Thầy cô hãy cân nhắc trước khi tự bỏ tiền học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác, còn kinh phí đào tạo được lấy từ nguồn ngân sách.
Trên mạng xã hội Facebook đang có hiện tượng chèo kéo giáo viên các cấp tham gia học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với nhiều thông tin thất thiệt.
Nhiều thầy cô đành “cắn răng” nộp từ 2,5 đến 3 triệu đồng để kiếm cái chứng chỉ phòng thân, biết đâu sẽ dùng đến.
Giáo viên được tiếp thị học chứng chỉ chức danh qua mạng xã hội. (Ảnh: Cao Nguyên)
Cân nhắc trước khi bỏ tiền học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. [1], [2]
Theo đó, Nghị định 89/2021/NĐ-CP thay đổi một số quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Cụ thể, Nghị định 89/2021/NĐ-CP có một số nội dung thay đổi so với Nghị định số 101/2017/NĐ-CP như sau:
Như vậy, từ 4 chứng chỉ, giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác.
Bên cạnh đó, Điều 18 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình bồi dưỡng như sau (trích):
- Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
- Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
- Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu bản thân, thời gian thực hiện tối thiểu 01 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 04 tuần (160 tiết)/năm.
Video đang HOT
Như vậy, Điều 18 Nghị định 89/2021/NĐ-CP có 3 điểm cần lưu ý:
1) Giáo viên tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nếu được Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục yêu cầu;
2) Giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp;
3) Giáo viên phải tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm nếu được Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục yêu cầu hoặc theo nhu cầu bản thân.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 2 điều khoản thi hành quy định:
Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.
Về kinh phí, Nghị định 89/2021 quy định:
- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Có thể nhận thấy, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được lấy từ nguồn ngân sách, giáo viên đã có chứng chỉ chức danh, đã được bổ nhiệm thì không phải học nữa.
Vì sao chưa thể bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?
Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33);
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).
Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Nhìn chung, theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác, kinh phí bồi dưỡng từ nguồn ngân sách – thực sự đã giảm tải và giảm bớt gánh nặng rất nhiều cho thầy cô giáo.
Ngoài ra, sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập được sửa đổi theo hướng yêu cầu giáo viên các hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, lúc đó địa phương sẽ có phương án hỗ trợ kinh phí cho thầy cô trong quá trình học tập.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/nghi-dinh-89-2021-nd-cp-chinh-phu-211219-d1.html
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-101-2017-ND-CP-dao-tao-boi-duong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-319214.aspx https://thukyluat.vn/vb/luat-vien-chuc-2010-1c247.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bao giờ giáo viên được chuyển hạng, hưởng lương theo chùm Thông tư 01-04?
Hơn 1 năm qua, Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT đã gây nhiều tranh luận nhưng giáo viên vẫn chưa biết bao giờ được hưởng lương theo quy định mới.
Ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, ngày 2/2/2021 về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để lấy ý kiến cho dự thảo đến hết ngày 20/7/2022.
Như vậy, đến thời điểm này, thời gian lấy ý kiến dự thảo đã hết và có lẽ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hoàn tất những khâu cuối cùng để công bố chính thức Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT.
Chính vì vậy, điều mà giáo viên các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đang chờ đợi là sau khi lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thì bao giờ Bộ công bố chính thức và lúc nào việc chuyển hạng, chuyển lương mới của chùm thông tư này được thực hiện?
Bởi vì hơn 1 năm qua thì chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã khiến cho đội ngũ nhà giáo bàn luận khá nhiều nhưng mọi chuyện cũng chưa đến đâu.
Chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng hạng và lương giáo viên vẫn chưa thay đổi (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Chùm thông tư được đội ngũ nhà giáo quan tâm nhiều nhất ngay từ khi vừa ban hành
Có lẽ, chưa bao giờ có một văn bản nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành lại nhận được sự quan tâm đặc biệt và có nhiều ý kiến trái chiều như chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Ngay từ lúc Bộ ban hành (ngày 2/2/2021) cho đến khi có hiệu lực (20/3/2021) và đến tận bây giờ, chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT vẫn là chủ đề được đội ngũ nhà giáo quan tâm, bàn tán vì nó liên quan đến việc chuyển, xếp hạng và tính hệ số lương mới cho giáo viên các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông công lập.
Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn đối với từng hạng giáo viên về yêu cầu văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các nhiệm vụ, năm công tác, thành tích của nhà giáo cũng khiến cho nhiều thầy cô giáo bất ngờ và có những tranh luận khá quyết liệt.
Điều đặc biệt là chùm thông tư này ra đời đã thúc đẩy các trường đại học sư phạm liên tục mở các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở khắp các địa phương, lãnh đạo nhà trường thúc giục giáo viên đi học, khiến cho mỗi nhà giáo tốn kém mấy triệu đồng nhưng rồi mọi chuyện cũng chưa đâu vào đâu.
Do có nhiều vấn đề bất cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xem xét và công bố dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT nhằm hoàn thiện cho chùm thông tư.
Giờ đây, điều mà đội ngũ giáo viên đang quan tâm là sau khi sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT thì lộ trình chuyển, xếp hạng và hưởng lương mới bao giờ được thực hiện?
Bởi, suốt hơn 1 năm qua, kể từ khi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực, kèm theo các công văn hướng dẫn thực hiện của Bộ, của các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thì các nhà trường đã họp, dự kiến, đề nghị xếp, chuyển hạng cho giáo viên nhiều lần.
Giáo viên cũng đã phải học thêm chứng chỉ, photo các loại văn bằng, chứng chỉ, quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, các danh hiệu thi đua... nhưng khi mọi thứ đã xong xuôi thì Bộ công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT.
Chính vì vậy, đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức văn bản sửa đổi, bổ sung, chắc chắn các địa phương, nhà trường lại phải thực hiện thêm ít nhất một lần nữa mới xong được.
Năm 2022 này liệu có hoàn thiện hồ sơ xếp, chuyển hạng để giáo viên hưởng lương mới?
Thời điểm này đã là tháng 8/2022 - như vậy đã tròn 18 tháng kể từ khi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT chính thức ban hành nhưng về cơ bản thì hạng và lương giáo viên vẫn đang thực hiện giống như khi chưa có chùm thông tư này.
Từ nay đến hết năm 2022, nếu Bộ chính thức ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT thì các địa phương mới có thể hoàn tất việc chuyển, xếp hạng giáo viên.
Bởi lẽ, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư thì Bộ, các ủy ban nhân dân tỉnh, thành sẽ ban hành công văn hướng dẫn thực hiện. Các trường còn phải họp hành, bàn xét việc chuyển, xếp hạng cho giáo viên sau đó mới đề nghị cho cấp trên ra quyết định bổ nhiệm hạng giáo viên.
Với rất nhiều khâu khác nhau và thực hiện theo trình tự như vậy nên có lẽ năm 2022 này thì mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể so với hiện nay.
Hạng giáo viên có thể được chuyển, được xếp hạng mới nhưng để giáo viên được hưởng hệ số lương mới thì e rằng cũng chưa chắc đã thực hiện được.
Việc hưởng lương mới của hơn 1,3 triệu viên chức ngành Giáo dục - chiếm một số lượng lớn những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Vì thế, chắc chắn không chỉ một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định là được ngay.
Vì vậy, cho dù nhiều giáo viên thấy hệ số lương theo hướng dẫn của Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT khá cao, nhất là đối với một bộ phận giáo viên trẻ được tính theo lương mới. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản và có lẽ đội ngũ nhà giáo vẫn tiếp tục phải chờ đợi thêm một thời gian nữa.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Dự kiến bổ nhiệm lương mới dễ dàng nhưng cơ hội thăng hạng giáo viên lại mịt mù Việc bổ nhiệm hạng I, II mới chỉ cần tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng, sẽ có giáo viên bổ nhiệm 'nhầm hạng' do không đạt tiêu chuẩn các hạng. Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư...