Thầy cô xưng hô với học trò phổ thông như thế nào cho phù hợp?
Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường được tốt đẹp hơn.
Từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt của chúng ta rất đa dạng và phong phú. Chính vì thế mà cách xưng hô cũng rất đa dạng, nhiều khi là theo thói quen, theo cảm xúc của những người giao tiếp.
Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục thì mối quan hệ thầy- trò có những nét rất riêng mà mỗi thầy, cô giáo cũng cần chú ý để xưng hô với học trò một cách phù hợp nhất trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cách xưng hô phù hợp sẽ tạo cho tình thầy trò đẹp hơn (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn)
Những giáo viên luôn xưng là “thầy”, “cô” trước học trò
Theo đặc trưng về cách xưng hô của văn hóa vùng miền nên những thầy, cô giáo ở các tỉnh phía Bắc thường xưng là thầy (cô) và gọi học trò là “em”. Chỉ có một số ít giáo viên dạy ở cấp Mầm non, Tiểu học hoặc một số thầy cô ở khu vực thành phố gọi học trò là “con”.
Các giáo viên ở các tỉnh phía Nam thường xưng là thầy (cô) và gọi học trò là “con” đối với tất cả các cấp học phổ thông và học trò dù lớn cũng hay xưng là “con” khi nói chuyện, giao tiếp với thầy, cô giáo của mình.
Đối với việc thầy, cô giáo gọi học trò là “em” hay “con” đều phù hợp và tất nhiên không thể nói gọi “con” là tình cảm hơn mà gọi là “em” thì ít tình cảm hơn mà đó cách xưng hô thông thường giữa thầy, cô giáo với học trò của mình theo từng khu vực nhất định.
Học trò ở các tỉnh phía Nam dù đang học ở cấp Trung học phổ thông vẫn xưng là “con” với thầy cô giáo của mình, kể cả thầy cô giáo chưa có gia đình và điều này cũng là một thói quen.
Nhưng, học trò các tỉnh phía Bắc thường chỉ có một bộ phận xưng “con” với thầy cô giáo khi còn học Mầm non và Tiểu học. Khi lên đến cấp Trung học cơ sở thì rất hiếm học trò xưng là “con” nữa.
Nhưng cũng có thầy cô xưng hô là “mày- tao” với học trò
Việc thầy (cô) giáo xưng “tôi” trước học trò thì khá phổ biến nhất là từ cấp Trung học cơ sở trở lên. Có thầy (cô) xưng tôi nhưng vẫn gọi học trò là “em”, là “con” hoặc gọi học trò bằng “bạn A, bạn B”, có thầy (cô) gọi học trò bằng “anh, chị”…
Cách xưng hô này xét về tính biểu cảm ta thấy có phần “nhạt” hơn với cách xưng hô là “thầy” với “em” hoặc “con”.
Bởi, nhiều học sinh lớp 6, lớp 7 mà được thầy cô gọi mình là “anh”, “chị” lúc đầu thường rất bỡ ngỡ. Vì các em vừa qua Tiểu học đang được gọi bằng những từ ngữ rất trìu mến.
Điều băn khoăn nhất trong các trường phổ thông hiện nay là có một bộ phận thầy cô gọi học trò bằng “mày”, “thằng kia, con kia”, “ông tướng”, “bà nội kia”…và xưng bằng “tao” trong cả lúc nóng giận và cả khi xưng hô trong hoàn cảnh giao tiếp thông thường.
Có người cho rằng xưng hô “mày- tao” là suồng sã với học trò, thể hiện sự thân thiện, không làm màu với học trò, xưng hô như vậy nhưng yêu học trò, thương học trò lắm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, rõ ràng dù tấm lòng thầy cô có yêu thương học trò như thế nào đi chăng nữa thì cách xưng hô “mày- tao” cũng không phù hợp trong môi trường giáo dục bởi nó thể hiện sự bằng vai với nhau mà không đẹp trong văn hóa học đường.
Ai cũng muốn người khác xưng hô ngọt ngào với mình.
Khi tìm hiểu về chủ đề giao tiếp trong học đường, chúng tôi đã trò chuyện với học trò của một số nhà trường và các em đều không thích cách xưng hô “suồng sã” của thầy cô đối với mình.
Các em vẫn thích thầy, cô xưng là “thầy” là “cô” hoặc ít nhất là “tôi” chứ không bao giờ muốn thầy cô xưng là “tao” khi nói chuyện, trao đổi với học trò.
Các em cũng không muốn thầy cô gọi mình là “anh”, “chị”, “thằng, con kia”, “mày”… bởi gọi như vậy dù tâm thầy, cô tốt đến đâu đi chăng nữa thì học trò vẫn cảm thấy một khoảng cách giữa thầy, cô giáo với mình là quá xa.
Tuy nhiên, có một số thầy cô giáo chưa chú trọng cách xưng hô trong hội thoại nên nhiều khi tạo ra một khoảng cách trong mối quan hệ thầy trò.
Khi trao đổi với một số giáo viên thì có thầy cô cho rằng quan trọng gì cách xưng hô miễn là tâm mình sáng. Có thầy cô lại cho rằng học trò bây giờ nó là “ông nội” của mình, vào đó mà gọi “em” với gọi “con”.
Tất nhiên, cách xưng hô không chỉ là tình cảm giữa các đối tượng giao tiếp với nhau mà còn căn cứ vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể để những người giao tiếp xưng hô với nhau phù hợp trong từng thời điểm nhất định.
Song, có một thực tế rằng khi giao tiếp thì ai cũng muốn mình được tôn trọng, mình được người đối thoại gọi bằng những từ ngữ phù hợp, trìu mến nhất.
Thầy cô không muốn trò gọi mình là “ông”, là “bà”, là “mụ”, là “sát thủ”…thì đương nhiên học trò cũng không muốn thầy, cô của mình gọi mình là “mày” là “con, thằng kia”…
Ngôn ngữ tiếng Việt đa dạng, xưng như thế nào, hô như thế nào cũng có thể đạt được mục đích giao tiếp. Nhưng, có lẽ môi trường học đường thì ngôn phong của thầy cô giáo, học trò cần nhẹ nhàng, tình cảm, tôn trọng nhau và ứng xử phù hợp.
Ông bà ta xưa đã dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua” nên dù trong hoàn cảnh nào thì trước tiên ngôn phong của người thầy cũng phải luôn chỉn chu trước học trò của mình.
Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường được tốt đẹp hơn. Điều này, cũng góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm hạnh phúc và nhân ái với nhau hơn.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Văn hóa ứng xử học đường góp phần quyết định sự sống còn đối với mỗi nhà trường
Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hoá ứng xử thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ.
LTS: Bàn về văn hóa ứng xử học đường, thầy giáo Tạ Như Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất và phải được coi là trọng tâm trong môi trường giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Văn hoá ứng xử học đường là hệ thống các giá trị, chuẩn mực điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng trong môi trường giáo dục.
Đặc biệt là cách ứng xử của thầy cô đối với học trò, đối với đồng nghiệp, đối với phụ huynh học sinh.
Văn hóa ứng xử học đường thực chất là đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của cán bộ, giáo viên, học sinh trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Đó là yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục các thế hệ học sinh.
Vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng môi trường giáo dục.
Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hoá ứng xử thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ.
Vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử học đường có vai trò quyết định sự sống còn đối với từng nhà trường.
Xây dựng văn hóa ứng xử học đường là tạo ra những nét đẹp trong hành vi của thầy cô và của học sinh đối với các mối quan hệ thầy trò, bạn bè và môi trường xung quanh.
Văn hóa ứng xử học đường góp phần quyết định sự sống còn đối với mỗi nhà trường. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Người thầy phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái, đối với học trò phải hết lòng thương yêu, chỉ bảo, đối với người khác phải giản dị, mẫu mực, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo, phải giữ gìn sự trong sạch của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Học sinh phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn, đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn, đối với bạn bè phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới. Môi trường giáo dục là nơi đào tạo những lớp người có tri thức để phục vụ xã hội.
Môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài đức vẹn toàn.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học là một hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hoá giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.
Đây là hoạt động giáo dục mang tính hệ thống và được bộc lộ qua các mối quan hệ cơ bản sau:
1. Ứng xử giữa thầy với thầy
Khi đó, năng lực giao tiếp và ứng xử sư phạm còn hạn chế của người giáo viên sẽ khiến họ dễ rơi vào trạng thái bị động về mặt tâm lý và phản ứng theo những cách thức không phù hợp, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.Người làm công tác giảng dạy trong các trường học hiện nay khá áp lực với những yêu cầu cao của xã hội, của cha mẹ học sinh, vì vậy xung đột chắc chắn sẽ nảy sinh.
Theo tác giả, điều cần thiết nhất hiện nay là cải thiện mối quan hệ giữa thầy giáo cùng với các đồng nghiệp thông qua các giải pháp giúp giáo viên nâng cao văn hóa ứng xử học đường hay chính năng lực giao tiếp và ứng xử sư phạm của thầy cô đối với mọi người xung quanh.
2. Ứng xử giữa thầy với trò
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghe nhiều về đạo thầy - trò. Quan hệ thầy trò xưa nay là mối quan hệ đáng kính và đáng trân trọng. Nhưng ngày nay nhiều học trò đã không thể làm đủ lễ nghi với thầy cô, thiếu sự tôn trọng với thầy cô, coi thường việc học.
Ở đâu đó chúng ta còn thấy những thầy giáo không đủ tư cách làm tấm gương, những cô giáo thiếu tinh thần trách nhiệm, những học trò bàng quan với việc học, với tương lai.
Thậm chí, nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức thầy-trò.
Có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh. Những lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử đang làm dư luận "nóng" mỗi ngày.
Vậy trước tình hình thực tế thì người thầy cần có cách ứng xử đúng mực, cách ứng xử của thầy với trò phải nghiêm túc nhưng vẫn gần gũi, chuẩn mực và vẫn độ lượng, bao dung.
Như vậy sẽ tạo ra niềm tin yêu, sự say mê và hứng khởi cho cả người học và người dạy, đồng thời hiệu quả giáo dục vẫn tốt mà nghĩa thầy trò không bị mất đi.
3. Ứng xử giữa thầy cô với cha mẹ học sinh
Theo tác giả thì nguyên nhân của hiện tượng này đến từ quan hệ ngày một lỏng lẻo giữa giáo viên và cha mẹ học sinh.Hầu hết những mâu thuẫn giữa giáo viên và cha mẹ học sinh trong suốt những năm học vừa qua khiến dư luận bức xúc có nguyên nhân xuất phát từ khả năng giao tiếp và ứng xử chưa tốt của các thầy cô giáo.
Các thầy cô giáo mắc lỗi thường không tạo dựng được sự liên kết tích cực với cha mẹ học sinh của mình và khiến phụ huynh hiểu sai về thầy cô, dẫn đến các sự việc đáng tiếc.
Để giải quyết triệt để vấn đề này trong tương lai, không cách gì tốt hơn là phải nhanh chóng nâng cao năng lực ứng xử sư phạm cho giáo viên hay chính là nâng cao văn hóa ứng xử học đường cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường bằng những giải pháp căn cơ.
Mỗi nhà trường cần một bộ quy tắc ứng xử học đường là cần thiết để định hướng đi đúng cho mối quan hệ nhà trường, thầy cô với học sinh và cha mẹ học sinh.
Để mỗi nhà trường đều có một không gian văn hóa học đường vừa thân thiện, cởi mở, vui vẻ mà vẫn nghiêm túc, đòi hỏi người thầy phải thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, luôn luôn giữ đúng chuẩn mực sư phạm từ trang phục đến lời nói, từ dáng điệu đi đứng đến cử chỉ diễn đạt.
Vì sự ảnh hưởng của người thầy đến các thế hệ học sinh là vô cùng đậm nét. Đạo đức, chuẩn mực, cốt cách của người thầy là nguồn sức sống vô tận truyền bá cho các em học sinh.
Tạ Như Việt
Theo GDTĐ
Chung tay ngăn chặn các vấn nạn học đường - Kỳ cuối: Xây dựng môi trường học tập an toàn, trường học hạnh phúc Vấn nạn bạo lực, xâm hại tình dục... là những khoảng trống đáng buồn trong văn hóa ứng xử ở môi trường sự phạm, vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện. Dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" song những hệ lụy nó đem tới khiến cho xã hội phải trăn trở. Thực tế...