Thầy giáo xây bể bơi, dạy miễn phí cho học sinh nghèo
Có người thân mất vì đuối nước, chàng trai Phạm Văn Vũ ( Thanh Hóa) tự hứa với bản thân phải học bơi để đem kiến thức về dạy cho trẻ em và người dân địa phương.
Các em học sinh say mê luyện tập dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Vũ. Ảnh: T.G
Giờ đây, không chỉ là giáo viên môn Thể dục, thầy Vũ còn xây dựng bể bơi trong khuôn viên gia đình để phổ cập bơi cho học trò nghèo.
Để không ai chịu cảnh mất người thân
Dưới cái nắng hè như đổ lửa, chúng tôi về thôn Công Trình, xã Phúc Do, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), tìm gặp thầy Phạm Văn Vũ, để nghe kể hành trình xây dựng bể bơi.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thầy Vũ (sinh năm 1980), cho biết: Bố mẹ chia tay, 3 mẹ con thầy sống cùng dì ruột và ông ngoại. Nỗi đau gia đình tan vỡ chưa nguôi, thì người em gái cùng cha khác mẹ không may qua đời vì đuối nước. Vũ khi ấy tự hứa với bản thân phải theo học ngành bơi, để đem những kiến thức đã học về phổ cập cho người thân, trẻ em và người dân địa phương.
Thầy Vũ tâm sự: “ Huyện Cẩm Thủy thuộc khu vực miền núi. Phần đông người dân xã Cẩm Vân khi đi lao động, sản xuất hay học sinh THPT đi học đều phải qua đò, cầu phao bắc qua sông Mã. Nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra, nguyên nhân do người dân không biết bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước còn thiếu. Vì vậy, tôi quyết tâm xây dựng bể bơi, để dạy cho người dân nào muốn học, đặc biệt là học sinh và các em nhỏ ở địa phương”.
Sau khi trở thành giáo viên dạy môn Thể dục ở Trường THCS Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa), thầy Vũ quyết tâm xây dựng bể bơi tại gia đình. Tháng 8/2016, thầy Vũ bắt tay xây dựng ngôi nhà cấp 4, tại xã Phúc Do (Cẩm Thủy), không quên dành phần đất cho bể bơi. Ban đầu, thầy dự định làm bể bơi không có mái che, không ốp lát gạch và công trình phụ trợ… bởi suy nghĩ đơn giản đây là bể bơi gia đình.
Video đang HOT
“Khi biết tôi xây nhà ở, trong đó có bể bơi, nhiều người dân địa phương đã động viên nên đầu tư thêm công trình đi kèm để việc dạy bơi hiệu quả hơn”, thầy Vũ cho biết. Từ những lời động viên ấy, thầy Vũ quyết tâm xây dựng bể bơi cho ra tấm ra món. Thế nhưng, để có kinh phí xây dựng, không phải là điều đơn giản. Vì thế, thầy Vũ chạy vạy khắp nơi, vay mượn tiền của người thân, vay ngân hàng để lấy kinh phí nâng cấp bể bơi và làm thêm các công trình phụ trợ như mái che, nhà tắm nam, nữ, hành lang, khu khởi động, bãi để xe…
Thầy Phạm Văn Vũ dạy học sinh những động tác khởi động trước khi xuống nước.
Dạy bơi miễn phí cho học trò nghèo
Nhớ lại thời điểm đó, thầy Vũ kể: Xây dựng xong bể bơi, gia đình vô cùng khó khăn về tài chính. Tiền lương hàng tháng của hai vợ chồng được gần 12 triệu đồng, nhưng phải trả nợ ngân hàng hơn 18 triệu. Để có tiền trả nợ và lo ăn cho gia đình, ngoài giờ làm việc của cơ quan, ban ngày, thầy làm thuê cho một gia đình mổ thịt trâu bò tại xã Quý Lộc (Yên Định). Còn ban đêm, cứ 2 giờ sáng, thầy Vũ lại qua lò mổ lợn tại xã Phúc Do kiếm việc. Ngoài ra, thầy còn tranh thủ đi làm phụ hồ, hoặc sửa điện nước…
“Đến kỳ nghỉ hè, tôi vừa đi làm thuê và dạy thêm tại bể bơi khách sạn Sao Mai, TP Thanh Hóa, để kiếm tiền trả nợ và nuôi con. Lúc ấy, tài sản đáng giá của gia đình là chiếc tivi và hai xe máy, là phương tiện đi làm của hai vợ chồng. Biết bể bơi gia đình tôi bị vướng mắc về hồ sơ, giấy tờ và chưa hoạt động kinh doanh được, các chủ nợ đến đòi và bắt gạt nợ bằng cái tivi. Cũng may, họ còn thương tình, nên để lại cho vợ chồng tôi hai chiếc xe máy, để có phương tiện đi làm”, thầy Vũ tâm sự.
Từ khi bể bơi được phép hoạt động, thầy Phạm Văn Vũ liên hệ với các trường THCS và Tiểu học Cẩm Vân, Cẩm Yên, Cẩm Tân, Cẩm Phú để dạy bơi miễn phí cho học sinh. Hai năm qua, nhờ hướng dẫn của thầy, gần 200 học sinh biết bơi.
Để khuyến khích người dân tập bơi, thường xuyên bơi lội, thầy Vũ làm tờ trình gửi lên huyện, đề xuất được làm chính sách ưu đãi đến năm 2030: Miễn phí vé vào bể bơi cho tất cả người dân không may mắc bệnh xương khớp. Giảm 50% vé tháng (còn 150.000 đồng/tháng) và phí học bơi cho gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách. Giảm 50% vé tháng và phí học bơi trong năm cho học sinh đạt học lực giỏi từ cấp trường đến cấp huyện. Miễn phí vé vào và phí học bơi trong năm cho học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Miễn phí không thời hạn vé vào và dạy tất cả các kiểu bơi cho học sinh giỏi cấp quốc gia.
Hiện ngoài những buổi dạy thể dục ở trường, thầy Vũ tranh thủ dạy bơi miễn phí cho học sinh ở bể bơi của gia đình vào các buổi sáng. Còn buổi chiều, thầy lại đi xe máy/bus xuống TP Thanh Hóa dạy tại bể bơi của khách sạn Sao Mai và khách sạn Vinpearl Thanh Hóa, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình cũng như tích lũy nguồn kinh phí tu sửa bể bơi.
Tháng 4/2019, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Cẩm Thủy nhờ thầy Vũ tìm vận động viên và huấn luyện đội bơi cho huyện, để đi dự giải Bơi – Lặn cứu đuối toàn tỉnh Thanh Hóa. Thầy đã liên lạc được 6 VĐV là người dân địa phương và học sinh Trường THCS Cẩm Tân, THCS Cẩm Vân, THPT Cẩm Thủy 3. Tại cuộc thi, đoàn vận động viên huyện Cẩm Thủy do thầy Vũ dẫn đầu đoạt 8 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 6 huy chương đồng ở các môn bơi. Huyện Cẩm Thủy vinh dự xếp thứ Nhì toàn đoàn.
Nạn đuối nước ở học sinh: Hiểm nguy rình rập
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhiều địa phương trên cả nước nắng nóng gay gắt, có nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C. Chuỗi ngày nắng cháy da cháy thịt khiến các em học sinh (HS) căng thẳng, mệt mỏi.
Để giải nhiệt, nhiều em đã rủ nhau đi tắm sông hay nghịch nước ở các ao hồ mà không biết nguy hiểm đang rình rập...
Cần trang bị kỹ năng, kiến thức bơi lội cho trẻ.
Những vụ đuối nước thương tâm
Thống kê của Bộ LĐTBXH, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm 48,8% do tai nạn thương tích. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở nước ta cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương... không có sự bảo vệ của người lớn.
Năm nào cũng vậy, dù đã có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ trong mùa hè, nhưng đâu đó vẫn thấy có những vụ đuối nước thương tâm. Trong 2 ngày 4 và 5/6 mới đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra liên tiếp 2 vụ khiến 3 HS chết đuối.
Khoảng 14 giờ ngày 4/6, một nhóm gồm 6 HS lớp 8A1 trường THCS xã Ninh Gia đi chơi ở hồ Thủy điện Đại Ninh. Trong lúc tắm hồ, 4 HS bị rơi vào vùng nước xoáy, trong đó có 2 em bơi được vào bờ, còn 2 HS bị nước cuốn mất tích. Ngay sau khi nhận được tin báo, hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ của huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng đã dùng xuồng cứu hộ tìm kiếm 2 HS mất tích. Đến 10h ngày 5/6, thi thể 2 HS đã được tìm thấy trong lòng hồ thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng).
Trong buổi chiều 4/6, một HS lớp 8 của Trường THCS xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) cũng gặp nạn tại một hồ chứa nước dùng để sản xuất nông nghiệp ở địa phương. HS này đã được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện nhưng không qua khỏi.
Đây cũng là nỗi lo lắng của các cấp chính quyền, các nhà trường và phụ huynh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Số liệu từ Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết, từ ngày 1/1/2020 đến 31/5/2020, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 14 vụ đuối nước liên quan đến trẻ em, làm chết 16 em độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi. Đa phần các nạn nhân đều sinh sống ở các huyện có nhiều ao, sông...
Câu hỏi được đặt ra, gần như trường học nào cũng tổ chức các chương trình kỹ năng sống về phòng chống đuối nước, các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng tại sao tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn diễn ra thường xuyên?
Để xảy ra thực trạng trên, bà Lê Thị Nguyệt-Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho rằng, nguyên nhân chính là do trẻ em không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Bên cạnh đó là do sự chủ quan, thiếu giám sát của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như biển, sông, suối, ao, hồ. Cũng có những rủi ro từ tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá để lại các hố ao sâu...
Tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Ở khu vực thành thị, trời bắt đầu vào hè thường có khá nhiều lớp năng khiếu được tổ chức, nhiều khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí. Còn khu vực nông thôn, miền núi, các em thường tự tìm đến sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch. Nhiều vụ đuối nước trẻ em vừa qua chủ yếu xảy ra ở miền núi, người lớn bận rộn mưu sinh, chủ quan, thiếu sự kiểm soát với các con.
Những ý tưởng cần nhân rộng
Trong những ngày hè tháng 6 này, trước lo lắng về sự an toàn cho trẻ, lại thấy trên khắp các diễn đàn, báo mạng khen ngợi một thầy giáo đã 8 năm ngăn dòng chảy, mở lớp dạy bơi miễn phí tại Quảng Trị. Đó là thầy giáo Nguyễn Viết Tước- giáo viên dạy môn Thể dục tại Trường Tiểu học và THCS Hải Vịnh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Đây là vùng trũng, có kênh mương dày đặc và thường xảy ra lũ. Từ những ngày đầu về dạy học ở địa phương, phát hiện nhiều HS không biết bơi, thầy đã viết đơn lên chính quyền xã Hải Hưng xin được mở lớp dạy bơi miễn phí cho HS các cấp. Các em muốn tham gia lớp học bơi của thầy Tước đều phải làm đơn đăng ký và gia đình cam đoan phối hợp cùng thầy đảm bảo an toàn nhất cho các con.
Ý tưởng của thầy giáo đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền cũng như các phụ huynh, HS. Thầy Tước tự bỏ tiền túi mua một số dụng cụ học bơi cơ bản, rồi dọn dẹp bến bãi, ngăn dòng chảy của các con kênh sông, hồ nhỏ có nước chảy yếu thành điểm dạy bơi an toàn. Thầy Tước cùng đoàn viên thanh niên xã đi chặt từng cây tre luồng về ngăn dòng thành từng ô để dạy bơi. Mỗi ô có chiều dài 10 m, dành cho từng nhóm học.
Năm 2012, có 96 em theo lớp học bơi miễn phí của thầy Tước. Sau đó, số em tham gia lớp học tăng lên theo từng năm, trung bình mỗi năm có từ 140 - 160 HS. Lớp học đông, thầy Tước phải chia lớp ra thành 2 ca, dạy mỗi ngày và xuyên suốt tất cả các ngày trong tuần.
Mô hình dạy bơi này nhanh chóng tạo sự lan tỏa. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn xã Hải Hưng phối hợp, hỗ trợ cùng thầy Tước dạy bơi cho các HS. Để giảm bớt vất vả cho thầy giáo, Đoàn xã Hải Hưng còn dựng mái che cho các em có chỗ khởi động, đỡ nắng nóng và giám sát, đảm bảo an toàn. Huyện Đoàn Hải Lăng cũng đã nhân rộng mô hình ý nghĩa này trong toàn huyện. Hiện tại, 100% xã đoàn, thị trấn trong toàn huyện Hải Lăng có lớp dạy bơi miễn phí cho HS.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước thì vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng. Trước hết phải định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn, tuyên truyền dạy HS kỹ năng, kiến thức bơi lội trong các nhà trường. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp để rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn... những khu vực chứa nước nguy hiểm...
Chắp cánh ước mơ của học sinh nghèo Thông qua chương trình "Nâng bước em tới trường", LLVT tỉnh đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ban CHQS huyện Tiên Yên nhận đỡ đầu, trao học bổng cho em Trần Đức Khiêm (thôn Đồng Và, xã Yên Than, huyện Tiên Yên). Đầu tháng 6 vừa...