Thầy giáo Việt Nam lọt “top 50 thế giới”
30 tuổi, nhưng đã có hai năm làm trưởng khoa tiếng Anh Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Và 30 tuổi, được Microsoft xếp là 1 trong 50 giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục xuất sắc trên thế giới.
Đó là tiến sĩ (TS) Nguyễn Ngọc Vũ, sinh năm 1981, quê ở Nam Định…
Là một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình đối tác giáo dục của Microsoft trong nhiều năm với nhiều phần mềm có tính ứng dụng cao trong giáo dục, mới đây TS Nguyễn Ngọc Vũ đã vượt qua 500 giảng viên hàng đầu trên thế giới để trở thành một trong 50 người được Microsoft vinh danh.
Khởi đầu từ đam mê
“Tiền thì ai cũng cần, nhưng mình được thừa hưởng nhiều thứ miễn phí từ công nghệ rồi, sản phẩm của mình coi như một sự hàm ơn công nghệ và trả ơn cuộc đời mà thôi” TS Nguyễn Ngọc Vũ
Năm 2004, để tạo điều kiện giảng dạy tốt hơn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM hỗ trợ cho giảng viên được học tin học miễn phí tại trung tâm tin học của trường. Lúc ấy, Nguyễn Ngọc Vũ mới chỉ mon men làm quen với bàn phím, con chuột. Vì vậy, để bù đắp thiếu sót, rảnh rỗi giờ nào là anh có mặt trên lớp tin học giờ đó.
Anh kể: “Không biết vì sao, nhưng lúc ấy tôi “yêu” cái máy tính hơn bất cứ thứ gì khác trên đời”. Chỉ vài tháng sau, tất cả những chứng chỉ tin học thời kỳ đó anh đều có trong tay. Từ cơ bản như Microsoft Office đến Auto CAD, Corel, Visual Basic… anh đều thông thạo.
Ngay sau đó, Đại học Sư phạm TP.HCM xây dựng được phòng máy tính đầu tiên dành cho giảng viên và sinh viên nghiên cứu. Nguyễn Ngọc Vũ được giao nhiệm vụ quản lý và trông coi phòng này. Giống như cá gặp nước, suốt ngày anh quên ăn quên ngủ, hết lọ mọ cài cắm, tháo lắp rồi sửa chữa hỏng hóc máy móc. Ròng rã hơn một năm trời như thế, Vũ “đọc” được từng bệnh cơ bản của máy tính. Anh lờ mờ phát hiện những lỗ hổng, những thiếu sót trong phần mềm ứng dụng dạy ngoại ngữ chạy trên máy tính.
Video đang HOT
Đến năm 2007, Vũ nhận học bổng du học Ấn Độ trong lĩnh vực phần cứng và quản trị mạng trong giáo dục. Những ngày ở đây, anh gồng mình học gấp ba, gấp bốn lần người khác. Anh vào thư viện, lên mạng đọc tài liệu, mua sách vở, tranh thủ những giờ nghỉ trưa tìm gặp giáo sư giỏi để trau dồi về phần mềm, lập trình. Lúc ấy ở Việt Nam, hệ thống thi TOEFL trên giấy đã hoàn toàn xóa sổ, chuyển sang thi trên máy tính. Những kiến thức lĩnh hội được khiến Vũ tiếp tục đau đáu suy nghĩ: phải làm sao thiết kế được phần mềm luyện thi TOEFL cho sinh viên của mình trên máy tính để làm quen với cách thức thi mới.
TS Vũ thuyết trình về ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục tại Hong Kong – Ảnh do nhân vật cung cấp
Về nước, Vũ giam mình trong phòng máy sáu tháng để thiết kế, thử nghiệm, chắp vá những lỗ hổng rồi cho ra đời phần mềm thi TOEFL iBT trên máy tính đầu tiên ở Việt Nam lúc bấy giờ. Chưa dừng lại ở đó, trong một lần giảng dạy môn ngữ pháp tại trường đầu năm 2008, anh chợt nảy ra suy nghĩ: “Tại sao không cho sinh viên thi ngữ pháp trên máy tính nhỉ?”. Nghĩ được và làm được, vỏn vẹn chưa đầy một tuần, Vũ cho đóng gói phần mềm thi trực tuyến mang tên ED Quiz. Anh đánh liều viết đơn lên khoa, xin phép phòng đào tạo cho sinh viên thi thử nghiệm ngay.
“May mắn thế nào mà khoa và nhà trường tin tưởng đồng ý cho tổ chức” – anh cười sảng khoái. Cho đến bây giờ, mô hình thi ngữ pháp trên máy tính đã được nhân rộng ra nhiều môn như ngôn ngữ học, giao tiếp liên văn hóa và nhiều ngành học tại Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm 2010, phần mềm ED Quiz được trao giải nhì trong lĩnh vực giáo dục tại lễ trao Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật và sáng chế TP.HCM. Phần mềm này cũng là phần mềm được người dùng tải về nhiều nhất trên mạng giáo dục của Microsoft Việt Nam kể từ khi đưa lên.
Đến top 50 thế giới
Kể về chuyện là người Việt Nam duy nhất lọt vào bảng xếp hạng 50 giáo viên sáng tạo và ứng dụng công nghệ xuất sắc của Microsoft, TS Vũ vẫn chưa hết ngỡ ngàng: “Bữa đó trụ sở Microsoft gửi email cho tôi mời tham gia cuộc thi với yêu cầu chỉ vọn vẹn: viết các phần tham luận và thiết kế một đoạn phim sáng tạo. Bất ngờ và vội vã, tôi bắt tay viết tham luận và thiết kế sản phẩm, tất cả chỉ gọn lỏn trong ba ngày là xong. Thậm chí lúc gửi đi còn không kịp kiểm tra sản phẩm nữa”.
Đúng một tháng sau, anh nhận được email từ Tập đoàn Microsoft, họ báo rằng: “Vũ, từ 500 giáo viên trên khắp thế giới, chúng tôi đã lựa chọn được 50 người sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục xuất sắc nhất, trong đó có tên anh”. Tai anh như ù đi, vui mừng chen lẫn hồ nghi. Anh vẫn chưa dám tin cho đến khi nhận được thư xác nhận và mời sang trụ sở Microsoft tại Hoa Kỳ để tham gia tập huấn và thuyết trình, lúc này anh mới dám kể cho người thân và bạn bè đồng nghiệp nghe.
TS Nguyễn Ngọc Vũ làm việc với chuyên gia của Microsoft
Sau buổi thuyết trình tại trụ sở Microsoft, nhiều người đã liên lạc với anh đề nghị chia sẻ phần mềm. “Sự công nhận là niềm vui lớn, nhưng giới thiệu được bộ mặt tích cực của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giáo dục ở nước mình với bạn bè thế giới mới là niềm vui lớn hơn” – TS Vũ tự hào.
Sáng tạo để… trả ơn
Hằng ngày, TS Vũ đến văn phòng từ rất sớm. Anh giải quyết tất cả những công việc: từ xếp lịch công tác, lịch giảng dạy, tiếp phụ huynh, sinh viên… đều rất nhanh chóng, tỉ mỉ. Anh lập ra một đội sinh viên “phản ứng nhanh”, đào tạo cho học trò của mình rành rẽ từng trường hợp hỏng hóc, những lỗi máy tính thường gặp để mỗi khi trên lớp có sự cố, sinh viên có thể tự xử lý mà không cần đến chuyên viên máy tính.
Anh chủ trương xây dựng văn phòng khoa thành “văn phòng không giấy”. Tất cả những tài liệu, văn bản chỉ đạo, bảng điểm… đều được số hóa 100%. TS Vũ tự hào khoe: “Làm như vậy mọi thứ được cập nhật nhanh hơn, ở đâu cũng có thể xem được và điểm số thì rõ ràng”.
Chuyến du học tại Viện công nghệ Puget Sound (Hoa Kỳ) năm 2009 giúp Vũ hiểu hơn về cốt lõi và bản chất của ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục. Anh chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ phải là tạo môi trường tăng cường tương tác người học với nhau chứ không phải hoàn toàn lệ thuộc vào máy móc, vai trò của người thầy vẫn là chính, người thầy đứng đằng sau giúp học sinh, sinh viên tiếp cận và làm chủ được công nghệ. Đó mới là ứng dụng công nghệ để từ đó sáng tạo ra nhiều thứ có giá trị”.
Bây giờ, sản phẩm ứng dụng công nghệ mang tên Nguyễn Ngọc Vũ đủ cho một bộ sưu tập. Hỏi vì sao không thương mại hóa những phần mềm đó, anh cười bảo: “Chỉ cần thấy sản phẩm của mình được nhiều người sử dụng, hữu ích cho xã hội, nhiêu đó thôi cũng đủ hạnh phúc rồi. Tiền thì ai cũng cần, nhưng mình được thừa hưởng nhiều thứ miễn phí từ công nghệ rồi, sản phẩm của mình coi như một sự hàm ơn công nghệ và trả ơn cuộc đời mà thôi”.
Trong mắt mọi người * GS.TS Les Foltos (giám đốc Viện ứng dụng công nghệ Peer-ED – tác giả của chương trình huấn luyện giảng viên ứng dụng công nghệ vào giáo dục toàn cầu): “Tôi rất may mắn được làm việc với TS Vũ bằng nhiều cách khác nhau trong hơn bốn năm qua. Trong cùng thời gian đó, tôi cũng đã làm việc với những giáo viên, giảng viên hàng đầu của hơn 75 quốc gia. Qua đó tôi thấy TS Vũ rõ ràng là một trong những giảng viên sáng tạo xuất sắc của thế giới hiện nay. Với những thành quả mà TS Vũ đạt được, tôi thấy anh ấy hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh”. * Cô Vũ Ngọc Thanh (giám đốc chương trình giáo dục của Microsoft tại VN): “Thầy Vũ là người đi đầu trong việc triển khai các dự án giáo dục của Microsoft tại Việt Nam. Anh ấy là một cá nhân tích cực, xuất sắc và nhanh nhẹn. Phần mềm ED Quiz của thầy thật sự rất hữu ích, dễ sử dụng và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của trình độ giáo viên Việt Nam hiện nay. Được làm việc và hợp tác với thầy Vũ là sự may mắn lớn đối với chúng tôi. Thầy Vũ rất xuất sắc, trong nhiều chương trình hội thảo tại khu vực, các giảng viên, giáo viên tại Thái Lan, Philippines, Indonesia… đánh giá rất cao những công trình mà thầy Vũ đã và đang sáng tạo phục vụ sự phát triển chung của giáo dục toàn thế giới”. * TS Nguyễn Văn Long (trưởng phòng đào tạo Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng): “Tôi chỉ có thể nói rằng anh Vũ là người hết sức tận tâm và nhiệt huyết với công việc. Hiện nay anh ấy thuộc đội ngũ những người đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy ở nước ta. Những phần mềm của anh Vũ không mang nặng tính lý thuyết, nó hết sức gần gũi và thân thiện nên có tính ứng dụng rất cao trong cộng đồng và được nhiều giảng viên lựa chọn để phục vụ giảng dạy”. * TS Bạch Văn Hợp (hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM): “Anh ấy luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là người đồng nghiệp chăm chỉ, người thầy tận tụy, luôn cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục. Thầy Vũ là một trong những trưởng khoa, TS trẻ nhất tại Đại học Sư phạm TP.HCM”.
Theo TT
Thực hư chuyện Trường ĐH Đồng Tháp "đóng cửa" 17 ngành học?
Trong khi nhiều tờ báo đăng tin, do không đủ TS nên ĐH Đồng Tháp đóng cửa 17 ngành học, thì Hiệu trưởng trường này cho biết, đó chỉ là tin đồn.
Vừa qua, một số tờ báo đã thông tin về việc Trường ĐH Đồng Tháp đóng cửa 17 ngành học do số thí sinh trúng tuyển quá ít.
Cụ thể, có 11 ngành hệ ĐH, 6 ngành hệ CĐ cụ thể như sau:
Hệ ĐH : Sư phạm vật lý, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, khoa học máy tính, sư phạm tin học, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm hóa học, quản lý văn hóa, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung quốc, sư phạm lịch sử , khoa học thư viện.
Hệ CĐ: sư phạm vật lý, sư phạm tin học, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ thiết bị trường học, sư phạm địa lý và khoa học thư viện.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam trưa ngày 11/9, TS.Nguyễn Văn Đệ - hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp cho biết, chúng tôi chưa hề đưa ra thông tin trên.
Ông Đệ cho hay: Hiện còn mấy ngày nữa mới hết xét tuyển NV2, nếu không đủ NV2 thì chúng tôi sẽ đăng thông báo cho thí sinh biết để nhà trường xét tiếp NV3.
TS Đệ khẳng định: "Những thông trên chúng tôi chưa có thông báo, dù những ngành nói trên cũng có 4,5 thí sinh đến nộp hồ sơ ,nhưng tôi chưa bao giờ thông báo đóng cửa các ngành này. Ông cho biết thêm, chúng tôi dự định gộp hai ngành thành một ngành của hệ cao đẳng lại thôi ( ví dụ như ngành giáo dục công dân với sử...), để sắp xếp lại cho các ngành phù hợp" .
Theo GDVN
Nẻo đường nào sao cũng quá xa xôi... "Khi ra trường, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ ráng phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Các em trưởng thành, tôi sẽ đi học tiếp để nâng cao nghiệp vụ, nhưng bây giờ, dù là không mất tiền để ước mơ, tôi cũng không còn dám nghĩ đến điều đó nữa...". Đó là câu trả lời mà thầy giáo Bùi Phạm...