Thầy giám thị tát học sinh trong lớp
Ngày 24/11, dân mạng chia sẻ clip ghi cảnh thầy giáo tát vào đầu và mặt học sinh nam lớp 7 trước sự chứng kiến của các thành viên trong lớp.
Giám thị đánh học sinh: Thầy giám thị THCS Nguyễn Hiền (quận 7, TP.HCM) dùng tay đánh mạnh vào đầu và mặt một nam sinh trước mặt bạn học của em.
Trong clip dài 8 giây, người xem có thể thấy rõ thầy giáo dùng tay đánh mạnh vào đầu và mặt nam sinh.
Sau vài giờ được chia sẻ trên mạng, clip thu hút trên 50.000 lượt xem, 3.000 lượt quan tâm và 1.000 share.
Theo thông tin đăng kèm, người đánh là thầy giám thị, học sinh bị bạo hành học lớp 7, trường THCS Nguyễn Hiền (quận 7, TP.HCM). Sự việc xảy ra từ chiều 23/11.
Học sinh bị đánh trước sự chứng kiến của bạn bè cùng lớp. Ảnh chụp màn hình.
Trao đổi với Zing.vn tối 24/11, bà Lê Thị Chín – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Hiền – xác nhận vụ việc xảy ra ở trường mình và người bạo hành học sinh là thầy giám thị.
Video đang HOT
Nữ hiệu trưởng cho biết bà mới được báo cáo chiều nay và chưa biết nguyên nhân vụ việc.
“Nhà trường đang trong quá trình điều tra và xử lý. Sáng mai, hội đồng kỷ luật sẽ họp và đưa ra hình thức xử phạt”, bà Chín nói.
Nữ giáo viên cũng khẳng định hiện tượng bạo lực học đường nghiêm trọng này lần đầu xảy ra tại trường THCS Nguyễn Hiền.
Trước đó, nhiều vụ thầy đánh trò gây bức xúc dư luận. Giữa tháng 11 vừa qua, thầy giáo Nguyễn Hải Dương – trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 (Nghệ An) – đánh học sinh lớp 4 nhập viện vì không làm được bài toán nhân và không thuộc bảng cửu chương.
Trong tháng 10, phụ huynh của 6 học sinh trường Tiểu học và THCS Bến Ván (Thừa Thiên – Huế) bức xúc việc con họ bị thầy giáo dùng thước gỗ đánh bầm tím bắp đùi vì làm gẫy ghế trong giờ học.
Trước đó không lâu, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã đình chỉ công tác thầy Trần Văn Bình – giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, trường Tiểu học Kim Lâm – vì đánh học sinh không giải được bài. Nạn nhân bị tổn thương vùng sụn giữa khớp đùi và mông, phải nằm viện điều trị.
Theo Zing
246 triệu trẻ em bị bạo lực học đường mỗi năm
Bạo lực giới học đường đang ảnh hưởng thể chất, tâm lý và kết quả học tập của hàng triệu học sinh trên toàn thế giới.
Ngày 22/11, Bộ GD&ĐT phối hợp các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo, tập huấn về Nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực học đường, kỹ năng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông.
Tại buổi hội thảo, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), khẳng định bạo lực trong trường học đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu trẻ em và thiếu niên trên toàn thế giới.
Theo thống kê, hàng năm, khoảng 246 triệu trẻ em trên thế giới bị bạo lực ở trường học.
Bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Ảnh minh họa: NP.
Bạo lực giới học đường không chỉ ảnh hưởng sức khỏe tâm lý của học sinh, mà còn liên quan việc các em nghỉ học nhiều hơn, kết quả học tập kém, bỏ học, tự ti, trầm cảm, mang thai và bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV.
Ở Việt Nam, bạo lực học đường, bạo lực giới vẫn xảy ra tại một số địa phương khiến dư luận lo ngại.
Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) thừa nhận công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Đặc biệt, người lớn chưa thể làm gương hay nắm được cách chăm sóc, bảo vệ và quản lý trẻ em.
Ngành giáo dục gặp một số khó khăn trong việc phòng ngừa bạo lực học đường như thiếu mô hình chuẩn về phòng chống bạo lực, thiếu nhân lực có chuyên môn để tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Vì thế, nhằm góp phần ngăn ngừa bạo lực giới học đường, tại buổi hội thảo, các chuyên gia giới thiệu bộ công cụ với tên gọi "Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng: Ngăn ngừa bạo lực giới ở trường học".
Bộ công cụ này được Đại học Melbourne (Australia) xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm công tác khu vực về bạo lực giới ở trường học thuộc Sáng kiến Giáo dục cho Trẻ em gái khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Bộ tài liệu được sử dụng trong hai ngày tập huấn nhằm trang bị kiến thức cơ bản về công tác tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn tâm lý cơ bản cho các nhà quản lý, cán bộ, giáo viên cốt cán các trường THCS và THPT.
Ngoài ra, thông qua cuộc hội thảo, tập huấn, Bộ GD&ĐT cũng lấy ý kiến từ các nhà quản lý giáo dục cho dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông.
Bộ và các tổ chức thuộc UN hy vọng buổi hội thảo sẽ góp phần phòng ngừa bạo lực giới học đường, xây dựng trường học thành "nơi an toàn để trẻ em học cách giải quyết vấn đề mà không sử dụng bạo lực" như lời khẳng định của bà Shoko Ishikawa.
Theo Zing
'Thi môn Giáo dục công dân không có nghĩa giảm bạo lực' Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Giáo dục công dân là môn học cần thiết nhưng không có nghĩa đưa vào thi tốt nghiệp thì bạo lực học đường sẽ giảm. Sáng 16/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội xoay quanh 3 nhóm vấn đề chính, gồm đổi mới giáo dục, quản lý chất lượng đào tạo...