Thầy và trò chung tay xây trường học hạnh phúc
Nằm ở trung tâm TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Trường THPT Trần Phú gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Điều kiện kinh tế – xã hội phát triển ở một thành phố biên giới cũng dễ làm sao nhãng việc học của các em.
Làm thế nào để học sinh ham học, yêu trường lớp là điều trăn trở của các thầy cô giáo. Lời giải cho bài toán đó là hãy để trường học thật thân thiện hạnh phúc đón chào học sinh.
Giờ thực hành tin học của thầy Bùi Tiến Lương
Hấp dẫn trong từng tiết học
Thầy giáo Vũ Khắc Tùng – Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Trường học hạnh phúc phải là điểm đến thân thiện và vui thích của các em. Làm thế nào để học sinh thấy ham học, thích học và không chán học là điều chúng tôi chú trọng. Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã quán triệt toàn thể giáo viên trong trường là bên cạnh bảo đảm dạy đúng, dạy đủ chương trình theo quy định, các thầy cô cần tích cực thực hiện kế hoạch phát triển năng lực, phẩm chất người học; Từng bước trang bị và ứng dụng CNTT vào giảng dạy, tổ chức có hiệu quả các hoạt động đổi mới giáo dục; Đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, PPDH, hình thức kiểm tra, đánh giá, xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Để hấp dẫn học sinh trong mỗi giờ học, các thầy cô giáo đã đa dạng các hình thức dạy học sáng tạo, hiệu quả như tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật (STKHKT) cấp cụm, tham gia cuộc thi STKHKT cấp tỉnh; tổ chức tốt các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp cho học sinh, các hoạt động ngoại khóa như: Chuyên đề giáo dục yêu nước, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên… vào các buổi chào cờ đầu tuần; Tổ chức các phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” trong nhà trường; Đặc biệt trong đó là tổ chức có hiệu quả các cuộc thi GV dạy giỏi cấp trường, phong trào thi viết sáng kiến kinh nghiệm gắn với hiệu quả mỗi giờ lên lớp ở các môn học.
Đặc thù của một trường học vùng biên giới có những hạn chế nhất định về chất lượng do những điều kiện khách quan nên cần phải có nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Kết quả thế nào là một chuyện, nhưng ghi nhận đầu tiên là sự hết lòng của thầy cố giáo với học sinh trong từng tiết học là những nỗ lực đổi mới sáng tạo hướng đến chất lượng.
Từng học kỳ các tổ, nhóm bộ môn đều có kế hoạch chi tiết để thực hiện. Cuối năm học, các thầy cô lại tích cực ôn thi THPT quốc gia cho học sinh. Từ việc phân loại đối tượng học sinh, tổ chức ôn tập nghiêm túc, dạy sát với đối tượng học sinh. Học sinh yếu kém được quan tâm đặc biệt để có những hình thức ôn tập phù hợp. Tất cả đều không ngoài mong muốn để học sinh có kiến thức tốt nhất, năng lực làm bài đầy đủ nhất để bước vào kỳ thi.
Một giờ ngoại khóa hấp dẫn với học sinh
Video đang HOT
Hạnh phúc khi đến trường
Hiệu trưởng Vũ Khắc Tùng cho rằng: Trường học ngoài việc dạy học còn uốn nắn, rèn luyện, định hình tư tưởng cho học sinh. Ở một trường học vùng biên giới, việc này càng quan trọng. “Chúng tôi đã đề cao việc nắm bắt tình hình học sinh và các hoạt động về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; Tăng cường công tác giáo dục chính trị – tư tưởng; Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, của ngành cho CB, GV, HS và cha mẹ học sinh.
Về phía lãnh đạo, tăng cường sự phối kết hợp chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết gắn với các chỉ tiêu đặt ra, kết hợp khen – chê kịp thời để động viên việc làm tốt, chấn chỉnh các việc còn chậm chễ, hiệu quả thấp, nhất là ý thức chấp hành các quy định của ngành, của trường”, ông Tùng nói.
Trên Facebook thầy Bùi Tiến Lương (https://www.facebook.com/buitienluong) (GV trong trường) có treo một dòng chữ “Trường học hạnh phúc” đã nhận hàng trăm like cùng những bình luận hết sức thân thiện và gần gũi của học sinh cả cũ, mới và có cả những em không phải học sinh của thầy giáo. Khi nói về trường học hạnh phúc, thầy Lương chia sẻ: Đừng mô phạm quá, lúc nào cũng nghiêm nghị sẽ dẫn đến giáo điều khiến học sinh khó gần.
Với các em phải như anh trai, như người bạn để các em thấy được tôn trọng và bình đẳng từ đó mới cởi mở, chia sẻ vui buồn. Các thầy cô từ đó mới nắm được tâm tư, nguyện vọng của học sinh mà định hướng giáo dục. Quan điểm của tôi là học sinh phải thực sự tìm thấy niềm vui trong những buổi đi học, đơn giản thế thôi, đấy là trường học hạnh phúc.
Trong nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc, cùng với thầy Tùng, thầy Lương còn có sự tham gia của thầy cô giáo trong trường. Các thầy cô đều đang cố gắng đẩy mạnh triển khai hiệu quả yêu cầu dạy học mới theo cách tổ chức hoạt động học cho học sinh, học sinh tự lực, chủ động trong học tập (hoạt động học của học sinh là trung tâm). Trong đó, giáo viên chỉ còn là người hỗ trợ, hướng dẫn. Giờ đây ở Trường THPT Trần Phú, các giờ học đã được đa dạng hóa.
Hình thức dạy được kết hợp cả trong và ngoài lớp học, ngoài nhà trường, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Từ chủ yếu dạy học toàn lớp sang kết hợp giữa dạy học nhóm nhỏ, cá nhân với toàn lớp học. Tất cả đều hướng tới mỗi giờ học thực sự hấp dẫn với học sinh, để trường học là điểm đến hạnh phúc cho các em.
“Chúng tôi đang tích cực xây dựng văn hóa nhà trường (mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong hội đồng sư phạm); đồng thời với xây dựng môi trường học tập và tự bồi dưỡng cho giáo viên (đổi mới sinh hoạt chuyên môn) từ đó giúp cho giáo viên nâng cao hiệu quả giờ dạy. Cùng với đó là việc GV thay đổi cách dạy – học sinh thay đổi cách học – trường học thay đổi hình thức và phương pháp dạy học. Việc đẩy mạnh cải tiến cách quản lý từ khâu chỉ đạo đến khâu thực hiện, xây dựng kế hoạch và nội dung sinh hoạt chuyên môn, thường xuyên kiểm tra đôn đốc để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Ban giám hiệu chủ động vào cuộc cùng với các tổ trưởng chuyên môn thảo luận và xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực trọng việc dạy – học của nhà trường”. – ThS Vũ Khắc Tùng
Hà An
Theo GDTĐ
Ngộ nhận về điểm số và sự bừng tỉnh của cô giáo trẻ
"Đã là trường học hạnh phúc (THHP) thì cô trò phải gần gũi, mọi giao tiếp giữa GV và HS không có khoảng cách xa xôi. Càng gần gũi trong hoạt động dạy và học càng giúp GV và HS cảm thấy hạnh phúc", cô Phạm Thị Bích Ngọc (Khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) chia sẻ một góc nhìn về THHP.
Học sinh cởi mở khi được giáo viên gần gũi, yêu thương. Ảnh: An Nhiên
Điểm số không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc
Lớp học 1A1 đầu giờ nhao nhao lên; góc này hai bé giằng sách của nhau, đằng kia một trẻ chạy sang dãy bàn bên cạnh trêu bạn... Cô Bích Ngọc bước vào lớp gây sự chú ý của bọn trẻ bằng mấy câu chào, rồi cô đứng về phía bảng, ở góc bảng vẽ sẵn một dãy các ký hiệu bằng phấn nhiều màu sắc.
Cô gọi bọn trẻ theo tổ, theo tên, rồi chỉ vào các ký hiệu để bọn trẻ biết rằng chúng phải trật tự hay cần phải ngoan hơn để bài học có thể bắt đầu. Lạ là chỉ nhìn vào các ký hiệu (đã được cô giáo cho làm quen từ đầu năm học) cả lớp im phăng phắc, cùng mở sách ra tìm bài học cô nhắc, gương mặt bọn trẻ vẫn vui vẻ, chứ không khó chịu khi phải làm theo yêu cầu của cô giáo.
Cô Bích Ngọc chia sẻ: "Dạy lớp 1 năm học nào tôi cũng xác định phải "làm lại từ đầu". Mỗi trẻ một cá tính, hàng ngày tôi phải đối mặt với 30 cá tính khác nhau. Dường như ngày nào tôi cũng bị xoay như chong chóng. Trẻ con lớp 1 quá bé bỏng, ngoài việc tập đọc, tập viết... trong giờ học các con thường hay thưa thốt, "kiện cáo" với cô giáo từ việc nhỏ nhất. Lúc thì: "Bạn này lấy bút của con"; khi lại: "Cô ơi con muốn đi vệ sinh"; "Cô ơi bạn đánh con"... Nói nhiều với bọn trẻ chưa chắc là giải pháp tốt nhất".
Thời gian đầu mới đứng lớp, cô giáo trẻ Bích Ngọc tâm sự: "Chỉ ngủ trọn vẹn được 2 đêm là thứ 7 và Chủ nhật. Còn những đêm khác tôi phải thức để soạn bài, rồi chấm bài cho HS và rất nhiều công việc không tên khác của GV chủ nhiệm. Mới chỉ một tháng nhận lớp mà trông tôi bơ phờ, mệt mỏi. Đã vậy, còn tác động từ phía cha mẹ HS. Phụ huynh dường như không có sự tin tưởng cô giáo trẻ. Họ ngầm nói với tôi: "Cô trẻ thế mà đã được đứng lớp à?"; "Cô có phải con cháu của hiệu trưởng không?"... Việc đó đã thành một áp lực vô hình".
Phải chinh phục được phụ huynh - suy nghĩ đó khiến cô Bích Ngọc đặt mục tiêu phải làm cho các HS trong lớp trở thành trò ngoan, trò giỏi, có kết quả cao trong học tập. Cô đã nghiêm khắc khi HS chưa làm được những điều cô mong muốn. Kết quả HS tiến bộ về điểm số theo từng tuần, từng tháng... "Lúc đó tôi nghĩ cách GD của mình là đúng đắn. Tôi không hề biết, có một cơn bão đang ở đằng sau điều tôi tưởng đã thành công đó.
Phụ huynh lớp tôi không hề hài lòng như tôi tưởng. Điểm 9, 10 con họ mang về nhà nhiều lên lại tỉ lệ thuận với sự căng thẳng"- cô Bích Ngọc nhớ lại - "Tôi quên mất một điều quan trọng: Trẻ con cần được vui khi đến trường. Phụ huynh âm thầm bức xúc. Cũng bắt đầu có những ý kiến lên tiếng. Đỉnh điểm nhất là khi cả nhà của một HS gồm cả ông bà, bố mẹ kéo đến thẳng phòng người lãnh đạo cao nhất của trường để bày tỏ sự bất bình, họ thực sự không mong muốn tôi làm việc với con cháu họ, với tất cả lớp theo cách như vậy".
Một chuỗi căng thẳng đã kết thúc bằng việc cô Bích Ngọc nhận được quyết định tạm dừng công tác chủ nhiệm lớp. "Tôi suy sụp, vô cùng hờn tủi khi phải dừng nhiệm vụ giữa chừng. Tôi vẫn không tìm được lý do tôi sai ở đâu. Tôi thấy mình rơi vào hố đen của sự thất bại. Tôi đã mất công việc, mất hy vọng và hơn hết là mất niềm tin vào chính mình", cô Bích Ngọc kể.
Cô Phạm Thị Bích Ngọc say sưa với học trò. Ảnh: An Nhiên
Hạnh phúc đến từ yêu thương, cảm thông...
"Nhưng chính cuộc nói chuyện của thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT trường) đã giúp tôi tỉnh ngộ. Thầy nói: "Đừng bận tâm người khác nghĩ về con ra sao, mà hãy dành thời gian để suy nghĩ những điều con đã làm và tại sao con làm sai". Câu nói ấy trước tiên giúp tôi bình tĩnh hơn trong việc chấp nhận có một quãng dừng, để rồi cũng từ quãng dừng đó tôi đã nhận ra và lại nhen nhóm lên hy vọng sẽ làm việc tốt hơn, bằng khả năng thật sự của bản thân".
Quãng thời gian phải tạm ngừng dạy học cũng cùng lúc cô Bích Ngọc mang bầu, sinh con. Sau đó cô được nhà trường cho quay trở lại với công việc với lời nhắn nhủ động viên "cố gắng" từ thầy Nguyễn Văn Hòa.
Sau 1 năm được phân công chủ nhiệm lớp 2, cô Bích Ngọc lại được tin tưởng giao dạy lớp 1. "Lại được gắn bó với các HS bé bỏng lớp đầu cấp. Lúc này, ngoài ở vị trí GV, tôi còn là người mẹ. Ở nhà tôi là mẹ của một cô con gái, còn khi lên lớp, tôi là mẹ của 30 con HS. Khi tận tay chăm sóc và dạy dỗ con mình đẻ ra, lớn lên từng ngày, tôi thấu hiểu hơn những lo lắng, sự vất vả và trăn trở của phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con. Tôi cũng bừng tỉnh về phương pháp dạy dỗ bọn trẻ" - cô Bích Ngọc tâm sự.
Tự mình thay đổi, mỗi ngày tới lớp cô Bích Ngọc quan sát nhiều hơn đến gương mặt, nụ cười, niềm vui, nỗi buồn của HS. Cô đã nhận ra những điều chưa đúng về phương pháp GD trước đây: "Tôi đã từng vô tâm với thế giới tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của HS. Tôi đặt chúng vào một gánh nặng áp lực học tập một cách vô lý và không cần thiết.
Tôi đã thay đổi, kiên nhẫn, lắng nghe chia sẻ, cảm xúc của các con, dễ dàng bỏ qua các lỗi sai và dịu dàng hơn khi uốn nắn. Tôi nhìn vào mắt các con nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn, tôi dành nhiều cử chỉ âu yếm cho tất cả bọn trẻ. Tôi bình tĩnh chờ đợi trẻ thay đổi từng ngày, chứ không đặt ra các dấu mốc cứng nhắc theo tuần, theo tháng như trước nữa".
"Nếu như chú đại bàng phải chờ đến 40 tuổi mới có thể thay đổi, thì có lẽ với tôi khoảng thời gian để mình suy ngẫm lại và đưa ra quyết định thay đổi lớn lao. Tôi không đợi đến 40 tuổi rồi mới thay đổi như chú đại bàng kia. Tôi nhận ra là GV phải thay đổi khi thấy cần thiết, thay đổi để phù hợp với sự phát triển chung, để HS của mình được hạnh phúc hơn" - cô Bích Ngọc rút ra điều đơn giản mà lớn lao với chính mình.
An Nhiên
Theo GDTĐ
Thay đổi để tạo môi trường hạnh phúc Để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc, trước tiên giáo viên phải là những người hạnh phúc, sau đó tạo ra hạnh phúc cho học trò, để tạo ra vòng tròn lan tỏa theo "vết dầu loang". Ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc, xã hội sẽ hạnh phúc. Cô Lê Thị Thanh Nga và học sinh...