Thầy giáo nêu 3 vấn đề cần điều chỉnh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2016
(GDVN) – Dường như, Bộ GD&ĐT và các ban ra đề thi tốt nghiệp THPT không dám ra đề theo đúng tinh thần đổi mới, kiểm tra thi cử, bởi vì sợ học sinh có nhiều lỗ hổng.
LTS: Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 trước khi học sinh, thầy cô giáo nghỉ Tết Nguyên Đán.
Trước kế hoạch này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc – cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy tại một trường THPT mạnh dạn tham mưu ý kiến của các đồng nghiệp và đưa ra đề xuất với mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 sẽ tránh được những bất cập còn tồn tại từ năm 2015.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết.
Để chuẩn bị cho công tác kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, đến nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 4 hội nghị với các trường Đại học, Cao đẳng và các Sở GD&ĐT.
Nhiều đề xuất, ý kiến từ hội nghị được nêu lên, tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện một số mặt còn hạn chế, bất cập trong kỳ thi quốc gia năm 2015 vừa qua.
Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 trước khi học sinh, thầy cô giáo nghỉ Tết Nguyên Đán.
Video đang HOT
Từ góc nhìn của những người trong cuộc, là cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy, quản lý, chúng tôi nhận thấy, kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” năm 2015 về cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, tổ chức gọn nhẹ, giảm bớt tốn kém, chi phí lớn cho nhà nước, phụ huynh, kết quả tương đối khách quan, chính xác, làm căn cứ đáng tin cậy để các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh.
Tuy nhiên, qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp, là cán bộ quản lý, thầy cô giáo đang dạy học ở các cơ sở giáo dục vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia.
Cần điều chỉnh một số vấn đề trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2016 (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thứ nhất, việc kết quả học tập lớp 12 tham gia vào cộng điểm công nhận tốt nghiệp THPT.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng, trường THPT Vạn Tường, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho rằng: “Điểm học bạ lớp 12 tham gia vào xét tốt nghiệp THPT là một chủ trương phù hợp, đúng đắn vì phần lớn nhà trường, thầy cô giáo có nhận thức tốt nên đã thực hiện rất đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy chế.
Tuy vậy, sau hai năm thực hiện việc cộng điểm học bạ vào xét kết quả tốt nghiệp, có nảy sinh hiện tượng bất thường một số nhà trường, giáo viên, nhất là các trường hệ ngoài công lập, chạy theo thành tích, “thương” học trò, nâng điểm vô tội vạ cho học sinh lớp 12, dẫn đến chất lượng dạy học ở khối cuối cấp chưa phản ánh đúng thực tế.”
“Do vậy, để giải quyết, hạ nhiệt “vấn nạn” ấy, để mọi nơi đều công bằng, khách quan, không còn khe hở nào.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên bỏ hoàn toàn điểm học bạ lớp 12 tham gia vào xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nếu muốn giữ lại chủ trương đúng đắn này, có tính động viên các em thì nên cộng điểm ở một hệ số rất thấp, theo học lực thì Trung Bình cộng 1 điểm, Khá cộng 2 điểm…thì phù hợp”, thầy Thanh kiến nghị.
Thứ hai, có nên duy trì hai loại cụm thi hay không? Năm 2015, cả nước có 38 cụm thi liên tỉnh và 60 cụm địa phương (có ba tỉnh, thành phố không tổ chức cụm địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đà Nẵng), tổng cộng cả nước có 98 cụm thi.
Thầy Bùi Văn Thuận, giáo viên, trường THPT Chư Sê (Gia Lai) phân tích: “Chia làm 2 loại cụm thi như năm vừa rồi, em thi đại học thì thi cụm liên tỉnh, em chỉ lấy bằng tốt nghiệp THPT thì thi cụm địa phương, cảm giác như có sự phân biệt về “đẳng cấp” giữa học sinh.
Khi đi coi thi ở cụm địa phương về, nhiều giám thị chưa hài lòng về công tác tổ chức coi thi vì vẫn còn hiện tượng tháo khoán của thầy cô, học sinh copy bài của nhau…
Cho nên, kỳ thi năm 2016 nên thống nhất, đồng bộ, quy về về một mối, mỗi tỉnh một cụm thi do trường Đại học chủ trì. 63 tỉnh, thành có 63 cụm thi (giảm được 35 cụm so với năm 2015)”.
Như vậy thì “các trường Đại học sẽ đưa giảng viên, cán bộ của mình về các tỉnh, mặc dù tốn kém hơn về kinh phí nhưng rõ ràng sẽ ít hơn so với chi phí mà hàng trăm nghìn thí sinh, phụ huynh phải bỏ ra để di chuyển về tỉnh, thành khác để dự thi.
Việc này sẽ tiết kiệm cho xã hội nhiều hơn và công bằng với thí sinh hơn. Không còn tư tưởng phân biệt, chênh vênh giữa thi cụm liên tỉnh và cụm địa phương trong học sinh, phụ huynh”, thầy Thuận đề xuất.
Thứ ba, về đề thi cần có tính phân loại, phân hóa cao hơn, phát huy tốt hơn năng lực, phẩm chất của người học.
Mấy năm qua, nội dung, chương trình, cách dạy và học ở bậc THPT có nhiều đổi mới, cải tiến theo hướng phát triển tư duy, sáng tạo, năng lực của học sinh.
Thế nhưng, một số đề thi tốt nghiệp, nhất là môn Toán, theo giới chuyên môn nhận định, đề thi ra những câu hỏi quá thấp, vẫn nặng về học thuộc, ghi nhớ, nhận biết; khả năng vận dụng ít, không phân loại được học sinh, điểm xét tuyển cứ sàng sàng với nhau, làm khó các trường Đại học.
Chúng tôi có cảm nhận, Bộ GD&ĐT, các ban ra đề thi tốt nghiệp THPT không dám ra đề, câu hỏi theo đúng tinh thần đổi mới, kiểm tra thi cử, bởi vì sợ học sinh bị hỏng nhiều.
Thiết nghĩ, cách ra đề năm nay cần có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo yếu tố vừa sức, đại trà đồng thời phù hợp, nhất quán với những thay đổi, cải tiến cách dạy và học tiếp cận hiện nay.
Theo GDVN