Thầy giáo phát hiện ‘điều kỳ diệu’ khi cho học sinh dùng điện thoại
Cho phép học sinh được nghe nhạc trong giờ tự học miễn là các em đeo tai nghe và không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, thầy giáo Mỹ nhận ra tốc độ làm bài của các em tăng lên nhờ phương pháp này.
Thầy Ken Halla là một giáo viên người Mỹ đã có 22 năm giảng dạy môn Lịch sử. Trong suốt 5 năm qua, thầy đã tích cực đưa điện thoại di động vào việc giảng dạy. Nhờ đó, các học sinh của thầy luôn cảm thấy hứng thú trong mỗi tiết học.
Không những thế, thầy Halla còn lập ra 3 website về giáo dục có lượt truy cập nhiều nhất nước Mỹ, bao gồm “Blog giáo viên Lịch sử thế giới”, “Blog giáo viên Mỹ” và “Blog giáo viên Lịch sử Mỹ”. Các trang web này đã giúp giáo viên khắp nơi dễ dàng làm quen hơn với công nghệ, đồng thời cung cấp cho họ các tư liệu hữu ích để phục vụ cho giảng dạy.
“Không phải lớp học nào cũng có điều kiện trang bị máy tính xách tay. Chính vì vậy, điện thoại di động đã trở thành thiết bị rất có ích đối với giáo viên”, thầy giáo này nói.
Cũng theo thầy giáo Halla, số lượng học sinh có điện thoại thông minh vẫn đang tăng nhanh chóng mặt trong vài năm qua. Nếu như trước đây, các em chỉ có điện thoại ‘cục gạch’, không thể làm gì khác ngoài nghe gọi và nhắn tin, thì bây giờ hầu hết có có điện thoại thông minh.
Theo số liệu thống kê của công ty Nielson, có đến 58% trẻ em Mỹ độ tuổi từ 13-17 sở hữu điện thoại. Con số này dường như đang tăng dần theo từng năm.
Trước thực tế đó, thầy Halla đã đưa ra một số mẹo để giúp học sinh ứng dụng điện thoại vào việc học tập một cách hiệu quả.
Không làm theo cách truyền thống
Nhiều giáo viên có phản ứng gay gắt trước hành vi sử dụng điện thoại của học sinh. Họ đinh ninh rằng các em đang dùng nó để nhắn tin tán gẫu hoặc giải trí làm xao nhãng việc học. Cách làm của thầy Halla là luôn để mắt tới các em một cách đúng mức.
Thầy đã rời vị trí bục giảng, đi xuống khắp các dãy bàn vừa để giúp học sinh làm bài, vừa đảm bảo rằng không ai sử dụng điện thoại vào việc cá nhân.
“Thật khó để các em có thể nghịch điện thoại trong giờ học nếu giáo viên luôn đi lại xung quanh”, thầy Halla vui vẻ chia sẻ.
Sử dụng điện thoại để đánh giá quá trình học
Video đang HOT
“Remind101″ là một ứng dụng trên điện thoại rất có ích cho việc học tập. Ứng dụng này sẽ đưa ra lời nhắc nhở nếu một học sinh đang đến hạn nộp bài tập về nhà. Các bậc phụ huynh cũng rất hứng thú với công cụ hữu ích này. Họ cũng cho hay, nhờ “Remind101″, họ có thể sát sao với con trẻ hơn.
“Sau khi phổ biến ứng dụng tới cả lớp, tôi rất ngạc nhiên khi thấy học sinh chăm chỉ làm bài tập về nhà hơn. Sự nhắc nhở thường xuyên đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Có lẽ các em không lười làm bài tập, chỉ là đôi khi quên mất mà thôi”, thầy Halla nói.
Ngoài các ứng dụng thân thiện với việc học, thầy Halla còn tìm ra các nguồn tài liệu dồi dào trên mạng thông qua điện thoại di động. Ví dụ như “World Wiki” là một ứng dụng cung cấp thông tin nhân khẩu học cho gần 250 quốc gia khắp thế giới. Hay như “iAmerican”, một ứng dụng cho phép người dùng truy cập thông tin về từng đời Tổng thống Mỹ và lịch sử Nhà Trắng. Một số kiến thức hàn lâm hơn như hiến pháp, pháp luật cũng có thể được tìm thấy nhờ điện thoại thông minh.
Thầy Halla đã tổng hợp lại các nguồn tài liệu này, sau đó công khai chúng lên blog cá nhân. Nhờ vậy mà các em học sinh có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian tìm kiếm tư liệu.
Hãy để cho học trò được thoải mái
Thầy Halla cho rằng nên để học trò được giải trí một chút với điện thoại di động. Thầy đã rất ngạc nhiên khi nhận ra nhiều em học sinh có thể tập trung hơn, giữ yên lặng hơn nếu được cho phép nghe nhạc trong giờ tự học bài, miễn là các em đeo tai nghe và không làm ảnh hưởng đến bạn bè xung quanh.
“Thật là kì diệu. Những tiếng xì xào trong lớp hầu như đã biến mất. Tốc độ làm bài của các em tăng lên khi tôi áp dụng phương pháp này”, thầy Halla nói.
Thầy cũng yêu cầu các em nghe nhạc trên các trang web phát nhạc tự động để học sinh không bị xao nhãng khi cố tìm bài hát mới. Nếu có kiến thức cần truyền đạt thêm, thầy Halla chỉ cần yêu cầu học sinh bỏ tai nghe và điện thoại xuống, sau đó tập trung vào lời thầy nói.
“Tôi nghĩ các thầy cô nên thích nghi với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, nếu không trong tương lai, họ sẽ chính là những người bị thụt lùi và khó tiếp cận với học sinh của mình”, thầy Halla chia sẻ.
Cho học sinh dùng điện thoại: Tìm giải pháp thay vì cấm đoán
Cho rằng việc để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ mục đích học tập là xu hướng thời đại, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần tìm ra giải pháp quản lý thay vì cấm đoán.
Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về một trong các hành vi mà học sinh không được làm là "Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Trong khi đó, ở thông tư 12 hiện hành (sẽ bị thay thế từ ngày 1/11/2020), học sinh sẽ không được sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Bộ GD-ĐT cho hay việc đưa ra quy định mới này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Thông tư mới này sau khi ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rẳng tinh thần của thông tư là rất phù hợp với thời đại, với xu hướng học tập của tương lai và bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục.
Có chăng thách thức và trở ngại là vấn đề quản lý học sinh ra sao và cần tìm ra giải pháp cho việc này.
Không nên cấm!
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội ủng hộ tinh thần của thông tư này.
"Hiện nay, chương trình mở, internet phát triển và nguồn học liệu cũng rất phong phú. Do đó, không nên cấm mà làm sao để học sinh sử dụng điện thoại di động đúng mục đích phục vụ cho việc học".
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, tinh thần thông tư có thể hay nhưng khi đi vào thực tiễn thì có khi lại phản tác dụng. Cũng vì thế mà đòi hỏi giáo viên phải ý thức, trách nhiệm hơn trong quản lý học sinh.
"Ra yêu cầu phải kiểm tra kết quả của học sinh cuối cùng một cách rõ ràng, chứ không phải cho học sinh mở điện thoại rồi thích làm gì thì làm".
Song, ông Lâm cũng nhìn nhận, việc giám sát là không hề đơn giản.
Theo ông Lâm, khi cho phép sử dụng thiết bị cho nhiệm vụ học tập, giáo viên cần quy định về thời hạn và yêu cầu học sinh thể hiện được kết quả.
Có thể ngoài giám sát của chính giáo viên, cần nâng cao, phát huy tính tự quản của học sinh. "Phải chia tổ, chia nhóm học sinh để theo dõi, nhắc nhở và giám sát lẫn nhau. Để bạn ngồi ngay cạnh vi phạm thì các học sinh xung quanh không ngăn chặn cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, chịu kỷ luật theo nhóm", ông Lâm nói.
"Cũng phải nêu rõ các mức kỷ luật đối với học sinh sử dụng điện thoại không vì mục đích học tập và không được giáo viên cho phép. Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của giáo viên nếu để học sinh sử dụng điện thoại một cách tùy tiện, không vì mục đích học tập".
Công nghệ có thể giúp quản lý học sinh dùng điện thoại
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quy định mới của thông tư 32 là phù hợp với thời đại, với xu hướng học tập của tương lai, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang chuyển đổi số rất mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.
Việc học tập và giảng dạy hiện nay là ở bất cứ nơi đâu, mọi nơi mọi chỗ chứ không chỉ giới hạn trong tường bao lớp học.
"Khi trường học là hệ sinh thái rồi thì việc học thông qua các thiết bị di động trước sau gì cũng sẽ diễn ra, chỉ là nhiều hay ít mà thôi".
Tuy nhiên, theo ông Nam, vấn đề quan trọng là kiểm soát học sinh ra sao. Ông Nam cho rằng hiện nay, công nghệ để kiểm soát việc học tập qua các thiết bị di động của học sinh cũng đã có.
Tuy nhiên, để làm được những điều đó thì cần có một số sự chuẩn bị.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng
Thứ nhất, bản thân người giáo viên phải được tập huấn tất cả những gì về phương pháp quản lý học sinh trên không gian internet.
"Mỗi học sinh có một thiết bị di động nhưng có thể đều phải cài vào một phần mềm và giáo viên có thể biết và kiểm soát bao nhiêu học sinh đang truy cập. Hoặc giáo viên đưa ra một câu hỏi thì có thể cài đặt trong khoảng thời gian là bao nhiêu đó, thì các học sinh trong lớp đã kết nối điện thoại phải đưa ra câu trả lời; nếu không hoặc khi hết thời gian, phần mềm sẽ tự động đóng và coi như học sinh không hoàn thành nhiệm vụ học tập đó.
Thậm chí có những phần mềm có thể cho giáo viên thấy khi học sinh đang thao tác trên ứng dụng gì thì sẽ hiển thị trên màn hình của giáo viên bên cạnh tên học sinh. Màn hình của giáo viên chiếu luôn trên bảng, nên nếu học sinh nào làm gì cả lớp đều rõ. Tức là phải đến mức như thế thì mới có thể quản lý được học sinh không làm những việc riêng khác. Công nghệ có thể giúp giáo viên quản lý những việc đó nhưng vấn đề là phải tập huấn, huấn luyện giáo viên".
Thứ hai, khi đã cho phép học sinh mang điện thoại di động vào lớp thì phải trang bị cho các em các năng lực của công dân số từ trước.
"Ví dụ đưa vào từ cấp THCS thì phải chuẩn bị cho các em từ cấp tiểu học về các kỹ năng về an toàn mạng, người dùng có trách nhiệm, biết sử dụng các ứng dụng,...".
Cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học: Chỉ là vui phút chốc! "Điện thoại di động chỉ là một phương tiện bổ trợ cho việc học, do đó việc đưa vào sử dụng trong giờ học tôi e không phù hợp ngay cả trong nhà trường thông minh". Dư luận xẻ đôi ý kiến khi bàn về Điều 37 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, song tựu trung lại, có nhóm ủng hộ và có nhóm phản...