Thập kỷ bảo tồn đa dạng sinh học – Việt Nam đã làm gì?
Việt Nam nằm trong tốp 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, song, tính chất đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu.
Mật độ che phủ của cánh rừng thông ở Vườn quốc gia Tam Đảo được đảm bảo, tạo cảnh quan và giữ gìn môi trường sinh thái. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020 do Liên hợp quốc phát động sắp kết thúc nhưng thông điệp của Tổng Thư ký hồi đó, ông Ban Ki-moon, “nhân loại hãy sống hài hòa hơn với thiên nhiên, duy trì và quản lý sự đa dạng của tự nhiên vì sự phát triển của nhân loại,” vẫn còn dang dở.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là “vấn đề đạo đức” trong bài phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh (trực tuyến) về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc được tổ chức tại New York (Mỹ) vào ngày 30/9 vừa qua.
Một thông điệp dang dở
Gần 10 năm trước, ông Ban Ki-moon với tư cách là Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi toàn nhân loại bảo vệ sự đa dạng sinh học trên Trái Đất. Theo ông, sự phát triển bền vững của con người phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng sinh học.
Ông Ban Ki-moon nói: “Nhân loại có thể không bao giờ biết được những cơ hội quý báu về những bệnh nan y có thể được chữa khỏi hoặc những phát hiện bổ ích khác từ thiên nhiên bởi nhiều hệ sinh thái bị hủy hoại vĩnh viễn hoặc đất đai bị ô nhiễm không thể sử dụng được.”
Giai đoạn 2011-2020 được Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/12/2011 tuyên bố là “Thập kỷ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học” nhằm đạt được sự cam kết chung của các quốc gia trong việc bảo vệ hơn 8 triệu loài động thực vật đang bị đe dọa để cân bằng sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Chỉ có nhận thức đúng và hành động cùng nhau thì nhân loại mới có thể ngăn chặn tiến trình tuyệt chủng của động, thực vật diễn ra nhanh hàng trăm, hàng nghìn lần (so với quy luật sinh tồn tự nhiên) do tác động của con người.
Kết quả của ngót một thập kỷ qua như thế nào?
Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững” được tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 9 năm nay.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các nước tích cực: đầu tư vào các hành động mang tính bền vững; không hỗ trợ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm; chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch; tính đến sự rủi ro đối với lĩnh vực khí hậu trong tất cả quyết định chính sách và tài chính; cùng nhau hành động; không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo số liệu được đưa ra tại hội nghị này, sự đa dạng sinh học trên Trái Đất vẫn đang suy giảm với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Hơn 1 triệu loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cận kề.
Các hoạt động của con người làm cho 75% bề mặt đất và 66% diện tích đại dương bị thay đổi mạnh mẽ.
Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi dưỡng, bảo tồn tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Đa dạng sinh học là sự phong phú của nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên, sự đa dạng và phong phú này được chia làm nhiều cấp độ tổ chức sinh giới, đặc biệt là với các dạng hệ sinh thái của môi trường trên Trái Đất.
Trên hành tinh của chúng ta hiện có khoảng 30 triệu loài sinh vật và giữa chúng có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, thậm chí dựa vào nhau mà sống, loài này là thức ăn của loài kia.
Chẳng hạn, cây cối chuyển hóa năng lượng Mặt Trời, trở thành thức ăn của động vật và thực vật lại nhờ động vật giúp thụ phấn hoa, phân tán quả đi khắp nơi…
Con người với các hoạt động của mình đã đẩy rất nhanh tốc độ tuyệt chủng của nhiều giống loài.
Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính có khoảng 7 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng 30 năm tới; 3/4 loài chim trên thế giới đang lụi dần; 1/4 loài có vú có nguy cơ biến mất khỏi Trái Đất.
Sự đa dạng sinh học tự nhiên trên toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng bởi kỹ thuật canh tác hiện đại; nạn phá rừng; sự hủy hoại môi trường sống ở những vùng đầm lầy và trên đại dương…
Việt Nam nằm trong tốp 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Song, tính chất đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do các hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu.
Sự suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng thuộc các nguyên nhân cơ bản như ở mọi nơi khác: Các giống loài động vật, thực vật mất đi nơi sinh cư do con người chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đốt rừng làm rẫy, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường…
Bảo vệ sự đa dạng sinh học ở Việt Nam
Ngày 30/9, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững,” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ Việt Nam nêu rõ: “Chúng ta thậm chí có thể thấy rõ ràng “lời nguyền của tự nhiên” từ nhiều quốc gia, trong đó có đất nước chúng tôi, một quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đang phải hứng chịu hậu quả từ việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, và đây là minh chứng rõ ràng về mối quan hệ nhân quả giữa con người và thiên nhiên.”
Để bảo vệ sự đa dạng sinh học tự nhiên thì bên cạnh nhận thức và những lời tuyên bố, rất cần có những hành động cụ thể.
Xây dựng các khu bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và biến những nơi này thành khu du lịch thân thiện với môi trường là một hướng đi đúng cần phát huy.
Việt Nam hiện tại có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, trong đó có 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng 56 khu bảo vệ cảnh quan.
Đặc biệt, 9 cơ sở được công nhận là “khu dự trữ sinh quyển thế giới,” 3 cơ sở là “khu di sản thiên nhiên thế giới” do tổ chức UNESCO công nhận, 9 khu ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN.
Diện tích rừng ở Việt Nam là hơn 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 41,89 %.
Hệ thống 33 vườn quốc gia trải đều từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống biển với tổng diện tích khoảng 10.665,44 km2 (trong đó có 620,10 km2 là mặt biển), chiếm khoảng 3% diện tích lãnh thổ đất liền.
Tại khu vực miền Bắc có 11 vườn quốc gia Du Già (Hà Giang); Phia Oắc – Phia Đen (Cao Bằng); Hoàng Liên (Lào Cai); Ba Bể (Bắc Kạn); Bái Tử Long (Quảng Ninh); Cát Bà (Hải Phòng); Xuân Sơn (Phú Thọ); Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Ba Vì (Hà Nội); Xuân Thủy (Nam Định) vàCúc Phương (Ninh Bình).
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 13 vườn quốc gia gồm Bến En (Thanh Hóa); Pù Mát (Nghệ An); Vũ Quang (Hà Tĩnh); Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế); Chư Mom Ray (Kon Tum); Kon Ka Kinh (Gia Lai); Yok Đôn vàChư Yang Sin (đều ở Đắk Lắk); Tà Đùng tỉnh (Đắk Nông); Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng); Phước Bình và Núi Chúa (đều ở Ninh Thuận).
Khu vực Nam Bộ có 9 vườn quốc gia là Bù Gia Mập (Bình Phước); Nam Cát Tiên (Đồng Nai); Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh); Tràm Chim (Đồng Tháp); Phú Quốc và U Minh Thượng (đều ở Kiên Giang); Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); U Minh Hạ và Mũi Cà Mau (đều ở Cà Mau).
Trong hệ thống các vườn quốc gia thì Vườn quốc gia Pù Mát (phía Tây tỉnh Nghệ An) có vị trí đặc biệt. Được thành lập theo quyết định số 174/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2001 về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia.
Vườn quốc gia Pù Mát hiện được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007.
Tổng diện tích của Vườn quốc gia Pù Mát là 94.804ha, vùng đệm rộng 86.000ha.
Tại Pù Mát 1.144 loài thực vật có mạch được ghi nhận, trong đó có 3 loài là mới là Cleistanthus spp. nov., Phyllagathis spp. nov. và Phrynium pumatensis. Tại đây có 3 loài thú đặc hữu Đông Dương: sao la (Pseudoryx nghetinhensis), thỏ sọc Bắc Bộ (Nesolagus spp. nov.), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), vượn má hung (Hylobates gabriellae).
259 loài chim cũng đã được phát hiện ở đây, trong đó 22 loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Sao la (tên khoa học: Pseudoryx nghetinhensis), còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn và được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992.
Sao la được xếp hạng ở mức nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.
Loài này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5 năm 1992.
Việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã từng cho rằng việc tìm thấy một loài thú mới có tầm vóc lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra.
Đàn Voọc Chà vá chân xám phát hiện tại núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hữu Trung, Văn Tuấn/TTXVN)
Theo cách hiểu chung trên toàn cầu, vườn quốc gia là một khu vực trên đất liền hay biển được bảo tồn bằng các quy định pháp luật của chính quyền sở tại. Vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi sự khai thác, can thiệp của con người.
Vườn quốc gia thường được thành lập ở những khu vực có hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây Việt Nam đã thành lập thêm 3 vườn quốc gia.
Thứ nhất, Vườn quốc gia Du Già trên Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang. Vườn rộng hơn 15.000ha, được thành lập vào năm 2015 trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca và Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già.
Đây là khu vực tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm voọc mũi hếch Bắc Bộ, vượn đen má trắng, sơn dương nâu, bách xanh, bách xanh núi đá, nghiến, đinh.
Thứ hai, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén thuộc tỉnh Cao Bằng. Cơ sở này được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở toàn bộ diện tích khu bảo tồn thiên nhiên trước đây.
Vườn rộng hơn 10.245ha, trong hơn đó 4.035ha là khu bảo vệ nghiêm ngặt. Phia Oắc-Phia Đen có 352 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Thứ ba, Vườn quốc gia Tà Đùng thuộc ở tỉnh Đắk Nông với diện tích gần 21.000ha. Vườn được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở chuyển đổi từ khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.
Nơi đây có hơn 1.000 loài động vật, thực vật, nhiều loài có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như nai, cà toong, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công, trĩ…
Các loài này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc suy giảm mạnh về số lượng. Tà Đùng là một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam (chiếm 1/8 số loài chim của cả nước) và là một trong 222 vùng chim đặc hữu của thế giới.
Bên cạnh các vườn quốc gia, tại Việt Nam các khu rừng ngập mặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long có hơn100.000ha rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An).
Đây là nơi sinh trưởng của 98 loài cây, 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có 260 loài cá và thủy sản.
Việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển được Chính phủ quan tâm. Trong số các giải pháp phải kể đến dự án trồng 5 triệu ha rừng của Việt Nam và các dự án hợp tác quốc tế như dự án Phát triển và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; dự án Khu dự trữ quốc gia U Minh Thượng, chương trình sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước khu vực sông Mekong…
Mới đây nhất, ngày 1/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 nhằm ghi nhận những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Việt Nam rất cố gắng trong việc bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ 6 cho biết Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, gồm khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng 10.900 loài động vật trên cạn, khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác.
Các loài mới tiếp tục được ghi nhận và công bố hằng năm. Từ năm 2014 đến tháng 9/2018 có 344 loài sinh vật mới được mô tả và công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ, bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã đã đóng góp quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của các loài nguy cấp ở Việt Nam./.
Đất ngập nước chống biến đổi khí hậu: Tấm lá chắn bảo vệ bờ biển
Việt Nam có 9 khu Ramsar (đất ngập nước) và nhiều khu bảo tồn, vùng đất ngập nước có vai trò và giá trị quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.
Khu đất ngập nước Côn Đảo. (Nguồn: TTXVN)
Trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, tần suất các thảm họa trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 35 năm. Điều đáng lưu ý là 90% các thảm họa này có liên quan đến nước.
Các vùng đất ngập nước đang đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định khí nhà kính và giảm bớt các tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đất ngập nước có thể làm giảm những tác động từ sự biến đổi khí hậu, mặc dù chúng chỉ chiếm 6-8% diện tích bề mặt Trái Đất. Do chu trình trao đổi chất và nước trong các hệ sinh thái, nhờ lớp phủ thực vật của đất ngập nước, sự cân bằng của khí ô xi và các bon nic trong khí quyển làm cho khí hậu địa phương được ổn định, đặc biệt là về nhiệt độ và lượng mưa.
Việt Nam có 9 khu Ramsar (đất ngập nước) và nhiều khu bảo tồn, vùng đất ngập nước có vai trò và giá trị quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.
Đặc biệt, các ramsar có khả năng chắn sóng làm giảm xói lở bờ biển, giảm thiệt hại do bão, lũ và sóng thần ở vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
"Cái nôi" quan trọng của đa dạng sinh học
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn, đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn.
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Với 12 triệu hécta đất ngập nước, được phân bố ở mọi vùng sinh thái với sự đa dạng về các kiểu loại và chứa đựng sự phong phú về đa dạng sinh học.
Các vùng đất ngập nước nội địa lớn như Đồng Tháp Mười, U Minh và các hệ thống sông, suối là nơi chứa nhiều loại động, thực vật đặc hữu. Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển...là nơi cư trú của nhiều loài cá, chim di cư, cỏ biển, rong tảo...
Đất ngập nước vùng cửa sông là nơi có sự đa dạng về các loài chim định cư, di cư... Các đầm phá miền Trung là nơi cư trú của nhiều loài cá và chim di cư.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), ước tính Việt Nam có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.
Giải pháp tự nhiên
Đất ngập nước là giải pháp tự nhiên nhằm ổn định khí nhà kính, bờ biển, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, chắn gió bão, nạp và ổn định nước ngầm, hạn chế lũ lụt.
Đất ngập nước giữ và điều hòa lượng nước mưa như "bồn chứa" tự nhiên, giải phóng nước lũ từ từ, từ đó có thể giảm hoặc hạn chế lũ lụt ở vùng hạ lưu. Nước được thấm từ các vùng đất ngập nước xuống các tầng ngập nước trong lòng đất, nước được giữ ở đó và điều tiết thành dòng chảy bề mặt ở vùng đất ngập nước khác để con người sử dụng.
Các vùng đất ngập nước cung cấp sinh kế cho con người. Sự đa dạng sinh học vùng đất ngập nước góp phần làm sạch nguồn nước, chất ô nhiễm; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển.
Theo Cục Bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học, rừng ngập mặn có chức năng chống lại sự tàn phá của sóng thần nhờ hai phương thức khác nhau.
Khi năng lượng sóng thần ở mức trung bình, rặng cây ở vùng nước ngập mặn vẫn có thể đứng vững, bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ cộng đồng dân cư sinh sống phía sau vì chúng mặn mọc đan xen, rễ cây phát triển cả trên và dưới mặt đất cộng với thân và tán lá cây cùng kết hợp để phân tán sức mạnh của sóng thần.
Khi năng lượng sóng thần đủ lớn để có thể cuốn trôi những cánh rừng ngập mặn thì chúng vẫn có thể hấp thụ nguồn năng lượng khổng lồ của sóng thần bằng cách hy sinh chính mình để bảo vệ cuộc sống con người.
Rễ cây ngập mặn có khả năng phát triển mạnh mẽ cả về mức độ rậm rạp và sự dàn trải. Khi cây ngập mặn bị đổ xuống thì rễ cây dưới mặt đất tạo ra một hệ thống dày đặc ngăn cản dòng nước.
Tổ chức "Friend of the Earth" cho rằng bảo vệ những cánh rừng ngập mặn là cách giải quyết duy nhất để bảo vệ dân cư vùng ven biển chống lại sóng và các đe dọa khác trong tương lai.
Khảo sát của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, tại những vùng bị tác động của sóng thần cho thấy những vùng ven biển có rừng ngập mặn rậm, có các vành đai cây phòng hộ như phi lao, dừa, cọ thì thiệt hại về người và tài sản ít hơn rất nhiều so với những nơi mà các hệ sinh thái ven biển bị suy thoái, hoặc chuyển đổi đất sang mục đích sử dụng khác như nuôi tôm hay xây dựng khu du lịch.
Trước đây, biển phía Bắc đã được trồng một số loài cây ngập mặn như trang và bần chua để chắn sóng bảo vệ đê biển và vùng cửa sông. Mặc dù thời kỳ đó đê chưa được bê tông hóa và kè đá như hiện nay nhưng nhờ có rừng ngập mặn, nhiều đoạn đê không bị vỡ khi có bão từ cấp 6-8.
Một số địa phương thực hiện nghiêm túc Chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ thì đê điều, đồng ruộng được bảo vệ tốt.
Năm 2000, cơn bão số 4 (Wukong) với sức gió cấp 10 đổ bộ vào huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ các dải rừng ngập mặn trồng ở 9 xã vùng nước lợ nên hệ thống đê sông Nghèn không bị hư hỏng.
Năm 2005, vùng ven biển huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tuy không nằm trong tâm bão số 7 (Damrey) nhưng sóng cao ở sông Trà Lý làm sạt lở hơn 650m đê ở thôn Tân Bồi (xã Thái Đô) là nơi không có rừng ngập mặn. Trong khi đó, phần lớn tuyến đê có rừng ngập mặn ở xã này không bị sạt lở vì thảm cây dày đặc đã làm giảm đáng kể cường độ sóng.
Huyện Thái Thụy có 10,5km đê biển được rừng ngập mặn bảo vệ nên hầu như không phải sửa chữa, tu bổ hàng năm kể từ khi rừng ngập mặn trưởng thành, khép tán.
Một số địa phương có rừng ngập mặn phòng hộ nguyên vẹn như các xã ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Giao Thủy (Nam Định), Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì đê biển hầu như không bị sạt lở trong các cơn bão số 2, 6, 7 năm 2005.
Rễ cây ngập mặn chằng chịt, đặc biệt là ở những quần thể thực vật tiên phong, có tác dụng làm giảm vận tốc dòng chảy, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn ở các vùng cửa sông ven biển. Chúng vừa ngăn chặn có hiệu quả hoạt động công phá bờ biển của sóng, đồng thời là vật cản làm cho trầm tích lắng đọng.
Ở các vùng cửa sông lớn như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, phù sa thường ngưng đọng trên lòng sông và ngoài cửa sông tạo nên những hòn đảo nổi. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, chỉ sau một thời gian, các loài cây ngập mặn tiên phong sẽ mọc lên, tạo môi trường cho những loài cây đến sau và đất bồi được nâng dần lên.
Ví dụ như Cồn Ngạn, Cồn Lu ở huyện Giao Thủy, Nam Định, Cồn Vành ở Thái Bình, Cồn Ngoài và Cồn Trong ở Tây Nam mũi Cà Mau. Tại những nơi rừng ngập mặn được trồng và bảo vệ tốt thì bờ biển và đê không bị xói lở, thiệt hại do thiên tai ở mức rất thấp.
Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có tác dụng hạn chế xâm nhập mặn. Nhờ có rừng ngập mặn mà quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm và chỉ trên phạm vi hẹp, bởi vì khi triều cao, nước lan tỏa vào trong những khu rừng ngập mặn rộng lớn; hệ thống rễ dày đặc cùng với thân cây đã làm giảm tốc độ dòng triều, tán cây hạn chế tốc độ gió./.
Hai cá voi beluga được thả về biển sau 10 năm ở thủy cung Trung Quốc Sau hơn một thập kỷ sống tại thủy cung ở Thượng Hải, 2 con cá voi beluga là Tiểu Khôi và Tiểu Bạch đã được trở lại đại dương ở khu bảo tồn biển đặc biệt ngoài khơi Iceland. Ảnh: PA. Tiểu Khôi (Little Grey) và Tiểu Bạch (Little White) là tên gọi của 2 con cá voi beluga đã sống hơn 10...