Thầy cô ‘cắm bản’ bởi yêu những học trò nghèo miền biên viễn
Điểm trường Phú Lâm, thuộc trường tiểu học Phú Gia, nằm trên địa bàn bản Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cách điểm trung tâm 20km.
Nơi đây có những thầy cô giáo ngày đêm lặng thầm bám bản, bám lớp, mang con chữ đến với những học trò nghèo.
Con đường rừng độc đạo dài gần 20 km gập ghềnh sỏi đá, ngoằn nghèo với nhiều đèo dốc, dẫn chúng tôi vào điểm trường Phú Lâm, nơi có 34 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, trong đó có 2/3 học sinh dân tộc Lào đang theo học. Những lớp học đặc biệt tại điểm trường Phú Lâm, cùng trong một phòng học có 2 lớp cùng học, lớp 1 và lớp 3, lớp 2 và lớp 4. 2 chiếc bảng đen được đặt ở 2 đầu lớp học, học sinh 2 lớp ngồi quay lưng lại với nhau, thầy và trò nơi đây còn gọi là “lớp ghép”.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài đang dạy lớp học ghép điểm trường Phú Lâm, Trường tiểu học Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Một mình cô giáo Cao Thị Loan, giáo viên dạy tiếng Anh tất bật, nhanh như sóc hết hướng dẫn bài cho học sinh lớp lớn, lại quay sang hướng dẫn học sinh lớp nhỏ tập đọc, đánh vần.
“Nói chung năm đầu tiên dạy lớp ghép, tôi thấy việc sắp xếp thời gian để chạy qua chạy lại giữa 2 lớp nhiều khi sát nhau quá. Tất nhiên là mình phải soạn giáo án, giáo án của mình phải thể hiện được rằng, lớp này thì cho kiểm tra bài tập trước, cho học sinh lên viết lại từ mới, bên kia là mình phải dạy luôn từ vựng mới. Sau khi học sinh học từ mới rồi, cô sẽ nói các con học thuộc từ mới thì cô sẽ kiểm tra lại bên này, sau đó lại sang bên kia kiểm tra lại từ mới bên lớp kia. Bên này cho học nghe thì phải dặn bên kia là các em chưa làm bài nghe”, cô Loan nói.
Giờ học tiếng Anh của học 2 lớp ghép
Vất vả thiếu thốn là vậy, nhưng gần gũi với những đứa trẻ miền sơn cước còn nhiều thiếu thốn, nhưng khát chữ, ham học, các thầy, cô chẳng nỡ từ bỏ công việc mà mình đang phụ trách. Tâm sự với chúng tôi, những giáo viên cắm bản ở Phú Lâm tự nhận mình là người con của bản. Để rồi, những ánh mắt trong veo, hồn nhiên và cả những nét chữ, giọng đọc ngọng nghịu của trò đã “níu” các thầy, cô ở lại lâu với mảnh đất này.
Theo cô Bùi Thị Hồng Hoài, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 và lớp 3, các em học sinh phải học lớp ghép bởi thiếu phòng học và thiếu giáo viên. Mặc dù khó khăn, vất vả về đi lại, trang thiết bị dạy học nhưng gần 27 năm giảng dạy, gắn bó tại điểm trường Phú Lâm, cô Hoài đã coi nơi đây đã trở thành một phần cuộc sống với bao kỉ niệm vui buồn. Điều mà cô Hoài trăn trở nhiều năm qua, đó là việc thiếu trang thiếu bị học tập và thiếu giáo viên.
“Chúng tôi rất mong muốn ở điểm Phú Lâm có thêm một giáo viên dạy kê, để lỡ khi giáo viên có ốm đau hay có việc gì thì họ đứng dạy thay cho mình. Cán bộ ở phòng, ở Sở cũng quan tâm hơn, thường xuyên kiểm tra việc dạy và học của giáo viên và học sinh nơi đây, có sự đầu tư hơn, hướng dẫn cho mình dạy như thế nào để học sinh phát triển hơn”, cô Hoài cho hay.
2 lớp học lớp 1 và lớp 3, lớp 2 và lớp 4 được ghép vào một lớp. Cô giáo dạy cùng lúc 2 lớp học.
Khó khăn là vậy nhưng vì sao những thầy, cô giáo trẻ vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, bởi tình cảm của học trò đã níu giữ bước chân thầy, cô.
Video đang HOT
Cô giáo Cao Thị Loan chia sẻ: “Tôi rất thích việc dạy ở đây vì tôi cảm thấy rằng mình đang làm điều gì đó giúp đỡ cho các em, mình cảm thấy việc dạy này của mình rất ý nghĩa. Mình cảm thấy nhờ công việc này, nhờ những buổi lên Phú Lâm em cảm thấy trân trọng nghề của mình hơn. Các em học sinh ở đây, vào những ngày 20/10 hay 20/11, các em chỉ vẽ thiếp, hái hoa dại bên đường tặng cô thôi, mình cảm thấy rất là trân trọng”.
“Từ nhỏ tôi đã ấp ủ làm nghề giáo viên, về đây gieo chữ cho các em học sinh, giống như bản thân mình, lúc nhỏ thì được cô gieo chữ, nhờ vậy mà sau này mình có một nghề nghiệp rất ổn định, đó cũng là nguyên nhân mà mình quay trở về ngôi trường này để mà làm việc, để giúp các em học sinh cũng là người dân tộc như mình, coi như mình là một tấm gương để cho các em noi theo”, cô giáo Lê Thị Mai Hồng cho hay.
Một lớp học sinh đọc bài thì lớp còn lại phải ngồi ôn bài.
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, điểm trường Phú Lâm giờ đã khang trang hơn, “trường ra trường, lớp ra lớp”, không còn cảnh học sinh phải mượn tạm nhà dân, hay học trong những căn phòng tranh nứa tạm bợ. Năm 2019, cùng với sự giúp đỡ của bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, bộ đội Biên phòng Phú Gia, Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi Quỹ Thiện Tâm đầu tư 500 triệu đồng cho việc tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp khuôn viên điểm Phú Lâm, giúp thầy cô yên tâm hơn, việc học của các em cũng đảm bảo an toàn mùa mưa bão. Thầy giáo Trần Đình Trung, giáo viên điểm trường Phú Lâm chia sẻ, với lợi thế ở gần Đồn biên phòng Phú Gia nên được giúp đỡ rất nhiều, đó cũng là động lực, là niềm vui đối với các thầy cô giáo, thể hiện sự gắn kết quân, dân.
“Trường đóng gần một đơn vị bộ đội. Đơn vị đó hầu như hỗ trợ cho chúng tôi tất cả, ví dụ như lao động, tất cả những công việc nặng nhọc, Ban Chỉ huy Đồn quan tâm, chia sẻ và đưa anh em chiến sĩ cùng lao động với chúng tôi, chẳng hạn như sơn tường, dọn vệ sinh, chỉnh sửa khuôn viên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Họ đi qua và vào trường thường xuyên, họ nhắc nhở động viên để con em vùng biên này chăm học. Đặc biệt nhất là vào các dịp lễ Tết, chẳng hạn như Tết trung thu, Tết nguyên đán, họ vận động tất cả các nhà hảo tâm, nhà tài trợ đến đây để hỗ trợ giúp đỡ”, thầy giáo Trần Đình Trung cho hay.
Các em học sinh 2 lớp học cùng học một phòng học
Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thấu hiếu nỗi vất vả của thầy và trò trên địa bàn, hưởng ứng các đợt phát động “Nhận con nuôi Đồn biên phòng” và “Nâng bước em đến trường”, nhận đỡ đầu cho những học sinh nghèo vượt khó với mong muốn tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn, cuộc sống của người dân vùng biên cương được ấm no hơn. Thế nhưng, vẫn còn đó những khó khăn, vất vả của người dân nơi bản làng vùng sâu biên giới.
Giờ tan học tại điểm trường Phú Lâm
Thiếu tá Nguyễn Văn Quang mong muốn: “Vừa rồi Ban Chỉ huy cũng ngồi tâm tư, bây giờ mình ngoài giúp dân ở đây ra, giúp để phát triển kinh tế, giúp họ thì cũng là chưa đủ. Sau đó nghĩ, bằng các cá nhân có mối quan hệ với các tổ chức, đặc biệt là tổ chức Hội chữ thập đỏ của huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, Trung thu vừa rồi, chúng tôi kêu gọi được các tổ chức, các doanh nghiệp về tặng quà cho các cháu, hầu như có tặng 15 cái xe đạp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Phú Lâm, 10 hộ gia đình, mỗi cháu có 1 triệu đồng”.
Rời bản Phú Lâm khi tiếng cười nói của các học sinh vẫn rộn rã giờ tan học, trở về trên con đường gần 20 km gập ghềnh đất đá và dốc núi nhưng trong lòng chúng tôi cũng đọng lại một niềm vui khôn tả. Bởi, câu chuyện “gieo chữ” của các thầy cô tuy lắm gian nan, nhưng chính từ trong khó khăn, vẻ đẹp tâm hồn, trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần cống hiến của họ càng được khẳng định và trân trọng./.
Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết
Nghề giáo hiện nay có nhiều áp lực, nhà trường cần tạo môi trường giáo dục tốt, đặt quyền lợi giáo viên và học sinh lên trên hết.
Trước thực trạng nhiều nhà giáo xin nghỉ việc, PV Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện cùng Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Tp.HCM. Thầy Phú cho rằng, thầy cô cần được tạo điều kiện tối đa để giảng dạy tốt hơn.
Cần đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết
PV : Trong bối cảnh có nhiều giáo viên nghỉ việc vì cho rằng áp lực nghề nghiệp cao, thầy đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Phải nói rằng, đầu năm học 2022-2023, khi thực hiện đồng thời cùng một lúc hai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối 10 và chương trình giáo dục phổ thông cũ ở khối 11, 12, sẽ có chuyện thầy cô cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần hết học kỳ 1, chúng tôi nhận thấy không có gì khó khăn. Thực tế, chỉ thay đổi sách giáo khoa, còn phương pháp giảng dạy tương tác với học sinh, cách tổ chức giờ học, thay đổi kỹ năng cho học sinh thì thầy cô trong trường làm rất tốt.
Nói về áp lực công việc nghề giáo, tôi cho rằng, do nhìn nhận riêng của từng giáo viên, còn công việc thì vẫn thực hiện theo phân công, theo giờ hành chính mỗi ngày nên không có gì nặng nề.
Tuy nhiên, trên cương vị là người đứng đầu nhà trường, tôi cho rằng, áp lực của thầy cô phần nhiều do nhà trường, chứ không phải do cơ chế. Hiệu trưởng phải linh động triển khai các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thầy cô, phải biết được năng lực làm việc từng thầy cô, từ đó phân công khối lượng công việc phù hợp, khoa học...
Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ về trăn trở của ông về nghề giáo hiện nay.
Chúng ta phải biết sắp xếp thời khóa biểu một cách khoa học, làm sao thầy cô có thời gian làm thêm công việc khác khi rảnh rỗi, nhằm tăng thu nhập, giảm áp lực về tài chính cho thầy cô.
PV: Giải bài toán áp lực nghề giáo cho các giáo viên, là Hiệu trưởng một ngôi trường theo mô hình tiên tiến tại Tp.HCM, thầy chọn phương pháp nào?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Tôi cho rằng, nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết. Muốn vậy, lãnh đạo nhà trường phải đối xử với giáo viên tốt, phải tạo cơ hội để làm sao cho thầy cô và lãnh đạo nhà trường trên dưới một lòng thì công tác giảng dạy mới được tốt.
Tôi cũng luôn mong rằng, giáo viên đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Chúng ta có đan xen như vậy, mới chia sẻ hết tình cảm với nhau. Thầy cô xem nhà trường như gia đình, thì mọi người trong trường đều cư xử chan hòa, tạo bầu không khí vui tươi, lúc đó làm việc hiệu quả, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho học sinh. Chúng ta không nên tạo bầu không khí căng thẳng, vội vã, áp lực... tạo không khí nặng nề với giáo viên và học sinh.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du trong một sự kiện tổ chức tại trường.
Ngoài ra, khi có sự cố về bạo lực học đường xảy ra, thì hiệu trưởng phải là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm về sự cố đó chứ không thể đẩy cho giáo viên bước ra ngoài để đôi co, đương đầu với một phụ huynh nào đó.... Hiệu trưởng phải bản lĩnh, có trách nhiệm, để cho thầy cô an tâm trong những sự cố xảy ra. Chúng ta làm như vậy để gánh bớt khó khăn cho thầy cô, không tạo áp lực cho thầy cô.
PV : Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện nay, nghề giáo được phát huy tối đa nhất là trong dạy học, điều gì khiến ông trăn trở nhiều nhất?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Công nghệ thông tin ngày nay giúp thầy cô linh hoạt vận dụng hiệu quả cao. Nhưng có một vấn đề mà tôi luôn trăn trở là hiện nay, làm sao Bộ Giáo dục và Đào tạo có nguồn ngân sách tạo cho mỗi thầy cô một máy tính xách tay để giảng dạy. Vì nó là tư liệu giảng dạy. Hiện, nhiều thầy cô chưa có đủ kinh tế để tự trang bị cho mình một máy tính xách tay. Nếu trang bị cho thầy cô phương tiện giảng dạy tốt, sẽ giúp lan tỏa tốt không chỉ trong giáo dục mà cả trong lĩnh vực, kinh tế văn hóa, xã hội.
Nghề giáo phải kiên nhẫn, bao dung, nhẹ nhàng
PV : Theo thầy, nhà giáo cần phải xử lý học sinh cá biệt như thế nào nhằm uốn nắn kịp thời các em?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Việc học sinh cá biệt thì thời đại nào cũng có trường nào cũng có. Tuy nhiên, theo tôi, trước hết thầy cô phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh có những hành vi cá biệt. Tôi cho rằng, nghề giáo phải có sự kiên trì, kiên nhẫn, và phải bao dung, nhẹ nhàng. Khi một vấn đề xẩy ra đối với học sinh, người thầy, người cô cần bình tâm thì tâm mình tịnh, tuệ mình sáng, trí mình mới thông, lúc đó, giải quyết vấn đề rất nhẹ nhàng.
Bởi vì, thứ nhất học trò là bậc con, em, là học trò của mình thì mọi vấn đề nhìn nhận cần thoáng hơn. Mình cần "giơ cao đánh khẽ", không đẩy các em vào đường cùng. Hoặc khi có sự cố, không nên ra một quyết định gì đó nặng nề, để rồi từ đó, cuộc đời của em đó trở nên bế tắc.
Tại trường tôi, đa số học sinh ngoan, nên hiếm có tình huống cá biệt của học trò xảy ra, có thể nói là từ trước đến nay chưa có. Chỉ có một số em đi học trễ nhiều lần, qua tìm hiểu nguyên nhân, cuối cùng nhà trường đã uốn nắn, chỉ bảo cho các em khắc phục, đó chỉ là vi phạm thường nhật học trò.
Học sinh được chia sẻ dạy dỗ tốt sẽ trở nên chăm ngoan.
Trên quan điểm của tôi, học trò là phải chia sẻ dạy dỗ, để cảm thông rồi từ đó giúp các em kìm hãm tính hung hăng, lười học tập.
PV : Ngày nay, với câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn", theo thầy có còn phù hợp để dạy học sinh?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Dù câu này xuất phát từ xa xưa, nhưng tôi cho rằng thời đại nào trong ngành giáo dục câu đó vẫn đúng. Nếu chúng ta không tôn trọng nhau, thầy không thương yêu trò, trò không tôn kính thầy, làm sao giờ giảng tương tác diễn ra hiệu quả?.
Theo tôi, câu này đúng mãi mãi. Tôi cho rằng, "lễ" là nghi thức giao tiếp lịch sự cần có giữa người nhỏ với người lớn, giữa con người với nhau, "lễ" làm cho trật tự lớp học, xã hội ổn định. Thầy không thể giảng mà học trò nhảy tung tăng, không thể trò nói mà thầy cô bỏ ngoài tai. Giao tiếp sư phạm hết sức cần thiết. Dù cho công nghệ số phát triển, tôi nghĩ câu tục ngữ vẫn như một chân lý trong môi trường giáo dục.
Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Thiếu thầy cô, thiếu trang thiết bị dạy học: Giáo dục vùng cao bộn bề khó khăn Lãnh đạo nhiều trường học bày tỏ lo lắng khó đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT mới khi hiện nay 'cái gì cũng thiếu'. Tính tới nay, thầy và trò cả nước đã bước vào năm học thứ 3 ngành giáo dục chính thức áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn...