Thầy giám thị – idol của mọi thế hệ teen Lê Hồng Phong
Thầy Huy Lung được biết bao học trò yêu mến gọi bằng cái tên ‘thầy giám thị kính yêu nhất mọi thời đại’ bởi sự gần gũi và quan tâm học trò hết mực.
Với nhiều thế hệ áo trắng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM, không ai không biết đến thầy giám thị Nguyễn Huy Lung – người được xem là idol bởi sự gần gũi và tình yêu đối với học trò.
Thầy Huy Lung được học sinh Lê Hồng Phong rất yêu mến. Ảnh: Hạ Về
Thầy Huy Lung sinh năm 1957 (cung Xử Nữ nhé!), gắn bó với công việc giáo viên giám thị suốt nhiều năm qua. Với các teen, mỗi lần nhắc đến giáo viên giám thị có phần sợ tái mặt hay thường tưởng tượng về gương mặt nghiêm nghị, khó gần. Tuy nhiên, với teen Lê Hồng Phong, thầy Lung lại là một người dễ gần, cởi mở và vui tính.
Theo teen Lê Hồng Phong, người thuộc cung Xử Nữ khuôn mặt luôn thể hiện sự đăm chiêu, suy tư; Chân thành và luôn đáng tin cậy; Hay góp ý, nhắc nhở những điều dù là nhỏ nhặt nhất… Điều này được LHPers nhận thấy quá đúng đối với thầy giám thị trường mình.
Hàng loạt những kỷ niệm được nhiều teen bùi ngùi nhớ lại. Đó là những lần đi học trễ thầy nhắc nhở “vào lớp đi con, thầy cô vào lớp hết rồi kìa”; “Em đã ăn uống gì chưa vậy? Kiếm gì ăn rồi hãy ngủ trưa nhé” hay những lời khuyên nhủ hết sức chân thành: “Đừng vội mừng, thi đại học còn khó gấp nhiều lần đấy. Cố lên con”.
Đó cũng là những tiếng gọi không lẫn vào đâu được của thầy: “Con trai ơi, đổ rác chưa?”, “Con gái ơi, đừng ăn quà vặt trong hàng”… Nghe tình cảm và đáng yêu đến lạ!
Tranh vẽ chibi dễ thương của cựu học sinh Bích Vy tặng thầy Huy Lung.
Bạn Phạm Bích Ngọc chia sẻ: “Thầy luôn thân thiện, dễ thương, vui tính lắm í. Mình rất mến thầy bởi sự gần gũi và hết mực quan tâm học trò. Có lần mình còn được thầy gọi lại và cho cây kẹo mút nữa đấy”.
Hoàng Anh 12A1 tâm sự: “Mình không có học ở dãy của thầy quản sinh nên cũng không được tiếp xúc với thầy nhiều. Nhưng điều mà bất kỳ LHPers nào cũng cảm nhận được đó là thầy rất hiền, thương học trò và rất dễ thương”.
Video đang HOT
Trần Thảo Trang từng tâm sự trong một bài dự thi: “Trong cái nắng những ngày cuối thu, thầy thật đẹp nhưng man mác buồn. Khoảng không bao la mà thầy trải lòng dường như chỉ còn là tiếng lặng thinh dẫu xung quanh xôn xao cười nói. Nắng chảy dài trên vòm lá xanh um, trên bức tường trăm tuổi ẩn sau lớp sơn mới cứng, trên nền sân rêu phong in dấu chân lớp lớp người đến rồi đi. Thầy ngồi đó, mặc cho hồn mình bồng bềnh theo những cảm xúc của một con người cả đời cống hiến cho ngôi trường mến thương…”.
Không chỉ hết mực quan tâm học trò, thầy Lung còn sở hữu tài lẻ đàn guitar và ca hát. “Giọng thầy ấm và ngọt ngào lắm. Mình cực thích thầy hát những bài của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thật dễ đi vào lòng người”, Hoang Tung chia sẻ.
Thầy Huy Lung tại đêm nhạc Hạ về 2013. Ảnh: Hạ Về.
Tại đêm nhạc Hạ về diễn ra vào cuối tháng 7, sự xuất hiện của thầy Lung trên sân khấu khiến cả sân trường như vỡ tung. Tiếng la hét gọi tên thầy giám thị đáng kính không ngừng vang lên đủ chứng tỏ người thầy được yêu mến như thế nào. “Sau Hạ về, thầy Lung vao lơp tui mình hat lai bai Ngậm ngùi và tặng thêm một bài nữa khiến cả lớp tròn xoe mắt vì quá ấn tượng”, Bích Ngọc nói thêm.
Không chỉ là một người thầy giám thị, thầy giáo Lung còn là chuyên gia tâm lý cực kỳ thấu hiểu tâm lý tuổi teen. Không ít những thắc mắc tuổi mới lớn được teen Lê Hồng Phong tìm đến thầy và nhờ gỡ rối. Có những chuyện buồn bã, thầy cũng là người đến bên động viên.
“Có lần mình làm lạc mất quyển tạp chí của con bạn mua bên Nhật, mình hốt hoảng chạy vòng vòng hỏi bạn bè, cô lao công… Thấy thầy Lung đi tới, mình mới chạy lại thầy hỏi thăm, thầy cũng… hoảng hốt giống mình luôn. Thầy vào phòng giám thị hỏi quanh, không ai biết tung tích của cái quyển đó đâu hết, thầy mới trấn an mình: “Không sao đâu con, lo học đi, thầy kiếm cho”, Khánh Vy kể.
Thầy Huy Lung chụp hình kỷ niệm cùng học trò.
Không chỉ có thần dân trong trường, những người bạn khác trường cũng bày tỏ sự kính trọng và yêu mến không kém với thầy giáo Lung.
Minh Đức (THPT Ngô Quyền) chia sẻ: “Mình chỉ tham gia học thêm ở trường Lê Hồng Phong thôi nhưng cực kỳ ấn tượng với thầy giáo giám thị. Đó là một người thầy luôn theo sát bước đi của học trò. Rất ít khi thầy mắng mỏ mà thay vào đó là sự chỉ bảo ân cần, dặn dò từng chút một”.
Dù đã bước qua tuổi 50 từ rất lâu nhưng sự trẻ trung vẫn ở trong thầy. Thầy Huy Lung vẫn sử dụng Facebook để giữ liên lạc với học trò cũ. Mỗi status đăng tải đều nhận được số lượt like và bình luận không kém bất kỳ teen nào. Rất nhiều thế hệ học trò cũ thường đăng tải những lời hỏi thăm thầy trên trang và đều được thầy Lung nhận ra. Điều này khiến nhiều bạn sướng rơn.
Cùng chúc cho thầy giám thị kính yêu Huy Lung thật nhiều sức khỏe và gắn bó thật lâu hơn nữa với mái trường Lê Hồng Phong nhé.
Theo TNO
Nghe học sinh dân tộc thiểu số chia sẻ đam mê học Sử
"Hãy học Sử để biết! Hãy học Sử giống như khi mình chơi một trò giải trí gì đó thì sẽ thấy rất hiệu quả...". Đó là chia sẻ của em Mông Thị Bích Vân, người dân tộc Nùng, học sinh lớp 11A3, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Phóng viên Dân trí vừa có cuộc trò chuyện ngắn đầy thú vị cùng với 2 em học sinh Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng sau khi các em trở về từ kỳthi Olympic truyền thống 30/4 diễn ratại TPHCM. Trong kỳ thi này, Bích Vân giành Huy chương Bạc, còn Lý Đại Hùng giành Huy chương Đồng ở bộ môn Lịch sử. Trước đó, vào tháng 3, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, em Vân đã đạt giải Nhất, còn em Hùng đạt giải Nhì cũng ở môn thi này.
Đừng quá nặng nề khi học Sử
Qua trò chuyện với cô học trò người dân tộc Nùng Mông Thị Bích Vân xung quanh việc học Lịch sử như thế nào cho hiệu quả, Vân thổ lộ, em đến với Lịch sử là bằng sự đam mê, vì môn học này đã đem lại cho em nhiều kiến thức bổ ích, sau mỗi bài học thì lại càng thấy yêu mến quê hương, đất nước Việt Nam hơn.
Khi đã yêu thích môn Sử, ngoài học ở trong sách vở, Vân còn tâm sự những lúc rảnh rỗi em lại tìm kiếm sách báo, tài liệu... để đọc thêm. Cứ thế, bức tranh hào hùng về lịch sử dân tộc mỗi ngày lại được nối dài trong trí nhớ của Vân như một chuỗi sự kiện logic. "Những năm còn học cấp 2, được học những bài học Lịch sử quá hay ở trên lớp, bản thân em đã thấy ham và rất thích! Thế là em tìm các trò chơi ô chữ ở trên báo để giải, có khi bạn bè xúm lại "đố" nhau xem ai là người nhớ được nhiều sự kiện Lịch sử nhất! Rồi em lại thấy chương trình "Theo dòng Lịch sử" phát ở trên tivi quá hay nên càng mê Sử hơn", Vân bộc bạch.
Em Mông Thị Bích Vân, người đồng bào dân tộc Nùng, học sinh lớp 11A3, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng .
Với thành tích đạt giải Nhất môn Sử cấp tỉnh, Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic 30/4 vừa bế mạc tại TPHCM, qua báo Dân trí, Vân chia sẻ cáchhọc Sử của mình: "Để ghi nhớ các sự kiện Lịch sử, em thường kẽ bảng sắp xếp các sự kiện theo từng giai đoạn, từng mốc thời gian, sau đó sẽ liên hệ nội dung đã được học để ghép vào sự kiện đó. Sau đó lại đọc qua mấy lần, rồi cố gắng ghi nhớ, khi đã nhớ rồi thì gấp lại. Để chóng quên, lâu lâu em lại mở ra xem lại...".
Theo Vân, môn Sử không phải là một môn khó, học Sử không phải là học thuộc lòng giống như ở trong sách giáo khoa (SGK), mà điều quan trọng là người học phải hiểu. Khi đã hiểu rồi thì sẽ say mê, khi cố tìm hiểu nó để muốn biết nhiều hơn thì sẽ thấy hay và khi đó học Sử sẽ không còn thấy khó nữa. "Hãy coi Sử, học Sử để biết! Hãy học Sử giống như khi mình chơi một trò giải trí gì đó thì sẽ thấy rất hiệu quả...", Vân tiết lộ.
Chia sẻ về dự định cho tương lai, Vân cũng cho biết sau khi kết thức tốt nghiệp lớp 12 em sẽ thi vào Trường ĐH Khoa học & Xã hội Nhân văn TPHCM. "Sau này thi đại học có thể em sẽ chọn thi một ngành nào đó liên quan đến Sử, chỉ đơn giản là em yêu thích môn này...", Vân tâm sự.
Hệ thống kiến thức Lịch sử theo lĩnh vực
"Em yêu thích Sử từ lúc còn là học sinh tiểu học! Khi đó em thấy Sử là một môn học hay, qua đọc được một số sách vở, tài liệu Lịch sử ghi lại các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của nhân dân ta thì em cảm thấy rất thích thú với nó! Nên em đã tìm hiểu thêm, từ đó cảm thấy yêu thích Sử hơn" - đó là tâm sự của em Lý Đại Hùng, người đồng bào dân tộc Dao, hiện học lớp 11A2, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng, TP Buôn Ma Thuột. Yêu thích học Sử từ sớm, khi đang là học sinh lớp 9 - Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk), Hùng đã gây bất ngờ giành giải Nhất khi tham gia thi Sử cấp tỉnh.
Em Lý Đại Hùng, người đồng bào dân tộc Dao, lớp 11A2, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng.
Theo Hùng, học Sử là phải gắn liền với thực tế. "Ngoài kiến thức ở trong sách vở, em nghĩ học Sử kết hợp với việc đi tham quan thực tế các di tích Lịch sử, những nơi xảy ra các sự kiện lịch sử đã được ghi ở trong sách vở để có thể liên hệ thực tế, giúp cho việc ghi nhớ lâu hơn".
Trò chuyện cùng PV Dân trí, cậu học trò người dân tộc Dao cũng chia sẻ, học Sử cốt lõi là phải có niềm đam mê.
"Theo em, học Sử chủ yếu là do mình, mình có đam mê không, mình có siêng không mới là yếu tố quan trọng nhất. Còn việc thầy cô truyền dạy cũng là một phần quan trọng, nhưng mà nếu không có niềm đam mê thì dẫu thầy cô có dạy hay cỡ nào cũng không tiếp thu được", Hùng nói.
"Em nghĩ bài học Lịch sử cũng không hẳn là dài, nhưng khi học mình phải biết cô động ý lại, đến khi làm bài thì triển khai ý đó ra. Để cho logic khi học Sử, em cũng chia thành các hệ thống, cụ thể là hệ thống về các cuộc kháng chiến, hệ thống về các cuộc cải cách, hệ thống về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị của từng thời kỳ Lịch sử để mà học", cậu học trò vừa giành giải Nhì môn Sử tỉnh Đắk Lắk, Huy chương Đồng Olympic 30/4 tiết lộ.
Chia sẻ với PV Dân trí về dự định cho tưong lai, Hùng cũng cho biết sau này em sẽ dự thi khối C vào Trường ĐH An ninh Nhân dân tại TPHCM.
Viết Hảo
Theo Dân trí
'Giáo viên đang ngày càng sợ học sinh' "Ngày xưa, tôi đi học quậy phá bị thầy giám thị cầm cán chổi đánh cho tím cả mông nhưng cũng không dám cãi lại", một độc giả chia sẻ. Gần đây, nội dung "phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học" trong Dự thảo...