Thầy cô nên trở thành người bạn của trẻ
Văn hóa ứng xử nơi học đường trong thời đại số đang có nhiều biến đổi. Nhờ công nghệ, ngày nay, vị thế của thầy và trò đã không còn như trước, khái niệm “tôn sư trọng đạo” cũng được hiểu theo cách “ mềm dẻo” hơn.
Đó là lời khẳng định của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) trong cuộc trò chuyện với phóng viên Hànộimới Cuối tuần xoay quanh chủ đề xây dựng văn hóa ứng xử giữa thầy và trò trong thời đại số.
Các thầy cô giáo không chỉ là người truyền tải tri thức mà còn là người bạn lớn, thậm chí là người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi và hỗ trợ các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Minh
- Thưa Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến, trước tác động không nhỏ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của người thầy đã có chuyển biến ra sao so với trước kia?
- Theo quan điểm của tôi, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống lâu đời của dân tộc ta, chính vì thế, trải qua thời gian, có thể hình thức thể hiện khác nhau nhưng vị trí của người thầy sẽ không thay đổi. Cụ thể, thời xưa, người thầy đóng vai trò trọng tâm, là cầu nối duy nhất kết nối tri thức giữa thầy và trò và học trò hoàn toàn phụ thuộc vào thầy trong việc tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, người thầy thời xưa luôn là biểu tượng mẫu mực về nhân cách, về đạo đức, là khuôn mẫu để trò noi theo, tư tưởng “không thầy đố mày làm nên” là một tư tưởng xuyên suốt tại thời điểm đó. Còn ở thời điểm hiện tại, vị trí của người thầy vẫn được xã hội tôn trọng, nhưng cách thể hiện đã có sự cởi mở hơn, không bị rập khuôn, gò bó. Thậm chí, giữa thầy và trò đôi khi không còn khoảng cách, thay vào đó là sự thoải mái trong giao tiếp, trong cách chia sẻ, không chỉ chia sẻ với nhau về nội dung học tập mà còn cả về những vấn đề khác trong cuộc sống.
- Từ sự thay đổi tất yếu đó, văn hóa ứng xử giữa thầy và trò đã có những thay đổi như thế nào, thưa bà?
- Về mặt ứng xử thì tôi nhận thấy, mối quan hệ giữa thầy và trò đã có sự gần gũi hơn. Từ cách xưng hô như “thầy/cô và con”, “thầy/cô và em”, “tôi và anh/chị”, “tôi và các bạn”…, có thể thấy sự đa dạng chứ không còn rập khuôn như xưa nữa. Chính sự gần gũi này đã phá bỏ định kiến rằng giữa thầy và trò phải có khoảng cách, khiến trò sợ không dám giao tiếp với thầy, thầy bảo sao trò nghe vậy, trò không dám phản biện lại cả những vấn đề chưa hiểu trong bài học… Ngày nay, ngoài kênh tiếp nhận tri thức từ giáo viên, các em học sinh có thể tiếp nhận tri thức từ nhiều kênh khác nhau, qua internet, bạn bè, người thân, thần tượng… Người thầy trở thành người hướng dẫn, định hướng nên cách ứng xử giữa thầy và trò cởi mở hơn rất nhiều, không còn khoảng cách như trước đây nữa. Đặc biệt, chủ trương lấy “học sinh làm trung tâm” cũng phản ánh sự biến đổi trong cách ứng xử giữa thầy và trò so với ngày xưa. Tuy nhiên, dù có cởi mở, hòa đồng và thân thiện đến đâu, tôi nhận thấy, vai trò của thầy vẫn được tôn trọng.
- Vậy theo bà, truyền thống “tôn sư trọng đạo” thời đại 4.0 được hiểu như thế nào?
Video đang HOT
- Truyền thống “tôn sư trọng đạo” thời 4.0 nên được hiểu “mềm dẻo” hơn. “Tôn sư” không còn được hiểu như một sự đề cao tuyệt đối, câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên” cũng cần được hiểu một cách linh hoạt hơn. Thời nay, khi gặp một vấn đề chưa hiểu hoặc thầy, cô lý giải chưa thỏa đáng thì trò có quyền đưa ra ý kiến phản biện của mình, nếu thấy hợp lý thì thầy cô giáo sẽ sẵn sàng tiếp thu.
- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện thông tin về một số cách ứng xử không phù hợp với truyền thống “tôn sư, trọng đạo”. Theo bà, nguyên nhân là gì?
- Thực ra, những kiểu ứng xử không đẹp trong môi trường học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan nằm ở chính bản thân các em học sinh, do nhận thức của các em còn hạn chế khiến cách ứng xử giữa thầy và trò chưa phù hợp. Đặc biệt, lứa tuổi học trò rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, như những điều không tích cực ở trên mạng xã hội; trẻ học hỏi lẫn nhau mà không có sự kiểm soát của người lớn, dẫn đến hậu quả khó lường. Ví dụ, với những nhóm học sinh nghiện game, các em có thể bị tác động bởi những hình ảnh bạo lực nên khi gặp những tình huống cụ thể trong đời sống thì thay vì thương lượng với nhau, giao tiếp với nhau để giải quyết, các em sẽ dùng vũ lực. Tiếp đó, lứa tuổi này được nhiều chuyên gia đánh giá là rất khó kiềm chế cảm xúc. Sự khó tiết chế cảm xúc này xuất phát từ những biến đổi về tâm sinh lý, nên các em dễ nổi nóng, nhiều khi chỉ cần vài lời đôi co thôi là các em sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết. Còn nguyên nhân khách quan khác đến từ sự giáo dục của gia đình. Bố mẹ chưa quan tâm con đúng mực hoặc con bị ảnh hưởng khi vô tình chứng kiến cách ứng xử không phù hợp với chuẩn mực văn hóa của bố mẹ. Về phía nhà trường, hiện nay nhiều trường cũng chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống để giúp học sinh hình thành nhận thức, thái độ, hành vi theo chuẩn mực văn hóa.
Đặc biệt, hiện Phòng tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông chưa hoạt động hiệu quả. Các chương trình tuyên truyền, giáo dục mang tính phòng ngừa nạn bạo lực học đường chưa đủ sức hấp dẫn trẻ, chưa phong phú. Các hoạt động tư vấn nhóm và tư vấn cá nhân giúp học sinh vượt qua khó khăn về tâm lý trong học tập, trong ứng xử giữa thầy – trò và giữa bạn bè với nhau chưa được chú trọng đúng mức.
- Trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của khoa học và công nghệ, theo bà, thầy và trò trong thời đại 4.0 cần có cách ứng xử thế nào để vừa phù hợp với xu thế chung vừa không làm mất đi giá trị truyền thống đã được các thế hệ thầy trò từ xưa đến nay dày công vun đắp?
- Dù là trong thời đại nào, nét văn hóa ứng xử mà chúng ta cần xây dựng vẫn là “tôn sư trọng đạo”. Để có được điều đó, người thầy thời hiện đại trong giao tiếp ứng xử với học trò phải thể hiện mình là người mẫu mực, văn minh, ứng xử có chừng mực. Dù cởi mở đến đâu thì cũng phải giữ hình ảnh của người thầy, giao tiếp chừng mực ngay cả trong cách xưng hô với học sinh. Bên cạnh đó, người thầy thời hiện đại cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực để dễ dàng tiếp cận, gần gũi hơn với các em học sinh.
Hiện nay, nhiều giáo viên sử dụng facebook, zalo, telegram… để kết nối với học sinh, coi đó là kênh giao lưu với học sinh, cung cấp những ví dụ sinh động từ đời sống đang diễn ra xung quanh các em nhằm bổ trợ cho bài giảng của mình. Tôi cũng nhận thấy rằng, cách ứng xử giữa thầy và trò không còn cứng nhắc và gò bó như trước nữa. Người thầy, người cô không chỉ truyền tải tri thức mà còn là người bạn lớn, một người anh, người chị, một người thân, thậm chí ở bậc Tiểu học còn là một người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi và hỗ trợ các em học sinh vượt qua mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy các thầy, cô đã cởi mở hơn và ngày càng thân thiện hơn với các em học sinh. Chính điều này sẽ khiến khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn, giờ lên lớp trở nên thoải mái, vui vẻ hơn.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Ứng xử giữa thầy và trò trong thời đại số: Thay đổi phải đến từ hai phía
Giống như mọi lĩnh vực khác, người thầy trong xã hội hiện đại đang chịu tác động không nhỏ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khi phải làm quen với các khái niệm như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo...
Cũng từ những thay đổi này, văn hóa ứng xử giữa thầy và trò trong môi trường giáo dục cũng biến đổi theo. Không còn đóng vai trò độc tôn như trước kia, đạo thầy trò ngày nay được thể hiện qua những cách ứng xử mới mẻ, người thầy trong thời đại mới chuyển hướng sang vai trò người hướng dẫn, người đồng hành, truyền cảm hứng, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò.
Dù có sự thay đổi trong phương thức giáo dục, xong mối quan hệ giữa thầy - trò ở xã hội nào vẫn luôn được đề cao. Ảnh: Quang Thái
Những chuyển động mới
Thời gian qua, đã có ý kiến cho rằng nên thay thế câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trong nhà trường bằng các khẩu hiệu khác. Các cuộc tranh luận đã diễn ra sôi nổi. Phía những người đồng tình với khẩu hiệu này cho rằng, việc giữ "lễ", trong đó có đạo thầy trò, là một nét đẹp được hình thành từ xa xưa và rất cần thiết trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi về giá trị như ngày nay. Phía còn lại thì cho rằng không nên đem khẩu hiệu từ thời Nho học, phong kiến để áp vào đời sống hiện đại, bởi nếu cứ tiếp tục quan niệm này thì dễ sa đà vào căn bệnh hình thức, không khuyến khích được sự sáng tạo, tư duy phản biện của học sinh...
Rõ ràng là từ hiện tượng trên, chúng ta nhận thấy, xã hội biến đổi kéo theo những thay đổi không nhỏ trong tư duy, cách ứng xử trong cộng đồng nói chung và môi trường học đường nói riêng. Bởi nhìn vào thực tế, ngày nay, phương pháp truyền thụ kiến thức nặng tính một chiều từ thầy sang trò, lấy khối lượng kiến thức làm mục tiêu chủ yếu của nền giáo dục truyền thống đang được thay thế bằng các phương pháp mới. Người thầy thời 4.0 không đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn là người đồng hành, giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu. Đổi lại, với vị trí là trung tâm, học sinh ngày nay đã không còn thụ động, nhất nhất nghe theo lời thầy như trước mà đã có sự phản biện nhất định, biết đấu tranh, phê phán tiêu cực để xây dựng một môi trường học tập lành mạnh...
Tuy nhiên, công nghệ có thể thay người thầy truyền thụ kiến thức nhưng không thể truyền được sự hứng thú, tình cảm như cách mà các thầy cô vẫn truyền đến học sinh. Công nghệ cũng không biết khích lệ, khen thưởng những cố gắng, tiến bộ dù nhỏ của học sinh, không biết xử lý một cách phù hợp trước những sai phạm của các em, không biết em nào nên trách phạt, em nào nên tạo cơ hội để có thể sửa chữa sai lầm. Bằng sự kiên trì, tình cảm, người thầy có thể biến một học sinh cá biệt, quậy phá thành một học sinh tích cực, tiến bộ, một học sinh yếu kém thành một học sinh khá, giỏi... Đó là những điều mà công nghệ dù có hiện đại đến đâu cũng không thay thế được người thầy trong giáo dục hiện đại.
Ứng xử giữa thầy và trò đóng vai trò quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Ảnh: Quang Thái
"Kim chỉ nam" để ứng xử văn hóa
Tuy nhiên, cũng vì sự biến đổi trong môi trường học đường mà bên cạnh những thay đổi tích cực, còn xuất hiện không ít những sai lầm trong lối ứng xử giữa thầy và trò. Từ những hành động nhỏ thể hiện sự thiếu tôn trọng với giáo viên như gặp thầy giáo (cô giáo) mà không chào, dùng các từ "lóng" để ám chỉ thầy giáo (cô giáo) cho đến những hành vi lệch chuẩn như chửi bới, đe dọa, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự, uy tín, đạo đức của thầy, cô giáo...
Để xảy ra những sự việc trên phần nhiều là do môi trường giáo dục từ trong gia đình có khiếm khuyết khi nhiều bậc cha mẹ cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em họ là của người thầy. Tiếp đó là do nhận thức thiếu sót của một bộ phận học sinh nảy sinh từ tâm lý phức tạp, nổi loạn, bồng bột của tuổi mới lớn chưa được lắng nghe, điều chỉnh kịp thời. Từ phía giáo viên, cũng có một số thầy, cô giáo chưa thực sự gương mẫu trong lối sống, sa vào chuyện tiêu cực như nhận hối lộ để nâng điểm, mở lớp dạy thêm và dùng nhiều cách để học sinh "tự nguyện" đến nhà học thêm nhằm thu tiền... Cá biệt có thầy, cô giáo còn xúc phạm nhân phẩm, đánh đập học sinh, bị dư luận lên án. Tất cả những điều đó đã làm xấu đi hình ảnh người thầy mẫu mực, mô phạm một thời của ngành Giáo dục.
Từ thực tế trên có thể thấy, ứng xử giữa thầy và trò đóng vai trò quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn từng khẳng định: "Văn hóa học đường là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường, khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ". Chính vì thế, gần đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12-4-2019 về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Ở cấp vĩ mô, ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ năm 2013 của ảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với những mục tiêu và cách tiếp cận mới mẻ. Theo đó, những xu hướng mới của giáo dục như "thầy thiết kế - trò thi công", "dạy học hợp tác" (giữa thầy và trò); "dạy học lấy học sinh làm trung tâm"... đều đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, gợi mở cho trò tự tìm kiếm tri thức. Không những được tự do tranh luận, trò còn có thể trao đổi, chất vấn thầy, cô giáo... Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" do Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ quy tắc văn hóa ứng xử... Với những thay đổi này, mối quan hệ thầy - trò sẽ dần trở nên dân chủ, công khai chứ không còn áp đặt, một chiều.
Trở lại câu chuyện nên hay không bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Vấn đề cốt yếu ở đây không phải bỏ chữ "Lễ", mà là làm sao có lễ đích thực. Bởi cho dù là ở thời điểm nào, đạo thầy trò vẫn luôn phải được đề cao, cái cần thay đổi ở đây là bỏ đi những tư duy cũ kỹ, rập khuôn và có phần hà khắc xưa kia để tạo nhiều cơ hội hơn cho học sinh tự khẳng định mình, tự nguyện vun đắp giữ gìn chữ "Lễ". Và để làm được điều đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Học viện Quản lý giáo dục): "Quy tắc ứng xử trong nhà trường cũng cần bỏ những điều hình thức, khẩu hiệu, xa rời thực tế và khó thực hiện. Nhà trường không chỉ chú trọng giáo dục kiến thức mà còn cần làm tốt việc giáo dục văn hóa, lối sống, tác phong học tập, giao tiếp ứng xử. Thầy, cô là tấm gương thực hiện văn hóa học đường từ lời nói, xưng hô đến đạo đức, năng lực chuyên môn và quan hệ xã hội. Sự thân ái, trân trọng nhau giữa thầy và trò sẽ giúp cho môi trường giáo dục trở nên lành mạnh và thân thiện. Quan trọng hơn là sẽ tạo nên được những thế hệ học trò sống biết yêu thương, có trách nhiệm hơn với bản thân, cộng đồng và xã hội...".
Có thể thấy, dù có sự thay đổi trong phương thức giáo dục, song mối quan hệ thầy - trò ở xã hội nào vẫn luôn được đề cao. Mối quan hệ đó không chỉ là nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam, mà còn là hình thức tiếp biến văn hóa tối ưu.
TP.HCM: Không có Tài liệu GD địa phương lớp 10, chưa dạy, kiểm tra kỳ 1 kiểu gì? Sắp hết học kỳ 1 vẫn nhưng chưa có bộ tài liệu Giáo dục địa phương. Đến nay, Trường THPT Nguyễn Du chưa thể tổ chức dạy nội dung này đối với lớp 10. Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai với lớp 10. Thầy và trò các trường trung học phổ thông đang...