Thầy cô thi còn diễn, dạy học sinh thế nào?
Theo nhiều thầy cô, giáo viên “diễn nhiều hơn thật” khi thi dạy giỏi sẽ khiến trẻ học theo lối đối phó, xem học tập là hình thức, thậm chí dối trá.
Sau chia sẻ của một số thầy cô cho rằng nhiều giáo viên được chọn đi thi chưa hẳn dạy giỏi, mà… diễn giỏi, câu hỏi đặt ra là thầy cô còn như vậy, học sinh sẽ học thế nào, nhất là khi thế hệ trẻ bây giờ rất chủ động, dám thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình?
Giáo viên giỏi chưa chắc thuyết phục được học sinh
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM – cho rằng các cuộc thi thực chất là sân chơi, nơi kết nối giáo viên, cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về phương pháp và mô hình dạy học. Nếu biến thành sàn diễn, cuộc thi sẽ là “ bệnh thành tích”, biểu hiện dối trá trong hoạt động dạy và học.
Theo cô Thảo, một bài giảng hay, tiết học tốt phải thể hiện được cảm xúc, niềm vui của thầy và trò. Bài học phải nhẹ nhàng, đảm bảo kiến thức chuẩn và là nơi học sinh thể hiện mình, cùng yêu thích môn học.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: NVCC.
Giáo viên giỏi có khả năng dẫn dắt, đưa học sinh đến tri thức để bộc lộ trí tuệ và năng lực. Điều này không có chuẩn nhất định nào cả. Giáo viên chiếm được sự tin tưởng, làm điểm tựa để học sinh yêu môn học đó là thành công.
Cuộc thi nào cũng tốt nếu đi vào thực chất. Nếu vì bệnh thành tích, kỳ thi trở nên áp lực, lừa dối sẽ không còn ý nghĩa. Thậm chí, kết quả cuộc thi nếu do tiêu cực, giáo viên đạt danh hiệu cũng không được học trò công nhận.
“Tôi từng làm việc chung với đồng nghiệp khác trường. Họ có rất nhiều giải thưởng về các cuộc thi giáo viên giỏi và sáng tạo, thành tích nổi bật nhưng lại không thể chinh phục được học sinh của mình. Sau một học kỳ, giáo viên không có tiếng nói chung, không thể cộng tác với học sinh”, cô Thảo nói.
Cần sự thay đổi đột phá
Theo Thông tư 21 được Bộ GD&ĐT ban hành 7/2010, thi giáo viên dạy giỏi có 3 mục đích. Thứ nhất là tuyển chọn, công nhận và suy tôn những người đạt danh hiệu dạy giỏi các cấp, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học…
Thứ hai, cuộc thi góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học và sáng tạo. Qua hội thi, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và toàn ngành.
Cuối cùng, hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục.
Phụ huynh phản ánh trường Tiểu học Lê Hồng Phong là một trong 2 địa điểm thi giáo viên dạy giỏi khối tiểu học vừa qua và chỉ học sinh khá giỏi mới được đến lớp. Ảnh: Lao Động.
Video đang HOT
Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên tại Nam Định, cho hay thực tế, Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách thức dự giờ đánh giá tiết dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, quan sát học sinh làm việc, xử lý tình huống để đánh giá khả năng nhận thức và kỹ năng của học sinh, từ đó đưa ra điều chỉnh kế hoạch dạy học.
Tuy nhiên, để thi giáo viên dạy giỏi đi vào thực tiễn và đạt kết quả, thầy Quỳnh cho rằng cần thay đổi quan niệm coi trọng học sinh, quan tâm những ý kiến của các em hơn. Nếu chỉ áp riêng một chuẩn mực, không coi trọng sự khác biệt, sáng tạo hay ý kiến phản biện của học sinh, thầy và trò đều chỉ cố gắng diễn sao cho vừa chuẩn mực đó.
“Giáo viên chỉ nên là người tổ chức để học sinh trao đổi và thể hiện mình. Giáo dục phải mở hơn mới là điều quan trọng”, thầy Trịnh Quỳnh nói.
TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội – cho hay nếu mạnh dạn bỏ các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Bộ GD&ĐT cần thay đổi đồng loạt hoạt động đánh giá giáo viên.
“Hiện tại, nhiều cuộc thi hình thức, ví dụ sáng kiến kinh nghiệm. Đó là những sáng tạo bất ngờ, không thể năm nào giáo viên cũng có. Nhiều đồng nghiệp của tôi đến mùa thi gọi điện xin nghiên cứu khoa học của sinh viên để về chép, đạo văn, đạo ý tưởng”, TS Hương nói.
Nữ tiến sĩ đề xuất cần lập các đoàn thanh tra, có thể là phụ huynh, giáo viên có chuyên môn đến các trường, bốc thăm, vào bất kể lớp nào để chọn một số lượng học sinh nhất định kiểm tra, đánh giá cô giáo có làm tốt hay không, học sinh có tiến bộ về học tập, ý thức hay không.
Việc kiểm tra này chỉ nên đánh giá mỗi năm một lần, giáo viên không tốn nhiều công sức cho các hình thức đánh giá, mà sẽ dồn sức dạy trẻ sao cho tiến bộ. Việc đánh giá giáo viên nên thông qua sự tiến bộ của học sinh, chứ không phải điểm số, hình thức.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, trong ba ngày 9-11/1, trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An (Ngô Quyền, Hải Phòng) diễn ra hội thi giáo viên giỏi thành phố bậc tiểu học, do sở GD&ĐT tổ chức. Nhà trường gửi tin nhắn chỉ học sinh học giỏi mới được tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi, học sinh lực học yếu được cho nghỉ.
Tối 12/1, nguồn tin từ Bộ GD&ĐT cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo lập tổ công tác kiểm tra sự việc này. Ngày 14/1, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng không có chuyện thi giáo viên dạy giỏi mà học sinh kém không được đến lớp.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT. Theo đó, đoàn kiểm tra của bộ đã xác minh làm rõ sự việc, lấy đó làm căn cứ để sửa đổi bổ sung Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên ban hành năm 2010 theo Thông tư 21 của Bộ GD&ĐT.
Theo Zing
Bỏ việc nhà, mất ăn, mất ngủ vì thi giáo viên giỏi
Thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT nhận thấy nhiều cuộc thi không thực chất nên đã bãi bỏ. Biểu hiện rõ nét nhất về bệnh thành tích trong giáo dục là thi giáo viên dạy giỏi đang diễn ra rầm rộ, bộc lộ nhiều bất cập. Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), một bộ phận giáo viên tham gia cuộc thi này đều áp lực, căng thẳng và không muốn thi.
Nỗi lòng người trong cuộc
Theo Thông tư 21/2010/TT-BGD&ĐT, giáo viên đủ điều kiện dự thi sẽ trải qua 3 vòng: Vòng 1 (Báo cáo sáng kiến kinh nghiệm), vòng 2 (Kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm), vòng 3 (Thực hành giảng dạy 2 tiết trong chương trình).
Có 4 cấp độ thi giáo viên giỏi: Cấp trường (mỗi năm một lần), cấp huyện (2 năm một lần), cấp tỉnh (4 năm một lần), cấp toàn quốc (5 năm một lần). Giáo viên phải đạt danh hiệu giỏi cấp huyện 2 lần liên tục, mới được đi thi cấp tỉnh.
Qua tìm hiểu thực tế, 100% các giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi mà tôi biết đều cảm thấy áp lực, căng thẳng và... không muốn đi thi. Nhìn qua thì thấy vinh dự và tự hào nhưng hầu hết các giáo viên đều rất sợ đi thi. Ban giám hiệu phải trực tiếp tuyển chọn gắt gao, phân công bắt buộc, nên hầu hết các giáo viên được tuyển chọn không thể chối từ.
Có những giáo viên phải bỏ việc nhà, mất ăn, mất ngủ, thâu đêm suốt sáng để chuẩn bị thi giáo viên giỏi. Với họ, thi giáo viên giỏi như một nỗi ám ảnh, tránh được càng lâu thì càng tốt. Nhiều đồng nghiệp của tôi sụt mất mấy cân vì đi thi giáo viên giỏi.
Ngay từ cấp trường, việc phải dự giờ nhiều lần một tiết dạy giống nhau cũng làm những người tham gia mệt mỏi, các em học sinh cảm thấy nhàm chán, nặng nề.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.
5 bất cập của việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay
Giáo viên giỏi được công nhận trong các cuộc thi: Họ dành công sức cho các cuộc thi, quan tâm đến các yêu cầu của cuộc thi và quyết tâm giành chiến thắng. Tên của họ chỉ có trong các báo cáo thành tích, không nhắc ra thì nói chung là không ai biết.
Thực tế cũng cho thấy, không có dấu hiệu nào để học sinh nhận ra thầy cô mình đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và cũng không chắc giáo viên đạt danh hiệu đó có thể dạy giỏi thực sự.
Giáo viên giỏi tự phong (do học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh công nhận): Họ dành công sức cho học sinh, quan tâm đến hiệu quả giờ dạy và chất lượng của học sinh.
Nhiều đồng nghiệp của tôi, không có bất kì danh hiệu gì nhưng danh tiếng dạy giỏi của họ thì lừng lẫy cả Thủ đô.
Không thể phủ nhận công sức của các thầy cô tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên, do công tác tổ chức đầy rẫy các mặt trái nên hiệu quả hầu như không có, thậm chí phản tác dụng.
Thứ nhất, việc chuẩn bị thường là của cả một tập thể, một tổ, thậm chí cả trường xắn tay lên lo cho một người, đến mức giáo viên không còn nhận ra chỗ nào là sản phẩm của bản thân mình. Có giáo viên không biết sử dụng máy tính nhưng được thiết kế bài từ đầu đến cuối, đến khi dạy chỉ cần bấm chuột.
Thứ hai, các tiết dạy công phu (và tốn kém) như vẫn thường thấy trong các cuộc thi không được mang ra dạy trong các tiết học bình thường. Những tinh túy (nếu có) thì học sinh cũng không được hưởng. Như vậy, chất lượng dạy học cũng không vì thế mà nâng cao, các đồng nghiệp cũng không phải vì các cuộc thi này mà học hỏi được gì nhiều.
Thứ ba, việc đánh giá năng lực một giáo viên chỉ qua 2 tiết học là không chính xác. Giáo dục là cả quá trình. Đánh giá chất lượng giáo dục cần nhìn vào kết quả đầu ra, vào sản phẩm giáo dục. Để làm được điều này cần có thời gian. Sau 90 phút mà kết luận thì quả là vội vàng, chủ quan, duy ý chí.
Thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay chủ yếu là diễn (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Thứ tư, việc soạn giáo án và lên phương pháp giảng dạy mà chưa biết gì về đối tượng học sinh là phản khoa học.
Theo quy định, lớp sẽ dạy là một lớp hoàn toàn mới, giáo viên chỉ được tiếp cận học sinh sớm nhất là 30 phút trước khi dạy, như thế tức là giáo viên coi như chưa biết gì về lớp, trong khi giáo án đã được soạn cả tuần trước đấy.
Trong giáo dục, với mỗi đối tượng học sinh khác nhau cần cách làm khác nhau. Chúng ta kêu gọi đặt học sinh vào trung tâm nhưng cách làm trên hoàn toàn mâu thuẫn với chủ trương đó.
Thứ năm, thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay chủ yếu là diễn. Giáo viên như một diễn viên thực thụ và chuyên nghiệp. Có thể nói, cứ có dự giờ là tiết học "không thật". Bên cạnh đó, học sinh cũng phải nhập vai và cùng diễn.
Nhiều trường hợp, để chuẩn bị cho cô đi thi, cả cô và trò cùng diễn đi diễn lại đến... phát sợ. Đây là biểu hiện nặng nề nhất của căn bệnh, để lại di chứng tệ hại, làm mất đi sự trong sáng của giáo dục, gieo mầm mống cho sự dối trá.
Không thể phủ nhận công sức của các thầy cô tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên, do công tác tổ chức đầy rẫy các mặt trái nên hiệu quả hầu như không có.
Bỏ cuộc thi, cần kiểm định độc lập
Những bất cập, tiêu cực của kì thi này là rõ ràng, đến cả học sinh cũng nhận ra. Một việc làm tốn nhiều thời gian, công sức nhưng ý nghĩa thậm chí nhỏ hơn con số 0 như thế thì không nên duy trì.
Tôi tha thiết đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư 21, dũng cảm bỏ kì thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay để thay thế bằng cách đánh giá giáo viên thực chất và khoa học hơn.
Tôi đồng tình với quan điểm sát hạch để cấp chứng chỉ cho giáo viên. Tham khảo các hình thức cấp chứng chỉ, chứng nhận khác như ngoại ngữ, tin học của các tổ chức uy tín trên thế giới chúng ta thấy họ làm rất tốt và rất đáng tin cậy.
Để tránh các tiêu cực xảy ra, cần một tổ chức độc lập, đủ năng lực để đánh giá, cấp chứng chỉ cho giáo viên, kể cả tổ chức tư nhân.
Việc làm này cần có lộ trình để tránh gây áp lực và xáo trộn trong đội ngũ giáo viên, đồng thời phải gắn với tính tự chủ trong các nhà trường phổ thông, có như vậy sự nỗ lực, cố gắng của giáo viên mới được ghi nhận và mới có cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trần Mạnh Tùng
(Giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Giáo viên thi dạy giỏi, cấm HS kém đi học: Còn nơi nào đang "diễn"? Giáo viên "gài" trước câu hỏi, học sinh được "phân vai" trả lời; học sinh ngoan, học giỏi được vào lớp, học sinh kém phải ở nhà... những câu chuyện đang gây bức xúc trong dư luận một lần nữa "báo động" về bệnh thành tích trong giáo dục. Với mỗi thế hệ học sinh, không lạ gì những tiết dạy và học...