Thầy đôi khi cũng học từ trò
Đã là học sinh lớp 12 và phải chịu không ít áp lực của các kỳ thi sắp tới nhưng không vì thế mà các nhà khoa học tương lai bỏ qua cuộc chơi đòi hỏi sự tập trung cao độ để hiện thực hóa ý tưởng của mình khi thi đấu với những tài năng cả nước cũng như quốc tế.
Rất nhiều sự sáng tạo và hăng say được khuấy động từ sân chơi khoa học
Thầy Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên cho biết, 2 nhóm học sinh của trường đang tham gia sân chơi khoa học, kỹ thuật ISEF 2013 với sản phẩm “cây nhà lá vườn”: Giải pháp tiết kiệm điện năng cho trường học tại Việt Nam và Bạo lực học đường thực trạng và giải pháp. Tìm hiểu về đề tài khá thời sự là tiết kiệm điện năng, Trưởng nhóm Phạm Quốc Khánh, học sinh lớp 12 A1 cho biết: “Ai đã từng nhìn tủ điện trường em thì thấy rằng việc tắt đèn, tắt quạt quả là thử thách lòng dũng cảm. Nhiều bạn, nhất là các bạn nữ, được phân công trực nhật thường rất ngại chạm vào tủ lằng nhằng dây điện và công tắc đang trong tình trạng thiếu an toàn cho người sử dụng. Vậy là ý tưởng về việc làm thế nào để tự động tắt, mở thiết bị điện trong hàng chục lớp học đã nhen nhóm. Sân chơi khoa học, kỹ thuật được Bộ GD-ĐT phát động lần này là cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng của em”.
Sản phẩm của các nhóm tham gia sân chơi đi từ những vấn đề thiết thân như giải pháp giảm bớt áp lực thi cử của Nguyễn Hoàng Oanh, trường THPT Xuân Đỉnh, hay các vấn đề môi trường trong gia đình như đề tài máy tách dầu mỡ ra khỏi nước thải nhà bếp hay biện pháp xử lý nước hồ công viên phường Ngọc Lâm, rồi mở rộng phục vụ các đối tượng như phần mềm gậy thông minh cho người khiếm thị và tham gia cả lĩnh vực vật lý và thiên văn học với ứng dụng định luật bảo toàn động lượng, chế tạo tên lửa nước tách tầng… “Điều có thể đánh giá cao nhất ở kỳ thi này là không có đề bài đặt ra sẵn mà học sinh phải tự tìm tòi sáng tạo từ A đến Z” – ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhận xét.
Một môi trường học tập, nghiên cứu thực sự đã được tạo ra khi mà ở đó không chỉ có trò học từ thầy mà chính thầy cô cũng phải tự tìm tòi, thậm chí phải học cả trò về sự nhanh nhạy, khả năng kết nối thông tin và tư duy thông minh, sắc sảo. Nhiều thầy cô đã phải thay đổi phương pháp giảng dạy của mình qua sân chơi này, ông Đoàn Hoài Vĩnh nhận xét sau kinh nghiệm tổ chức lần đầu tiên năm 2012. Chia sẻ về thành công của học sinh Thủ đô tại kỳ thi này năm 2012 trên đấu trường quốc tế, ông Đoàn Hoài Vĩnh phân tích, đề tài của học sinh Việt Nam về biến nước mặn thành nước ngọt được đánh giá cao vì đây là đề tài được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và có nhiều phương pháp giải quyết nhưng cách này là sáng tạo, ít kinh phí, dễ ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Theo ANTD
Khi "thầy" biến thành "thợ"
Mấy năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thể hiện qua các "bài giảng điện tử" (BGĐT) diễn ra khá phổ biến trong các trường học. Đây một bước tiến trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy vậy, việc lạm dụng BGĐT có thể gây ra nhiều phức tạp.
Những bài giảng điện tử thu hút được sự chú ý của nhiều học sinh, song giáo viên không nên lạm dụng
(Ảnh minh họa)
Lợi nhiều
Cô Nguyễn Hồng Thúy - giáo viên cấp 2 ở quận Thanh Xuân nhận xét, khi dự giờ một tiết học Lịch sử của học sinh lớp 7, cô đã thấy được sự hào hứng, phấn chấn của các em học sinh đối với BGĐT. Toàn bộ kiến thức của bài giảng tưởng chừng như khô cứng lại được thể hiện qua những hình ảnh sống động và hấp dẫn. Chỉ với 2/3 thời gian, giáo viên đã có thể kết thúc bài giảng để học sinh được tự do thảo luận nhóm về kiến thức xung quanh nội dung vừa học. Có thể nói, do kiến thức được cập nhật bằng hình ảnh sinh động nên áp lực của tiết học đã giảm xuống đáng kể, giúp học sinh có thể hiểu và thuộc bài ngay tại lớp.
Cũng theo cô Thúy, BGĐT còn giúp thầy cô tiết kiệm được thời gian lên lớp đồng thời rất dễ khắc phục, sửa chữa kịp thời những sai sót về kiến thức, cách trình bày, diễn đạt...
Nhờ có BGĐT, các môn học được coi là "khó nhằn" như Lịch sử, Địa lý, Văn học... đã thu hút được nhiều học sinh hơn. Đây là phương tiện trực quan có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc truyền tải đến học sinh những vấn đề khó hình dung nếu chỉ thông qua lý thuyết đơn thuần. Nhờ những hình ảnh cụ thể và sinh động, học sinh có thể dễ dàng nắm bắt được bài giảng ngay trên lớp. Em Lê Hoàng Vinh - học sinh lớp 8 ở quận Ba Đình cho biết, trước đây mỗi khi đến tiết học Lịch sử, hầu hết các bạn trong lớp đều tìm cách xin nghỉ, lấy môn khác ra học hoặc trả bài qua loa, hời hợt cho xong chuyện.
Tuy vậy, từ khi môn này được cải tiến phương pháp giảng dạy, các tiết học sôi nổi hơn hẳn. "Xen giữa lời giảng là những hình ảnh, những thông tin liên quan, thậm chí cả những tin tức mới nhất được trình bày rất sinh động khiến bọn em "tỉnh cả ngủ". Cách học này làm cho chúng em rất hứng thú vì hệ thống kiến thức được cập nhật bằng hình ảnh và trò chơi đố vui, thảo luận nhóm... Tiết học trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều khiến em và các bạn không còn thấy "sợ" môn học này nữa" - Hoàng Vinh chia sẻ.
Hại cũng không ít
Đáng buồn là có không ít giáo viên đã lạm dụng BGĐT trong quá trình giảng dạy hầu như không giao lưu với học sinh mà chỉ ngồi một chỗ, mắt nhìn màn hình vi tính. Về lâu dài, họ đã làm mất đi sự gần gũi, thân tình giữa thầy và trò. Bên cạnh đó, việc sử dụng BGĐT quá thường xuyên làm cho một số giáo viên không chịu rèn luyện trí nhớ nên dần dần bị lệ thuộc vào bộ nhớ của máy vi tính, dẫn đến tình trạng ngôn từ, kiến thức bị bào mòn, mai một dần. Từ vị trí người thầy, họ đã tự biến mình thành "thợ" vì công việc chủ yếu của họ giờ chỉ là nhấn bàn phím. Ngoài ra, hiện nay, do không được đào tạo bài bản nên không ít giáo viên khi trình bày bài giảng quá lạm dụng màu sắc, trang trí nền và sử dụng các hình ảnh không liên quan đến nội dung của bài học. Điều này đã gây...tác dụng ngược bởi nó khiến học sinh không tập trung vào bài giảng do bị choáng bởi những hình ảnh, âm thanh chằng chịt, phức tạp.
Thầy Nguyễn Quang Thành - một giáo viên dạy Văn THPT cho biết, khi giảng dạy môn Văn, thông qua BGĐT, nhiều người đã sử dụng những hình ảnh (tranh, hình vẽ...) để minh họa cho những ý thơ hay hình tượng nhân vật. Tuy vậy, do không có kinh nghiệm và thiếu thời gian chuẩn bị nên họ đã sử dụng hình ảnh một cách cứng nhắc và bừa bãi làm cho học sinh càng bị phân tâm, rối trí. Bên cạnh đó, do quá tin tưởng vào BGĐT nên nhiều giáo viên đã quên đi tính đặc thù trong giảng dạy văn chương, rằng văn học là nghệ thuật của ngôn từ, tư duy trong văn học là tư duy trừu tượng. Do đó, để truyền đạt đến học trò cái hay, cái đẹp của tác phẩm, người thầy phải sử dụng giọng nói, cử chỉ, điệu bộ, cảm xúc của mình để phân tích, mô tả. Điều này không có bất kì một phương tiện kĩ thuật nào có thể thay thế được. Chưa kể đến việc, trong trường hợp xảy ra sự cố kĩ thuật như máy chiếu bị trục trặc, bị mất điện, người dạy sẽ bị động khiến cho tiết học Văn mất hứng thú.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng, PGS Văn Như Cương cho rằng, không thể phủ nhận tác dụng của các BGĐT trong quá trình dạy và học. Ví dụ khi dạy bài "Sông Lô", do không thể đưa học sinh đến tận nơi để xem thực tế con sông này dài rộng thế nào, giáo viên có thể dùng hình ảnh để các em dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy vậy, máy móc không bao giờ có thể thay thế được lời giảng của giáo viên mà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Điều đáng nói là hiện nay, không ít giáo viên đã sử dụng BGĐT theo kiểu thay bằng cách đọc cho học sinh ghi từ bài soạn viết tay của mình, họ lại chiếu lên màn hình cho học sinh chép. Về phương pháp, hai cách làm này không khác nhau. Bởi vậy mà nhiều em học sinh, sinh viên đã không ngần ngại nói thẳng ra rằng nhờ có giáo dục điện tử mà họ được nghỉ học thoải mái. Đến cuối kỳ học chỉ cần USB copy lại bài giảng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ở một số trường học, học sinh bắt đầu chán nản với những tiết dạy bằng máy chiếu.
Để những BGĐT ngày càng có sức hút đối với học sinh, giáo viên cần phải nhận thức rằng đây chỉ là phương tiện để tác động tích cực đến người học, song nếu không khéo thiết kế bài giảng sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Bản thân mỗi thầy cô phải căn cứ vào đặc thù của từng môn học để đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý, sử dụng đúng môn học, đúng liều lượng, kết hợp linh hoạt giữa hình ảnh và khả năng thuyết trình. Và điều quan trọng nhất là dù giảng dạy với cách thức nào thì người thầy luôn là trung tâm và phải thổi hồn vào trong mỗi bài giảng.
Theo ANTD
SGK tiếng Việt lớp 1 phải thể hiện tường minh hơn quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam NXB Giáo dục Việt Nam đã chính thức có công văn yêu cầu dừng in ngay cuốn sách Tiếng Việt 1 - tập 2 để sửa chữa lỗi in bản đồ Việt Nam. Cụ thể, tại trang 78 cuốn sách này, có bài tập 2: "Điền vần iêt hay uyêt?", dưới đề bài là bức ảnh minh họa bản đồ Việt Nam, trong...