Thắp sáng khát khao học tập với “Sóng và máy tính cho em”
Cùng với cả nước, Hà Nội là địa phương tích cực trong thực hiện Chương trình “ Sóng và máy tính cho em”. Hàng nghìn món quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận được trong hành trình nhân văn đó đã thắp sáng khát khao học tập cho các em.
Giấc mơ đẹp đã thành hiện thực
Tối 8/10, cũng như mọi ngày, Nguyễn Nhật Dương, lớp 12A3 trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, ngồi vào bàn học bài lúc 18 giờ 30 phút. Bên cạnh em, bộ máy tính mới tinh ngay ngắn – thứ có giá trị nhất trong nhà và càng trở nên giá trị, ý nghĩa hơn khi đây là món quà em mới được ngành GD&ĐT Hà Nội trao tặng trong đợt hỗ trợ thứ 2 của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Học sinh Nguyễn Nhật Dương, lớp 12A3 trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa (thứ 2 bên phải) nhận hỗ trợ máy tính đợt 2 của ngành GD&ĐT Hà Nội
Là một trong 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận hỗ trợ đợt 2, hơn ai hết, Nguyễn Nhật Dương cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Em vui đến trằn trọc và khó ngủ bởi niềm mơ ước về một ngày có thiết bị học tập chạy tốt đã thành hiện thực. “Trước đó, em dùng điện thoại để học online. Do máy cũ, đời thấp, mạng kém nên thỉnh thoảng lại bị thoát ra khỏi lớp học online. Học lớp 12, cuối năm sẽ thi tốt nghiệp THPT nên chương trình của em khá nặng. Việc học bị gián đoạn do máy đơ, mạng chậm khiến em vất vả hơn vì sau đó lại phải hỏi cô, hỏi bạn. Dịch bệnh kéo dài, em vẫn ước có thiết bị tốt phục vụ học online nhưng chẳng bao giờ dám nói ra…” – Nguyễn Nhật Dương bộc bạch.
Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu Lưu Thị Lập cho hay: Sinh ra trong gia đình có ba chị em, hoàn cảnh của Nguyễn Nhật Dương rất đặc biệt khi mẹ bỏ đi từ bé, ba chị em ở với bố. Năm Dương học lớp 11, bố em ốm nặng, bản thân Dương lại mắc bệnh hiểm nghèo phải nghỉ học một tháng để điều trị (hiện vẫn phải đi tái khám định kỳ).
Tháng 6/2021, bố Dương đã không qua khỏi. Hai chị lập gia đình và đi làm xa nên hiện em ở một mình. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng Dương luôn chăm chỉ, có ý thức học tập vươn lên với nghị lực phi thường. Hai năm lớp 10 và lớp 11, em đều xuất sắc đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi” với điểm trung bình trên 9.0. “Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, giờ đã có sim 4G, có máy tính mới, việc học của em thuận lợi hơn rất nhiều. Sau ước mơ có máy tính thành hiện thực, em sẽ viết tiếp ước mơ là thi đỗ và theo học ngành Bảo hộ lao động của ĐH Công đoàn” – Nhật Dương cho biết.
Video đang HOT
Sự chia sẻ kịp thời, nồng ấm
Tại đợt hỗ trợ lần 1 – Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức, cả hội trường lặng đi trước tâm sự đầy xúc động của em Đào Diệu Huyền, lớp 6C trường THCS Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên. “Từ khi sinh ra, em đã không được may mắn như các bạn. Bố em bị bại liệt, phải ngồi xe lăn, cần người chăm sóc; mẹ em bỏ đi khi em vừa tròn 4 tuổi. Em được bà nội nuôi dưỡng, cưu mang trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần…”.
Học sinh Đào Diệu Huyền, lớp 6C trường THCS Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên bày tỏ lòng biết ơn khi được nhận hỗ trợ máy tính để học trực tuyến
Theo lời Diệu Huyền, khi dịch bệnh xảy ra, trường chuyển sang học trực tuyến, bà không đủ điều kiện mua cho em thiết bị. Em được bạn bè, thầy cô quan tâm, giúp đỡ để khắc phục tạm thời; tuy nhiên, việc học không được đều đặn. “Hôm nay, em rất vui mừng khi tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cô, các bác, các thầy cô trong ngành Giáo dục đã tặng em phương tiện học tập. Bộ máy tính là món quà lớn lao mà em chưa bao giờ dám mơ ước. Em xin hứa sẽ luôn nỗ lực, chăm chỉ để đáp lại sự quan tâm, chăm lo của tất cả mọi người…” – Diệu Huyền nghẹn ngào chia sẻ.
Ngay tại lễ phát động “Sóng và máy tính cho em” đã có những đóng góp đầu tiên lên đến hơn 1 triệu máy tính bảng. Các bộ, ngành, tập đoàn, DN, địa phương trên cả nước đã và đang chung tay ủng hộ chương trình.
Tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, ngày 16/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng phát động chương trình này và kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP và các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị học trực tuyến cho học sinh như: Máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị thu sóng wifi, sim data…
Mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP ủng hộ ít nhất 1 ngày lương. Các DN, tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ bằng kinh phí, hiện vật tùy theo khả năng, điều kiện. Đến nay, chương trình đã nhận được nhiều kinh phí và thiết bị ủng hộ học sinh.
Riêng ngành GD&ĐT Hà Nội, tổng số học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP được nhận ủng hộ thiết bị học trực tuyến là hơn 4.600 em với tổng số tiền khoảng 14 tỷ đồng, 150 học sinh nhận được thẻ sim data và việc trao hỗ trợ sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Tại lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động gồm ba cấu phần chính: Có sóng (mạng internet) đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo và có giá cước phù hợp cho các em học trực tuyến.
Đây là một chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp, mọi người, mọi doanh nghiệp dành cho ngành Giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. “Sóng và máy tính cho em” cũng là để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, tiến tới xây dựng xã hội số…. Những gì đúng và động đến trái tim thì luôn đi xa và đi nhanh. Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa – Chương trình toàn dân Việt Nam vì toàn dân Việt Nam….
"Sóng và máy tính cho em" giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn trong học tập
Các trường học tại TP. Đà Nẵng đang hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ kịp thời cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn. TP hướng tới mục tiêu, học sinh nào cũng có thiết bị học tập trực tuyến khi chưa thể đến trường do dịch bệnh.
Trong căn nhà xập xệ, 2 bố con em Nguyễn Văn Tâm ở phường Hoà Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng loay hoay sắp xếp bộ bàn ghế đã cũ cho em học bài. Mẹ mất sớm, bố làm nghề sửa chữa xe máy nuôi Tâm ăn học. Dịch Covid-19 kéo dài 2 năm nay khiến đời sống của gia đình Tâm lâm cảnh thiếu thốn triền miên. Năm học mới này, thiết bị để Tâm học trực tuyến là chiếc điện thoại cũ kỹ đã nứt màn hình.
Khi nhận được chiếc máy tính bảng do nhà trường hỗ trợ, Nguyễn Văn Tâm mừng lắm: "Lúc nhận được chiếc máy tính bảng này em rất vui, vì từ giờ em đã có thiết bị để học trực tuyến như các bạn. Màn hình lớn và khi học thì nghe được cô giảng bảng rất rõ".
Ước mơ có chiếc máy tính bảng để học trực tuyến của em Nguyễn Văn Tâm ở Đà Nẵng đã thành hiện thực
Hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em", các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tích cực vận động, kêu gọi ủng hộ kinh phí mua tặng máy tính. Các nhà mạng còn hỗ trợ sóng 3G, 4G giúp việc học trực tuyến của các em thuận lợi hơn.
Trường Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê có 17 em học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến, nhà trường đã vận động được hơn 90 triệu đồng mua máy tính bảng hỗ trợ học sinh có thiết bị học tập.
Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc hỗ trợ thiết bị học tập, tuỳ vào hoàn cảnh của học sinh, nhà trường còn hỗ trợ thêm mỗi em 2 triệu đồng vào dịp đầu năm học. Đến nay, tất cả học sinh của trường đã có đầy đủ thiết bị học tập trực tuyến.
"Ngoài những em thuộc diện chính sách, hộ nghèo thì nhà trường đặc biệt quan tâm đến những hộ gia đình khó khăn, đó là những người làm ăn xa đến sinh sống tại Đà Nẵng đang ở nhà trọ, đời sống kinh tế cực kỳ khó khăn nên việc lo cho các em thiết bị học cũng như mạng internet thì cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy nhà trường rất quan tâm đến các đối tượng này để hỗ trợ cho các em có thiết bị học tập", cô Nguyễn Thị An cho hay.
Cô Nguyễn Thị An (bên phải), Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng trao tận tay học sinh hoàn cảnh khó khăn chiếc máy tính bảng.
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" là một trong những hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 3/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu giáo dục, đào tạo ứng phó với dịch Covid-19.
Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã huy động các nguồn lực, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học tập.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều đơn vị trường học đã đủ thiết bị học trực tuyến cho học sinh:"Chúng tôi chỉ đạo trước mắt là các trường vận động trong cán bộ, giáo viên của mình hỗ trợ cho chính học sinh của trường mình. Ngoài ra, những trường nào vượt quá khả năng của các đơn vị, chúng tôi sẽ có những nguồn khác để đảm bảo rằng mọi em học sinh đều có thiết bị học tập tối thiểu để có thể cùng học với các bạn trong lớp"./.
Dạy học trực tuyến chương trình chính khóa cho khối lớp 6 đến lớp 8 Kể từ tuần thứ 6 năm học 2021 - 2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, trường học triển khai dạy và học trực tuyến theo chương trình chính khóa đối với học sinh lớp 6 đến lớp 8. Học sinh khối lớp 6 đến lớp 8 ở Cà Mau học...