Hai thủ khoa “9 phẩy” chung một ước mơ
Với điểm tốt nghiệp trên 9 phẩy, ba năm liền đạt giải nhất Olympic, Nguyễn Đàm Thùy Trang và Đỗ Minh Thành vừa trở thành thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012. Hai tân thủ khoa học cùng một lớp và cùng mong muốn được đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho HS.
Vượt lên 2.000 sinh viên tốt nghiệp K58 trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐH SPHN) năm 2012 nổi lên hai gương mặt là đồng thủ khoa – đó là Đỗ Minh Thành và Nguyễn Đàm Thùy Trang, đều là sinh viên lớp TN K58 khoa Vật lý.
Đỗ Minh Thành sinh ra và lớn lên trong gia đình cả bố mẹ đều làm nông ở xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cuộc sống làm nông trông chờ vào mấy sào ruộng vô cùng khó khăn nên từ nhỏ Thành luôn tự đặt các mục tiêu cho mình, cố gắng học thật giỏi để thoát nghèo. Suốt 12 năm học phổ thông, Thành luôn là học sinh giỏi, hai lần đạt giải Nhất, giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý. Ba năm liền, Thành đạt giải nhất Olympic Vật lý toàn quốc. Tốt nghiệp với điểm trung bình 9,10, Thành là một trong hai thủ khoa đầu ra của ĐH SPHN năm 2012.
Tốt nghiệp với điểm trung bình 9,10, Đỗ Minh Thành là một trong hai thủ khoa đầu ra của ĐH SPHN năm 2012.
Được biết, cậu trò nghèo Đỗ Minh Thành đến với môn Vật lý và theo ngành Sư phạm cũng bởi kỷ niệm đáng nhớ của người thầy. Khi còn là học sinh cấp 2, Thành học đều tất cả các môn. Đến khi thi vào Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), Thành ấn tượng bởi tài năng và tâm huyết với nghề giáo của thầy Nghiêm Minh Quang – giáo viên dạy môn Vật lý ở trường. Cộng với hoàn cảnh gia đình, Thành quyết định học thật giỏi mong sau này ra trường trở thành một nhà giáo giỏi và tâm huyết như thầy của mình.
Giờ đây, cầm tấm bằng cử nhân xuất sắc trên tay là kết quả của bốn năm miệt mài đèn sách. Thành chia sẻ: “Bây giờ em ước ra được dạy một trường trung học phổ thông, đây sẽ là cơ hội để đem một phần kiến thức nhỏ bé của mình về môn Vật lý dạy cho các em. Sau thời gian tham gia giảng dạy em sẽ trở lại trường học tiếp cao học.”
Khác với Thành, cô sinh viên nhỏ nhắn, xinh xắn Nguyễn Đàm Thùy Trang có hoàn cảnh khá hơn nhưng không vì mà cô bạn ỷ lại không cố gắng. Trang được mọi người biết đến là một sinh viên năng động, nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Thừa hưởng truyền thống gia đình khi cả bố mẹ và nhiều người thân khác đều là giáo viên, từ nhỏ Trang đã yêu thích và mong muốn trở thành một nhà giáo giỏi. Và để đạt được mong muốn của mình, Trang luôn cố gắng học tâp đạt kết quả cao.
Video đang HOT
12 năm liền Trang đều là học sinh giỏi của thủ đô Hà Nội, ba năm liền cô bạn đoạt giải nhất Olympic Vật lý toàn quốc. Trang vừa tốt nghiệp loại xuất sắc với 9.00 và trở thành một trong hai thủ khoa đầu ra của Trường ĐH SPHN năm 2012.
thủ khoa Nguyễn Đàm Thùy Trang nhận bằng khen từ PGS. TS. Nguyễn Văn Minh – hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.
Khao khát đứng trên bục giảng từ nhỏ nên ra trường, Trang không lựa chọn học lên mà mong muốn được trở thành một giáo viên ở trường trung học để ngày ngày truyền dạy các em học sinh những kiến thức mình có sau nhiều năm miệt mài tích lũy.
Tuấn Đức
Theo dân trí
Ngành Sư phạm được ưa chuộng trở lại
Ngược lại với tình trạng "đìu hiu" như mọi năm, năm nay ngành Sư phạm đã có sức hút trở lại vì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng hơn so với năm trước. Đây là tín hiệu tốt đối với ngành Sư phạm.
Năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ngành Sư phạm tăng hẳn so với năm trước. Nghề giáo viên đã có sức hút trở lại!
Lượng hồ sơ ĐKDT tăng!
Điển hình nhất là trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, năm nay số lượng hồ sơ tăng đột biến lên đến 10.000 bộ, năm trước số lượng hồ sơ chỉ có 7.500 bộ. Trong khi đó chỉ tiêu vào trường là 2.500.
Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Văn Dũng, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: "Chúng tôi cũng bất ngờ về số lượng hồ sơ tăng như năm nay. Đây là tín hiệu tốt, trường có nhiều cơ hội lựa chọn đầu vào có chất lượng tốt".
Theo ông Dũng, ngành có số lượng hồ sơ đông nhất vẫn là ngành Mầm non và Tiểu học, do vậy 2 ngành học này thường có điểm chuẩn cao hơn các ngành khác.
Tương tự, trường ĐH Vinh năm nay nhận được 20.100 bộ hồ sơ, trong đó 3.495 bộ đăng ký vào 14 ngành sư phạm, tăng hơn so với năm trước vài trăm bộ.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay số lượng hồ sơ cũng tăng gần 1.000 so với năm trước với tổng số hồ sơ là 16.300 bộ.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay nhận được 18.361 bộ hồ sơ, tăng 500 bộ so với năm 2011.
Ông Nguyễn Hắc Hải, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội, vui mừng cho biết: "Lượng hồ sơ vào các trường sư phạm tăng đó là thông tin đáng mừng. Ngành Sư phạm đã được "yêu" trở lại", bởi người thầy luôn được xã hội trân trọng. Niềm vui này có thể bắt nguồn từ Bộ GD-ĐT bổ sung chế độ chính sách thâm niên cho giáo viên".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Vinh cho biết: "Số lượng hồ sơ của ngành Sư phạm tăng, đây là điều đáng mừng. Trong những buổi tư vấn tuyển sinh ở các tỉnh, tôi thấy thí sinh và xã hội vẫn dành "tình yêu" cho ngành Sư phạm rất nhiều. Tuy nhiên, điều thí sinh băn khoăn nhất vẫn là việc làm sau khi ra trường, tiền lương...".
Quan tâm đến chất lượng đầu vào
Số lượng hồ sơ ĐKDT vào các ngành Sư phạm tăng cho thấy đã có sự thay đổi nhận thức của thí sinh và xã hội bởi vài năm qua ngành Sư phạm mặc dù được ưu đãi nhiều nhưng số lượng thí sinh đăng ký vào ít, đặc biệt không thu hút được thí sinh giỏi dẫn đến chất lượng đầu vào rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, điểm chuẩn nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai.
Với quyết tâm nâng cao chất lượng đầu vào ngành Sư phạm, Trường ĐH Vinh đã ra hẳn Nghị quyết về vấn đề này. Ông Nguyễn Xuân Bình, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Vinh cho hay, với ngành Sư phạm, quan trọng nhất là chất lượng đầu vào nhưng nhiều năm qua thí sinh giỏi ít thi vào ngành Sư phạm, đó là điều đáng phải quan tâm suy nghĩ. Có sinh viên giỏi thì mới có đội ngũ giáo viên giỏi. Chính vì lẽ đó, trường ĐH Vinh đã ra Nghị quyết là nâng cao chất lượng đầu vào với ngành Sư phạm. Do vậy, từ năm trước với các ngành sư phạm, ĐH Vinh lấy ở mức thấp nhất 15 điểm trở lên, có ngành chấp nhận thiếu hụt ít chỉ tiêu nhưng để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ông Nguyễn Hắc Hải, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Với trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chất lượng vẫn đặt lên hàng đầu nên dù số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi tăng hay giảm thì hàng năm điểm chuẩn vẫn giữ ổn định phổ biến từ 15 -20 điểm".
Còn ông Tạ Quang Lâm, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: "Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên. Khi các em ra trường, có được bố trí nơi dạy phù hợp với điều kiện gia đình không, lương có được đảm bảo cuộc sống không? ... Nếu cải thiện được tình trạng này thì ngành sư phạm mới có sức hút. Hiện nay, việc miễn giảm học phí với sinh viên Sư phạm chỉ phù hợp với nhiều sinh viên thuộc vùng khó khăn, nhà nghèo chứ chưa tạo được đòn bẩy cho ngành Sư phạm".
Góp ý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng: Nhà giáo là trung tâm và trụ cột của bất cứ nền giáo dục nào, nhà trường nào. Do vậy, cần tập trung đầu tư phát triển các trường Sư phạm trọng điểm, các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và các khoa Sư phạm kỹ thuật tại các trường đại học. Xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực, các cho các nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục. Cần có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước tích thực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học ngành Sư phạm.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Lớp học miễn phí của thầy giáo ngồi xe lăn Bục giảng của thầy xoay đều theo bánh xe lăn, lớp học không phân biệt độ tuổi, tiền công thầy nhận được là mớ rau, con cá của ba mẹ học trò mang biếu... Người thầy ấy là Phạm Viết Trang (làng Gia Hội, Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam). Suốt 4 năm qua, người thầy tật nguyền mới hơn 30 tuổi ấy...