Thầy cô lặn lội vượt đường rừng để vận động học sinh đi học trở lại
4 thầy cô giáo vượt gần 30km đường rừng, vào tận nhà để vận động học sinh quay lại trường. Dù có khi bị ngã, chảy máu, rách quần áo… nhưng khi thấy học trò quay lại lớp, ai cũng xúc động vì hạnh phúc.
Thầy cô lặn lội vượt đường rừng để vận động học sinh đi học trở lại
Trò bỏ học vì bố mẹ nghèo
Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa) nằm chon von trên quả đồi nhỏ, cạnh quốc lộ 14 chạy qua tỉnh Đắk Nông.
Gọi là trường của thành phố nhưng cả trường chỉ có chưa đến 250 học sinh, trong đó gần 1/3 là học sinh có nhà cách trường trên 15km. Nhiều em trong số đó là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình khó khăn.
Con đường dẫn vào nhà của 4 học sinh nhiều đoạn dốc, trơn trợt (ảnh do giáo viên cung cấp)
Sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh có 4 học sinh không đến trường. Cả 4 em này đều là học sinh đồng bào Dao, sinh sống tại thôn Nghĩa Thắng, phường Quảng Thành, cách trường gần 30km.
Sau nhiều cuộc điện thoại liên lạc với phụ huynh không được, thầy Nguyễn Xuân Trưng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh cùng 3 thầy cô giáo khác của trường vượt gần 30km đường rừng vào tận nơi các em sinh sống.
Nhiều đoạn phải băng qua rẫy, vườn của các hộ dân khác.
Con đường đi vận động học trò quay lại trường được các giáo viên ở đây nói vui rằng, khó như … “đường lên trời” khiến hai cô giáo trong đoàn liên tục ngã, nhiều đoạn buộc phải dắt xe đi bộ.
“Đường đất, toàn sỏi đá nên có cô giáo ngã lên ngã xuống. Lúc đó, có nước ngồi từ đỉnh đồi mà trượt xuống chứ tay yếu không đi xe máy được”, thầy Trưng dí dỏm kể lại.
Đi đường đã khó, cả 4 thầy cô giáo muốn gặp học trò và phụ huynh càng khó hơn. Thời điểm vào tới nhà học trò, phụ huynh các em đã đi làm thuê ở xa, mãi đến tối mới trở về nhà, còn các em thì bỏ trốn vì “sợ” gặp thầy cô.
Thấy thầy cô, 4 em rủ nhau trốn vào vườn cây
Thầy Trưng kể lại, thấy thầy cô giáo từ phía xa, hai anh em Bàn Văn Sơn (lớp 9) và Bàn Văn Qúy (lớp 7) đã bỏ lên rẫy, không dám gặp thầy cô. Phải nhờ người thuyết phục mãi, hai em mới chịu ra mặt.
Qua trao đổi, cả hai học sinh cho biết, do nhà nghèo, năm nay lại mất mùa nên bố mẹ không cho đi học nữa mà phải ở nhà phụ giúp gia đình.
Riêng em Sơn, sau thời gian nghỉ dịch có trở lại trường học một buổi. Thế nhưng trên đường về nhà thì bị cảnh sát giao thông bắt xe máy. Cả nhà cũng chỉ có một chiếc xe ấy, giờ bị giữ mất nên không có phương tiện đến trường tiếp. Vậy là em ấy nghỉ học luôn.
“Các em đều lấy lý do nhà khó khăn nên không thể tiếp tục đến trường được nữa”, thầy Trưng kể.
Thầy Trưng cùng 3 thầy cô khác vượt gần 30km vào tận nhà anh em Chán
Tương tự, khi tìm đến nhà của anh em Đặng Quày Chán (lớp 6) và Đặng Quý Bảu (lớp 7), cả hai học trò này cũng bỏ trốn. Giáo viên tìm mãi trong mấy gốc cà phê, mấy căn chòi của người dân, các em mới chịu trở về nhà.
Đặng Quày Chán tâm sự, do nhà chỉ có một ít đất, năm nay lại hạn hán, giá nông sản xuống thấp, bố mẹ không thể nuôi em ăn học được. Bố mẹ Chán phải sang huyện khác cạo mủ cao su thuê, hai anh em Chán đi học sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Vì vậy, Chán và Bảu quyết định ở nhà.
Tặng gạo, quần áo mới để giữ chân học trò
Theo thầy Nguyễn Xuân Trưng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, dù lặn lội vào tận trong rừng – nơi các em sinh sống để vận động nhưng thầy cô cũng chỉ nhận được lời hứa “em sẽ đi học trở lại”.
Sơn cùng em trai đi học trở lại từ thứ Hai, ngày 25/5.
Trở về sau đó, các thầy cô giáo vừa mừng, vừa lo, không biết các em có trở lại lớp như đúng lời hứa. Đến sáng thứ Hai (ngày 25/5), cả 4 em này được phụ huynh chở đến trường khiến tất cả các thầy cô đều xúc động.
“Chúng tôi mừng và hạnh phúc lắm vì đã vận động thành công. Dù có té ngã hay trầy xước thì cũng chẳng là gì vì các em đã quay lại trường. Trong số các em, có em chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hoàn thành chương trình học THCS nên thấy học sinh đi học lại, giáo viên mừng đến rơi nước mắt”, thầy Nguyễn Xuân Trưng xúc động nói.
Các em đều được tặng quần áo, sách vở mới khi đi học lại
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh cho biết, cản trở khiến các em học sinh bỏ học giữa chừng là đường đi lại xa xôi và hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã bố trí phòng công vụ của giáo viên cho học sinh trọ học ngay trong trường, toàn bộ đều miễn phí. Bên cạnh đó, trường sẽ cử giáo viên bồi dưỡng lại kiến thức cho các em để theo kịp các bạn khác.
Trường THCS Nguyễn Chí Thanh bố trí cho 4 em học sinh ở lại khu công vụ của giáo viên
“Chúng tôi hứa sẽ bồi dưỡng kiến thức rồi hỗ trợ quần áo, sách vở mới và nhu yếu phẩm hàng ngày cho các em.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, phải có nơi ăn, chốn ở, bố mẹ không phải chu cấp hàng ngày thì các em mới yên tâm ở lại trường, nên từ đầu tuần này, các em sẽ được hỗ trợ gạo, muối để tự nấu ăn trong thời gian ở lại trường”, cô Thủy nói.
Cây đổ đè chết học sinh: Nỗi lo an toàn trường học
Vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM bật gốc khiến một học sinh tử vong sáng 26.5 đặt ra nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an toàn trường học.
Hiện trường vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh tử vong - ẢNH: MAI THANH
Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh (HS) đi học trở lại vào thời điểm TP.HCM bước vào mùa mưa, nên càng phải quan tâm chú trọng đến những hiểm nguy rình rập HS từ cây xanh.
Vụ cây phượng đè chết học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng: Hiệu trưởng nói gì?
Tại cuộc họp báo chiều 26.5, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông và UBND Q.3 tổ chức, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, thông tin cây phượng bật gốc trồng từ năm 1996, hằng năm nhà trường thuê công ty cây xanh mé nhánh và chăm sóc các cây xanh trong khuôn viên. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, một đơn vị chăm sóc cây xanh của tư nhân đã thay đất và mé nhánh không an toàn.
Học sinh kể lại giây phút kinh hoàng bị cây phượng bật gốc ngã đè
Lời kể của nhân chứng vụ cây phượng bật gốc ngã làm chết 1 học sinh
Ông Phúc thừa nhận bản thân ông và Ban giám hiệu là giáo viên nên không có chuyên môn về cây xanh, nếu chỉ nhìn vẻ tươi tốt bề ngoài thì không ai nghĩ cây phượng sẽ đổ. Vào thời điểm xảy ra sự cố, HS lớp 6/8 đang ngồi ăn sáng trước khi vào lớp. Vụ việc làm 1 học sinh tử vong, 17 học sinh khác bị thương.
Hiện trường vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh - ẢNH: MAI THANH
Thủ tướng chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em
Bộ GD-ĐT: Chỉ đạo kiểm tra, xử lý các cây nguy hiểm
Ngày 26.5, Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em (TE) và bảo vệ TE.
Theo đó, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về TE, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TE; tăng cường thanh tra, kiểm tra các quy định pháp luật về TE. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc TE khi có hành vi vi phạm pháp luật về TE, nhất là các hành vi xâm hại TE, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền TE đều phải xử lý nghiêm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với TE có hoàn cảnh đặc biệt; triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích TE, giảm tình trạng TE tử vong do đuối nước. Đối với Bộ GD-ĐT, Thủ tướng yêu cầu giáo dục lối sống văn hóa, đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục TE trong trường học; phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá; phòng ngừa và xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích TE trong trường học.
Chiều ngày 26.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM, các sở GD-ĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS, giáo viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho HS sinh viên.
Hoang mang, lo lắng
Ngay trong sáng qua, khi chúng tôi có mặt tại nhiều trường học tại TP.HCM, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo âu sau vụ cây phượng bật gốc khiến HS tử vong.
Tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4, N.T.M.H, phụ huynh có con học tại trường này lo lắng: "Trường con tôi có 2 cây phượng rất lớn và nhiều cây sa kê. Sau vụ tai nạn sáng nay, tôi lo lắng quá, không biết làm sao".
Cây phượng bật gốc đè học sinh: Bác sĩ nói gì về 2 trường hợp bị thương nặng?
Chị Phạm Thanh Thảo, phụ huynh HS học tại Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, cho biết: "Trường học của con tôi không có nhiều cây lớn, chỉ có một số cây nhỏ. Nhưng sáng nay, các thầy cô cũng nhắc nhở các con trời mưa không nên đứng dưới những khu vực có cây, dù ở trường học hay ở các nơi khác", chị Thảo nói.
N.T.M.V, 16 tuổi, HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, cho biết khi nghe tin có HS bị tử vong vì cây đè trong trường thì rất lo sợ vì em rất hay cùng bạn bè ngồi ghế đá dưới tán cây to để vui đùa mỗi khi ra chơi.
Cùng nỗi lo lắng đó, T.T.Y.N, HS lớp 9 Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, cho biết: "Em hay chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè ngoài sân trường. Khi nghe tin này, em cũng sợ nếu lỡ đang chơi mà gió lớn quật nhánh cây rớt trúng đầu thì không biết làm sao!".
Trong khi đó, chị N.T.G, 40 tuổi, phụ huynh HS Trường THCS Cách Mạng Tháng 8, Q.10, cho biết đi học vào mùa mưa có nhiều nguy hiểm. Không chỉ lo cây xanh trong trường mà còn lo nguy hiểm khác trên đường nếu đưa rước con em mình đúng ngay thời điểm mưa to, gió lớn.
Cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh tử vong - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Lãnh đạo TP.HCM đến chia buồn gia đình học sinh tử vong
Sáng ngày 26.5, thi thể của em N.T.K được đưa về nhà trong nỗi đau tột cùng của gia đình. Mẹ của K. chỉ vừa sinh con được 3 ngày, vẫn đang nằm trong bệnh viện. Chị được đưa về nhà bằng băng ca, phải có bác sĩ, y tá đi theo chăm sóc và thường xuyên ngất xỉu trong đám tang của con mình.
Chỉ cách vài căn nhà của K., em V.T.H, học cùng lớp và là bạn thân của K. cũng thẫn thờ, đeo băng tay trắng toát, vừa từ bệnh viện về.
Có thể thấy, sau nỗi đau này, H. và những bạn có mặt tại hiện trường sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho biết sẽ cố gắng hết sức để ổn định tâm lý không chỉ của HS mà cả giáo viên. Tại trường có chuyên viên tâm lý, sẽ kết nối ngay để tư vấn cho các em trong trường, giáo viên cũng sẽ sát cánh với các em. Nếu có trường hợp ảnh hưởng tâm lý khó khăn hơn, Phòng GD-ĐT Q.3 sẽ nhờ đến các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp hỗ trợ. Theo tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, các em chắc chắn sẽ bị chấn thương về tâm lý nên việc ổn định tâm lý cho các HS này là điều cần phải làm.
Chiều 26.5, nhiều lãnh đạo của TP.HCM đã đến nhà của HS tử vong để động viên và chia buồn cùng gia đình. Đến thăm gia đình cháu N.T.K (12 tuổi, HS tử vong tại Trường THCS Bạch Đằng) có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng đại diện các cơ quan ban ngành địa phương.
Tại buổi viếng, ông Nguyễn Thiện Nhân gửi lời thăm hỏi đến gia đình cháu K., đồng thời động viên gia đình cháu sớm vượt qua nỗi đau không gì bù đắp được. Chia sẻ cùng gia đình, ông Nhân cho rằng đây là sự việc không may và lãnh đạo thành phố rất chia sẻ với mất mát lớn của gia đình.
Phạm Hữu - Đăng Nguyên
Đồng loạt rà soát cây xanh trong trường học
Về việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong trường học, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, lãnh đạo các trường tại TP.HCM đều cho biết có phối hợp với bên dịch vụ thực hiện việc tỉa cành, cắt nhánh, kiểm tra gốc, rễ...
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết mỗi năm nhà trường dành khoản ngân sách cho việc chăm sóc, quản lý cây xanh trong trường. Thông thường vào đầu mùa mưa khoảng đầu tháng 3, nhà trường ký hợp đồng với bên công ty cây xanh cung ứng dịch vụ đến kiểm tra, mé nhánh, xử lý cây bị sâu mà mắt thường, không có chuyên môn không thể phát hiện. Sau sự cố tại Trường THCS Bạch Đằng, nhà trường rà soát lại không chỉ cây xanh mà cả các điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho HS.
Bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho hay sân trường hầu hết đều có cây xanh, đặc biệt những trường tồn tại lâu đời thì cây xanh đều có tuổi đời cao. Vì vậy, từ tháng 3, theo văn bản triển khai của Sở, của phòng, trường đã phối hợp với bên dịch vụ thực hiện việc tỉa cành, cắt nhánh, kiểm tra gốc, rễ... Đồng thời, để đảm bảo an toàn thì trong nhà trường còn lưu ý đến các máng xối, cống thoát nước, kệ, tủ, hệ thống bảng treo, đèn điện để đảm bảo an toàn cho HS.
Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cũng nói khuôn viên trường có khá nhiều cây xanh, trong đó có những cây tuổi đời cao, thân cây đến 2 vòng tay của 2 HS ôm mới xuể. Vì vậy, hằng năm trường đều nhờ nhân viên cây xanh đến kiểm tra hiện trạng và xử lý trước khi thời tiết bước vào mùa mưa.
Bà Giang nói thêm trong thời gian HS nghỉ tết, thời tiết khô ráo nhưng một cây xanh trong trường cũng bất ngờ gãy đổ, dù thân ngoài không thấy sự bất thường nhưng bên trong thì mối ăn mục hết. Sau đó, trường phải tiến hành cưa thêm 2 cây để phòng tránh tình huống nguy hiểm. Vì vậy, việc quản lý cây xanh, đặc biệt cây có tuổi đời cao, cây lâu năm phải cần người có chuyên môn và ngay trong ngày hôm nay, trường rà soát lại các vấn đề an toàn cho HS.
Về việc cây phượng vĩ thường được trồng ở khuôn viên trường học, mà loại cây này hay mục, rỗng gốc, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, cho rằng các trường học, đơn vị trồng loại cây này nên thuê đơn vị có chức năng thường xuyên khảo sát đánh giá, xem tuổi thọ của cây, xem xét hạ tầng khu vực đảm bảo cây sinh trưởng, đồng thời có kế hoạch chăm sóc đặc biệt hoặc đốn hạ nếu như cây bị sam mục, cây nghiêng nguy hiểm.
Trong buổi họp báo chiều ngày 26.5, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đây là bài học cho toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong trường học. Trong vài ngày tới, Sở sẽ chỉ đạo các trường phối hợp với cơ quan chuyên môn để kiểm tra cây xanh.
1 học sinh tử vong, nhiều học sinh bị thương vì cây phượng trong trường bật gốc ngã
TP.HCM cho phép trường mầm non tổ chức ăn sáng Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản cho phép các trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn sáng tại trường tuỳ theo tình hình thực tế và nhu cầu của phụ huynh. Giờ ăn trưa của học sinh Trường mầm non Vàng Anh, quận 5, TP.HCM. Học sinh được ngồi giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Hùng Theo đó,...