Thầy giáo làng “tàn nhưng không phế”
(HNM) – Bị liệt cả tay chân nhưng Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đã nỗ lực làm theo lời Bác dạy, trở thành một người “tàn nhưng không phế”. Những năm qua, Trường khổ công luyện viết chữ bằng miệng và trở thành thầy giáo của hàng chục đứa trẻ trong làng.
Nỗ lực thay đổi cuộc đời
Khi sinh ra, cậu bé Trường cũng mạnh khỏe, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Trong ký ức của mẹ Trường, cậu con trai kháu khỉnh khi ấy thường được bộ đội trong làng gọi là “cậu Liên Xô”, vì trông Trường vừa mập mạp, lại chắc khỏe. Tuy nhiên, hai tuổi, rồi… bốn tuổi, khi các bạn cùng trang lứa đã chạy nhảy khắp sân nhà thì cậu vẫn chưa biết đi, mỗi lần cứ chực đứng lên thì đôi chân lại quỵ xuống.
Thầy giáo làng Phùng Văn Trường dạy cho học trò tập làm toán.
Video đang HOT
Phùng Văn Trường nhớ lại: “Khi tôi lên 6 tuổi, bố mẹ đưa tôi đi khám bệnh tại Bệnh viện Quân y 103. Các bác sĩ kết luận, tôi bị liệt các cơ chân, tay, buộc phải mổ mới có hy vọng đi lại được”. Sau khi được mổ, rồi khổ công tập luyện nhiều ngày, Phùng Văn Trường đã có thể chống nạng đi lại và bắt đầu đi học như bao bạn khác.
Đến trường, Phùng Văn Trường được các thầy cô giáo động viên bằng câu chuyện Bác Hồ tới thăm Trường Thương binh Hà Nội năm 1956, Bác đã động viên các cô chú thương binh: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nghe xong câu chuyện ấy, Trường càng có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Ngày nắng cũng như ngày mưa cậu chống nạng đi học, lúc mệt quá thì nghỉ rồi lại đi tiếp. Có hôm Trường đuối sức, ngã nhoài ra đất. May mắn có người nhìn thấy, đỡ cậu đứng lên, nhưng cũng có hôm cứ dựa vào cái nạng mà bò dậy. Dù bệnh tật, ốm yếu nhưng Trường học không thua bạn nào trong lớp, các môn toán, tiếng Việt đều học rất tốt. Cậu được các cô giáo lấy làm gương cho các bạn.
Tuy nhiên đến năm học lớp 8, hai cánh tay Trường bắt đầu mềm nhũn, không thể điều khiển được. Cậu không thể cầm bút viết, cũng không thể chống nạng đi học. Để đến trường, bố mẹ và bạn bè cậu bé lần lượt thay phiên nhau đưa đón. Nhưng muốn học tiếp lớp 9, Phùng Văn Trường phải đi học cách nhà hơn 10km. Đường xa, bạn không thể đèo một đoạn đường dài như vậy. Bố mẹ Trường cũng không có thời gian để đưa đón, trong khi đôi bàn tay không thể điều khiển được nữa, Trường quyết định nghỉ học.
Ngày ngày làm bạn với chiếc xe lăn, bố mẹ đi làm, các em người đi học, người đi lấy chồng, một mình Trường quanh quẩn trong nhà như một cái bóng, chỉ biết nghe đài, rồi lại xem phim, chẳng thể trò chuyện với ai. Lời dạy của Bác Hồ qua chuyện kể của cô giáo năm nào – “tàn nhưng không phế” lại văng vẳng bên tai, một lần nữa, anh quyết chiến thắng số phận, thay đổi cuộc đời mình.
“Tàn nhưng không phế”
Năm 2010, Trường xin phép bố mẹ ra ở riêng. Bố mẹ Trường có suất đất ở ngay đường lộ. Vay mượn ít tiền, ông bà cho cậu con trai một căn nhà nhỏ, sắm một ít hàng để mở quán. Hàng xóm thấy Trường khuyết tật nhưng tự lực, ai cũng thương mến. Họ thường đến mua hàng để ủng hộ anh.
Những khi rảnh rỗi, Trường mang sách ra đọc. Suy nghĩ được cầm bút viết, được làm việc gì đó có ích lại nhảy múa trong đầu. Anh bắt đầu tập viết chữ. Cây bút đặt trước mặt, xoài tay ra lấy bút lên, bút lại rơi xuống. Đã có lúc, Trường khóc như một đứa trẻ. Không chịu khuất phục, anh nghĩ ra cách ngậm bút vào miệng để tập viết. Lúc đầu, Trường dùng bút bi, nhưng nhựa trơn nên anh vừa cho vào miệng ngậm đã tuột mất. Anh đổi sang bút chì gỗ để viết. Cây bút dài 20cm, Trường ngậm khoảng 5cm. Những ngày đầu tập viết gian nan vô cùng. Bút chọc thẳng vào họng đau điếng. Mồ hôi, nước mắt và nước miếng ướt đẫm cả tờ giấy. Về sau, anh nghĩ ra cách để không bị bút chọc vào miệng là ngậm bút chéo. Răng hàm, răng cửa giống như những ngón tay kẹp chặt lấy bút. Cổ điều khiển bút đi ngang, đi dọc trên trang giấy. Tập luyện hơn một tháng trời, khi cả lưng và cổ đã mỏi rã rời, Trường viết được bằng miệng. Những cái tên lần lượt hiện lên trang giấy đúng như ý muốn của anh. Nhưng lúc đó, Trường là người duy nhất đọc được chữ của mình.
Có chữ, anh bắt đầu dạy học. Vừa bán hàng, vừa trông đứa cháu 6 tuổi cho cô em gái. Ban đầu, anh dạy cháu làm tính, dạy chữ cái, bảo cháu viết chữ. Những người hàng xóm thấy Trường chỉ dạy bài bản nên cũng mang con, mang cháu đến nhờ dạy học. Anh Trường tâm sự: “Tôi cũng không bận bịu gì nhiều. Các cô, các bác có ý nhờ tôi cũng bằng lòng giúp đỡ. Chẳng vất vả gì mà lại vui cửa, vui nhà. Tôi đau ốm thế này mà giúp đỡ được mọi người thì hạnh phúc quá”.
Từ đấy, Phùng Văn Trường dạy học cho các cháu từ lớp 1 đến lớp 5, lúc đầu chỉ 3, 4 cháu nhà hàng xóm. Anh thường khuyên các cháu luyện chữ cho thật đẹp, “nét chữ nết người”. “Mình bảo các cháu chăm chỉ nhưng chữ mình xấu như gà bới thế này là không được. Vì thế tôi quyết tâm phải luyện chữ cho bằng đẹp để các cháu noi gương”. Nghĩ là làm, ngày đêm khổ luyện, không chỉ tập viết theo các chữ cái trong sách vở, anh còn sáng tạo ra những cách viết sao cho đẹp và độc đáo. Hết 3 tháng, những dòng chữ anh Trường cắm cúi ngậm bút viết khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục.
Ông Lê Văn Vũ (59 tuổi), người thôn Nhân Lý có 2 cháu nội đang theo học ở nhà anh Trường bảo: “Thầy Trường viết chữ đẹp lắm. Tay chân lành lặn khối người mơ cũng chẳng viết được đẹp thế”. Rồi ông Vũ phấn khởi: “Hai đứa cháu nhà tôi nghịch lắm nên chẳng chịu học hành gì. Từ ngày cho học ở lớp của thầy Trường, các cô giáo ở lớp khen tiến bộ hẳn. Chúng nó bé thế nhưng cũng biết nhìn tấm gương thầy Trường mà chịu khó học hành hơn đấy”.
Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn Nhân Lý, rồi các thôn khác trong xã, người xã khác cũng mang con đến nhờ anh Trường dạy học. Lớp học của thầy giáo Trường hiện nay có 15 cháu học sinh. Có cả những em bị chất độc da cam, có cháu lành lặn nhưng cũng có cháu mắc bệnh tự kỷ. Thầy giáo làng Phùng Văn Trường nói: “Mùa hè các cháu đến học đông lắm, có khi lên đến 30 – 40 cháu. Có cháu ngày chỉ đến học một buổi nhưng cũng có cháu bố mẹ bận đi làm, cứ học xong là về lớp của tôi luôn”.
Suốt 3 năm liền dạy học, thầy giáo làng Phùng Văn Trường không lấy một đồng tiền công. Chỉ đến khi các phụ huynh học sinh đề nghị trả cho thầy, anh Trường mới nhận 70-100 nghìn đồng/ cháu/tháng. Với những đóng góp của mình, anh Trường được UBND huyện Chương Mỹ tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2014.
Năm 2012, khâm phục nghị lực của anh giáo làng khuyết tật, cô gái xã bên Nguyễn Thị Hương đã cảm mến và đến với anh bằng một tình yêu chân thành. Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Trường giờ lúc nào cũng ê a tiếng trẻ con tập đọc, tập tính. Học tập và làm theo lời Bác dạy, Phùng Văn Trường đã chiến thắng số phận, đem lại niềm vui và là tấm gương sáng để con trai anh và các thế hệ học sinh noi theo.
Theo HNMO