Thầy giáo trăn trở về “chất” của tú tài tốt nghiệp THPT
Vì sao tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2010 tăng hơn các năm trước, có phải cán bộ coi thi đã nới lỏng nội quy vì sợ mang tiếng tỉnh mình không đạt mặt bằng chung?
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ diến ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 6. Để kì thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, đúng tiến độ, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2011 gửi các sở GD-ĐT. Văn bản ghi rõ: “Thực hiện nghiêm túc việc tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi và quán triệt sâu sắc ý thức trách nhiệm cho cán bộ tham gia kỳ thi nhằm khắc phục triệt để hiện tượng chưa nghiêm túc ở một số Hội đồng coi thi…”
Theo đó, người thực hiện khâu tổ chức thi ở các đơn vị cơ sở năm nào cũng được tập huấn kỹ nội quy, quy chế kì thi nhưng thực hiện tốt hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhìn lại biểu đồ kết quả thi tốt nghiệp các năm gần đây chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
Đơn cử, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước năm 2009 là 83,8%. Tỉnh có tỷ lệ đỗ cao nhất 98,26% là Nam Định, tỉnh có tỷ lệ đỗ thấp nhất là Sơn La với 39,07%. Những tỉnh có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp, người quản lí giáo dục, giáo viên ở các đơn vị đó phải trung thực thẳng thắn nhìn lại thành tích của trường mình, thậm chí phải chịu cắt thành tích thi đua, đơn vị tiên tiến vì tỉ lệ không đạt “mặt bằng chung”.
Đến năm 2010, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước là 92,57%, trong đó có những trường ở một số tỉnh tăng đột biến. Ví dụ: Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng (Quarng Ngãi) thi đỗ tới 90,6%. Trong khi năm 2007, trường này không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp. Xuất phát từ kết quả như vậy, dư luận đánh giá kì thi tốt nghiệp năm 2010 “dễ thở” hơn các năm trước.
Vì sao tỉ lệ năm 2010 tăng hơn các năm trước, có phải cán bộ coi thi đã nới lỏng nội quy trường thi vì sợ mang tiếng tỉnh mình không đạt mặt bằng chung, vì sợ cắt thi đua? Xét trong nhiều yếu tố, nguyên nhân này có thể xảy ra bởi nhiều người suy nghĩ: mình làm căng, tỉ lệ học sinh tỉnh mình đỗ thấp, mình và con em mình sẽ bị chịu thiệt. Cứ thế, mặc dù được triển khai học quy chế đầy đủ nhưng trong tâm lí của nhiều giáo viên coi thi vẫn duy ý, tùy vào tình hình mà thực hiện. Thưc trạng này dẫn đến tình trạng nơi diễn ra dễ, nơi diễn ra khó. Kết quả những nơi làm căng, tỉ lệ học sinh đỗ sẽ thấp hơn những nơi “tùy vào tình hình mà thực hiện”.
Năm 2011 là năm thứ năm thực hiện cuộc vận động “hai không” với nội dung chống tiêu thực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Tuy nhiên, càng về sau, cuộc vận động này càng ít được công chúng và những người trong ngành chú ý. Những kì thi 2008; 2009, ở các Hội đồng thi, ngoài lãnh đạo, thư kí, giám thị còn có thanh tra sở, thanh tra bộ nằm vùng trong suốt thời gian kì thi diễn ra. Đến năm 2010, đoàn thanh tra nằm vùng của bộ ở các hội đồng thi đã “bốc hơi”. Có phải vì quá tốn kém kinh tế hay tính hiệu quả của cách làm việc mà bộ không tiếp tục duy trì thực hiện. Một điều bất cập nữa là trong tâm lí của nhiều người, không nên làm căng với học sinh. Đúng, không nên làm căng với học sinh nhưng nội quy thì phải thực hiện, nhất là trong thi cử.
Hơn nữa, hiện nay trong tâm lí của nhiều thấy cô giáo coi thi, không ai muốn chống tiêu cực. Số đông suy nghĩ tai sao mình vậy, vì chống tiêu cực mình sẽ bị mọi người chú ý, thậm chí bị tẩy chay, phiền phức…
Video đang HOT
Thiết nghĩ, cuộc vận động này cần phải được triển khai thực hiện rộng, đồng bộ và tốt hơn nữa. Để làm được điều này và đánh giá đúng sức học cũng như công nhận kết quả suốt 12 năm học phổ thông, Bộ Giáo dục cần định hướng cách ra đề thi sao cho lượng kiến thức đề thi ở mức trung bình, sau đó tổ chức thi thật nghiêm túc.
Người làm công tác giáo dục không chạy theo tỉ lệ đỗ tốt nghiệp mà phải nhìn thẳng, thừa nhận kết quả thực, từ đó tìm hướng nâng cao hiệu quả. Hơn nữa, cơ quan quản lí giáo dục không nhìn vào tỉ lệ đánh giá thi đua.
Bởi đơn giản một điều, mặt bằng và sức học của học sinh không hoàn toàn giống nhau. Mong rằng kì thi tốt nghiệp THPT sẽ đừng lặp lại “điệp khúc” như nhiều năm trước mà phải diễn ra công bằng nghiêm túc như những năm đầu thực hiện cuộc vận động “hai không”.
Theo VTC
Khối C ngày càng thưa vắng
Theo thống kê của các sở GD-ĐT, hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH-CĐ năm nay hầu hết đều tăng so với năm 2010. Tuy nhiên hồ sơ khối C lại giảm đáng kể. Thậm chí nhiều trường THPT không có hồ sơ nào ĐKDT khối C.
Lượng học sinh chọn khối ngành khoa học xã hội giảm đều đặn sau mỗi năm. Trong ảnh: thí sinh khai hồ sơ ĐKDT tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại TP.HCM, ông Huỳnh Minh Trí - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết trong tổng số 151.000 hồ sơ của TP chỉ có 2.100 bộ ĐKDT khối C.
Đáng chú ý là nhiều trường THPT tại TP.HCM không có học sinh nào ĐKDT khối C hoặc rất ít. Chẳng hạn Trường THPT Lê Quý Đôn với gần 1.000 hồ sơ nhưng không có hồ sơ khối C nào.
Tương tự, Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến với gần 1.000 hồ sơ ĐKDT cũng không "bói" ra hồ sơ nào đăng ký khối C. Trường THPT Gia Định chỉ có vài hồ sơ đăng ký vào khối C.
Thiểu số
Báo động đỏ Trong một hội thảo về đào tạo các ngành khoa học xã hội mới đây, PGS.TS Đoàn Lê Giang - trưởng khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng cần báo động đỏ về thực trạng đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn khi nhóm ngành này bị coi như hạng hai, rất ít sinh viên giỏi chọn theo học. Điều cần quan tâm nhất hiện nay là làm sao thu hút những thanh niên giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và sử dụng họ một cách hiệu quả nhất. Còn theo PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang - Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, nhiều người có quan niệm không đúng về ngành nghề trong lĩnh vực này như ra trường khó có việc làm, thu nhập thấp... Điều cần thay đổi trước hết là quan niệm của xã hội về nhóm ngành nghề này.
Tình hình hồ sơ ĐKDT khối C tại Huế có phần khả quan hơn nhưng vẫn rất ít trong tương quan với các khối còn lại. Theo Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, dù tổng số hồ sơ tăng nhưng khối C chỉ có 4.057 hồ sơ, giảm gần 700 hồ sơ so với năm trước.
Trong số gần 11.000 hồ sơ của học sinh An Giang ĐKDT vào Trường ĐH An Giang, chỉ vỏn vẹn 495 hồ sơ khối C trong khi trường này có sáu ngành tuyển khối C với chỉ tiêu khá nhiều. Tương tự, Kiên Giang có gần 17.000 bộ hồ sơ nhưng số hồ sơ ĐKDT khối C chỉ có 974 bộ.
Xu hướng học sinh ngày càng ít chọn thi khối C diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Tại Đắk Lắk, hồ sơ ĐKDT khối C chỉ chiếm chưa tới 7% tổng số hồ sơ. Toàn tỉnh có hơn 54.000 hồ sơ ĐKDT nhưng hồ sơ vào khối C chỉ có 3.698 bộ.
Ông Lê Văn Đức - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai - cho biết lượng hồ sơ khối C những năm trước đã ít, năm nay càng ít hơn. Trong số hơn 53.000 hồ sơ, ĐKDT khối C rất ít chỉ có 1.417 bộ. Trong khi đó khối A chiếm hơn 50%. Ở các địa phương khác như Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam... tình hình cũng diễn ra tương tự.
Trong bốn khối thi cơ bản, chiếm phần lớn là hồ sơ khối A, kế đến là khối B, khối D có lượng hồ sơ tương đối trong khi khối C nằm vị trí chót bảng.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 chứng kiến cảnh nhiều ngành khối xã hội phải lận đận xét tuyển đến NV3 với điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn chung nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều ngành tại các trường ĐH Đồng Tháp, Trà Vinh, Văn Hiến, Đà Nẵng phải gắng gượng tuyển sinh để giữ ngành hoặc ngưng tuyển sinh. Với lượng hồ sơ khối C sụt giảm, tình hình tuyển sinh nhóm ngành xã hội ở nhiều trường sẽ còn khó khăn hơn.
Mất sức hút từ phổ thông
Đánh giá về tình trạng èo uột của hồ sơ khối C, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường ĐH, THPT cho rằng nguyên nhân là do các ngành khối xã hội cơ hội việc làm hẹp, khó chuyển đổi nghề nghiệp, thu nhập không cao.
Ông Trương Thức - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk - nhấn mạnh lý do khiến khối C ngày càng mất sức hút chính là đầu ra khối ngành này không nhiều. Thực tế tại Đắk Lắk cho thấy những năm trước đây học sinh dự thi khối C, D chủ yếu vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, những năm gần đây nhu cầu giáo viên gần như đã bão hòa, độ tuổi giáo viên khá trẻ nên cơ hội việc làm của nhóm ngành này hầu như rất ít. Do đó học sinh đã dự thi vào những khối ngành khác có cơ hội việc làm rộng hơn.
Việc sụt giảm này không chỉ xuất hiện trong năm nay. Theo ý kiến của nhiều sở GD-ĐT, lượng hồ sơ khối C giảm dần đều trong nhiều năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân sâu xa đó là khi phân ban phổ thông, học sinh đã không mặn mà với ban khoa học xã hội, số lớp ban khoa học xã hội trong các trường THPT hầu như rất ít hoặc không mở được.
Cô Huỳnh Thị Liễu - cán bộ phụ trách tuyển sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn - cho biết học sinh ngày càng ít chọn khối C để dự thi. Ngay cả đầu vào lớp 10 cũng không em nào chọn theo ban khoa học xã hội nên trường không mở được ban này ngay từ đầu.
Ông Lê Văn Đức cho biết thêm số học sinh theo học ban khoa học xã hội ở các trường THPT tại Đồng Nai cũng rất ít. Ngay từ khi chọn ban, các em đa số chọn ban cơ bản và khi thi ĐH thường có xu hướng chọn khối ngành kinh tế, công nghệ có cơ hội việc làm rộng hơn.
Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - chia sẻ: số lượng ngành tuyển sinh khối C đúng là có phần hẹp hơn các khối khác, tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ thì cơ hội việc làm các ngành khối này không hề nhỏ. Vấn đề là học tốt hay không và thể hiện mình như thế nào. Thực tế hiện nay nhiều học sinh thường chọn khối thi theo phong trào. Không ít người học khá khối C hơn nhưng vẫn chọn khối A.
Theo Tuổi Trẻ
Để trúng tuyển vào lớp 10 công lập Nếu không cẩn thận, nhiều học sinh (HS) sẽ mất cơ hội vào các trường THPT công lập như mong muốn. Tỷ lệ tăng không đồng nghĩa cơ hội tăng Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, sẽ có khoảng 76.980 HS tốt nghiệp bậc THCS tham dự tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011 - 2012. Khoảng 76,11% trong số đó...