Thất vọng, tốn tiền vì du lịch theo quảng cáo của KOL
Dù đọc nhiều bài chia sẻ ‘đi đâu’, ‘ăn gì’ về các địa điểm du lịch và hỏi thêm bạn bè, vợ chồng Hiền Thư vẫn không ít lần có trải nghiệm thất vọng vì tin theo review.
Mỗi năm, vợ chồng chị Hiền Thư (34 tuổi), kinh doanh tự do tại TP.HCM, đều cố gắng sắp xếp công việc để có vài chuyến du lịch. Do đi cùng con nhỏ, chị thường nghiên cứu kỹ điểm đến bằng cách đọc nhiều review trên mạng, hỏi thêm người thân, bạn bè từ cách di chuyển, lưu trú, thời tiết, món ăn ngon đến những rủi ro có thể xảy ra để lên lịch trình cụ thể.
Thêm vào đó, chồng chị Thư từng đi nhiều nơi và có kha khá kinh nghiệm với các địa điểm du lịch. Tuy nhiên, không ít lần cả nhà vẫn rơi vào cảnh “tiu nghỉu”.
Trong chuyến đi Đà Lạt năm ngoái, hai vợ chồng mong muốn cho con trải nghiệm hái dâu tây. Cả hai xem nhiều review về vườn dâu và kiểm tra kỹ thời gian để đi đúng mùa ra trái.
“Tuy nhiên, sau khi bỏ công chạy xe máy hơn chục cây số đường đèo dưới thời tiết âm u, tới nơi cả vườn dâu chỉ còn lèo tèo vài trái xanh và khung cảnh cũng hoàn toàn khác so với hình ảnh trên review”, chị kể với Zing.
Quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt) là điểm đến ở trung tâm được nhiều người lựa chọn nên du khách dễ gặp cảnh đông đúc. Ảnh: Minh Tài.
Lần gần nhất đi Vũng Tàu, gia đình chị Thư ghé khu bến du thuyền nổi tiếng. Nhưng khi tới nơi, họ nhận ra nơi này đã thay đổi chính sách, chỉ bán vé vào cổng để chụp hình selfie với vài chiếc thuyền, còn các khu tiện ích cà phê, ăn uống cũng như vui chơi trẻ em đã ngừng hoạt động.
Điều này cộng với lượng khách du lịch quá đông đúc vào cuối tuần và kỳ nghỉ hè của học sinh khiến trải nghiệm của cả nhà không được như mong đợi.
Review tràn lan
Theo chị Thư, trong thời đại công nghệ số hiện nay, mọi thông tin du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet, từ các hội nhóm chuyên review, vlogger đến trang web của công ty lữ hành. Ở đó, hình ảnh và đánh giá về đồ ăn, khung cảnh, thời tiết… của các địa điểm đều được chia sẻ cụ thể.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều phản ánh đúng thực tế.
“Không ít nội dung được trả tiền nên mọi thứ đều được thổi phồng quá mức. Đó có thể là bài quảng cáo của điểm du lịch hoặc sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ. Một số dựa trên quan điểm cá nhân, trải nghiệm riêng nên có thể với người này là đẹp, là ngon nhưng cá nhân khác thì không hoặc vào mùa hè thì đẹp, mùa đông lại không”, chị nói.
Chị Thư cho rằng việc các kênh review phát triển tràn lan không chỉ gây khó khăn trong việc tham khảo để lên kế hoạch chuyến đi, làm giảm chất lượng trải nghiệm mà còn có thể ảnh hưởng tới những điểm du lịch, quán ăn nhỏ có chất lượng nhưng không có kinh phí quảng bá. Chưa kể, điều này có thể ảnh hưởng đến du khách quốc tế và uy tín của các kênh review “có tâm”.
Video đang HOT
Chuyến đi Vũng Tàu của gia đình chị Hiền Thư không được như mong đợi vì cảnh đông đúc và một số dịch vụ thay đổi.
Khi gặp địa điểm du lịch không đúng với review, chị Thư thường chia sẻ với bạn bè hoặc trong hội nhóm nhưng với thông tin rõ ràng, chi tiết về thời gian, hành trình và lý do dẫn tới trải nghiệm đó. Chị cũng nhấn mạnh việc mình không đại diện cho tất cả cộng đồng xê dịch, nhóm tuổi, điều kiện của mỗi cá nhân nên chia sẻ dựa trên tâm thế khách quan, không đánh đồng hay vơ đũa cả nắm.
“Ngoài tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, mọi người luôn cần sẵn sàng tâm lý có thể có những khác biệt trên thực tế so với review để tránh cảm giác hụt hẫng và giúp chủ động hơn trong việc đón nhận trải nghiệm”, chị nói.
“Những bài review, clip thường đi kèm tiêu đề ‘nhất định phải đến’, ‘không thể bỏ qua’ ban đầu nghe cũng hấp dẫn, nhưng mà để mình tin hoàn toàn thì không”, Hà My (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Từng nhiều lần đi theo gợi ý của người khác, ở cả các chuyến đi trong nước và nước ngoài, My nhận thấy việc một địa điểm trở nên hot nhờ trên mạng, rồi đông người kéo đến theo, cũng góp phần vào gây ra câu chuyện thực tế khác xa review.
“Trước kia, tiệm bánh Cối xay gió là nơi check-in nổi tiếng, hầu như ai đi Đà Lạt về cũng có ảnh chụp ở đó. Như nhiều du khách khác, mình cũng tò mò, muốn đến những chỗ nào đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, khi đến tận nơi, mình khá hụt hẫng vì không có gì đặc sắc, cộng với cảnh tượng mọi người đứng chen chúc, xếp hàng chờ chụp ảnh nên mình chọn rời đi luôn”, My kể lại.
Nếu các điểm tham quan đẹp như trên hình và đông vừa phải, My sẽ nán lại chụp hình. Còn không, cô sẵn sàng bỏ qua, đến địa điểm tiếp theo để không phí thời gian, thay vì cố có tấm ảnh “sống ảo” giống những người khác.
Vấn đề cũng lặp lại với chỗ ăn uống. “Lần tới Hội An, mình cũng thử một vài chỗ bán cơm gà, bánh mì nổi tiếng nhưng cảm nhận chung là bình thường và khá đắt, du khách ăn là chính. Còn những quán ăn ngon, đông người địa phương tới lại thường rất ít được nhắc tới trong các bài review phổ biến”, cô cho hay.
Để chuẩn bị cho chuyến đi Hàn Quốc sắp tới, My cho biết cô vẫn tham khảo từ review, cộng với tìm kiếm các video quay cảnh ngoài thực tế, có các góc khác nhau, thay vì chỉ xem ảnh.
Những khu du lịch lên ảnh hào nhoáng, nhưng sự thật có thể đông nghịt người hoặc không long lanh như trên mạng.
Không đặt nhiều kỳ vọng
Trước chuyến đi chung, Hương Giang (25 tuổi), nhân viên ngành truyền thông, và hội bạn thường tìm kiếm trong các hội, nhóm review du lịch trên mạng xã hội để xem các địa điểm tham quan nổi tiếng, cùng với các địa chỉ ăn ngon nên thử.
Sau đó, cả hội sẽ tổng hợp, lựa ra những nơi thấy hứng thú và phù hợp nhất với lịch trình. Dù vậy, Giang vẫn không tránh khỏi vài lần “thất vọng” vì thực tế khác xa với đánh giá trên mạng.
“Trong chuyến đi Đà Lạt, mình ghé tới một quán cà phê khá nổi tiếng, có đông người check-in và dành nhiều lời khen về không gian lẫn chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, theo trải nghiệm cá nhân, mình thấy nhân viên không được nhiệt tình, menu không đa dạng, đồ uống có giá cao mà lại không ngon”, Giang kể.
Theo cô, hình ảnh “sống ảo” mà người review đăng tải là yếu tố thu hút, khiến Giang và hội bạn cho quán cà phê vào lịch trình du lịch.
“Góc đẹp để chụp ảnh check-in có lẽ là điểm duy nhất mình thấy người review viết chính xác. Còn bên ngoài những chỗ có đầu tư thiết kế, trang trí trong quán, mình thấy những góc khác không được chú trọng, bàn ghế lộn xộn”, cô nói thêm.
Trong các bài review, ngoài chia sẻ kinh nghiệm, hình ảnh “sống ảo” cũng thường được người đăng tải chỉnh sửa kỹ càng để thu hút người đọc.
“Các bạn reviewer rất biết cách chụp hình, chọn góc và chỉnh màu, giúp ảnh rất bắt mắt, khiến những người khác cũng muốn đặt chân đến địa điểm giống họ. Tuy nhiên, ảnh đã qua chỉnh sửa, về phần màu sắc thôi cũng đủ khác với bên ngoài rồi nên có nhiều trường hợp thất vọng khi đến nơi nhìn tận mắt”, Giang bày tỏ.
Sau vài lần hụt hẫng vì đi theo review, Giang cho hay khi đi du lịch, cô vẫn có thể đến địa điểm hot trên mạng, nhưng không còn đặt quá nhiều kỳ vọng. Thay vào đó, cô đi với tâm thế trải nghiệm xem bên ngoài có giống như những gì mình đã đọc không.
Ngoài ra, với cùng một địa điểm, Giang sẽ tìm đọc những bài đánh giá khác nhau và dành thời gian đọc cả phần bình luận bên dưới để xem ý kiến của người khác.
Phan Thảo cho rằng không nên đặt kỳ vọng quá nhiều ở mỗi điểm đến.
Trong chuyến du lịch Phú Quốc tháng 4 vừa qua, Phan Thảo (27 tuổi), kế toán tại TP.HCM, ghé thăm Rạch Vẹm sau khi xem review thấy nhiều người chụp hình với sao biển rất đẹp.
Khi chạy xe máy đến, Thảo có chút thất vọng vì đường vào xấu, bùn với sình nhiều. Được chào mời đi tàu qua Mũi Hàm Rồng để ngắm sao biển, cô đồng ý với mức giá 200.000 đồng/người.
“Mình thật sự không thấy mọi thứ như review. Biển trong nhưng bãi nhiều rác, chai nhựa. Sao biển khá ít và ở xa. Nhiều bạn còn bắt sao biển lên để trên cát khiến chúng chết, nhìn rất tội. Mình cảm thấy thật sự không hay nên đi về luôn và cảm thấy hơi tiếc tiền”, cô kể.
Theo Thảo, tình trạng nhiều bài review chưa phản ánh đúng thực tế vẫn tồn tại. Tuy nhiên, cô cho rằng trải nghiệm với người này có thể tốt, còn mình thì không và ngược lại.
Bởi vậy, cách để giải quyết là không đặt nhiều kỳ vọng hay quá khắt khe, mang tâm thế khách quan và sẵn sàng đón nhận, tận hưởng dù là trải nghiệm tốt hay xấu.
“Nên tìm thật nhiều thông tin trên tất cả kênh và đừng quá tin hay đặt kỳ vọng vào một nguồn nhất định”, cô chia sẻ.
Dù gặp một vài lần không ưng ý khi đi theo review, Diệu Hà (24 tuổi, Hà Nội) cho biết cô vẫn khá tin tưởng các bài chia sẻ kinh nghiệm, vì thường người đi trước đã chọn ra những món ăn đặc sắc nhất và địa điểm tham quan nổi bật nhất ở vùng, miền đó.
“Nếu một quán ăn, quán cà phê xuất hiện trong nhiều bài review thì khả năng cao là chỗ đó chất lượng, hoặc ít nhất ở mức ổn, dù không thể đúng với tất cả. Lý do có thể là khẩu vị, gu ăn uống và sở thích đi du lịch của mỗi người một khác, nên trải nghiệm ở cùng một chỗ không thể giống nhau hoàn toàn”, Hà kết luận.
Nước Mỹ đều đặn 'khaitử ' 2 tờ báo mỗi tuần
Mặc dù đã gia tăng nhận thức về vấn đề này, nước Mỹ vẫn tiếp tục chứng kiến các tờ báo "chết" dần với tỷ lệ hai tờ mỗi tuần.
Tính đến cuối tháng 5, nước Mỹ có tổng cộng 6.377 tờ báo lớn, nhỏ. Ảnh: Shutterstock
Hãng tin AP trích dẫn báo cáo của Trường Báo chí, Truyền thông và Thông tin Tiếp thị Tích hợp Medill thuộc Đại học Northwestern cho biết những khu vực không có nguồn tin tức địa phương đáng tin cậy có xu hướng nghèo hơn và ít được giáo dục hơn so với những khu vực có nguồn báo chí hoạt động tốt.
Báo cáo cho biết cả nước Mỹ có 6.377 tờ báo vào cuối tháng 5/2022, giảm so với 8.891 tờ vào năm 2005. Mặc dù đại dịch COVID-19 không "kết liễu" số lượng lớn các tờ báo như một số người trong ngành lo ngại, 360 tờ báo đã ngừng hoạt động kể từ cuối năm 2019, phần lớn trong số đó phục vụ các cộng đồng nhỏ.
Ước tính khoảng 75.000 phóng viên làm việc tại các tòa soạn báo trong năm 2006, và hiện tại con số này giảm xuống còn 31.000 người. Doanh thu báo chí hàng năm giảm từ 50 tỷ USD xuống còn 21 tỷ USD trong cùng thời kỳ.
Mặc dù các nhà từ thiện và chính trị gia đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề này, nhưng những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của mô hình quảng cáo trong ngành báo chí vẫn không thay đổi. Giáo sư Penelope Muse Abernathy tại trường Medill giải thích rằng sự khuyến khích phát triển về thông tin kỹ thuật số trong những năm gần đây là chưa đủ để bù đắp cho xu hướng chung.
Bản báo cáo cho biết nhiều trang web chỉ tập trung vào các vấn đề đơn lẻ tại hoặc gần các thành phố lớn, hay gần các thành phố tài trợ chính cho họ.
Hiện tại, các vùng "sa mạc" tin tức xuất hiện ngày càng nhiều ở Mỹ. Ước tính, có khoảng 70 triệu người Mỹ không có tổ chức tin tức địa phương hoặc chỉ có một tổ chức duy nhất. "Điều thực sự bị đe dọa trong đó là nền dân chủ của chính chúng ta, cũng như sự gắn kết xã hội và xã hội của chúng ta", bà Abernathy nói.
Những tờ báo ngày thực sự được in và phân phát cả bảy ngày một tuần cũng đang ít dần. Báo cáo cho biết 40 trong số 100 tờ báo lớn nhất nước Mỹ chỉ xuất bản các phiên bản kỹ thuật số ít nhất một lần một tuần.
Ông Tim Franklin, giám đốc của Medill Local News Initiative, nhận định tình trạng lạm phát hiện nay có khả năng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi báo in hơn nay.
Muôn vàn cạm bẫy "chat sex" nhằm vào các thiếu nữ Lực lượng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện trên các mạng xã hội Facebook, Telegram... xuất hiện nhiều hội nhóm với các hoạt động chia sẻ hình ảnh sex, video khiêu dâm, có cả ấu dâm với số lượng thành viên tham gia lớn. Đặc biệt, các hội nhóm có đăng bài đăng...