Thanh tra 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Theo tiến sĩ Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, Bộ đang thanh tra 2 trung tâm và sắp tới sẽ bàn cách để các tổ chức kiểm định thực sự là những tổ chức độc lập cả về chuyên môn lẫn cơ cấu tổ chức.
Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH tổ chức ngày 3.9 tại TP.HCM – Ảnh: Hà Ánh
Độc lập là nguyên tắc đầu tiên
Tiến sĩ Lê Mỹ Phong cho biết: “Thời gian trước, quy định các bước trong quy trình kiểm định là tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định, công nhận. Đầu tiên trường tự đánh giá, sau đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, việc thẩm định là do hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện, cuối cùng Bộ trưởng công nhận trường đã đạt thẩm định. Trong giai đoạn đó đã có 40 trường được Bộ đánh giá ngoài, 20 trường được thẩm định, nhưng Bộ chưa hề quyết định công nhận một trường nào.
Quy trình này đã chấm dứt từ năm 2012, khi luật Giáo dục ĐH ra đời, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng mô hình mà cơ quan quản lý nhà nước thâu tóm kiểm định đó cũng là một mô hình hay, đáng tin cậy với những nơi mới bắt đầu làm quen với văn hóa kiểm định như ở ta. Tuy nhiên, dư luận lên án đó là mô hình mà Bộ GD-ĐT vừa đá bóng vừa thổi còi, nên luật Giáo dục ĐH đã quy định việc đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận là do tổ chức kiểm định độc lập phối hợp với trường làm. Bộ không tham gia mà chỉ ban hành quy định và hướng dẫn rồi giám sát”.
Tiến sĩ Lê Mỹ Phong
Nhưng ý kiến cho rằng đa số các trung tâm kiểm định hiện nay đều là một bộ phận của các trường ĐH, vì thế mà thiếu độc lập?
Video đang HOT
Hiện nay, trên cả nước có 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và cấp phép hoạt động gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Vinh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN. Nói các trung tâm này thuộc các ĐH hay trường ĐH là không phải, vì các quyết định mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép thành lập không có nội dung nào nói rằng đó là các trung tâm trực thuộc các ĐH hoặc trường ĐH. Giám đốc các trung tâm cũng do chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm chứ không phải do giám đốc ĐH hay hiệu trưởng trường ĐH bổ nhiệm. Như vậy, đây là các trung tâm kiểm định của nhà nước đặt tại các ĐH và trường ĐH chứ không phải là trung tâm thuộc các đơn vị ấy.
Các luật giáo dục hiện hành cũng đều chốt 3 nhóm nguyên tắc chủ yếu đối với hoạt động kiểm định. Đầu tiên là khách quan, đúng pháp luật; thứ hai là trung thực, công khai, minh bạch; thứ ba là bình đẳng, bắt buộc, định kỳ. Trong các nhóm nguyên tắc đấy, độc lập luôn là yếu tố đầu tiên, bởi độc lập, khách quan, minh bạch luôn là nguyên tắc quan trọng nhất của tất cả các mô hình kiểm định.
Sẽ thực hiện đúng như luật
Về mặt hình thức, đằng sau tên của trung tâm là tên ĐH hoặc tên trường ĐH, nên ít nhất nó là đơn vị thuộc các ĐH hoặc trường ĐH ấy.
Về nhân sự, giám đốc trung tâm là người của đơn vị và có cơ hội thăng tiến nên không thể nói rằng các trung tâm đó không thuộc ĐH hoặc trường ĐH…
Cái tên chỉ là hình thức thôi, vì năm 2013, khi thấy cần phải khẩn trương thành lập các tổ chức kiểm định thì trước hết phải chọn những đơn vị có điều kiện để đặt các trung tâm tại đó, sau đó mới phát triển hệ thống. Đó chỉ là cách làm khi mình chưa có cái gì cả. Đúng là ngay từ đầu khó mà làm “ngon” ngay được. Nhưng chúng ta cũng đã đưa ra được các quy định nhằm đảm bảo tính độc lập của trung tâm, chẳng hạn như không được đánh giá các trường mà trung tâm đang được đặt tại đó. Và quan trọng là chúng ta đưa ra các quy định để bắt buộc các tổ chức kiểm định phải thực sự độc lập về mặt chuyên môn, tức là đưa ra một quyết định thì dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí, dựa trên minh chứng, và đặc biệt là không ảnh hưởng bởi bên thứ ba.
Hiện nay, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt ủy ban) cũng đang tiến hành khảo sát hoạt động kiểm định giáo dục ĐH, họ sẽ xem xét 3 nhóm vấn đề: độc lập về tổ chức thế nào, về chuyên môn ra sao, về tài chính thì ai trả lương. Nên chúng ta cứ chờ xem ủy ban sẽ có kết luận thế nào. Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành thanh tra 2 trung tâm (trung tâm của hiệp hội và trung tâm ở ĐH Đà Nẵng). Bộ muốn thông qua đó có những đánh giá nghiêm túc, đưa ra bức tranh rõ ràng về kiểm định, để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa rồi đã đưa thêm một ý rất mạnh là tổ chức kiểm định phải độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và với cơ sở giáo dục ĐH. Vì thế, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với ủy ban để tìm cách thực hiện đúng như luật, để tổ chức kiểm định thực sự là tổ chức độc lập. Hiện nay, độc lập về chuyên môn rồi, nhưng tiến tới sẽ độc lập về tổ chức.
Vì sao tỷ lệ đạt kiểm định cao ?
Theo ông Lê Mỹ Phong, kiểm định không nhằm vào việc loại bỏ trường nào đó mà là để các trường có mục tiêu phù hợp rồi phấn đấu. Theo quy trình hiện nay, trước hết các trường gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản và về Cục, Cục nhận được báo cáo tự đánh giá đó thì không xem về chuyên môn mà chỉ xem về hình thức báo cáo là đầy đủ, đúng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn hay chưa. Nếu đúng rồi thì Bộ đưa tên đơn vị vào danh sách những đơn vị đã hoàn thành tự đánh giá. Sau khi có tên trong danh sách này, trường mới được tự liên hệ với cơ quan kiểm định để đăng ký đánh giá ngoài.
Trường sẽ gửi báo cáo tự đánh giá đó cho tổ chức kiểm định để họ thẩm định. Nếu tổ chức kiểm định xét thấy tỷ lệ số tiêu chí đạt khi đánh giá ngoài của trường không được 80% thì sẽ không đề nghị tổ chức kiểm định lập hội đồng kiểm định. Khi các trường gửi hồ sơ đến các tổ chức thẩm định, nơi đây đọc báo cáo tự đánh giá thì thấy với hiện trạng như thế kiểm định bây giờ là chưa đạt, để lại để các trường tự tiếp tục phấn đấu, tự cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, khi nào đạt mới kiểm định. Ngoài ra, có những trường biết mình chưa đạt thì chưa đề nghị đánh giá. Vì thế mới có tỷ lệ được công nhận sau thẩm định cao.
Theo Thanh niên
Kết quả kiểm định đại học: Bộc lộ nhiều bất ổn
Cả nước có 123 trường ĐH được công nhận đạt kiểm định. Tuy nhiên, kiểm định không đồng nghĩa với chất lượng đào tạo.
Nhiều trường đại học được yêu cầu giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên ảnh: hồng vĩnh
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), tính đến ngày 31/8/2019, cả nước có 123 cơ sở giáo dục ĐH và 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Bộ cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá, kiểm định với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế có uy tín. Tới nay, đã có 7 trường ĐH được đánh giá ngoài và công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Tiêu chuẩn mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA).
Tuy nhiên, từ kết quả kiểm định, có thể thấy, những bất ổn nội tại trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam đã được bộc lộ khá rõ nét.
Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, kiểm định không đồng nghĩa với chất lượng đào tạo. Kiểm định là để xác định điều kiện tối thiểu cho các trường ĐH, CĐ hoạt động. Kết quả kiểm định vừa qua cho thấy, điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đã được kiểm định có sự cách biệt. Thống kê từ 117/123 trường ĐH đạt kiểm định thì chỉ có 2 trường đạt trên 90% tiêu chí (chiếm 1,7%). Trong khi đó, mức đạt tối thiểu để một cơ sở giáo dục ĐH được công nhận kiểm định là 80,33%. Và ở mức tối thiểu này, có tới 25 trường ĐH, chiếm 21,4%.
Không những thế, có tới 50% các trường ĐH được đánh giá chưa đạt 5 tiêu chí khá quan trọng đối với một cơ sở giáo dục ĐH. Đó là: Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá; Yêu cầu đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên; Yêu cầu mức độ đáp ứng của thư viện, thư viện điện tử; Có đủ diện tích đất và diện tích mặt bằng tổng thể phục vụ cho hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Trong các tiêu chí này, về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ của các cơ sở giáo dục còn thấp hơn so với yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục ĐH còn thiếu giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi vượt quá quy định. Còn nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm. Vẫn còn tình trạng "cơm chấm cơm" khi còn một số trường phân công giảng viên trình độ cử nhân, ĐH giảng dạy lý thuyết. Đặc biệt, tỷ lệ nghiên cứu khoa học/giảng viên còn thấp, chưa trích đủ kinh phí từ học phí dành cho nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Khó khăn khi kiểm định
Tại hội nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH được tổ chức vừa qua, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ: "Chúng tôi đi kiểm định các trường, cấp chương trình thấy rất đau lòng về công tác đảm bảo chất lượng bên trong. Các trường vẫn còn nhiều thầy cô không rành, không hiểu, không làm được theo chuẩn đầu ra. Điều này khá gay go vì dù chi tiết nhỏ nhưng công tác đảm bảo chất lượng bên trong rất quan trọng lại chưa biết mà cứ chạy theo các mục tiêu khác". PGS.TS Hội Nghĩa nhìn nhận, nếu giao quyền tự chủ mà không giám sát thì rất nguy hiểm.
TS. Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: "Có nhiều thông tin quan trọng lại không được các trường công bố. Chúng tôi gặp một số khó khăn khi đi làm kiểm định viên, ví dụ tỷ lệ sinh viên có việc làm công bố nhiều hơn 99% nhưng không biết chính xác không".
Sắp tới, theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp giai đoạn 2011-2020, việc thực hiện Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT làm căn cứ cho việc xây dựng Đề án phát triển hệ thống kiểm định chất lượng ĐH sau năm 2020. Hiện nay, cả nước có 5 trung tâm kiểm định ĐH. Trong đó, có 3 trung tâm đặt tại 2 ĐH Quốc gia, ĐH Đà Nẵng và trường ĐH Vinh và 1 trung tâm thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
Từ kết quả kiểm định, có thể thấy, những bất ổn nội tại trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam đã được bộc lộ khá rõ nét.
NGHIÊM HUÊ
Theo PLO
Giáo dục đại học ngày càng hướng đến chất lượng Điểm chuẩn trúng tuyển của một số trường đại học top trên công bố năm nay cao hơn năm 2018 ở nhiều nhóm ngành từ 1 - 2 điểm. Đặc biệt khối ngành khoa học cơ bản và sư phạm ở một số trường có những biến động tăng ít nhiều từng ngành. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điều này hoàn...