Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: ‘Ước nền giáo dục trong sạch’
“Không riêng năm 2013, lúc nào tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được trong sạch, cái xấu bị đẩy lùi, dù biết rằng rất khó” – thầy giáo gắn với các vụ tố cáo tiêu cực giáo dục chia sẻ
Đỗ Việt Khoa là một giáo viên, tên tuổi của ông nổi tiếng sau những lần tố cáo hành vi tiêu cực trong thi cử tại tỉnh Hà Tây (cũ). Nhờ hành động này, ngay trong năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phát động phong trào “Hai không”: Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. Thời gian sau đó, thầy giáo Đỗ Việt Khoa được làm khách mời của chương trình “Người đương thời”.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, một lần nữa thầy Đỗ Việt Khoa đã tiếp tục làm nổi sóng “dư luận” về một nền giáo dục nhiều nhiều hạn chế, yếu điểm khi tố cáo gian lận thi tại THPT Đồi Ngô- Bắc Giang.
Trong cuộc chiến chống tiêu cực, thầy Đỗ Việt Khoa đã trở thành người “rất đơn độc”. Ông cho biết, ban đầu cảm thấy nản lắm, vì cả một nhà trường hàng trăm giáo viên vẫn lên lớp rao giảng đạo đức cho học trò nhưng tất cả không đấu tranh thậm chí a dua với cái xấu.
Thầy Việt Khoa đã trải qua những giai đoạn khó khăn khi phải đối mặt với dư luận trái chiều: có người cho rằng việc thầy làm là đúng, có người cho rằng việc làm đó là sai; khó khăn hơn hết là mối quan hệ của thầy với đồng nghiệp, hiệu trưởng; gặp khó khăn ngay cả trong công việc của mình; thậm chí là đối mặt với bọn xã hội đen luôn bị đe dọa. Nhưng thầy luôn tin tưởng: “Người Việt rất nghĩa hiệp, sẵn lòng đấu tranh chống tiêu cực còn nhiều lắm. Có thể vẫn có nhiều người biết nhưng không dám lên tiếng. Mọi việc không được giải quyết thoả đáng thì chỉ cần vài ba năm sau sẽ có những Đỗ Việt Khoa khác. Tôi chỉ là một trong những người đấu tranh nhỏ bé ở đất nước này”.
Thầy Đỗ Việt Khoa: “Lúc nào tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được trong sạch, cái xấu bị đẩy lùi”.
- Năm 2012 đã đi qua, một trong những sự kiện buồn của ngành giáo dục đó là gian lận thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô- Bắc Giang. Sự việc đã trôi qua, bây giờ nhìn lại, cảm xúc của thầy như thế nào?
- Vụ Đồi Ngô, nghĩ thấy nản. Một học sinh rất dũng cảm như em Sơn đã không được tôn vinh, thậm chí còn bị đe dọa. Ngoài ra, tôi cũng có trong tay bản tường trình của hiệu trưởng gửi sở, thừa nhận đã phân công cấp dưới lấy đề, giải bài và phân phát phao thi. Vậy mà họ đuổi việc 6 giáo viên và nhân viên, còn lãnh đạo trường thì bình an vô sự.
Cô giáo Hải bị đuổi việc phải đi làm công nhân, ngất lên ngất xuống. Thầy Ngọc tố cáo tham nhũng, với 38 sai phạm thì họ hoàn toàn không giải quyết.
Thất vọng nhất là khi nghe một vị trên bộ Giáo dục phát biểu “Người quay clip có động cơ không trong sáng”. Có lẽ việc tôi không tin thông tin tiêu cực cho báo chí chứ không gửi cho Bộ đã làm người ta không thiện cảm.
- Nếu gặp lại những sự kiện tiêu cực như ở Hà Tây, ở Đồi Ngô, thầy có tiếp tục tố cáo như đã làm?
- Phải tố cáo, nhưng bắt buộc phải có chứng cớ. Tiêu cực thì nhiều, nhưng lấy chứng cớ thì không dễ. Tố cáo thì không khó, khó nhất là sự bao che của lãnh đạo cấp sở và cấp tỉnh, mà điều này thì rất thường xảy ra.
Video đang HOT
- Ngoài tiêu cực về những gian lận trong thi cử, thầy còn đánh giá như thế nào về những bất cập, hạn chế trong giáo dục?
- Có vô số bất cập. Đâu cũng thấy. Bệnh thành tích vẫn tung tác. Ngay tại trường Vân Tảo, đầu vào nhiều năm thấp nhất trong 104 trường của Hà Nội, lấy cả học sinh thi được 0,25 điểm/bài, nhưng họ ép buộc giáo viên phải có trên 70% học sinh khá giỏi. Toàn là “cấy điểm”. Hàng chục học sinh học lực giỏi, nhưng khi thi tốt nghiệp, chỉ có vài ba em đạt loại khá và không có loại giỏi.
Chất lượng đào tạo không ra sao. Các em ra trường đều thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm việc. Thế nên khi thi vào biên chế thì rất nhiều địa phương có tiêu cực, người đi thi phải bỏ ra cả trăm triệu để nhờ “qua cửa”. Gần chỗ tôi công tác, có em chỉ mới tập sự cũng bị đòi nộp vài chục triệu.
Tham nhũng trong xây dựng thì rõ như ban ngày. Vẫn nguyên cái kiểu tiền tỉ mua sắm trang thiết bị trường học kiểu bao cấp, phân phối theo dự án chứ không theo nhu cầu.
Sợ nhất là ai tố cáo những sai phạm của họ hầu hết là bị trù dập, lại thêm cấp sở cấp tỉnh bao che, làm ngơ.
- Theo thầy, chúng ta cần phải làm gì?
- Phải làm nhiều lắm, nhưng điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Lựa chọn người đứng đầu là một việc hệ trọng và phải chọn đúng người thực sự vừa có trình độ và tâm huyết với giáo dục, nhưng đó là tôi hy vọng chứ thực tế thì không phải vậy, vì các quan hệ dây dợ nhằng nhịt lớp lớp dày đặc. Nếu sau này các lãnh đạo giữ những vị trí quan trọng ấy ở từng địa phương do nhân dân trực tiếp bầu thì vấn đề trách nhiệm sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Trong tình hình hiện tại, tôi chỉ mong mỗi thầy cô hãy cố gắng đừng nhìn người ta mà bắt chước cái xấu, dẫu biết cuộc sống thì nhiều khó khăn, phải vật lộn với đồng tiền bát gạo, nhưng đã mang danh nhà giáo thì phải giữ được như người xưa nói “đói cho sạch, rách cho thơm”.
- Thầy mơ ước như thế nào về một nền giáo dục 2013?
- Không riêng năm 2013, lúc nào tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được trong sạch, cái xấu bị đẩy lùi, dù biết rằng rất khó.
Theo Giáo dục Việt Nam
'Tôi thất vọng về Bộ trưởng Giáo dục'
"Tôi không thất vọng vì tiêu cực ở một trường thi, mà về cách nói của Bộ trưởng khi xảy ra việc đó. Theo tôi, đây là Bộ đang chống chế", PGS - TS Nguyễn Lê Ninh khẳng định.
Tôi thất vọng về Bộ trưởng! Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM mở đầu câu chuyện về vụ tiêu cực trong thi cử ở Bắc Giang bằng lời khẳng định như vậy.
Là chuyên gia hàng đầu về cơ khí, 21 năm làm giám khảo các cuộc thi sáng tạo, 10 năm làm giám đốc một công ty cơ khí tại TP.HCM để sản xuất - cải tiến xe cứu hỏa, xe tải nặng, tham gia giảng dạy nhiều trường ĐH như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật (TP.HCM) .... Phó giáo sư, tiến sĩ đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề giáo dục đằng sau vụ việc gian lận tại Bắc Giang.
- Thưa Phó Giáo sư, ông có quá nghiêm khắc với người đứng đầu ngành giáo dục của cả nước không, khi sự um sùm này chỉ vốn bắt đầu từ một trường thi?
- Tôi không thất vọng với Bộ trưởng vì tiêu cực ở một trường thi, mà tôi thất vọng về cách nói của Bộ trưởng khi xảy ra việc đó. Khi vụ việc ở Đồi Ngô xảy ra, theo thông tin trên các tờ báo, trong ngày 7/6, bên lề phiên họp Quốc hội, trao đổi về việc xử lý em học sinh đã quay clip, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: "Việc này chủ yếu là của người lớn. Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai". Ông Luận cũng cho biết: " Nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT, việc các em làm như vậy là vi phạm quy chế: "Nhưng việc xử lý các cháu như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng: Giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt".
Những phát ngôn này của người đứng đầu ngành giáo dục khiến tôi rất thất vọng. Người đứng đầu ngành, thấy khiếm khuyết trong nội bộ, không hề giật mình mà phát biểu như vậy thì thực sự là không phân biệt trong vụ việc này, đâu là công, đâu là tội!
Tôi không nghĩ rằng người đứng đầu chèo lái con thuyền giáo dục nước nhà lại phán xét như thế về bản chất việc làm của những người muốn đưa ra ánh sáng những hành động đi ngược với mong ước trồng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh: "Cần ghi nhận công lao của những người dám đưa sự thật tiêu cực thi cử". (Ảnh Đại Đoàn Kết).
- Vậy theo Phó Giáo sư, không được xử phạt vì vi phạm quy chế thi đối với học sinh góp sức đưa tiêu cực ra ánh sáng?
- Phải xem vụ tiêu cực đó là một con sâu trong nồi canh, tìm ra được con sâu đó để loại trừ nó là ích nước, lợi dân, có lợi cho ngành giáo dục.
Thiếu tướng tình báo, anh hùng QĐND Việt Nam Phạm Xuân Ẩn vào trong hàng ngũ địch chắc phải bị xử tội theo địch, phản bội lại nhân dân rồi. Thế nhưng, nhân dân, Đảng và nhà nước ta đã không hề nhìn nhận sai đối với con người và hành động của anh hùng Phạm Xuân Ẩn.
Những người dám đưa sự thật tiêu cực trong thi cử đang tồn tại một cách không cá biệt trong toàn ngành giáo dục hiện nay cần phải được ghi nhận công lao vì nghĩa cả của họ.
- Ngày hôm qua, trên các phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc Bộ giáo dục có văn bản về vấn đề clip ở Trường dân lập Đồi Ngô, Lục Ngạn, Bắc Giang, theo đó Bộ đánh giá "về cơ bản, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế và đề nghị các báo đưa tin một cách khách quan về vụ việc"...
- Theo tôi, đây là Bộ đang chống chế. Dư luận không vơ đũa cả nắm, sai ở đâu nói ở đó. Và một mất thì mười ngờ. Người ta có thể nghi ngờ có những điểm thi khác còn sai mà chưa phát hiện. Không thể cấm dư luận nghi ngờ điều đó.
Bây giờ sai ở đâu phải nói ở đó, sai cái gì phải nhìn nhận và sẵn sàng sửa chữa. Kiểm tra trên diện rộng xem có còn sai sót gì không để chấn chỉnh. Vào thời điểm này, khẳng định Bộ GD- ĐT rằng kỳ thi về cơ bản diễn ra nghiêm túc có cần thiết không?
- Phó giáo sư nói những người phát hiện tiêu cực là có công với đất nước. Vậy theo ông, câu chuyện ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô mang đến bài học gì, lợi ích gì?
- Câu chuyện này mang đến một bằng chứng rất rõ rệt về căn bệnh thành tích. Chuyện xảy ra ở đó là chuyện động trời, không thể chấp nhận. Gian lận trong thi cử thì từ ngày xưa cũng đã có. Nhưng giám thị là những người giám sát, bắt những thí sinh vi phạm đó. Không thể có chuyện giám thị làm ngơ hay tuồn bài vào cho thí sinh như vậy.
Việc gian lận này, theo tôi cũng là vì thành tích, vì quyền lợi của thành tích đó mang lại cho họ mà nên. Phải đậu nhiều, đậu cao. Có như vậy thì trường và các cấp cao hơn mới đạt thành tích tốt để báo cáo lên trên. Lúc đó thì tất cả mới cùng có thể được khen thưởng, được danh hiệu cá nhân, tập thể...
Phó giáo sư cho rằng nguyên nhân của gian lận trong thi cử là do lòng tham của con người.
- Nói vậy thì lương thấp của ngành giáo dục phải chăng là nguyên nhân?
- Không. Nguyên nhân là lòng tham của con người. Mà lòng tham, đó là phần con - chứ không phải phần người. Nếu giáo dục tốt thì phần người lớn hơn phần con. Giáo dục không tốt thì ngược lại. Ngày xưa, chúng ta nghèo, chúng ta khổ hơn bây giờ rất nhiều, tại sao không ai có lòng tham, mà vẫn một lòng vì tổ quốc, vì kháng chiến?
Khi bạn rải thóc ra sân, cả đàn gà sẽ cùng ăn với nhau vui vẻ. Nhưng nếu bạn rải cơm, có một cục cơm lớn gần con gà nào, thì con gà đó sẽ tha cục cơm ra nơi khác để ăn một mình. Các con gà còn biết tranh đấu để đòi quyền lợi lớn hơn. Con người, khi tranh đấu vì phần "con" của mình, sẽ có nhiều cách kinh khủng.
- Lòng tham bản năng đó cần phải "chữa trị" như thế nào?
- Đó là công việc của giáo dục. Mọi người dân, đặc biệt là những người làm giáo dục, phải thấm nhuần triết lý giáo dục. Đó là: trước tiên hãy dạy người ta làm người, sau đó dạy người ta làm nghề. Các trường trung học nghề, trung học chuyên nghiệp, các trường cao đẳng, đại học... là dạy nghề. Các cấp mẫu giáo, tiểu học, phổ thông... phải dạy làm người.
48 năm trước, khi tốt nghiệp, tôi thề với lòng là sẽ cống hiến cho đất nước này 50 năm trên bục giảng. Bây giờ lời thề đó chỉ còn thiếu 2 năm nữa là hoàn thành. Thế nhưng, hiện tại chúng tôi rất buồn vì những "sự cố" những tai tiếng của ngành giáo dục hiện nay.
Cái lo nhất là những căn bệnh thành tích, những gian lận trong thi cử đã râm ram từ rất lâu, nhưng mà vẫn không thể xóa đi được. Có lẽ, những thầy giáo già như chúng tôi đành phải mang nỗi buồn này xuống mộ.
VĂN NHÂN
Theo Infonet
Đưa tố cáo vi phạm vào quy chế thi tốt nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong số đó, điểm mới nhất là việc bổ sung khoản 1a, điều 43 về xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nơi tiếp...