Thầy cô thực tập và các trò tinh quái của học sinh
Có những sinh viên thực tập cảm thấy yêu nghề hơn, nhưng cũng có người bỏ nghề chỉ sau vài ngày thực tập.
Với những nghề khác, các sinh viên phải tự kiếm chỗ thực tập, còn sinh viên sư phạm nhẹ nhàng hơn vì các được thầy cô hướng dẫn đi và không phải lo vấn đề tìm chỗ. Nhưng cũng có những chuyện cười ra nước mắt trong những lần thực tập.
Lần đầu chính thức bước lên bục giảng
Vì chưa có kinh nghiệm giảng dạy nên đa số các sinh viên thực tập đều gặp phải khó khăn trong lúc giảng bài. Chẳng hạn như chữ viết trên bảng xấu, giọng quá nhỏ và quá căng thẳng trong giờ giảng.
Quốc Thanh, khoa Toán Trường đại học Sư phạm TP.HCM tâm sự: “Vì quá căng thẳng mà mình đã nói giọng địa phương khi “n” nhầm thành “l”. Ở dưới thì học sinh cười khúc khích còn mình thì mất hết tinh thần, lúc đó cảm thấy bối rối kinh khủng”.
4 năm học trên giảng đường chủ yếu là lý thuyết, chỉ khi đi thực tập, các sinh viên mới chính thức bước vào thử thách nghề nghiệp, cho nên sự cố “run run” kia chỉ là một ví dụ nhỏ, mà giáo án là một vấn đề lo ngại đầu tiên. “Soạn giáo án thì dễ nhưng để nó trở thành một bài giảng sinh động lại là chuyện khác. Nhiều khi mình giảng mà có cảm giác như đang trả bài giáo viên”, Thu Hồng, khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết.
“Giờ là thời đại thông tin sách giải và giáo án điện tử rất nhiều, nên các em đã được tham khảo trước, không thèm nghe mình giảng. Nhiều khi mình có cảm giác bất lực và giận lắm, nhưng cũng chịu thôi. Dần dần phải mày mò làm sao cho bài giảng sinh động hơn và phải cập nhật những thông tin sự kiện nóng hổi của giới trẻ để lồng vào bài” – Ngọc Hằng, khoa Vật lý Trường đại học Sài Gòn bộc bạch về kinh nghiệm lần đầu chính thức “xông pha” vào nghề giáo.
Học trò thì luôn nghịch ngợm, tinh quái nên sinh viên sẽ phải… vất vả khi đi thực tập. Ảnh Chào 94 của học sinh trường THPT Việt Đức – chỉ có tính minh họa.
Không chỉ Ngọc Hằng, mà nhiều sinh viên sư phạm cũng gặp khó khăn ở vấn đề làm thế nào cho học sinh tiếp thu được bài học một cách tốt nhất: “Không biết mình không có khả năng truyền thụ hay học trò không thích tiếp thu, mà khi hỏi các em có hiểu gì không thì chỉ nhận lại những cái lắc đầu, lúc đó mình chỉ muốn bỏ nghề cho rồi” – Ngọc, khoa Toán Trường đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ.
Thực tập ở những trường phổ thông bình thường thì còn đỡ, những sinh viên “may mắn” được thực tập ở những trường chuyên thì còn “thảm” hơn. “Vì là thực tậpsinh, hơn nữa lại còn khá xinh nên cô bạn mình bị mấy em nam sinh trêu chọc suốt. Bị hỏi dồn dập một hồi những kiến thức cô ấy chưa chuẩn bị kĩ, căng thẳng nên bạn bí đường, thế là được một phen vừa ấm ức vừa quê. Vừa ra khỏi phòng thì mắt cô ấy đã đỏ hoe” – Quốc Thanh kể về nỗi niềm của cô giáo vừa trẻ vừa xinh.
Video đang HOT
Một trong những điểm khác biệt khi đi thực tập so với lúc còn học trên giảng đường là nghề sư phạm rất chú trọng về trang phục. Không chỉ xuất hiện trên lớp với dáng vẻ chỉn chu mà các thầy cô giáo trẻ còn tập thói quen chững chạc, nghiêm túc: “Khi còn là sinh viên, mình không để ý lắm nhưng khi đi thực tập thì phải làm cho ra dáng cô giáo. Vì thế mỗi ngày đi về chân mình đều bị đau buốt vì do không quen mang giầy cao gót” – Thu Thủy, Đại khọc Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM chia sẻ.
Dù tinh nghịch và có thể chưa hứng thú với bài giảng, nhưng học trò luôn tình cảm với các thầy cô giáo thực sự yêu quý họ. Ảnh của clip nổi danh trong giới trẻ về những tháng năm học trò vui vẻ.
Dù khó, khổ vẫn yêu nghề
Nhưng bên cạch những khó khăn, các bạn trẻ cũng thu nhặt được rất nhiều kinh nghiệm và những niềm vui sau chuyến thực tập. Đó cũng là động lực để họ quyết tâm đến với nghề giáo, trong thời buổi lương thấp, áp lực lại quá nhiều.
Vì có khuôn mặt xinh xắn nên ngay ngày đầu tiên đi thực tập, Kim Cúc, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã được các nam sinh trong trường chú ý. Kết quả là ngày cuối cùng thực tập, Cúc còn được tặng một bó hoa hoành tráng. Cúc nói: “Lúc đó mình chỉ muốn độn thổ cho rồi, ngượng không thể tả. Nhưng sau khi về nhà nghĩ lại thì cũng thấy vui vui”.
Khi được hỏi sự việc nào làm bạn nhớ nhất trong đợt thực tập, Thu Hồng chia sẻ: “Hôm đó mình đang đi bộ trên đường về nhà thì có một em chạy xe lại, nằng nặc đòi cô giáo về nhà bằng được. Khi mình cảm ơn thì em ấy nói “không có gì đâu cô, cô là cô của em mà” làm mình cảm động quá chừng, thấy sao mà yêu nghề thế”.
“Mình cảm động nhất là những hôm dự giờ, dù các em không hiểu bài lắm nhưng vẫn giơ tay rất nhiệt tình chỉ vì sợ mình thực tập điểm kém. Hay hôm trước mình có việc đi ngang qua trường các em còn với tay chào mình cô ơi! Cô ơi!” – Ngọc chia sẻ về cảm xúc của mình trong những ngày trải nghiệm làm giáo viên.
Quá trình thực tập không những là thời gian để thực hành lại những gì mình được học, mà còn là thời gian quí báu được tiếp xúc với môi trường sau này mình sẽ làm việc, giúp mỗi sinh viên ý thực hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của mình đối với sự nghiệp “trồng người” của đất nước.
Tuy gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thực tập nhưng khi được hỏi về dự định sau này thì các bạn đều có biết họ rất yêu nghề và sẽ theo đuổi đến cùng. Vì các bạn đều cảm thấy tự hào về nghề của mình, nhưng mỗi người cũng cho biết nghề này chỉ phù hợp với những ai thật sự yêu nghề. Vì sẽ rất dễ nản lòng trước khó khăn của những ngày đầu.
THÙY DUNG
Theo Infonet
'Nguy hiểm nhất là giáo viên không thích dạy'
TS Nguyễn Văn Khải (thường được gọi là Ông già Ozon) cho rằng, rất ít giáo viên có trình độ trong thực nghiệm và họ "lười dạy".
Có mặt trong một lớp bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm cho các giáo viên THPT tại Hà Nội sáng 8/10, TS Nguyễn Văn Khải cho biết, với lớp của ông trong sáng nay sĩ số đi học khoảng 2/3 (20 người).
Những buổi học đầu thường rất mất trật tự, nhiều giáo viên vào lớp không có giấy bút, đồ thí nghiệm cũng không mang. "Trong những đồ thí nghiệm không mang cũng vướng mắc là nhiều đồ vừa được phát đã hỏng, có giáo viên mang theo 12 đồng hồ điện thì hỏng tới 11 cái", TS Khải nói về sự bất cập trong dụng cụ thí nghiệm hiện nay.
Lớp bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm cho các giáo viên các trường THPT tại Hà Nội.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, chất lượng giáo viên hệ phổ thông bây giờ rất đáng báo động khi buổi đầu tiên ông cho họ làm bài tập và trả lời câu hỏi liên quan tới kiến thức Vật lý, trong 100 câu hỏi thì chỉ có 1 người trả lời được, một người được khoảng 3/4, nhiều người chỉ trả lời được 1/4, trong đó đáng chú ý có rất nhiều giáo viên nếu tính điểm ra chỉ được từ 1-2 điểm.
"Tôi đã đi khoảng 1.000 trường khắp cả nước, chưa có ai trả lời được hết bộ câu hỏi này, mặc dù câu hỏi rất đơn giản. Tôi nghĩ không phải câu hỏi khó mà là tất cảgiáo viên, học sinh đều đang quen thói tùy tiện, làm việc chưa nghiêm túc, nhưng có lẽ đau nhất có những thầy cô đã dạy học trong ngành hơn 40 năm thì đây mới là lần đầu tiên được thực hiện một thí nghiệm sâu về pin nhiệt điện như thế này", TS Khải nói.
Trong thực tế, đã nhiều lần báo chí và các chuyên gia đã lên tiếng về cách giảng dạy trong các trường phổ thông hiện nay, chủ yếu áp dụng các phương pháp lý thuyết trừu tượng, nhất là đối với các môn đòi hỏi số tiết thực hành nhiều như Vật lý, Hóa học, Sinh học... những tiết thực hành như thế để biến kiến thức trừu tượng thành những cái cụ thể thì lại rất ít trường tiến hành.
Nguyên nhân chủ quan thì thấy rằng, hầu hết các trường ở Hà Nội, đặc biệt là các trường các huyện ngoại thành điều kiện, trang thiết bị cho thực hành còn hạn chế. Khách quan mà nói, nhiều giáo viên và học sinh cũng ở tình trạng "lười" tìm tòi và khám phá.
TS Nguyễn Văn Khải cho biết, ông đã đi nhiều tỉnh thành trong cả nước, mỗi tỉnh đều có những thời gian ông ở lại bồi dưỡng kiến thức thực hành cho giáo viên (đã làm ở 320 trường Ninh Bình, hơn 100 trường ở Phú Thọ...) thì thấy rằng, cái nguy hiểm nhất hiện nay là giáo viên không thích dạy.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã từng nói, lương của giáo viên phải cao nhất trong các nghề, điều này TS Khải cho rằng rất đúng, nhưng còn một cái đúng nhất lại không ai làm: Đó là việc làm sao để học sinh thích học, muốn học sinh học thì thầy cô cũng phải thích dạy, muốn thầy thích dạy thì phải được tôn trọng, phải có kiến thức... Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, kỹ năng thực hành của giáo viên còn yếu.
Học viên trong giờ thực hành
"Quan niệm của những lớp bổ trợ kiến thức thực nghiệm như thế này của chúng tôi là: Bị thầy, đồng nghiệp chê là vụng, làm sai quy trình còn được, nhưng không được để học sinh chê mình dốt", TS Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.
Không thể phủ nhận hiện nay trong các trường phổ thông tình trạng đang thiếu những bài thực hành thí nghiệm, về vấn đề này TS Khải cho biết, ông có thể cung cấp hàng nghìn bài thí nghiệm chuyên sâu.
Có những bài thí nghiệm từ những năm 1969 đến nay vẫn sử dụng được vì từ những năm qua chương trình không thay đổi là mấy. "Tôi muốn lên án các trường học khiến học sinh không có dụng cụ thí nghiệm để học, giờ thực hành chấm hệ số 2 mà đồng hồ điện hỏng, trong khi đó học sinh phải có điểm thì giải quyết ra sao? Từ đó thầy giáo, học sinh phải nói dối, như thế mới có thầy giáo dốt, học sinh dốt", TS Khải thẳng thắn nói.
Thầy giáo Dương Bá Thành - giáo viên dạy môn Vật lý tại Trường THPT Phan Đình Phùng, một trong những trường được đánh giá có dụng cụ thí nghiệm bậc nhất Hà Nội cũng phải thừa nhận, từ thời đi học đến bây giờ đây là lần đầu tiên ông được làm thí nghiệm sâu như thế này.
Theo thầy Thành, giáo viên muốn dạy tốt thực hành cần có ba thứ: Thứ nhất, kiến thức thực nghiệm của giáo viên phải được nâng cao, hiện có những giáo viên trẻ cầm đến bóng đèn không biết bóng đèn có những chân nào. "Học trên lý thuyết là thế nhưng khi học thực tế lại không biết.
Thứ hai, giáo viên phải được trang bị những cái tối thiểu nhất để giáo viên có thể dạy được thực hành như đồng hồ điện, những thiết bị ứng dụng khác. Khó khăn lớn nhất là sách dạy một kiểu nhưng thiết bị cung cấp cho giáo viên lại là một kiểu khác", thầy Thành cho biết.
Một trong những yếu tố căn bản để thôi thúc giáo viên yêu nghề hơn, theo thầy Thành đó là mức sống của giáo viên, bản thân giáo viên có say mê nhưng vấn đề cơm no, áo lành mới nghĩ tới chuyện say mê, vấn đề nay liên quan tới chính sách.
Qua những lớp bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm như thế này thầy Thành thấy có động lực dạy học hơn, thích dạy thực hành hơn cho sinh viên. Đồng ý với quan điểm này, thầy Lương Văn Cảnh - một giáo viên trẻ của Trường THPT Đại Cường - huyện Ứng Hòa cho rằng, đây là điều kiện để các thầy được tận mắt làm những thí nghiệm sâu, quan sát vấn đề thực tế để chuyển tải tới học sinh của mình.
Qua những lớp như thế này, các giáo viên cho rằng cần mở rộng và quan trọng hơn là cơ chế chính sách cho giáo viên được nâng lên để họ yêu nghề hơn, say mê với sự nghiệp trồng người.
Theo Giáo Dục Việt Nam
"Mai mối" chỗ thực tập cho sinh viên Mới qua một năm nhưng cổng thông tin thực tập miễn phí www.internship.edu.vn đã hút hơn 1 triệu lượt truy cập, giúp hàng ngàn sinh viên có chỗ thực tập. Vào trang web, đập vào mắt chúng tôi là một danh sách dài công việc thực tập mới nhất dành cho sinh viên. Có đủ các ngành nghề từ tài chính, kế toán,...