Thầy Hiệu trưởng luôn “xắn tay” làm mọi việc
Gần 40 năm công tác trong ngành Giáo dục, đến lúc nghỉ hưu, thầy Trần Văn Bộ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn đau đáu ước mong tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người.
Thầy Trần Văn Bộ.
Hiệu trưởng “đa mang”
Thầy Trần Văn Bộ chọn theo học ngành sư phạm vì yêu nghề mến trẻ, mong muốn cống hiến trí tuệ và tâm huyết đào tạo thế hệ tương lai cho quê hương. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây tháng 9/1982, ông nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, cơ duyên đưa ông về công tác tại Trường văn hóa Bộ Quốc phòng, rồi trở thành chiến sĩ – giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác, được phong quân hàm vượt cấp từ binh nhì lên trung sĩ.
Bảng thành tích của nhà giáo Trần Văn Bộ:
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm học 2018 – 2019;
Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, năm 2013;
Bằng khen của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS HCM năm 2018;
Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu Hà Nội năm 2012; Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tây, năm 2002;
Nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác dạy học được Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội công nhận;
Nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…
Kể từ khi rời quân ngũ cuối năm 1984, thầy Bộ đã trải qua nhiều cương vị công tác trong ngành Giáo dục. Từ tháng 12/2008 đến nay, thầy làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Mỹ (huyện Mỹ Đức – Hà Nội).
Nói về người đồng nghiệp đáng kính, cô Nguyễn Thị Lưu – Tổ trưởng tổ 4 5 – cho biết: Trong vai trò Hiệu trưởng – Bí thư Chi bộ Đảng, thầy Bộ luôn gương mẫu và là đầu tàu trong mọi hoạt động của nhà trường. Thầy ở trường nhiều hơn ở nhà và luôn hết lòng vì học trò.
Video đang HOT
Để hoàn thành công việc của nhà quản lý – nhà giáo, thầy không quản ngại khó khăn, mưa nắng. Suốt hơn 20 năm với cương vị Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng nhà trường, thầy luôn dành thời gian trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi khối 4, 5, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém.
“Đáng quý hơn cả là tình cảm thầy dành cho đồng nghiệp, với sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Thầy dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, góp ý chân thành nhất. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo – cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình anh em. Những lần đồng nghiệp bị ốm hoặc có con phải nằm viện, chúng tôi rất xúc động khi nhận được điện thoại của thầy. Ngoài những lời hỏi thăm tỉ mỉ bao giờ cũng kèm câu nói đầy tình thân: Cô cứ yên tâm chăm sóc con, ngày mai tôi sẽ lên lớp thay” – cô Nguyễn Thị Lưu xúc động kể.
Còn cô Trần Thị Phượng, giáo viên lớp 4A ấn tượng và ghi nhớ nhất câu chuyện thầy Bộ sẵn sàng đóng học phí cho học sinh. Cô Phượng kể: “Năm học 2017 – 2018, lớp tôi có 1 học sinh mãi không đóng các khoản tiền mặc dù giáo viên chủ nhiệm đã nhắc nhở phụ huynh nhiều cách. Khi biết chuyện, thầy Bộ nói “phụ huynh không đóng tiền học cho con là họ đang có uẩn khúc không dễ giãi bày”. Và thầy đã bỏ tiền túi đóng học cho em đó. Hành động của thầy khiến các giáo viên chúng tôi đều cảm phục. Một thời gian sau, phụ huynh đã tới xin lỗi và gửi lại số tiền thầy đã đóng thay trước đó”.
Còn khoảng 2 tháng nữa thầy Bộ được nghỉ hưu theo chế độ. Nhiều cán bộ, nhân viên, giáo viên nhà trường chia sẻ tâm trạng hụt hẫng và tiếc nhớ bởi không còn hàng ngày thấy bóng dáng quen thuộc của thầy Hiệu trưởng quan tâm quán xuyến mọi việc trong trường nữa.
Cô Nguyễn Thị Lưu chia sẻ thêm: “Sự chất phác, tận tụy và giàu hi sinh của thầy Bộ là tấm gương sáng cho đội ngũ noi theo. Nghĩ về câu nói “Mỗi thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”, tôi và các đồng nghiệp liên tưởng ngay tới người Bí thư Chi bộ – thầy Hiệu trưởng của mình. Đối với chúng tôi, thầy Bộ không chỉ là một lãnh đạo nhiệt huyết, tận tâm đầy năng lượng, người bạn thẳng thắn chân tình mà còn là mẫu mực để chúng tôi học tập, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người”.
Hội đồng sư phạm Trường Tiểu học An Mỹ.
Còn sức, còn cống hiến cho giáo dục
Các giáo viên và học sinh thường gặp thầy Hiệu trưởng đều đặn cắt cành, tỉa cây, tham gia lao động cùng học trò ở sân trường dù tuổi sắp 60. Thầy cũng tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do địa phương hay ngành phát động. Thầy sẵn sàng “đóng thế” đồng nghiệp trong mọi nhiệm vụ. Không ít lần, thầy trở thành diễn viên, ca sĩ bất đắc dĩ vì các thầy cô khác còn “e ngại” các hoạt động bề nổi. Tôn chỉ của thầy Bộ là “Không nề hà, không đùn đẩy trách nhiệm”.
Đồng nghiệp nhiều thế hệ của thầy kể rằng: Bao năm theo nghiệp dạy học, dù với cương vị giáo viên hay quản lý, năm nào thầy cũng đều đặn mở lớp dạy thêm miễn phí, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Thầy được đồng nghiệp, phụ huynh và các thế hệ học trò nể trọng bởi sự nhân hậu, tận tụy với nghề và luôn sẵn sàng trao đi yêu thương, lan tỏa điều tích cực. Thầy là mẫu mực của một nhân cách không sân si, oán giận.
Sự đức độ và nhân văn của thầy trong ứng xử, trong quản lý đã tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi – cốt lõi của trường học hạnh phúc. Điều có được mà không cần khẩu hiệu hay phong trào. Đó là sự trao niềm tin, trách nhiệm của người đồng hành chứ không đơn thuần là mệnh lệnh của cấp trên với cấp dưới. Bởi vậy, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường luôn cảm thấy được trân trọng và họ sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ với hơn 100% năng lượng của mình.
Tháng 12 tới, thầy Trần Văn Bộ chính thức được nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ. Thầy vẫn tranh thủ từng ngày từng giờ để cóp nhặt, chia sẻ yêu thương và truyền lửa nghề cho đồng nghiệp.
Thầy Bộ tâm sự: “Tôi tâm niệm, nghề giáo là một trong những nghề nghiệp tạo môi trường hướng thiện nhiều nhất. Người thầy được ví như những “kĩ sư tâm hồn”, truyền đạt không chỉ tri thức mà cả cách sống và đạo lý làm người cho học trò. Cái tâm người thầy sáng mới khiến học trò cúi mình nể trọng, noi theo”.
Được hỏi về dự định sau khi nghỉ theo chế độ, thầy Bộ cười hiền, chia sẻ: Trước mắt, tôi sẽ nghỉ ngơi bên gia đình rồi trồng rau, nuôi gà. Nếu còn sức khỏe, tôi mong được tiếp tục truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh nghèo ham học nơi quê nhà.
“Tôi muốn nói với đồng nghiệp và các em học sinh rằng: Mỗi chúng ta đều có nhiệm vụ riêng nhưng có chung mục tiêu là đưa giáo dục đi lên, góp phần xây dựng đất nước phát triển. Với người thầy, đừng để bất kỳ trở ngại nào ngăn các bạn học hỏi, trau dồi tri thức. Cùng với nhiệt huyết và sự tận tâm sẽ cho quả ngọt là những thế hệ học sinh thành công, thành nhân. Còn đối với học sinh, các em chính là tương lai của đất nước. Hãy không ngừng rèn luyện, thích ứng thời cuộc để làm chủ cuộc đời mình, đưa những ước mơ đẹp bay cao, bay xa, làm rạng danh quê hương đất nước” – thầy Trần Văn Bộ nhắn nhủ.
Chúc mừng các thầy cô hạng II Vĩnh Phúc, bao giờ mới đến lượt GV tỉnh khác đây?
Vẫn có hiệu trưởng ở địa phương tôi công tác cho rằng, đó là văn bản trả lời cho tỉnh khác chứ không phải tỉnh mình.
Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT. Do mỗi địa phương thậm chí trong cùng một huyện, thị mỗi trường đều có cách điều chuyển xếp hạng giáo viên mỗi khác, dẫn đều nhiều quyền lợi bị ảnh hưởng, gây không ít bức xúc cho nhiều thầy cô giáo.
Công văn phúc đáp của Cục Nhà giáo về việc thực hiện chùm Thông tư 01;02;03;04 cho tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh chụp màn hình)
Nhiều câu hỏi xoay quanh sự bất cập của chùm thông tư được đặt ra, chính hiệu trưởng ở nhiều trường học vẫn còn mù mờ khó hiểu. Câu hỏi cứ chạy vòng quanh, từ trường đến phòng, từ phòng chạy lên sở rồi cuối cùng lại về trường mà vẫn như mớ bòng bong.
Giáo viên mất quyền lợi chẳng biết trông chờ vào đâu, lên các trang báo tìm kiếm câu trả lời để làm minh chứng. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được bao giờ cũng là báo viết thế nhưng chưa có văn bản chính thức của Bộ. Thậm chí khi có hướng dẫn của Cục Nhà giáo, thì vẫn có hiệu trưởng ở địa phương tôi công tác cho rằng, đó là văn bản trả lời cho tỉnh khác chứ không phải tỉnh mình.
Và vì thế các trường vẫn thực hiện theo cách hiểu của mỗi hiệu trưởng. Cũng vì sự hiểu đa dạng nên có trường thoáng tay khi chuyển xếp hạng thì giáo viên nhờ, có trường quá khắt khe kiểu "vạch lá tìm sâu" nên giáo viên thiệt thòi. Và "cuộc chiến" xếp hạng vẫn luôn là đề tài nóng hổi hiện nay ở mỗi trường học.
Mỗi trường chuyển xếp hạng mỗi kiểu
Chỉ trong một thị xã nhưng mỗi trường học lại chuyển xếp hạng giáo viên mỗi kiểu. Một số trường trung học cơ sở, lập danh sách tất cả giáo viên đang ở hạng II cũ (được bổ nhiệm năm 2015) nếu có đầy đủ bằng đại học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì được đề nghị chuyển sang hạng II mới.
Một số trường tiểu học xét giữ hạng II cho giáo viên đang làm tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn và một số giáo viên đã làm tổ trưởng có nhiều thành tích như giáo viên dạy giỏi từ cấp thị trở lên, đạt chiến sĩ thi đua...
Một số trường tiểu học khác sẽ soi vào 4 nhiệm vụ (a, b, c, d) trong Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28, nếu thiếu một trong những tiêu chí quy định của 4 nhiệm vụ sẽ không được xét giữ hạng. Vì thế, cả trường cũng chỉ có vài ba tổ trưởng đảm bảo yêu cầu.
Một số trường học khác, hiệu trưởng lại quá khắt khe đến mức độc đoán, cương quyết không xét cho một giáo viên nào, lý do hiệu trưởng đưa ra là các tổ trưởng chuyên môn vẫn còn hạn chế về năng lực.
Rõ ràng, cách xếp hạng kiểu "trăm hoa đua nở" thế này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi sát sườn của giáo viên. Ví như một giáo viên đang ở mức lương 2.67; 3.0; 3.33; 3.66 nếu được giữ hạng II cũ và xếp qua hạng II mới, mức lương lập tức ở mức 4.0, còn bị xuống hạng III, thì mức lương vẫn giữ nguyên.
Hay, một giáo viên đang ăn mức lương cuối cùng của hạng II cũ 4.98 và nhiều năm liền chỉ được hưởng 1% phụ cấp lương vượt khung. Tuy nhiên, giáo viên này được chuyển sang hạng II mới, mức lương ít nhất sẽ ở bậc 5.36.
Xếp chuyển hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên thế nào mới đúng?
Ngày 21/10/2021, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã gửi Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB phúc đáp về việc triển khai thực hiện Thông tư số 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Công văn phúc đáp của Cục Nhà giáo do Cục trưởng Vũ Minh Đức ký, nêu rõ:
Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).
Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sơ giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trả lời của Cục Nhà giáo với hướng dẫn bổ nhiệm, chuyển xếp hạng của chùm thông tư 01; 02; 03; 04/ TT-BGDĐT có gì trái ngược nhau?
Điều 6 - Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên của chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/ TT-BGDĐT nêu rõ: Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Chỉ vì hướng dẫn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên quy định tại Thông tư này (01; 02; 03; 04) phải căn cứ vào vị trí việc làm "đang đảm nhận" mà nhiều địa phương nhất quyết chỉ giữ hạng cho giáo viên đang làm tổ trưởng.
Nay, Cục Nhà giáo hướng dẫn: Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).
Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sơ giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tôi đọc đi đọc lại quy định trong các thông tư và trả lời của Cục Nhà giáo vẫn thấy có sự khác nhau, bảo sao dưới các địa phương cũng mỗi người hiểu mỗi phách nên thực hiện cứ loạn cả lên.
Để tránh tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt", để cho việc chuyển xếp hạng giáo viên một cách thống nhất từ trên xuống, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các thầy cô thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công văn hướng dẫn cụ thể về cách chuyển xếp hạng cũng như tổ chức tập huấn cho các nhà quản lý ngay thời điểm này.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Theo tôi, hiệu trưởng trở lên mới cần phải có minh chứng đạo đức nhà giáo Việc xếp loại, minh chứng đạo đức nhà giáo chỉ nên dừng lại đối với những nhà giáo làm công tác quản lý nhà trường và đặc biệt là lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục... Ảnh minh họa Thời gian gần đây, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về những bất cập trong...