên sẽ rất hào hứng đăng ký học ngoại ngữ này. Nhưng khi lớn lên các em không thể sử dụng ngôn ngữ này để làm việc, trong khi lại không có ngôn ngữ phổ thông là tiếng Anh thì sẽ rất khổ.
Đó là chưa kể đến việc thiếu đồng bộ giữa các cấp học, giữa các trường. Chẳng hạn như một học sinh đang học tiếng Hàn hoặc tiếng Đức, nhưng vì lý do bất khả kháng nào đó phải chuyển sang trường mới mà ở đó không có loại ngoại ngữ trên, các em sẽ phải học lại từ đầu ngoại ngữ khác sẽ rất vất vả, không thể theo kịp các bạn cùng lớp, cùng trường.
Hay việc ở cấp THCS các em học tiếng Hàn hay tiếng Đức, nhưng khi lên cấp THPT lại không dạy hai ngoại ngữ này thì các em phải làm sao? Chắc chắn là phải bắt nhịp ngay với ngoại ngữ mới đang được dạy tại trường THPT. Đó không chỉ là sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, mà còn khiến các em học sinh vô cùng khổ sở khi phải làm quen với môn học mới.
Theo cách giải thích của Vụ trường Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành, gọi là ngoại ngữ 1 bắt buộc, nhưng học sinh có quyền lựa chọn có học ngoại ngữ đó hay học ngoại ngữ khác. Nghe đã thấy trúc trắc, và “sai sai” rồi. Vậy thì cớ sao Bộ GDĐT không giữ nguyên đó là các ngoại ngữ 2, cớ sao cứ nhất thiết phải “nâng cấp” chúng trở thành ngoại ngữ 1?
Dư luận xã hội cho rằng, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, liên quan đến nguồn lực con người có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, Bộ GDĐT cần có sự thấu đáo, cẩn trọng trong từng quyết định đưa ra, tránh việc phải sửa sai, thu hồi như đã từng có tiền lệ. Mỗi quyết sách phải dựa trên cứ liệu khoa học, kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, chớ làm theo cảm tính, để rồi lại phải “nói lại cho rõ”.
Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: có cần thiết? - Bài 4: Cần nhưng thiếu tính khả thi
Mở ra một ngoại ngữ mới cho học sinh (HS) là thêm những cơ hội mới để HS thỏa sức, hạn chế dần sự rập khuôn, để giáo dục cùng vận hành với xu hướng của cuộc sống và nhu cầu của xã hội.
Nhưng cùng với đó, phải là sự chuẩn bị sẵn sàng về chương trình, đội ngũ, truyền thông và tư vấn, định hướng đúng đắn đến người học và cả xã hội để mọi sự lựa chọn đều không uổng phí.
Cô giáo Hà Ánh Phượng luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh.
Cân nhắc trước khi chọn
Sau thông tin Bộ GDĐT sẽ đưa tiếng Hàn và Đức vào giảng dạy như ngoại ngữ số 1, lập tức có nhiều ý kiến trái chiều.
Chị Lan Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết con trai chị đã học 4 năm lớp song ngữ Anh - Đức ở trường THCS Đống Đa, Hà Nội. Ban đầu, gia đình khuyến khích con học lớp này vì thấy khả năng học ngoại ngữ của con tương đối tốt. "Con đồng ý với định hướng này và trên thực tế, con học rất chăm chỉ, cố gắng và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, khi lên đến cấp 3, con quyết định không học tiếp lớp song ngữ nữa mà tập trung học tiếng Anh do cảm thấy tại thời điểm này, tiếng Đức chưa có nhiều tính ứng dụng với con, con chưa có dự định đi du học Đức... Dẫu thế, tôi không cho rằng đó là quãng thời gian lãng phí" - vị phụ huynh này nói và bày tỏ sự ủng hộ việc đưa thêm tiếng Hàn, tiếng Đức vào nhà trường.
Cô giáo Tống Quỳnh Hoa (Trường THPT thực nghiệm khoa học giáo dục), cho rằng, lâu nay tiếng Anh phổ cập vậy nhưng việc dạy và học vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn, vậy bây giờ đưa thêm hai thứ tiếng "khó nhằn" vào giảng dạy như ngoại ngữ số 1 thì sẽ như thế nào. Tiếng Hàn không có cùng mẫu chữ latinh, việc đưa thêm tiếng Hàn, Đức vào thành ngoại ngữ 1 e rằng chỉ làm rối thêm cho các bậc phụ huynh trong việc định hướng cho con.
Đơn cử, không ít học sinh chỉ vì mê truyện tranh Nhật Bản nên học lớp chuyên Nhật. Tuy nhiên, sau một thời gian không theo được vì khó. Bởi theo nguyên tắc khó thì đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức trong khi các em còn rất nhiều môn khác phải lo.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng kể cả là ngoại ngữ bắt buộc cũng nên bắt đầu bằng sự yêu thích thì khả năng đạt hiệu quả sẽ cao hơn. Nhưng xét về mặt tâm lý, ở lứa tuổi còn nhỏ, các em dễ thích cũng dễ chán, dễ thay đổi nên vai trò đồng hành của phụ huynh, nhà trường là hết sức quan trọng.
Giáo dục không phải môi trường thí điểm
Ở một góc nhìn khác, ủng hộ việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào giảng dạy trong trường phổ thông, song cô Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, ngoại ngữ rất cần môi trường, cần sự tương tác, sự chuyển hóa từ những gì thầy cô dạy trên lớp để trở thành công cụ,phương tiện phục vụ cho người. Nếu thiếu đi những điều này, việc học ngoại ngữ khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chia sẻ quan điểm này, cô giáo Hà Ánh Phượng (một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020) - Trường THPT Hương Cần, Phú Thọ cho rằng cần xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ, làm sao để tăng được động lực học tập của HS. Khi các em thích học, có đam mê thì sẽ tìm được những cách học khác nhau để tiếp cận môn học qua các kênh khác nhau. Một minh chứng là HS ở vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa hiện có ít lợi thế học ngoại ngữ hơn so với HS ở thành phố.
Theo cô Phượng, cần phải đổi mới kiểm tra, đánh giá môn ngoại ngữ. Để học tốt môn ngoại ngữ, phải đến từ 2 yếu tố giáo viên và học trò. Một tiết học chỉ 45' trên lớp không thể giúp HS hoàn thiện tất cả các kỹ năng nên nếu HS không có ý thức, không có động lực tự học ở nhà thì rất khó để phát triển được. Thầy cô có thể không phải là người xuất sắc nhất nhưng có vai trò hướng dẫn, định hướng các em trên hành trình trau dồi tri thức, rèn luyện những kỹ năng cần thiết giúp ích cho các em vững bước trên đường đời sau này.
Về hệ thống kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ, cô Phượng đề xuất cần mang tính chất toàn diện và sát sao với chương trình học hơn. Hiện thi tốt nghiệp cấp 3 cũng mới dừng chủ yếu ở thi ngữ pháp. Nếu có thể mở rộng ở những kỳ thi mang tính chất cả nước và kiểm tra HS ở cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết để từ đó thúc đẩy việc học ngoại ngữ của HS một cách toàn diện thì sẽ tốt hơn.
Nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ đồng quan điểm, hiện nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ nói chung và đặc biệt là tiếng Anh, ngôn ngữ có thể nói là phổ thông nhất thế giới đang là bài toán đặt ra với ngành giáo dục và toàn xã hội. Trong khi phần lớn HS tốt nghiệp lớp 12 gần như chưa sử dụng thông thạo được tiếng Anh thì việc đưa thêm một ngôn ngữ khác vào cho các em lựa chọn là môn học bắt buộc liệu có khả thi là câu hỏi cần được nghiên cứu, xem xét thấu đáo trước khi đưa vào thực hiện. Giáo dục không thể vừa làm vừa tính bởi ảnh hưởng của một thí điểm sẽ là hàng triệu học sinh.
(Còn nữa)
Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: Có cần thiết? Bài 3: Hãy học tốt một ngoại ngữ đã Đó là quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trước việc tiếng Hàn và Đức dự định được dạy thí điểm như môn ngoại ngữ 1 - môn học bắt buộc ở lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tới đây. GS.TS Phạm...