Thầy giáo kể chuyện làm đề thi tốt nghiệp sau 1975
Năm 1951, thầy Ngô Ngọc Bửu tập kết ra Bắc. 25 năm sau, thầy là một trong những giáo viên tổ chức kì thi tốt nghiệp đầu tiên học cho học sinh miền Nam sau năm 1975. Ông có 20 năm làm hiệu trưởng cái nôi đào tạo giáo viên tiểu học…
Khi tập kết ra Bắc, thầy Bửu được cử sang Trung Quốc đào tạo giáo viên cho mạng lưới vùng sau giải phóng. Năm 1953 thầy trở về và một mình tình nguyện đến vùng núi huyện Ngọc Lặc, – Thanh Hóa mở trường.
Lúc đầu trường hoạt động chỉ được 3 em tới học, hôm lên 5, 6 em. Cùng với việc đến tận nhà vận động, nhờ em này kéo em khác, có lúc lớp lên được 13 rồi 15 em…
Đồng bào dân tộc thấy con em được học chữ, tin tưởng thầy giáo, người nọ rủ người kia mang tre, nứa, luồng đến góp. Những thanh niên khỏe mạnh trong làng san đất, làm nền, dựng nên trường. Trường học dựng xong, học sinh được chia làm nhiều lớp, một mình thầy Bửu dạy tất cả các môn.
Video đang HOT
Sau gần 2 năm mở trường, thầy Bửu được điều động đến vùng khác công tác.
Tổ chức kì thi tốt nghiệp đầu tiên
Năm 1972, thầy Bửu được phân công công tác tại Trường học sinh miền Nam số 8 (Vĩnh Phúc).
Ngày 30/4/1975, niền Nam hoàn toàn giải phóng, thầy Bửu được Bộ GD-ĐT được cử làm đặc phái viên phụ trách khu vực miền Tây Nam Bộ, cùng một số giáo viên khác tổ chức kì thi tốt nghiệp đầu tiên cho học sinh.
Kể về công việc mới, thầy nói: Mục tiêu của giáo dục chế độ cũ nhằm phục vụ cho tập đoàn chính trị. Một số môn như Lịch Sử, Địa Lý có nhiều nội dung xuyên tạc, các môn khoa học cơ bản lại mang tính thực dụng cao. Vì vậy Bộ chủ trương phải ra đề thích hợp, không đi chệch hướng nhưng chiếu cố hoàn cảnh cho học sinh.
“Bộ giao mỗi giáo viên ra đề cho một môn. Lúc đầu, chúng tôi không biết làm thế nào vì không nắm được chương trình trong khi học sinh đã học gần xong. Anh em trong đoàn thống nhất với nhau tập trung về Nha khảo thí vì toàn bộ sách vở, tài liệu lưu ở đây.
Riêng môn tiếng Anh, chúng tôi sử dụng giáo viên trong này giúp đỡ. Mỗi người một phòng, làm từ tháng 6 tới tháng 9/1975 thì tổ chức thi”.
“Đây là kì thi họ gieo mình gặt, tức là họ đào tạo còn mình tổ chức thi tốt nghiệp nhưng rất thành công. Đề thi tuyệt đối bí mật, không lệch chương trình, nội dung an toàn. Ở các tỉnh miền Tây, đề thi được chuyển tận nơi bằng xe Jeep, có đội bảo vệ, hộ tống” – thầy Bửu nhớ lại.
Sau kì thi này, học sinh miền Nam học chương trình thống nhất nên việc tổ chức thi cử dễ hơn.
“Cha đẻ” cái nôi đào tạo giáo viên tiểu học
Ngày 5/2/1976, UBND TP.HCM ra quyết định thành lập trường Trung học sư phạm TP.HCM (nay là khoa Tiểu học – ĐH Sài Gòn) với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp một hệ chính quy, hệ cấp tốc, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn cho giáo viên cấp một đang đứng lớp và cán bộ quản lý, nghiên cứu cải, tiến nội dung chương trình học. Thầy Ngô Ngọc Bửu được giao nhiệm vụ hiệu trưởng.
Thầy Bửu cho biết: “Thời điểm này, giáo viên tiểu học thiếu nên phải sử dụng giáo viên tiếp quản. Đội ngũ này gồm người Hoa, người theo đạo nhiều chức sắc, linh mục, sư huynh, nữ tu, sĩ quan…” Ngày đầu thành lập, đội ngũ giáo viên chỉ hơn 10 người, chủ yếu được chi viện từ miền Bắc vào. Sau năm đầu đào tạo lại được hơn 11.000 người, đào tạo mới được 700 người.
Từ năm 1989, thầy Bửu mạnh dạn cho thực hiện đào tạo thí điểm Cán bộ tổng phụ trách đội kiêm giáo viên tiểu học, giáo viên chuyên thể dục thể thao, cử nhân giáo viên tiểu học, cử nhân tiểu học và mở đào tạo thêm môn Sinh và Tin học.
Gần 20 năm làm hiệu trưởng Trường Trung học sư phạm (1976-1993) cái nôi đào tạo giáo viên tiểu học đầu tiên khu vực miền Nam, thầy Bửu đúc kết: “Để giữ cho đội ngũ giáo viên không hao hụt, tôi đã làm việc căng như dây đàn”.
“Để tăng thu nhập cho giáo viên, tôi chủ trương mở rộng căng-tin, mở xưởng nấu cồn công nghiệp, chế biến nước giải khát lo cho cuộc sống giáo viên” – lời thầy Bửu. Đồng thời, không yêu cầu giáo viên làm 8 giờ/ngày,7 ngày/tuần – giảm tối đa họp hành, cho giáo viên nghỉ ngày thứ 7….
Theo vietnamnet.vn