Thầy trò Nghệ An háo hức học trực tuyến
Để học sinh cuối cấp nắm vững kiến thức, Trường THPT Kim Liên ( Nghệ An) đã tổ chức ôn tập qua livestream Facebook bằng máy quay chuyên dụng.
Đầu tư kỹ về bài giảng và thiết bị truyền tải
Tuần này, các cấp học ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) phải nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19.
Để các em học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức, cũng như chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) đã tổ chức ôn tập trực tuyến.
Ngoài các giáo viên đứng trên bục giảng, còn có sự hỗ trợ của các thầy, cô bộ môn cùng 1 chiếc máy quay. Hình ảnh giảng dạy sẽ được livestream lên fanpage Facebook của nhà trường và mọi học sinh đều có thể dễ dàng theo dõi.
Các cô trong trường đã thống nhất, khi lên bục giảng tất cả sẽ mặc áo dài để vừa tôn vinh hình ảnh Việt Nam vừa tạo sự gần gũi với học trò.
Một buổi giảng dạy trực tuyến của Trường THPT Kim Liên
Nhằm tăng tính tương tác giữa cô và trò, nhà trường bố trí một màn hình máy chiếu lớn bên cạnh. Nếu có vấn đề thắc mắc các em sẽ bình luận trực tiếp vào livestream, nội dung sẽ hiển thị lên màn hình để cô trò cùng biết.
Tại buổi học Ngữ văn sáng ngày 12/3, cô giáo Phạm Thị Hằng đã kéo dài tiết học từ 45 phút lên 120 phút với bài học: “Ôn tập kỹ năng làm phần đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia”. Đây là một bài học rất thiết thực với học sinh cuối cấp.
Trong toàn bộ tiết dạy, dù là học trực tuyến nhưng việc tương tác của giáo viên và học trò khá thuận lợi. Cô giáo Hằng rất vui khi một số học sinh khen mình dạy dễ hiểu, dạy hay khi lên hình.
Để hình ảnh âm thanh chất lượng cao, nhà trường đã đầu tư máy quay phim và micro chuyên nghiệp
Về phía các học trò, trước sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên, các em cũng có ý thức hơn và lên lớp đầy đủ.
Chia sẻ về giờ dạy của mình, cô Hằng cho biết, việc dạy học trực tuyến rất bị động với giáo viên và các nhà trường. Vì thế, trước khi triển khai, các thầy cô phải suy nghĩ rất nhiều, đó là dạy nội dung gì và dạy như thế nào.
Để buổi học hiệu quả, tổ chuyên môn thống nhất lựa chọn những nội dung các em đã học để củng cố, bồi bổ thêm kiến thức giúp các em ôn tập tốt, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.
Ngoài ra, giáo án cũng phải phù hợp với mọi đối tượng học sinh và các em phải dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Phản hồi tích cực từ học sinh
Trường THPT Kim Liên là ngôi trường đầu tiên tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trực tiếp một cách khá bài bản khi có sự hỗ trợ kỹ thuật của máy quay chuyên dụng.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có sử dụng micro nên thu được âm rõ ràng và học sinh dễ dàng tiếp thu như khi nghe giảng trên lớp.
Thầy Hoàng Mạnh Thắng đứng lớp dạy ôn tập trực tuyến môn Vật Lý sáng 12/3
Nguyễn Hữu Nhân (học sinh lớp 12C1) cho biết, trước đây đã từng xem các bài giảng trên mạng, trên Youtube nên khi nhà trường tổ chức dạy trực tuyến, em và nhiều bạn rất háo hức.
Hữu Nhân đánh giá nội dung giải dạy của thầy cô dễ hiểu, nhiều kiến thức cũ và trọng tâm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.
“So với các bài dạy trên mạng khác, bài giảng của trường có thể tương tác, nếu có vấn đề chưa hiểu em có thể bình luận để cô giáo giải thích, tạo hứng thú hơn trong quá trình học”, Hữu Nhân cho biết.
Em Phương Dung thì nói rằng trong buổi ôn tập môn Lịch sử, “Mọi người vào học, cô giảng bài rất truyền cảm, dễ hiểu”.
Còn thầy giáo Ngọc Anh thì chia sẻ những buổi dạy trực tuyến là ôn tập kiến thức đã học, không phải thao giảng hay dạy mẫu, các cô giáo cứ dạy học như buổi chiều. Học sinh nên đặt câu hỏi để cô trả lời trong việc học và tương tác lúc dạy trực tuyến.
Cô giáo dạy trực tuyến về phương pháp học và ôn tập môn Lịch Sử
Ông Dương Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho biết, việc dạy trực tuyến khó khăn hơn nên đòi hỏi sự đầu tư khá nhiều cả về công sức và kinh phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trường THPT Kim Liên phải nghỉ học lâu hơn các trường THPT khác trong tỉnh thì đây là điều cần thiết.
Để tổ chức dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của máy quay, micro chuyên nghiệp, Trường THPT Kim Liên đã trích khá nhiều kinh phí, trong đó, một phần nguồn từ nhà trường, một phần hỗ trợ của phụ huynh.
“Qua 3 ngày triển khai, hơn 70% học sinh đã tham gia học trực tuyến và có phản hồi tích cực về cách dạy học này. Nhà trường sẽ tìm các giải pháp khác để phụ đạo thêm cho những học sinh không có điều kiện học trực tuyến”, thầy Sơn chia sẻ.
Lý giải việc chỉ hơn 70% học sinh tham gia học trực tuyến, thầy Sơn cho biết có nhiều em không có điện thoại hay máy tính để tham gia học. Ngoài ra, một số em chỉ tham gia học những môn mà mình đăng ký để thi THPT Quốc gia.
Ngoài những phản hồi tích cực, cũng có số ít phụ huynh cho rằng con cái mình vẫn chưa chú tâm vào việc học trực tuyến, các em còn ham chơi nên đôi lúc không tham gia đầy đủ buổi học.
Đến nay, nhà trường đã tổ chức dạy trực tuyến được 3 buổi với 6 môn học. Thời gian giảng dạy các môn như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 90-120 phút, các môn còn lại từ 45-60 phút.
“Sau khi đi học trở lại, giáo viên sẽ kiểm tra vở ghi chép, rà soát những học sinh không tham gia học trực tuyến để mở lớp phụ đạo cho các em” thầy hiệu trưởng nói thêm.
Phạm Tâm – Quốc Huy (vietnamnet)
Điều ít biết về nữ thủ khoa "kép" Đại học Tài nguyên và Môi trường
Tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm học tập toàn khóa 3.82/4.0, Vũ Quỳnh Hoa (SN 1996) đã trở thành thủ khoa đầu ra Đại học (ĐH) Tài nguyên và Môi trường năm 2019.
Niềm vui như được nhân đôi
Sinh ra tại mảnh đất giàu truyền thống hiếu học Nghệ An, với sự cần cù, chịu khó, Vũ Quỳnh Hoa - lớp DDH5QM5, chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, khoa Môi trường, ĐH Tài nguyên và Môi trường đã chứng tỏ năng lực ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế giảng đường.
Dù "chân ướt chân ráo" vào trường nhưng Hoa được thầy cô, bạn bè yêu quý và tin tưởng bầu làm lớp phó học tập. Ảnh: NVCC
Năm 2015, đỗ thủ khoa khối A vào trường với 27.25 điểm nhưng nữ sinh xinh đẹp này không đặt mục tiêu trở thành thủ khoa đầu ra. "Thông qua mỗi bài giảng, chính các giảng viên đã truyền cảm hứng cho mình yêu thích ngành học hơn. Vì vậy, mình chỉ biết nỗ lực để không phụ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ và sự chỉ dạy của thầy cô" - Quỳnh Hoa bày tỏ.
Yêu thích ngành môi trường nên Hoa phân bổ thời gian hợp lý học đều các môn. Trước khi lên lớp, Hoa xem lại bài cũ và đọc bài mới để nắm được vấn đề trong bài học. Ở lớp, Hoa luôn tập trung nghe giảng, bài nào không hiểu thì hỏi trực tiếp hoặc sau đó gọi điện thoại trao đổi với thầy cô.
Để bổ sung kiến thức, Hoa lên thư viện trường nghiên cứu tài liệu liên quan đến môn học đồng thời, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị khóa trước và các bạn trong khoa. Bên cạnh đó, Hoa cũng nhờ thầy cô bộ môn tư vấn thêm tài liệu và tìm hiểu các kiến thức cần thiết trên Internet. Trước mỗi kỳ thi, Quỳnh Hoa thường cùng nhóm bạn thân tập trung thảo luận, soạn và ôn kỹ đề cương.
Ra trường nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, Hoa đã trở thành thủ khoa đầu ra của trường. Những kết quả đạt được đã giúp Hoa có mặt trong danh sách 86 thủ khoa xuất sắc các trường ĐH, học viện trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào tối 28/10 tới đây.
Quỳnh Hoa cảm thấy rất tự hào và niềm vui đó như được nhân đôi khi trở thành 1 trong 5 thủ khoa "kép" năm 2019. Đối với cô, những thành tích đạt được vừa là cơ hội và cũng là áp lực. "Thành tích đó là sự cố gắng của bản thân, sự chỉ dạy tận tình của thầy cô giáo và sự đồng hành của gia đình, bạn bè" - Hoa khẳng định.
Không ngủ say trong chiến thắng khi phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, nữ thủ khoa "kép" Vũ Quỳnh Hoa đã luôn tự nhủ không được chủ quan và phải luôn phấn đấu hết mình để không lãng phí những thành tích đã đạt được.
Là nữ sinh có học lực nổi bật của lớp nên Hoa không ngại giúp đỡ, hướng dẫn những bạn học kém hơn.
Đam mê nghiên cứu khoa học luôn "bùng cháy"
Sinh ra trong gia đình có bố là dân quân tự vệ và mẹ là giáo viên tiểu học tại xã Diễn Hoàng (Diễn Châu, Nghệ An), từ nhỏ, Hoa thường xuyên kèm cặp em trai trong học tập.
Cô bạn chia sẻ: Ngày trước, nhận nhiệm vụ cùng em trai học khi bố mẹ bận công việc và vì thích học các môn tự nhiên nên mình luôn tìm tòi tài liệu liên quan, đặc biệt say mê khám phá các con số. Khi lên ĐH, mình đã phát huy sở trường đó và luôn dành điểm số tối đa ở các môn học đại cương như Toán cao cấp, Xác suất thống kê, Vật lý đại cương, Hóa học đại cương, Hóa phân tích...
Đặc biệt, cô bạn lại có niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Vào năm thứ 2 ĐH, nhà trường khuyến khích SV tham gia nghiên cứu khoa học nhưng Hoa thấy chưa có kinh nghiệm nên đã bỏ lỡ. Đến năm thứ 3, khi cảm thấy vững vàng hơn, Hoa và 4 bạn cùng lớp DDH5QM5 đăng ký đề tài dự thi với tên gọi "Nghiên cứu quy hoạch không gian xanh tại trường ĐH Tài nguyên và Môi trường".
Khi được hỏi về lý do thực hiện đề tài này, Quỳnh Hoa cho biết, trong 1 tiết học môn Sinh thái học, cô giáo đã bày tỏ mong muốn có nhiều cây xanh tại trường để không khí trong lành và thoáng đãng. Và cũng thấy sân trường ít cây bóng mát nên cả nhóm đã lên ý tưởng với sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của Thạc sĩ Tạ Thị Yến. Điều đáng chú ý, sau khi nộp đề tài, nhà trường đã đưa áp dụng tại sân trường giúp SV có thêm cảm hứng học tập.
Từ những thành quả đạt được, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Quỳnh Hoa ngày càng "bùng cháy". Cô mong muốn được tham gia nhiều hơn các cuộc thi và những đề tài đó sẽ đi vào thực tế cuộc sống.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, suốt 4 năm học ĐH, Hoa đều đạt kết quả học tập cao cùng nhiều giải thưởng đáng ghi nhận. Cô bạn từng cùng nhóm SV tham gia và giành giải Nhì cuộc thi "Thủ SV HUNRE bảo vệ môi trường", giải Khuyến khích "Tài năng khoa học trẻ cấp trường", đạt loại Xuất sắc trong nhóm SV nghiên cứu khoa học, danh hiệu thủ khoa "kép" năm học 2018-2019 và nhiều thành tích khác.
Theo kinhtedothi
Học sinh chuyển cấp bất lợi khi năm học kéo dài Do dịch Covid-19 đang phức tạp, các địa phương vẫn cho học sinh nghỉ học. Bộ GD&ĐT đã lên phương án tính toán tiếp tục kéo dài thời gian học trong năm, trong đó điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và lịch thi THPT quốc gia năm 2020. Một số tỉnh cho học sinh nghỉ đến ngày 4/4 Diễn biến phức...