Thế nào là ăn uống hợp lý?
Nguồn thực phẩm rất đa dạng, phong phú do đó cần phải biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm một cách khoa học để tốt cho sức khỏe.
Để chọn được một chế độ ăn hợp lý cần phải biết được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể (bổ sung hoặc hạn chế chất gì) và kiến thức về các loại thực phẩm để có được sự lựa chọn phù hợp. Thực phẩm càng đa dạng (đủ các nhóm và nhiều loại trong cùng nhóm) càng dễ đáp ứng nhu cầu.
Nhu cầu dinh dưỡng chịu ảnh hưởng của tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, bệnh lý và mức độ hoạt động thể lực. Trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi), phụ nữ mang thai và cho con bú, vị thành niên, người cao tuổi có những nhu cầu đặc biệt về dinh dưỡng (đa lượng và vi lượng), do đó cần phải quan tâm và có hướng dẫn đặc thù để đáp ứng.
Xu thế của thời đại với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng (thừa cân-béo phì, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, tăng huyết áp, gout…), việc lựa chọn thực phẩm thông minh để đảm bảo đa dạng nhưng tránh được các yếu tố nguy cơ lại càng trở nên quan trọng.
Lạm dụng thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường…
Ăn uống ngày nay gắn liền với ảnh hưởng của toàn cầu hóa, các vấn đề về văn hóa, du lịch… Ăn uống trở thành các sự kiện xã giao, người ta có thể nghĩ ra trăm ngàn cớ để tổ chức tiệc tùng. Ăn uống ở bên ngoài bắt đầu có xu hướng nhiều hơn ở gia đình, nhất là ở các đô thị.
Ở nông thôn khi có các sự kiện (như giỗ chạp, cưới xin, họp lớp, họp họ, ngày lễ…) thường tổ chức ăn uống rất linh đình và đôi khi bị lạm dụng. Ở những bữa ăn này, thực đơn thường là những thức ăn nhiều chất dinh dưỡng và theo quan điểm của dinh dưỡng hiện đại là những bữa ăn chưa hợp lý.
Ngay cả những bữa ăn gia đình, nguồn thực phẩm cũng có những vấn đề bất cập như gạo xay xát quá trắng làm mất lớp vỏ cám và đây là nguyên nhân của bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng.
Video đang HOT
Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn sử dụng transfat, các chất béo no bão hòa khiến tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Tiêu thụ nhiều đạm dẫn đến bệnh gout xuất hiện sớm ở cả người trẻ, chuyển hóa đạm dư dẫn đến các tổn thương thận sớm…
Tiêu thụ đường tự do từ các sản phẩm chế biến như bánh kẹo, các loại nước ngọt, sữa có đường là hiện tượng phổ biến, lượng đường dư gây nguy cơ tích lũy mỡ và đó là thủ phạm của thừa cân béo phì ở trẻ em (bên cạnh việc tiêu thụ dư năng lượng), cũng như gia tăng tiểu đường ở tất cả các nhóm dân cư chứ không chỉ là bệnh của “nhà giàu”. Thực phẩm chế biến sẵn cũng sử dụng lượng muối cao dẫn đến mức tiêu thụ muối của người Việt cao gấp rưỡi so với khuyến cáo của WHO, là nguy cơ của bệnh tăng huyết áp và tim mạch.
Các thực phẩm được coi là lành mạnh như rau quả, cá thì lại không được coi là thức ăn “thời thượng” và được tiêu thụ thấp hơn so với mức khuyến cáo. Nguyên nhân có thể do khẩu vị vì cách chế biến và sự ưa chuộng kém hơn các thực phẩm khác. Bên cạnh đó là những nỗi lo về nguy an toàn thực phẩm trong việc trồng và bảo quản rau quả, thủy hải sản cũng làm giảm mức tiêu thụ. Thực phẩm sạch, an toàn thì gắn liền với giá thành cao, do đó người có thu nhập thấp khó có khả năng tiếp cận.
Mọi người cần ăn uống đa dạng và có lựa chọn thông minh để có được một chế độ ăn lành mạnh, an toàn, phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh tật, điều kiện kinh tế và các yếu tố văn hóa, xã hội, môi trường khác.
7 thói quen cần bỏ ngay nếu không muốn bị tiểu đường
Bệnh tiểu đường không xảy đến đột ngột. Chính những gì bạn ăn và thói quen hằng ngày sẽ dần dần từng bước dẫn dắt bạn đến với căn bệnh nguy hiểm này.
Tiểu đường (đái tháo đường) là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định (có thể thiếu thậm chí thừa). Các biến chứng của bệnh tiểu đường rất nguy hiểm, có thể để lại hậu quả nặng nề tới mọi cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim mạch, thần kinh, não, thận,...
Theo thống kê của bộ Y Tế, trong 10 năm qua số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường ở nước ta tăng 211%, Việt Nam nằm trong số quốc gia có tốc độ tăng bệnh nhân cao nhất thế giới. Đặc biệt bệnh đang có xu hướng trẻ hóa và có những diễn biến khó lường. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống thiếu lành mạnh và ăn uống thực phẩm có hại cho sức khỏe. Dưới đây là những thói quen tai hại bạn cần sửa đổi ngay để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ăn thực phẩm không lành mạnh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thường xuyên tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, đồ ngọt, thức uống có gas làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Nguyên nhân là bởi các thực phẩm này đều rất giàu năng lượng, chứa nhiều đường, tinh bột xấu (làm tăng đột biến chỉ số đường huyết) hoặc chất béo bão hòa (loại chất béo xấu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim). Một chế độ ăn dư thừa calo, kém lành mạnh sẽ gây tích mỡ bụng, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày nhưng nhiều người có thói quen không bao giờ ăn sáng. Một nghiên cứu đã chỉ ra, bỏ bữa sáng dù chỉ 1 ngày trong tuần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 lên 6%. Nếu bỏ bữa sáng 4 - 5 ngày/tuần sẽ tăng nguy cơ mắc tiểu đường lên tới con số 55%. Các nhà nghiên cứu cho biết, nhịn bữa sáng đến trưa khiến lượng đường trong máu thất thường: tăng đường huyết sau ăn, làm suy yếu các phản ứng insulin của bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 suốt thời gian còn lại trong ngày.
Ngồi nhiều
Nhiều người nhất là dân văn phòng, có thói quen ngồi lì ở bàn làm việc và không chịu vận động khi có thời gian rảnh rỗi. Thói quen xấu này dẫn đến tình trạng mỡ thừa tích tụ ngày một nhiều ở vùng bụng, đặc biệt là mỡ nội tạng. Khi các mô mỡ có nhiều ở bụng sẽ làm gia tăng nồng độ axít béo tự do, tăng triglyceride, tăng hiện tượng viêm và gây độc với tế bào beta của tụy (lipotoxicity)... Đây là các yếu tố gây ra rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa đường. Hiện tượng béo phì cũng là biểu hiện của việc đề kháng insulin dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Thức khuya thường xuyên
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc đã chỉ ra, những người thức khuya làm việc từ đêm về sáng là nhóm có khả năng phát triển bệnh đái tháo đường cao hơn những người ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Lý do, khi thức đêm chúng ta tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo của các thiết bị điện tử (ti vi, điện thoại di động...) sẽ làm giảm độ nhạy insulin và ảnh hưởng tới quá trình điều tiết đường huyết. Ngoài ra, thức khuya còn làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, làm chậm quá trình trao đổi chất, dẫn đến mắc các loại bệnh tự miễn, trong đó có tiểu đường.
Không tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Tây Ban Nha, những người thiếu hụt vitamin D có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiền tiểu đường cao hơn bình thường. Nguyên nhân là bởi vitamin D do da tổng hợp dưới tác động quang hóa của tia tử ngoại có trong ánh nắng mặt trời giúp tuyến tụy hoạt động tốt, sản xuất insulin và điều hòa lượng đường trong máu. Ngoài tắm nắng, chúng ta có thể uống thuốc bổ đồng thời tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, sữa hay ngũ cốc.
Không uống đủ nước
Nước không chỉ là dung môi của nhiều chất dinh dưỡng mà còn tham gia tạo thành tế bào, đồng thời là môi trường phụ thuộc ở bên ngoài tế bào và tế bào thông qua môi trường này hấp thu các chất dinh dưỡng. Dễ dàng thấy nếu không uống đủ nước có thể khiến quá trình chuyển hóa (trao đổi chất) của cơ thể bị chậm lại, làm tăng nguy cơ mắc béo phì, tiểu đường.
Dùng đồ nhựa đựng thức ăn
Theo nghiên cứu của Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York (NYU), hai hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Chúng làm tăng kháng insulin, tiền thân bệnh tiểu đường và huyết áp cao.
Phòng bệnh á sừng vào mùa đông Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có buổi trao đổi cùng bác sĩ chuyên khoa da liễu Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Ba Chẽ để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh á sừng- một trong những bệnh về da thường xuất hiện vào mùa đông. Kiểm tra tình trạng bệnh á sừng ở chân cho...