Thay đổi tư duy ra đề Ngữ văn theo kiểu ‘trả bài thầy cô’
TS. Trịnh Thu Tuyết đã chia sẻ những trăn trở về cách dạy văn, học văn theo lối mòn tư duy “ trả bài” ở các trường phổ thông hiện nay, đặc biệt trong các đề thi Ngữ văn.
Lâu nay, giáo dục phổ thông có một khái niệm mà bản thân sự tồn tại của nó đã cho thấy vấn đề trong hoạt động dạy và học của thầy trò, đó là khái niệm “trả bài”!
Cụ thể trong môn Ngữ văn, chương trình mỗi cấp học có một số tác phẩm văn học cố định cần dạy và học. Trong năm học, giáo viên sẽ giảng lần lượt các tác phẩm ấy theo phân phối chương trình và nhiệm vụ của học sinh là đọc trước đoạn trích trong sách giáo khoa, trả lời trước các câu hỏi trong phần Hướng dẫn chuẩn bị bài. Rất nhiều em lên mạng tìm văn mẫu, “copy- paste”, hoàn thành bài soạn khi thậm chí chưa đọc tác phẩm.
Khi lên lớp, thầy giảng, trò ghi, giờ kiểm tra bài cũ, thầy sẽ hỏi những điều thầy đã giảng, trò đã ghi, đã học thuộc, trả lời càng đúng và đủ thì điểm càng cao – bản chất của bài kiểm tra, dù hình thức viết hay vấn đáp đều là học trò “trả lại bài của thầy cô cho thầy cô” – đó chính là nguyên nhân của nạn học tủ, học vẹt.
Sự “trả lại bài của thầy cô cho thầy cô” cũng diễn ra trong các đề thi giữa kỳ, cuối kỳ, thi cấp quốc gia… Lâu nay, trước mỗi kỳ thi quốc gia, thầy trò cả nước lại chờ đợi đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để nhất tề ôn luyện theo một cấu trúc, kiểu dạng khuôn mẫu của đề minh họa. Cho nên, mỗi tác phẩm văn học được lật ngược xuôi, xoay phải trái cho khớp với mẫu đề. Thầy nói tới nhàm, còn trò nghe tới chán, tới mức đọc một bài thơ, nói về một nhân vật, nhiều em chỉ thấy hiện lên mô hình đề với các khuôn mẫu, những sơ đồ tư duy đã thuộc lòng, không còn thấy hồn vía nhân vật hay lắng nghe được cái xao xác từ một câu thơ.
Mỗi tác phẩm sau một năm ôn luyện của các thầy cô không còn là cái đẹp run rẩy, sống động với thầy và trò mà nhiều khi giống như những tiêu bản đã bị giải phẫu nhàu nhĩ trong phòng thí nghiệm.
Ảnh minh họa.
Tình trạng ôn luyện theo mẫu cũng không ngoại lệ với bài đọc hiểu và nghị luận xã hội.
Ví dụ câu hỏi nhận biết trong phần đọc hiểu thường sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt, Làm văn với một vài dạng trở đi trở lại như phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thể thơ…, hoặc nhận biết một chi tiết nội dung nào đó trong đoạn trích.
Ví dụ câu 2, phần đọc hiểu trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020: “Theo đoạn trích, các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực sinh trưởng như thế nào giữa mùa hè ngắn ngủi?”, và để trả lời câu hỏi này, thí sinh chỉ cần tìm đúng câu văn đáp ứng đúng yêu cầu câu hỏi đã có sẵn trong ngữ liệu đọc hiểu, chép lại, là xong – một kiểu câu hỏi chỉ phù hợp với học trò cấp tiểu học.
Video đang HOT
Thi Tốt nghiệp môn Văn: Chép lại đề là ăn điểm
Câu nghị luận xã hội từ yêu cầu viết bài văn khoảng 600 từ, bàn luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng xã hội, tới năm 2017, thay bằng yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ, bàn luận về một khía cạnh nhỏ của vấn đề, hiện tượng. Và từ đó, bài viết của thí sinh, khi thì sai yêu cầu về nội dung do tâm lý “thừa hơn thiếu” (nhiều khi do lời khuyên và quan niệm của chính giáo viên), biến đoạn văn thành bài văn thu nhỏ với sự triển khai đầy đủ các khía cạnh vấn đề; khi thì bức bối, nhàm chán trong ranh giới một bình diện nội dung quá chật chội. Sự hiểu sai nội dung một đoạn văn, biến đoạn văn thành bài văn thu nhỏ có thể tìm dẫn chứng ngay trong rất nhiều bài mẫu, thậm chí các “Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT” mỗi năm ngập tràn các báo.
Có thể khẳng định, chính cách dạy, cách thi, cách ra đề và chấm thi cùng “nền công nghiệp luyện thi” kinh hoàng như hiện nay đã hủy hoại thê thảm chất văn chương của văn chương, biến học trò thành những cái máy được lập trình theo 3 công đoạn: ghi chép – học thuộc – trả bài!
Học như thế, thi như thế, học trò không chán văn mới là sự kỳ lạ!
Tôi cứ mơ ước một ngày nào đó, học sinh phổ thông sẽ được học các tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới trong chương trình chính khóa của sách giáo khoa; được giới thiệu danh mục tác phẩm của các tác giả, các thời đại tương ứng với từng cấp học, lớp học trong cuốn phụ lục Ngữ văn để tự tìm đọc theo yêu cầu, nhu cầu và năng lực.
Tôi hay nghĩ đến mô hình tích hợp từ ngàn năm nay của các cụ đồ nho – chỉ một văn bản, thầy dạy trò học đọc, viết, học văn, sử, địa, học đạo đức, triết lí… Và thực tế bao năm nay, với mỗi tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa, tôi cũng đã “âm thầm” tích hợp dạy học trò đọc hiểu, dạy các kiến thức về Tiếng Việt và làm văn, luyện kĩ năng đọc, phân tích, cảm thụ…
Ví dụ tôi dạy các phương thức trần thuật, ngôi trần thuật trong các trích đoạn văn xuôi tự sự như Chí Phèo, Vợ chồng A Phủ, Chiếc thuyền ngoài xa…; dạy văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp… qua nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội…; dạy kĩ năng phân tích, cảm thụ thơ trữ tình khi dạy các tác phẩm thơ trong chương trình…
Theo đó, thầy cô sẽ coi các trích đoạn tác phẩm được tuyển chọn trong sách giáo khoa là ngữ liệu để dạy học sinh các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, kỹ năng phân tích, cảm thụ, hướng dẫn các em sử dụng những kỹ năng đã được cung cấp, tự khám phá những giá trị đẹp đẽ về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm, tự bước vào thế giới cao cả, đẹp đẽ của những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, những kỹ năng và phẩm chất qua đó được tạo lập, bồi dưỡng, phát triển.
Khi các tác phẩm được học trong chương trình sách giáo khoa lại tuyệt đối không xuất hiện trong đề thi, chúng ta sẽ xóa bỏ được tận gốc vấn nạn văn mẫu; giúp học sinh không bị áp lực thi cử, không còn là cái máy chép và học thuộc lòng, các em sẽ hứng thú hơn rất nhiều khi đến với một tác phẩm văn chương chỉ thuần túy vì cái hay cái đẹp của văn chương; các em sẽ hào hứng bày tỏ cảm xúc hay suy nghĩ về mỗi tác phẩm như cách các em “reviews” một bộ phim, cuốn sách…
Đề thi cũng nên thay đổi cơ bản về cấu trúc. Tôi đã từng thử nghiệm với một đối tượng hẹp kiểu đề chỉ có hai câu: Đọc hiểu và Nghị luận xã hội.
- Với bài Đọc hiểu, tôi chủ yếu sử dụng các văn bản nghệ thuật, những bài thơ trữ tình, những tác phẩm văn xuôi … ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu đọc hiểu. Vì đó chính là những văn bản các em sẽ gặp nhiều nhất trong cuộc sống sau này, chứ không phải các văn bản chính luận như lâu nay vốn được các thầy cô ưu tiên lựa chọn. Để trả lời các câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần vận dụng tất cả những kỹ năng đã được cung cấp, được luyện và đã sử dụng thành thạo trong cả năm học khi tiếp cận với các tác phẩm văn học của chương trình sách giáo khoa. Trong số các câu hỏi đọc hiểu, có thể dành một câu viết đoạn văn để học sinh thể hiện kỹ năng cảm thụ văn chương và nhất là kỹ năng diễn đạt với đối tượng là một chi tiết tự sự hay một câu thơ nào đó.
- Bài luận về các vấn đề hoặc các hiện tượng xã hội phải là bài văn hoàn chỉnh chứ không phải đoạn văn cắt khúc như hiện nay. Chỉ trong bài văn hoàn chỉnh như thế, học sinh mới có cơ hội thể hiện rõ nhất nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh, quan niệm sống cùng những trải nghiệm và khả năng tư duy chặt chẽ, lập luận sâu sắc sáng tạo… của mình.
Với chương trình sách giáo khoa, sách phụ lục, với cách dạy, cách học và cách kiểm tra đánh giá như vậy, sẽ không còn khái niệm “trả bài”, mỗi bài thi sẽ là sự kiểm tra đánh giá những kỹ năng các em tự thu nhận được sau những hướng dẫn của thầy cô, khả năng sử dụng các kỹ năng ấy để khám phá kiến thức, cũng thấy được những phẩm chất các em tự bồi đắp cho mình, dần dần sau từng tác phẩm văn chương.
Đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi, cần chuẩn bị những gì?
Việc đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi là một thay đổi đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên nếu không có sự chuẩn bị bài bản, nghiêm cẩn thì rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn.
Ảnh minh họa
Đổi mới thi cử sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền là một sự tự điều chỉnh toàn bộ các hoạt động giáo dục trước nó, đặc biệt là hoạt động học của học sinh. Chính vì thế, đối với môn văn, chủ trương đưa tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi đã được đặt ra, tuy nhiên hiện nó đang gây ra những ý kiến trái chiều. Xin lưu ý, trong bài viết này, chúng tôi tự giới hạn phạm vi bàn luận chủ yếu đối với cấp Phổ thông trung học.
Đây là vấn đề quan trọng và đáng bàn, tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, trên các diễn đàn của giáo viên thì chủ trương này lại không phải đang được nhiều người đồng tình, sự phản đối nhiều hơn lại thuộc về phía người dạy! Và tất nhiên những sự lo lắng băn khoăn/phản đối ấy không phải là vô căn cứ.
Đầu tiên, phải nói ngay, từ lâu chúng tôi vốn đã đề xuất ý tưởng này, vì nó đúng đắn, tiến bộ và phổ biến trong các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, và nhất là sẽ chữa được những căn bệnh trầm kha trong dạy - học văn ở ta hiện nay. Điều này cũng đã được chương trình 2018 tường minh: "việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối cấp không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá". Tuy thế, chúng ta phải cẩn trọng mà nhìn nhận rằng không phải cái gì đúng thì cũng có thể làm, hay ít nhất là có thể làm ngay được. Điều chúng tôi muốn bàn ở đây không phải chuyện nên hay không nên, mà là làm thế nào để nó thật sự mang lại hiệu quả, vì đây hiển nhiên là một hướng đúng mà chúng ta buộc phải tiến hành, không sớm thì muộn.
Việc đưa một tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi trong những kỳ thi quốc gia quan trọng không thể được quyết định một cách cảm tính và duy ý chí. Đã có những lý lẽ được đưa ra để tạo niềm tin và bệ đỡ cho quyết định này, như chương trình mới (2018) cho phép sử dụng những tác phẩm tự chọn bên cạnh tác phẩm bắt buộc, như mục tiêu dạy học phát triển năng lực (thay cho mục tiêu kiến thức), như tiền đề tri thức thể loại văn học cũng đã được trang bị ít nhiều. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chừng ấy là chưa đủ, nếu không nói là còn quá thiếu.
Vấn đề không phải là việc chúng ta đã đặt ra được 3 (hay thậm chí nhiều hơn 3) cơ sở ấy, mà quan trọng là triển khai thế nào để thật sự hiện thực hóa được những cơ sở ấy thành những sự thay đổi trong thụ đắc kiến thức, kỹ năng ở học sinh. Và giả sử có đạt được đi nữa thì như vậy đã đủ chưa? Chỉ mỗi tri thức về thể loại văn học thôi có đủ để giúp người học đánh giá, thẩm bình một tác phẩm không? Theo chúng tôi, nó không những không đủ mà còn thiếu thốn ở mức nghiêm trọng. Còn việc dạy học phát triển năng lực tất nhiên không thể dừng lại ở một "mong muốn" hay một "đề án". Nó phải rất cụ thể, không những cụ thể trong mục tiêu mà còn phải cụ thể trong phương pháp để đạt được mục tiêu ấy.
Việc thi bằng tác phẩm ngoài sách giáo khoa một khi không được chuẩn bị chu đáo học sinh ắt sẽ sa vào tình trạng bình tán, suy diễn, lan man, mơ hồ - nó sẽ là một thảm họa. Để một người có năng lực đánh giá, phân tích, "phê bình" một tác phẩm văn học thì sự chuẩn bị phải rất nghiêm cẩn, không thể chủ quan hay hời hợt được. Chuẩn bị cái gì? Chuẩn bị bộ tri thức công cụ . Tri thức ấy không phải là chuyện học thuộc bài văn bài thơ hay nhớ được tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác v.v., mà phải là một tri thức liên ngành được y cứ trên những hiểu biết căn bản về văn học.
Những hiểu biết ấy gồm những gì? Có 2 thứ quan trọng nhất, một là lịch sử văn học Việt Nam, đặt trong bức tranh và dòng chảy của văn học nhân loại. Và hai là lý luận văn học. Một nhận thức thông thường: không có công cụ thì không thể sản xuất, công cụ cùn mòn thì sản phẩm kém chất lượng. Giáo dục không phải là dạy cho người ta nhớ bài, mà là "dạy phương pháp" và "học phương pháp". Phải mang đến cho học trò những chiếc chìa khóa để chúng có thể mở vào những căn phòng khác nhau.
Tuy nhiên, chương trình 2018 lại chưa thể hiện được một cách cơ bản những đòi hỏi trên. Cả tri thức về lịch sử văn học lẫn lý luận văn học đều ít ỏi, hạn chế và chủ yếu xoay quanh vấn đề thể loại văn học. Ở đây gần như vắng bóng các lý thuyết phê bình văn học được cung cấp một cách có hệ thống. Học sinh không thể khai thác tác phẩm một khi không có được một chỗ đứng và những công cụ cần thiết.
Đọc một bài thơ mà chỉ có những tri thức chung chung về thơ thì không thể khai thác được gì. Và tình trạng có thể diễn ra là chúng ta sẽ chỉ có những bài làm cùng một khuôn mẫu vì thiếu những góc nhìn và phương pháp đa dạng. Dường như chương trình 2018 là một bước "hạ chuẩn" so với chương trình cũ khi nhiều đơn vị lý luận đã bị giảm trừ. Ở đây chúng tôi nhận thấy, vấn đề của nội dung dạy học không phải là khó hay dễ mà là làm thế nào để tạo ra sự hấp dẫn. Việc nắm được ý nghĩa của một bài thơ cụ thể và việc hiểu được thế nào là phê bình Phân tâm học thì khó nói chắc cái nào khó hơn; tuy nhiên chúng ta lại điềm nhiên gạt nội dung phía sau ra, trong khi nó mới chính là công cụ để hiểu cái phía trước! Đây là một cách xây dựng chương trình chứa đựng những khiếm khuyết khá rõ và không đảm bảo tính khoa học cần thiết.
Tóm lại, chúng tôi muốn nhắc lại và nhấn mạnh vào một điểm then chốt: nội dung chương trình phải tập trung vào dạy và học công cụ/phương pháp. Vì chỉ có nó mới giúp người học tự mình "đọc" được tác phẩm văn chương. Điều này cũng đúng với các môn học khác: học là học phương pháp tư duy, chứ không phải để trở thành thợ giải toán hay những cái máy viết văn.
Có một điểm quan trọng liên quan đến không những công cụ tư duy mà còn là câu chuyện của nhận thức, của nhân sinh quan và thế giới quan: triết học. Học sinh cần được tiếp xúc và có những ý niệm cơ bản về triết học và các trường phái triết học. Việc này không phải là một đòi hỏi quá trớn. Các trường phái văn học cho đến các lý thuyết phê bình văn học đều được sinh khởi từ cội nguồn các tư tưởng triết học cụ thể, cho nên việc dạy và học triết học để hiểu văn học là một điều hoàn toàn hợp lý và không có gì quá đáng cả. Trong khi đó, triết học lại chính là môn học có vị trí quan trọng bậc nhất trong việc rèn luyện tư duy độc lập, lập luận logic dựa trên lý tính cùng khả năng phản biện.
Tức là triết học không phải chỉ cần cho môn văn, triết phải là nền tảng cho mọi môn học. Cần đưa triết học trở lại nhà trường phổ thông. Nếu không có nó, việc "đọc" tác phẩm văn học bao giờ cũng nông cạn và luôn có nguy cơ sa vào chuyện bình tán miên man vô căn cứ. Các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới đều làm như thế, và cả giáo dục miền Bắc, miền Nam trước đây cũng đã có nơi có lúc xây dựng chương trình phổ thông như thế - có sự hiện diện của triết học. Ở miền Nam, trong cả 4 ban của Trung học đệ nhị cấp (nay gọi là "cấp III") gồm Văn chương sinh ngữ, Văn chương cổ ngữ, Khoa học Toán, và Khoa học Thực nghiệm đều đưa triết học vào. Điều ấy chứng tỏ triết học đã từng đóng một vai trò quan trọng trong nhà trường phổ thông Việt Nam. Vấn đề này, triết học trong nhà trường phổ thông, chúng tôi sẽ trở lại trong bài sau để cùng bàn sâu hơn.
Môn văn lâu nay vốn đã bị lạm dụng quá nhiều về sự cảm tính (không phải cảm xúc), tức là thiếu một cơ sở, một điểm tựa về mặt văn hóa hay lý thuyết, thành ra nó luôn sa vào chuyện "chặt câu, chẻ chữ", nếu không là suy diễn. Chúng ta thường phải đọc những bài văn không những thiếu cá tính mà còn thiếu luận điểm; ở một cực khác là sự xa rời văn bản mà người ta hay gọi là "tán hươu tán vượn", diễn dịch một cách tùy tiện để phục vụ cho sự ca ngợi một chiều hoặc "phê phán" kiểu đấu tố. Tất cả những điều này đã tạo ra một cái "hồn" của văn học nhà trường mấy chục năm qua: sự diễn - vụng về, khuôn sáo, gượng gạo. Đó chính là tính hoa mỹ nhưng sáo rỗng, là những bài văn vô hồn vô cảm, vô thưởng vô phạt.
Tất cả tình trạng này phải được nhìn thấy từ trong nguyên nhân gốc rễ của nó: khi người học không có quan điểm (điểm nhìn/điểm quan sát - tức cơ sở về mặt lý thuyết và tư duy) mà chỉ có những kiến thức được học thuộc dưới dạng văn mẫu thì không cách gì có thể tạo lập được một "tác phẩm" mang dấu ấn cá nhân.
Và một điều xuyên suốt rất cần phải nhấn mạnh: việc đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi không phải là để đổi mới thi cử như là một khâu độc lập. Mục đích ở đây là để tác động vào toàn bộ quá trình giáo dục và thay đổi chất lượng dạy văn, học văn - tức nhằm vực dậy năng lực tiếng Việt và bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tư duy cho người học. Nếu xa rời những mục tiêu căn cốt này thì chuyện đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi sẽ lại rất dễ lâm vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột" hoặc sa vào chủ nghĩa hình thức - những thứ vốn đã tồn tại quá lâu trong nền giáo dục của ta.
Thạc sĩ Triệu Nguyễn Huyền Trang: ngữ liệu đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn đầy sạn Ngay từ câu thứ 2 của đoạn trích đã có 1 câu rất dài và chồng chéo nhiều mệnh đề, đảm bảo gây khó cho hầu hết người đọc. Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đã qua nhưng sức nóng của đề thi Ngữ văn thì vẫn còn hiện hữu. Trên mạng xã hội Facebook, giáo viên không ngớt...