Thắp ước mơ nơi rừng thẳm: Khát vọng dưới mái nhà sàn
Cheo leo trên đỉnh Lơ Pang hùng vĩ, ngày ngày trẻ con Ba Na bi bô đọc chữ. Những đứa trẻ ấy cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nhưng vẫn mong được đi học để thoát khỏi nghèo đói bủa vây trong nếp nhà sàn bao đời nay.
Học sinh học trong phòng học tạm
Lớp học không ánh sáng trên đỉnh mờ sương
Khi sương sớm vừa chớm tan, trên đỉnh Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai), tiếng thầy cô giáo gọi trò đi học vang khắp đỉnh đồi làng A Lao. Vần vã gần tiếng đồng hồ, thầy cô mới đón được tất cả các em tới trường bắt đầu buổi học.
Cô Lê Thị Dũng, giáo viên trường Tiểu học Lơ Pang (xã Lơ Pang) chia sẻ: “Ở đây còn nhiều em không hứng thú với chuyện học. Bởi bố mẹ chúng nghĩ sống nơi bạt ngàn núi rừng này học chữ làm gì, có làm ra hạt gạo, có đẻ ra con heo được không. Có em thấy thầy cô là chạy trốn, lần nào đi tìm cũng không gặp. Cô giáo phải nhờ mấy học trò khác giữ lại rồi ngồi nói chuyện, giảng giải cả buổi. Hôm sau cô cậu đến lớp và học hành rất chăm”.
Điểm trường làng A Lao hiện lên trong nắng sớm mai, những đứa trẻ Ba Na đen nhẻm trong bộ đồ ngắn cũn, có em khoác bộ đồ rộng thùng thình nô đùa giữa nền sân đất đỏ bụi tung mù. Em A Len (học sinh lớp 5) kéo mép áo đang mặc trên người khoe: “Đợt trước mấy cô chú về đây cho chúng em quần áo này để mặc. Em được tặng cả cái áo ấm, em cất rồi để lạnh mới mang ra mặc”.
Giọng cô Dũng hòa lẫn vào tiếng cười nói của cô cậu học trò: “Các em ở đây đi học không mặc đồng phục. Những bộ quần áo các em mặc đa phần là của đoàn tình nguyện về phát. Đây là lần thứ 2 tôi luân chuyển về điểm trường làng A Lao. Học sinh ở đây thương lắm, mùa gió về nhiều em không có một tấm áo ấm. Mong chúng cố gắng đi học lên thoát được cái nghèo bám riết bao đời nay ở làng A Lao này. Công tác ở vùng cao, chuyện thiếu thốn là hiển nhiên, nhưng có một thứ luôn đầy ắp đó là tình cảm giữa người với người luôn nồng ấm qua từng ngày, người ở A Lao quý thầy cô giáo như người thân trong nhà”.
Điểm trường làng A Lao thuộc trường Tiểu học Lơ Pang được bao quanh bởi dãy núi Lơ Pang tạo thành lòng chảo rộng, cách điểm trường chính khoảng 9 km. Điểm trường có 6 lớp với khoảng 147 học sinh, hầu hết học sinh là người Ba Na.
Ngoài 5 phòng học được xây kiên cố, có một phòng học dựng bằng các miếng tôn cũ ghép vào nhau. Giữa cái nắng ban trưa, phòng khá ngột ngạt vì không có cửa sổ. Ánh sáng phòng học là những tia sáng len lỏi chiếu qua những kẽ hở của lớp tôn. Thầy Chhơi, giáo viên lớp 2 chia sẻ: “Phòng học này được dựng lên nhiều năm nay. Mùa hè chịu cảnh oi bức. Mùa mưa phải ngồi dồn một góc tránh mưa dột, mùa gió luồn qua từng khe hở ùa vào lớp lạnh buốt. Học sinh ở phòng này thiệt thòi hơn các phòng khác”.
Thanh xuân nơi vùng cao
Video đang HOT
Trên đỉnh đồi này, sỏi đá khô cằn, ánh nắng chiếu rát và mây mù sương giăng cũng thật gần. Chúng tôi dừng bước trước ngôi nhà sàn dựa lưng vào sườn núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát. Bên bậu cửa nhà, người phụ nữ Ba Na và một đứa trẻ đang cùng đọc chữ cái. Gió lạnh thổi thốc từng cơn, sau khi thì thầm cùng cô giáo, người phụ nữ Ba Na kể bằng tiếng kinh lơ lớ, ngày ấy gia đình nào cũng khó khăn nên bố mẹ không cho con đi học. Bây giờ, hầu hết trẻ em ở làng trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Chúng đã biết đến manh áo mới và được no cái bụng…thế nhưng không phải tất cả đều được như vậy, nhiều trẻ nhỏ trong làng phải chịu thiệt thòi, bố mẹ gửi cho ông bà để đi mưu sinh kiếm sống.
Thầy Chhơi rửa tay cho các em học sinh trước khi bắt đầu buổi học
Chẳng thế mà với họ, nắng có gắt, trời có lạnh, mưa có nặng hạt thì tất cả cũng là nguồn sống không thể thiếu. Có một điều đặc biệt, bà con ở làng chẳng mấy ai tính bình quân một năm họ thu nhập được bao nhiêu, bởi họ nuôi trồng gì cũng là nhỏ lẻ nên không ghi chép làm gì. Với họ, có cái ăn, cái mặc, cuộc sống no đủ đã là điều lớn lao rồi.
Người phụ nữ Ba Na cười bẽn lẽn tiếp: “Những năm gần đây, bà con dần ổn định, con cái được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. Lúc cô giáo mới lên chúng tôi không nói chuyện với nhau đâu. Rồi cô giáo đi vào làng chơi, cô tập nói tiếng Ba Na. Chúng tôi quý cô giáo lắm, vì cô giáo dạy chữ cho con chúng tôi. Cô giáo yêu thương tụi trẻ. Ở trên này lạnh cô đi xin áo ấm, xin tập vở cho tụi nhỏ. Thỉnh thoảng bà con hái được bó rau rừng hay cây măng mang tặng cô giáo”.
Từ xa, lấp ló sau đám cỏ dại, dáng người nhỏ nhắn của vài ba đứa trẻ len qua con dốc. Những đôi dép nứt nẻ, rãnh xẻ sâu, tòe đế, ố màu được đặt dưới những bàn chân tí hon dính đất, cáu bẩn. Từ những đôi chân trần quanh cánh đồng, con suối gần nhà, những đôi chân được trang bị dép tổ ong là một bước trưởng thành trên con đường mới để kiếm con chữ.
Cô Dũng cho biết: “Những đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi đã phải lên nương rẫy, trông em, lo việc gia đình…buổi sáng thường xuyên nhịn đói đến lớp, buổi chiều phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, cuộc sống của các em không có nhiều niềm vui, hội hè như trẻ em miền xuôi”.
Chiều muộn trên đỉnh đồi làng A Lao thật thanh bình, những mái nhà đặc trưng của người Ba Na đã bắt đầu phảng phất khói bếp. Chúng tôi rời làng, lời tâm sự của thầy cô như còn ngưng đọng: “Tuổi thơ những đứa trẻ vùng núi bị đánh cắp bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn và hơn nữa là cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình khó khăn, nên giấc mơ của các em cũng trở nên giản dị, mộc mạc hơn bao giờ hết. Chúng chỉ mong tiếp tục được đi học, để thoát khỏi nghèo đói bủa vây trong nếp nhà sàn bao đời nay”.
Cô Vũ Thị Hợi, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lơ Pang chia sẻ: “Các em học sinh ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giáo viên và nhà trường luôn cố gắng dạy học, xin quần áo, sách vở giày dép cho các em; vận động cha mẹ cho các em đi học. Nhờ đó mà tỷ lệ duy trì sĩ số của trường đạt hơn 90%. Trường bây giờ có một thư viện được đoàn tình nguyện về dựng lên. Bên trong có nhiều sách báo, truyện tranh để các em có thêm một sân chơi mới trong giờ ra chơi”.
Cô Hoa với lớp học của trẻ nghèo quận 9
Tôi gặp cô Hoa vào một buổi sáng cuối tháng 10, trong căn phòng nhỏ hơn 20 m2 ngập tràn tiếng học sinh ê a đánh vần, đọc chữ. Lớp học nằm trong trụ sở khu phố Giãn Dân, quận 9, TP.HCM.
Cô Hoa năm nay đã ngoài 70 tuổi, lớp học của cô cũng tồn tại hơn 20 năm. Cô Hoa chỉ dạy môn toán và tiếng Việt cho lớp 1, 2. Lớp 1 học từ 7 giờ đến 9 giờ, lớp 2 bắt đầu từ 9 giờ đến 10 giờ. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và dạy các em lớp 2 được kỹ hơn, cô Hoa thường cho lớp 2 vào học cùng lớp 1. Trong khi cô giảng bài cho lớp 1 thì lớp 2 sẽ được giao bài tập và tự ôn bài cũ.
Cô Hoa sửa bài tập cho các em sau mỗi buổi học. Ảnh: KHÁNH CHI
Có học trò từng bị cha mẹ bán giá... 15 triệu đồng
Lúc tôi bước vào lớp, không ai bảo ai, các em đều tự đứng dậy, khoanh tay chào: "Chúng em chào chị ạ!" với ánh mắt đầy niềm vui vẻ, lạc quan. Nhìn vào từng gương mặt ấy, không ai có thể ngờ rằng các em đều phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống.
Theo lời kể của cô Hoa, không một em nào trong lớp có được một gia đình hoàn thiện. Có em đã mất cha hoặc mẹ. Em thì sống trong cảnh cha mẹ bỏ nhà ra đi, phải sống với ông bà đã già, không còn khả năng lao động, sống qua ngày đã là điều rất khó khăn. Một em khác sống trong gia đình cha mẹ đã ly hôn, cha em tái hôn lần lượt với năm phụ nữ khác, trong nhà có đến năm anh chị em cùng cha khác mẹ. Có bé gái thì bị cha mẹ bán sang Campuchia với giá 15 triệu đồng, may mắn được họ hàng chuộc lại.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, các em đều hào hứng trả lời muốn trở thành cô giáo như cô Hoa, muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người.
Trong lớp có một học sinh nam tên Trần Thanh Hòa (14 tuổi), dáng cao cao, da trắng trẻo, mặt mũi sáng sủa. Tôi bắt chuyện thì em chỉ cười. Hỏi cô Hoa mới biết em bị rối loạn ngôn ngữ, lúc mới tới lớp em thậm chí không nói rõ được một tiếng nào.
Cô dạy em tập viết, làm toán. Đến nay em đã hiểu được mọi người nói gì, mọi người cũng hiểu những từ em muốn nói mặc dù giao tiếp vẫn khó khăn. Cô khen em học toán nhanh, chữ đẹp và sạch sẽ. Cuối buổi học, tôi cũng thấy nhiều em nhỏ hơn tới chỗ Hòa để nhờ Hòa chỉ bài.
Đến trưa, chị Thúy - mẹ của Hòa đến đón em. Nhìn thấy con trai từng bị nhiều trường tiểu học từ chối nhận học vì chứng rối loạn ngôn ngữ ngày nào, giờ đây đã tự tin giảng bài cho các em nhỏ tuổi hơn, chị không khỏi xúc động. Chị tâm sự: "Cô Hoa không chỉ dạy các cháu kiến thức mà còn dạy các cháu cách làm người. Tôi rất biết ơn cô, nếu không có cô, tôi không biết con mình sẽ như thế nào nữa".
Trước đây cô Hoa cũng từng là cô giáo, dạy học tại nhiều nơi điều kiện kinh tế khó khăn. Hè năm 1999, cô xin trưởng khu phố mở lớp học tình thương vì "không thể để mấy đứa nhỏ không biết chữ". Lớp học cũng chính là văn phòng của trụ sở khu phố Giãn Dân. Cô mượn phòng để dạy sau giờ hành chính.
Đến năm 2001, cô xin được tài trợ của mạnh thường quân xây lớp học, mua bàn ghế mới, đồng phục, cặp sách, sách vở và dụng cụ học tập cho các em.
Trong lớp có hai chị em cùng học chung lớp là Nguyễn Ngọc Thục Trinh (16 tuổi) và Nguyễn Tuấn Hưng (14 tuổi). Em Thục Trinh bị thoát vị màng não tủy nên việc học rất khó khăn. Tuấn Hưng cũng học chậm hơn mọi người nên cô Hoa luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em.
Hằng ngày cô phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng và vệ sinh cá nhân cho chồng. Chồng của cô đã hơn 90 tuổi, sức khỏe kém. Quãng đường từ nhà cô đến lớp học dài hơn 10 km nhưng cô chưa đến lớp trễ lần nào. Cuối buổi học, cô kiểm tra vở bài tập và chỉ ra lỗi sai, sửa bài cho từng em học sinh rồi mới về nhà.
Dù bệnh vẫn cố gắng đến lớp
"Bây giờ lớn tuổi, nhiều hôm đau đầu, nhức chân tay lắm nhưng tôi vẫn cố gắng lên lớp. Sợ mình nghỉ một ngày là mấy chục con người cũng mất một ngày kiến thức. Học trò của tôi không ai có được một gia đình trọn vẹn. Ấy vậy mà tụi nhỏ vẫn luôn lạc quan, tiếng cười trong lớp học không bao giờ dứt".
Thay đổi rất nhiều cuộc đời
Cô dắt tay tôi đi xuống lớp học, chỉ vào bức tường đầy những bức ảnh con trẻ. Cô chỉ lên tấm ảnh đen trắng xa nhất, kể đó là lứa học sinh đầu tiên của cô. Đã có người trở thành bác sĩ, giáo viên,... Rồi cô chỉ tới những bức ảnh mới hơn, chụp các em học sinh đang ngồi trong lớp.
Hồi còn khỏe, em nào nghỉ học một ngày cô cũng đến nhà hỏi thăm. Nhiều tổ chức thiện nguyện về trao quà, cũng chính cô mang về tận nhà cho từng em vắng lớp.
Đã có nhiều em sau khi học xong lớp của cô được học tiếp chương trình tiểu học, THCS, THPT, đại học. Nhưng cũng có nhiều em học mãi ở lớp cô đến sáu, bảy năm hoặc nghỉ học luôn vì điều kiện gia đình không cho phép các em học cao thêm nữa.
Chị Anh Thư (26 tuổi, quận 9, TP.HCM) học lớp của cô Hoa năm 1999-2000. Chị là một trong số những học sinh may mắn được học lên cao.
"Đối với mình, lớp học cô Hoa là cái nôi nuôi dưỡng ước mơ đến trường của những trẻ em nghèo. Cô đã thay đổi cuộc đời của nhiều bạn khác, nhờ có cô mà nhiều bạn biết chữ, tìm được việc làm nuôi sống bản thân. Lớp học cô Hoa là một kỷ niệm rất đẹp và đáng tự hào của bản thân mình. Em gái mình cũng học ở lớp của cô, hai chị em đều đậu đại học. Gia đình mình mang ơn cô lắm" - chị Thư nhiệt tình chia sẻ.
Em gái của chị là chị Kiều Diễm (24 tuổi, quận 9, TP.HCM), học lớp cô Hoa từ năm 2002. Sau khi học xong lớp cô Hoa, chị cũng hoàn thành xong chương trình THPT và thi đậu ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Đến nay, cả hai chị em đều đã ổn định cuộc sống và thường xuyên về thăm cô.
Tìm tòi để dạy theo chương trình giáo dục mới
Chương trình giáo dục mới cũng khiến cô Hoa gặp nhiều vất vả trong giảng dạy. Lớp học cô Hoa may mắn được mạnh thường quân tài trợ sách giáo khoa mới, phục vụ cho công tác dạy và học của cô, trò.
Ông Hoàng Xuân Hồng, người đã gắn bó với lớp học nhiều năm, trước đây là trưởng khu phố Giãn Dân chia sẻ: "Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đổi sách mới, cô Hoa tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng tìm tòi, tận tâm giảng dạy cho các cháu. Đây là khu phố tập trung nhiều dân nhập cư về TP.HCM làm việc, nhiều con em không có điều kiện đi học chính quy. Cô Hoa đã dạy dỗ các cháu, nhiều cháu đã trưởng thành, thành công từ lớp cô Hoa".
Thầy cô góp gạo nuôi trò Hơn một năm qua, các thầy cô giáo của Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông đã cùng nhau góp gạo, nấu cơm để giữ chân học trò đến lớp. HS ở điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka. Ngày ngày, nhìn HS quây quầy bên mâm cơm, tíu tít trò chuyện, thầy cô chẳng ai bảo ai đều...