Thay đổi trong công nhận trình độ của của giáo viên, chủ nhiệm giỏi
Dự kiến, việc công nhận trình độ của giáo viên, chủ nhiệm giỏi sẽ theo hướng chuyển từ việc thi sang xét thông qua tiêu chí quy chuẩn…
Sáng 26/3, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo định kỳ Quý I năm 2019. Một trong những câu hỏi đang thu hút sự quan tâm của giáo viên hiện nay liên quan đến các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng đã được đại diện Bộ giải đáp.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đã có dự thảo sửa đổi quy định về 2 cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi theo hướng chuyển việc thi sang xét giáo viên giỏi thông qua tiêu chí quy chuẩn.
Dự kiến, việc công nhận trình độ của giáo viên, chủ nhiệm giỏi sẽ tiến bộ của người học, qua tín nhiệm của phụ huynh học sinh (ảnh minh họa)
Với giáo viên chủ nhiệm giỏi thì gắn với các tiêu chí về giáo dục; với giáo viên dạy giỏi, gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp. Bộ GD-ĐT sẽ tiến tới công nhận trình độ của giáo viên thông qua hậu kiểm, qua tiến bộ của người học, qua tín nhiệm của phụ huynh học sinh, cộng đồng và xã hội.
Đặc biệt, không gắn kết quả thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi với thành tích tập thể mà chỉ coi đây là sân chơi, qua đó giáo viên không chỉ được tôn vinh mà còn bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Cục Nhà giáo đã trình Bộ trưởng dự thảo này và trong thời gian sớm nhất sẽ công khai trên mạng Internet để lấy ý kiến góp ý.
Trước các ý kiến quan tâm đến việc giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh khẳng định, việc này luôn được Bộ GDĐT quan tâm trong những năm qua.
Theo đó, ngày 18/1/2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Theo Chỉ thị, Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng phòng GDĐT và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ GDĐT ban hành.
Toàn cảnh cuộc họp báo định kỳ Quý I năm 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 26/3
Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
Theo ông Hoàng Đức Minh, những nội dung trên đã được địa phương ủng hộ và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Sẽ tập trung vào triển khai sách thực nghiệm SGK lớp 1 trước
Liên quan đến tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) mới, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thông tin: Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, SGK GDPT, để chủ động triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ cho tất cả các môn học.
Video đang HOT
Dự kiến, học kỳ 1 năm 2019-2020, bản thảo SGK được triển khai thực nghiệm ở một số cơ sở GDPT, tập trung vào lớp 1 (ảnh minh họa)
Trong vài ngày tới, Bộ GD-ĐT sẽ có thư mời và tuyển đội ngũ chủ biên tác giả; sau đó tập huấn để đảm bảo SGK thể hiện được mục tiêu, nội dung của chương trình mới theo phương pháp phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
“Sau khi biên soạn, học kỳ 1 năm 2019-2020, bản thảo SGK được triển khai thực nghiệm ở một số cơ sở GDPT, tập trung vào lớp 1. Thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học để đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh” – ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Liên quan đến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho chương trình GDPT mới, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị kế hoạch cụ thể để triển khai, tập trung bồi dưỡng cho 4 đối tượng: cán bộ quản lý cấp Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở GDPT; giáo viên; giảng viên sư phạm chủ chốt. Nội dung tập huấn bám theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT.
Năm 2019 sẽ tập trung bồi dưỡng cho các đối tượng nói trên hiểu về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình GDPT mới với nội dung sát với từng đối tượng được tập huấn.
Để làm được việc này, phương thức bồi dưỡng sẽ kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Việc thiết kế nội dung bồi dưỡng trên mạng được quan tâm. Các khóa tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn tập trung nhiều vào nghiên cứu trường hợp cụ thể, có bài học minh họa; nội dung bồi dưỡng được thiết kế sát với công việc hàng ngày của mỗi giáo viên trong quá trình triển khai dạy học trong nhà trường…/.
Theo vov
Làm sao để trở thành giáo viên dạy giỏi?
Chuyện có giấy chứng nhận dạy giỏi các cấp hay không, thực ra không quan trọng với nhà giáo có tâm có tầm mà quan trọng được học trò và phụ huynh công nhận.
LTS: Thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ bài viết thể hiện góc nhìn về hình ảnh của một giáo viên dạy giỏi thực sự.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thi giáo viên dạy giỏi trong ngành giáo, đã để lại quá nhiều "dư âm bất cập".
Khách quan mà nói, cuộc thi này đã phát hiện, bồi dưỡng thành tài nhiều nhà giáo tâm huyết, qua các thời kì phát triển của giáo dục.
Thế nhưng, "bệnh thành tích" đã biến cuộc thi tốt đẹp này thành một thứ "ung nhọt" đáng xấu hổ; người ta coi giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi các cấp là "tờ giấy thông hành giả dối".
Vì vậy, không ít người "reo vui" khi Bộ có ý kiến bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi! Cũng có người còn đề nghị Bộ bỏ hết các cuộc thi của ngành giáo dục!
Làm thế nào để trở thành giáo viên dạy giỏi? Ảnh minh hoạ: VOV
Nhìn một cách tích cực, các cuộc thi của ngành giáo dục vẫn có ưu điểm, chứ không phải chỉ có hoàn toàn khuyết điểm. Việc làm cho nó trở nên "bệnh hoạn" là khâu tổ chức từ cơ sở.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu mỗi giáo viên phải đổi mới chính mình.
Thành công hay thất bại của ngành không thể mình Bộ trưởng làm được, nó có đóng góp chủ yếu từ đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở và giáo viên đứng lớp.
Chuyện có giấy chứng nhận dạy giỏi các cấp hay không, thực ra không quan trọng với nhà giáo có tâm, có tầm; cái quan trọng với họ là có được phụ huynh, học sinh "công nhận giáo viên giỏi hay không". Đó mới là vấn đề then chốt.
Vậy làm sao để phụ huynh, học sinh "cấp" giấy chứng nhận dạy giỏi cho mình?
Thành công trong nghề dạy học, không chỉ đơn giản phải yêu trẻ và có kiến thức "biết tuốt"; đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Lạc quan, tài sản vô giá của người thầy!
Trong thế giới phẳng hôm nay, không gì có thể dấu, muốn dấu thì đừng làm.
Vì thế thái độ nhìn nhận của giáo viên với các vấn đề, cần phải tích cực, thái độ này truyền đến học sinh, đối tượng tương tác của người thầy.
Thái độ tích cực, lạc quan trong cuộc sống, thể hiện bản lĩnh chính trị, quan điểm sống tích cực. Nó sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề hiệu quả và nhanh nhất có thể, kể cả giải bài tập.
Không cần nghiêm trọng hóa vấn đề dù đó là nhỏ hay lớn, sai thì sửa; quan điểm lạc quan này sẽ giúp bạn tự tin và thành công hơn khi giảng bài trong mắt học trò; nhỡ nhầm lẫn thì xin lỗi, nếu hôm sau mới phát hiện ra, xin lỗi vẫn chưa muộn.
Nụ cười, mười thang thuốc bổ!
Một giáo viên hài hước, vui vẻ, trên môi luôn nở nụ cười, mở đường vào tâm hồn, tri thức của học sinh dễ dàng hơn nhiều "một bộ mặt khó ưa". Nụ cười của giáo viên, hóa giải căng thẳng xảy ra trong trong học tập.
Mọi vần đề được nhìn dưới góc hài hước, vui vẻ, giúp đem lại niềm vui và sự hứng thú học tập cho học sinh, khiến chúng háo hức và mong chờ được đến lớp học.
Điều quan trọng, sự vui vẻ, hài hước của giáo viên, dễ truyền cảm hứng đến với học sinh; học sinh trở thành người vui vẻ và tích cực trong cuộc sống, trong học tập.
Người hài hước, vui vẻ thường là người thông minh là vì vậy.
Hy vọng, nâng cánh ước mơ của cả thầy và trò!
Ước mơ, không ai đánh thuế, làm giáo viên mà không khơi dậy ước mơ của học trò thì không thể làm thúc đẩy khát khao thực hiện ước mơ, tạo động lực phấn đấu.
Đừng bao giờ chôn vùi ước mơ của ai, đặc biệt là của học trò.
Có học sinh mơ làm ca sĩ, giáo viên thẳng thừng "em vừa lùn, vừa đen, vừa xấu, sao ước mơ viển vong thế?", giáo viên đó chắc rằng chẳng dạy nổi ai thành người, vì họ không có một chút ước mơ san sẻ với người khác.
Chúng ta vẫn hy vọng có thưởng Tết, có lương tháng 13, sống được bằng lương của mình hàng chục năm rồi, cứ dạy, cứ cống hiến sẻ chia đó thôi.
Làm việc có kế hoạch của thầy và trò!
Có kế hoạch giúp chúng ta thành công một nửa, nếu kế hoạch tốt. Vì vậy mỗi tiết dạy giáo viên cần có kế hoạch cho mình và ... cho cả học trò.
Một giáo viên làm việc có kế hoạch, học sinh cũng học được kĩ năng lên kế hoạch cho mình.
Hôm nay dạy cái gì, làm cái gì, đạt mục tiêu nào; học sinh phải chuẩn bị như thế nào, bắt buộc phải thực hiện tốt ngay từ tiết học đầu tiên. Chính tính kế hoạch tạo thói quen học tập tốt cho học sinh.
Khi có kế hoạch rồi, học sinh sẽ tự học, lúc đó mọi cám dỗ sẽ bị "...không dám đâu, em còn phải học bài... hổng dám đâu".
Chuẩn mực trong nhận xét, đánh giá!
Nhận xét đánh giá hay nhất là trung thực, với cảm xúc và suy nghĩ của mình. Thế nhưng, với học trò, hay nhất là giúp học trò vượt lên chính mình.
Khi buộc phải nhận xét, đánh giá, học trò, cần giữ sự công tâm. Nếu khen A. vì đi học thầy, chê B. vì không đi học thầy, mọi sự tôn trọng của học trò với thầy đã đổ xuống sông rồi.
Khen học trò khen vừa đúng thực tại, hướng tới tương lai. Chê học trò, chê tế nhị, khéo léo, không làm tổn thương trái tim, tâm hồn nhạy cảm của nó, chê trong bao dung.
Dạy học, thành công nhất là sống trong trái tim học trò; những giấy chứng nhận, bằng khen chỉ có giá trị dài nhất vài năm xét thi đua; được sống trong niềm tin yêu của học trò, phụ huynh, thời hạn là mãi mãi.
Mai này, học trò cũ đi ngang mộ thầy, kính cẩn ngiêng mình, thắp nén tâm nhang, mới thực sự là giáo viên dạy giỏi của nhân dân.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net.vn
Chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ: Kiên quyết "cắt" quy định riêng Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; tuy nhiên, việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục còn chưa thực sự đi vào thực chất. Ứng dụng CNTT trong dạy và học giúp giảm tối đa áp lực sổ sách cho giáo viên Do đó, Chỉ thị số...