Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: Có cần thiết? Bài 3: Hãy học tốt một ngoại ngữ đã
Đó là quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trước việc tiếng Hàn và Đức dự định được dạy thí điểm như môn ngoại ngữ 1 – môn học bắt buộc ở lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tới đây.
GS.TS Phạm Tất Dong:
PV: Thưa ông, với quyết định chương trình tiếng Hàn và Đức hệ 10 năm thí điểm, các trường sẽ được lựa chọn một trong 7 thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Đức làm môn Ngoại ngữ 1. Quan điểm của ông về việc này?
GS.TS Phạm Tất Dong: Trước hết phải nói rõ, ở đây Bộ GDĐT cũng như các trường sẽ không bắt buộc học sinh (HS) và gia đình lựa chọn ngoại ngữ nào để học.
Theo tôi biết, như nhiều trường ở Hà Nội hiện đang dạy tiếng Nga, Trung, Pháp, Nhật… khi mở lớp tuyển sinh đều xét tuyển trên tinh thần tự nguyện, gia đình có nguyện vọng viết đơn xin học vào lớp đó thì nhà trường mới xét còn không vẫn học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh như bình thường. Vì vậy, có trường dù mỗi năm đều tuyển sinh 2 lớp song ngữ Anh – Đức nhưng thực tế có năm chỉ mở 1 lớp vì HS đăng ký không đủ.
Phân tích như vậy để thấy, dù sau này tiếng Hàn và Đức có trở thành ngoại ngữ 1, tức là “bắt buộc” thì cũng là trên tinh thần tự nguyện lựa chọn theo nhu cầu của mỗi gia đình.
Nhìn lại trước khi có quyết định này, tiếng Hàn và Đức đã được Bộ GDĐT cho phép dạy thí điểm như ngoại ngữ thứ hai. Tức là HS sẽ vừa học tiếng Anh là môn bắt buộc và có thể lựa chọn thêm tiếng Hàn hay tiếng Đức để học nếu có nhu cầu.
Theo tôi, cách làm này hợp lý hơn. Vì sao? Chúng ta đều biết tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế. Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa số các giao dịch với nước ngoài đều ký kết bằng tiếng Anh nên mức độ phổ biến của ngôn ngữ này mọi người đều rõ.
HS phổ thông sau khi học tiếng Việt bắt đầu làm quen với ngoại ngữ từ lớp 3 là môn học chính thức bắt buộc và nhiều trường còn đưa ngoại ngữ vào thành môn học tự chọn từ lớp 1, lớp 2, thậm chí từ cấp học mầm non. Vậy nên là ngôn ngữ phổ thông và sử dụng rộng khắp, tức là tiếng Anh.
Sau khi đã học tiếng Anh có nền tảng tốt, vững chắc, những gia đình nào có điều kiện, học sinh nào có năng khiếu thì có thể đăng ký học thêm các ngoại ngữ khác tùy theo sở thích, năng lực.
Video đang HOT
Có những học sinh lựa chọn học tiếng Nga, hay tiếng Đức… từ khi học THCS nhưng sau đó đến THPT, đại học hoặc các cấp học sau lại không tiếp tục mà lại quay lại học tiếng Anh. Ông có cho rằng đây là một sự lãng phí?
-Đúng là có thực tế này bởi nhu cầu, sở thích của mỗi người ở mỗi thời điểm là khác nhau. Hôm nay có thể tôi thích học tiếng Hàn, ngày mai lại không thích và từ bỏ, không học nữa thì sẽ tốn thời gian, công sức, tiền của… Chúng ta đưa các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh vào từ quá sớm, lớp 3 hay lớp 6… khi HS ở lứa tuổi còn nhỏ, đa số vẫn chưa xác định được đường hướng tương lai sau này nên việc các em bỏ cuộc giữa chừng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Với ngoại ngữ, khi không học tiếp, không sử dụng nữa, không có môi trường thường xuyên giao lưu, học tập… thì năng lực ngoại ngữ cũng sẽ dần bị kém đi. Nhất là khi các em mới học căn bản, chưa có nền tảng bền vững thì sau một thời gian không sử dụng chắc chắn sẽ quên hết. Lúc này, các em quay lại học tiếng Anh trong khi các bạn khác đã đạt được trình độ nhất định thì các em sẽ phải tăng tốc hơn rất nhiều.
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, học ngoại ngữ nên học càng sớm càng tốt. Với những gia đình có định hướng rõ ràng cho con sau này du học Hàn Quốc hay Đức… thì việc lựa chọn ngôn ngữ này từ sớm để học thì sao thưa ông?
-Nếu có mục tiêu sẵn ngay từ khi bắt đầu việc học, chọn ngôn ngữ này thì quá tốt. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có định hướng rõ ràng như vậy ngay từ khi bắt đầu chọn học ngoại ngữ tiếng Nhật, tiếng Trung…
Nhất là với những gia đình ở nông thôn, ở tỉnh lẻ,… khi HS không có sự tư vấn, định hướng đúng đắn từ gia đình, nhà trường, thầy cô mà chọn học ngoại ngữ theo cảm tính, theo sở thích nhất thời thì việc này sẽ rất nguy hại.
Tôi ví dụ, bây giờ giới trẻ rất thích xem phim Hàn Quốc, thích nghe nhạc Hàn, thần tượng các ca sĩ, diễn viên người Hàn… nên khi nhà trường mở lớp tiếng Hàn, sẽ có những em đăng ký học vì… thần tượng. Nhưng một thời gian nữa, các em thấy tiếng Hàn khó quá trong khi thần tượng đã thay đổi rồi, các em sẽ có suy nghĩ không học tiếp nữa… Nhấn mạnh thêm, tiếng Anh cùng là ngôn ngữ Latinh nên HS sẽ dễ tiếp thu còn với tiếng Hàn, việc học sẽ khó khăn hơn nhiều.
Ông vừa nhắc đến một thực trạng – trào lưu “Hàn Quốc hóa” trong giới trẻ. Thực tế thì ở một số trường tiểu học, khi đưa tiếng Hàn vào giảng dạy, HS rất hưởng ứng. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nếu tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 1, giới trẻ sẽ đổ xô đi học và lo ngại việc xâm lấn văn hóa từ đây. Quan điểm của ông?
- Điều này chưa xảy ra nên chưa thể dự đoán gì nhưng tôi cho rằng đây cũng là một cảnh báo để các nhà quản lý xem xét, cân nhắc. Bởi ở độ tuổi còn nhỏ, các em rất dễ bị ảnh hưởng. Ai cũng hiểu muốn học tốt ngoại ngữ, không chỉ học trên lớp, trong sách vở mà còn phải qua các hình thức khác như phim ảnh, ca nhạc, du lịch…
Tôi cho rằng, vẫn nên giữ tiếng Hàn hay tiếng Đức là ngoại ngữ 2 để HS học thêm nếu thích, còn tiếng Anh vẫn không thể bỏ. Từ thực tế triển khai dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay, có thể thấy rõ ràng, đội ngũ thầy cô giáo đạt chuẩn vẫn là một bài toán lớn.
Những học sinh học tiếng Anh giỏi rất ít em không đi học thêm ngoài nhà trường. Ngành giáo dục nên đầu tư tập trung vào dạy và học thật tốt tiếng Anh rồi hãy cân nhắc đến việc đưa các ngoại ngữ khác vào chương trình học chính khóa bắt buộc.
Và mở đầu, là đội ngũ giáo viên phải thật chuẩn mới hi vọng HS chỉ học tiếng Anh trong nhà trường mà vẫn có thể giao tiếp cơ bản với người nước ngoài thay vì đổ xô đi học thêm như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Còn nữa)
Thêm tiếng Hàn, tiếng Đức vào chương trình phổ thông: Tăng sự lựa chọn cho học sinh
Bộ GD-ĐT vừa có Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.
Theo đó, từ ngày 9-2-2021, tiếng Hàn và tiếng Đức sẽ được giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3-12.
Một giờ học môn Tiếng Anh tại Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu
Hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông trên toàn quốc đang có 5 ngoại ngữ được xem là ngoại ngữ 1 - ngoại ngữ bắt buộc, đó là: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Nhật. Nay Bộ GD-ĐT bổ sung 2 ngoại ngữ nữa là tiếng Hàn và tiếng Đức. Như vậy, đến nay có 7 ngoại ngữ được chính thức giảng dạy trong chương trình phổ thông.
* Nhiều ý kiến trái chiều
Quyết định này của Bộ GD-ĐT đang gây tranh cãi trong giới phụ huynh. Có ý kiến cho rằng, điều đó là rất nên bởi đa dạng các môn ngoại ngữ là thêm cơ hội chọn lựa cho học sinh; còn ý kiến khác lại nói, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, nên tập trung cho học sinh thông thạo ngoại ngữ căn bản này, còn em nào có nhu cầu học thêm ngoại ngữ nào thì sẽ tự trang bị, chỉ cần thông thạo ngoại ngữ cơ bản là tiếng Anh vẫn là chuẩn nhất...
Ông Phạm Văn Thành (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có con đang học lớp 10 tại Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh quyết định này của Bộ GD-ĐT, vì giúp học sinh được lựa chọn và đa dạng hóa môn ngoại ngữ trong trường học. Hiện Việt Nam mở cửa giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới thì học để hiểu tiếng của họ là cần thiết. Điều đó còn giúp ta hiểu hơn về văn hóa của họ cũng là điều hay. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT đã giải thích rõ, đây là sự chọn lựa của học sinh chứ không phải ép buộc. Ngoại ngữ là môn học không thể ép buộc, có yêu thích, học mới tốt".
Là một học sinh đang học lớp 8 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa), em Võ Anh Thư cho hay: "Lâu nay tụi em chỉ được học tiếng Anh, nếu giờ có thêm những ngoại ngữ khác thì rất hay. Dù đã 5 năm học tiếng Anh nhưng em không thích nên học cũng không giỏi. Em thích Hàn Quốc nên đang tự học tiếng Hàn tại một trung tâm ngoại ngữ. Nếu được học trong trường và miễn phí thì quá tốt".
Trong khi đó, bà Trần Thị Liên Hoa (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa), phụ huynh của một học sinh Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) cho rằng: "Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế cơ bản mà thời nào cũng cần. Tiếng Anh hiện được rất nhiều quốc gia đang sử dụng trong học tập, làm việc và giao tiếp. Cho nên chương trình phổ thông chỉ nên tập trung giảng dạy thật tốt môn tiếng Anh để học sinh tốt nghiệp THPT là có thể sử dụng được tiếng Anh cho những giao tiếp thông thường trong học tập và làm việc là được. Còn sau này lên đại học, em nào học ngành gì, đi du học nước nào, thích học ngoại ngữ gì thì tùy nhu cầu. Tổ chức giảng dạy nhiều ngoại ngữ trong một trường sẽ khiến học sinh phân tâm trong lựa chọn".
* Nhiều khó khăn phía trước
Về quyết định đưa thêm 2 ngoại ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình phổ thông, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, đây là một định hướng tốt của ngành GD-ĐT, học sinh sẽ có thêm lựa chọn bên cạnh những ngôn ngữ như: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật.
Hiện nay, ngoại ngữ phổ biến nhất toàn cầu vẫn là tiếng Anh, nhưng nhiều học sinh có nhu cầu du học ở những nước không nói tiếng Anh nên việc chuẩn bị ngôn ngữ là điều rất quan trọng. Đặc biệt là một số ngoại ngữ như tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Nhật là những ngoại ngữ khó, cho học sinh tiếp cận càng sớm, khả năng tiếp thu càng tốt.
Trước nhiều ý kiến trái chiều về quyết định bổ sung tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình giáo dục phổ thông, ông Võ Ngọc Thạch nói thêm, việc đưa các ngoại ngữ mới vào giảng dạy từ bậc phổ thông là rất đúng đắn, phụ huynh không nên lo lắng khi con học những thứ tiếng khác sẽ mất cơ hội học tiếng Anh, mà các em vẫn có quyền chủ động chọn lựa ngoại ngữ theo sở thích cũng như cần thiết cho mình để học, nhà trường không ép buộc. Như vậy, sự bổ sung thêm 2 ngoại ngữ mới vào chương trình học là không gây khó khăn gì cho học sinh. Tuy nhiên, triển khai thế nào mới là vấn đề mà ngành đang lo lắng.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Trịnh Phương Ngọc cho hay, bà hoàn toàn ủng hộ việc đưa thêm tiếng Hàn, tiếng Đức vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Bởi trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, hiện có nhiều doanh nghiệp của nhiều quốc gia đầu tư trên địa bàn, nên biết thêm ngoại ngữ ngoài tiếng Anh là rất cần thiết, hơn nữa nó cũng cho học sinh có nhiều cơ hội chọn lựa ngoại ngữ theo khả năng và sở thích của mình. Tuy nhiên, còn có rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước.
Theo bà Ngọc, trong số giáo viên dạy ngoại ngữ tại Đồng Nai thì giáo viên tiếng Anh khá nhiều; tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật không nhiều nhưng không quá khan hiếm, riêng tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga thì không hề dễ kiếm. Chưa kể, giả sử có đủ nguồn giáo viên giảng dạy thì vẫn còn rất nhiều vấn đề mà Bộ GĐ-ĐT cần lãm rõ khi đưa ra quyết định này. Ví dụ như nguồn nhân lực này lấy từ đâu; hợp đồng, hợp tác giảng dạy thế nào; trách nhiệm này của bộ, của sở hay tự thân các trường; hợp đồng giảng dạy dưới hình thức nào, tăng định suất biên chế hay hợp đồng thời vụ; nguồn trả lương cho các giáo viên này từ đâu; có thu tiền của học sinh hay không; cơ sở, trang thiết bị để dạy ngoại ngữ lấy ở đâu...
"Dạy ngoại ngữ là mục tiêu mang tính dài hơi. Trước những khó khăn trên, trường mong rằng Bộ GD-ĐT đề ra thì cần phải có lộ trình, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến tài liệu học tập và rất nhiều vấn đề phía trước cần giải quyết... Đặc biệt là công tác đào tạo và đáp ứng đủ nguồn nhân lực giảng dạy các ngoại ngữ này cho các trường phổ thông trên cả nước, trong đó có trường chúng tôi" - bà Ngọc nói.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT tuy đã có hiệu lực từ ngày 9-2-2021 nhưng để triển khai còn rất nhiều việc phải chuẩn bị. Trong thời gian chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể, Sở sẽ có những buổi làm việc với phòng GD-ĐT các huyện, thành phố và các trường phổ thông để nghe ý kiến về vấn đề này như thế nào, nhằm cùng nhau tìm ra hướng đi tốt nhất trong việc triển khai quyết định trên của Bộ GD-ĐT.
Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: Có cần thiết? Bài 2: Chỉ triển khai ở những nơi có nhu cầu Những ngày qua, trước băn khoăn về việc tiếng Đức, tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 1, dạy và học bắt buộc trong trường phổ thông, Bộ GDĐT đã đưa ra giải thích cụ thể. Học sinh tiểu học tại Hà Nội trong giờ học tiếng Anh. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết: Đây...