Thánh tiết kiệm tuổi 71: Ăn cơm với nước trà, giấy vệ sinh chỉ lấy 20cm mỗi lần, học được 9 bí quyết này bạn sẽ có của ăn của để
Nếu bạn cảm thấy rằng mình không thể tiết kiệm tiền thì thử xem mình có học hỏi được bí quyết nào từ bà Ogasawara không nhé!
Trong 2 năm qua, đại dịch đã khiến nhiều người trở thành thất nghiệp, thu nhập giảm đáng kể. Mọi người bắt đầu tìm cách để giảm chi tiêu trong giai đoạn khó khăn này và cũng vì vậy mà từ khóa “tiết kiệm” trở thành từ được tìm kiếm rất nhiều trên Internet.
Ở Nhật Bản, có một “ thánh tiết kiệm”. Bà năm nay đã 71 tuổi, sống ở thủ đô Tokyo, tên Yoko Ogasawara, người khẳng định rằng mình chỉ xài có 1.000 yên/ngày (hơn 200.000 đồng) trong suốt 40 năm qua. Chúng ta đều biết rõ giá cả ở Nhật Bản đắt đỏ như thế nào. Chỉ một tô mì ramen bình thường thôi đã có giá 600 yên rồi (khoảng 123.000 đồng). Vậy nên bà có lối sống vô cùng tiết kiệm.
Ngoại trừ như chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền điện nước… mỗi tháng bà chỉ tiêu 31.000 yên (hơn 6,3 triệu đồng). Trong khi đó một người bình thường sẽ cần khoảng 73.705 yên mỗi tháng (hơn 15 triệu đồng).
Thế nên chẳng có gì là lạ khi bà rất nổi tiếng ở Nhật Bản trong vấn đề tiết kiệm chi tiêu. Bà có những bí kíp tiết kiệm tiền rất độc đáo và dù nhiều người bảo rằng bà keo kiệt nhưng bà lại cảm thấy thoải mái với cách này của mình.
Bà Yoko Ogasawara
Bà không chỉ chia sẻ bí quyết của mình trong những cuộc phỏng vấn trên tạp chí mà thậm chí, bà còn xuất bản sách dạy mọi người cách tiết kiệm tiền.
Gần đây, lần đầu bà xuất hiện trên truyền hình để chia sẻ về 9 bí kíp tiết kiệm trong suốt những năm vừa qua. Nếu bạn cảm thấy rằng mình không thể tiết kiệm tiền thì thử xem mình có học hỏi được bí quyết nào từ bà Ogasawara không nhé.
1. Pha trà trong tách và ăn cơm với nước trà
Chúng ta thường sử dụng ấm pha trà và sau đó rót vào tách để uống. Nhưng bà Ogasawara lại pha trà trực tiếp trong tách để tiết kiệm chi phí rửa ấm. Không chỉ vậy, với lượng trà còn trong tách, bà lại tận dụng để ăn cơm. Đó là món chazuke truyền thống của Nhật Bản, giúp bà tiết kiệm được chi phí mua thức ăn.
2. Chỉ dùng giấy vệ sinh cuộn
Ở Nhật bản, khăn giấy cuộn thường chỉ dùng trong nhà vệ sinh. Nhưng với bà Ogasawara, bà chỉ dụng giấy vệ sinh cuộn trong mọi trường hợp. Theo bà, một cuộn giấy vệ sinh có thể sử dụng 300 lần, giá thành không những rẻ hơn mà còn có thể kiểm soát số lượng sử dụng. Mỗi lần dùng, bà chỉ lấy đúng 1 đoạn được cắt sẵn, tương đương với 20cm giấy. Như vậy tiết kiệm hơn nhiều so với giấy ăn thông thường.
Bà chỉ dùng 20cm giấy mỗi lần.
3. Dùng hóa đơn để ghi chú thay cho tờ giấy note
Bà không bao giờ vứt đi những tờ hóa đơn sau khi mua sắm mà luôn gom góp lại. Mặt giấy trắng sẽ được sử dụng để ghi chú những điều cần thiết. Vậy là bà cũng tiết kiệm được một khoản không cần thiết.
Video đang HOT
4. Cắt đôi vỏ đựng sản phẩm để tiếp tục sử dụng
Những sản phẩm được chứa trong ống như sữa rửa mặt, kem đánh răng, kem dưỡng da tay… khi đã dùng hết thì bà sẽ cắt đôi ra để tận dùng phần còn sót lại trong đó. Nhiều người trên thế giới cũng áp dụng cách này, nhưng bạn đừng để quá lâu mà sau khi cắt rồi, cố gắng dùng nhanh nhất có thể nhé.
5. Sử dụng tờ rơi quảng cáo thức ăn thay cho tấm trải bàn
Thay vì dùng khăn trải bàn sẽ tốn chi phí để mua và vệ sinh, bà sẽ dùng tờ rơi quảng cáo thức ăn để thay thế. Như vậy sẽ tiết kiệm tiền nước, xà phòng để vệ sinh khăn trải bàn. Bà Ogasawara cho rằng việc vừa ăn và vừa xem quảng cáo thức ăn như vậy thì dù là ăn một bữa ăn đơn giản, bà cũng sẽ thấy như mình đang dùng bữa rất thịnh soạn.
6. Lên kế hoạch mua sắm và “lướt” đi thật nhanh
Khi cần mua sắm, bà sẽ ghi trước danh sách những món cần mua, sau đó đến đúng quầy lấy sản phẩm đó rồi nhanh chóng quay ra tính tiền. Nhiều người có thói quen đến trung tâm mua sắm, siêu thị để chơi chứ không có mục đích mua, nhưng rồi cuối cùng họ cũng ra về với nhiều hàng hóa trên tay. Do đó, theo bà, có kế hoạch mua và đi thật nhanh lúc trong siêu thị sẽ giúp mình lướt qua những quầy hàng không cần thiết một cách hiệu quả.
Đây là một mẹo rất thiết thực bởi vì lý do khiến nhiều người không tiết kiệm được tiền là do họ không lên kế hoạch trước, món cần thì không mua, món không cần lại mang về. Như vậy là lãng phí tiền bạc.
Ngoài ra, bà cũng kẹp sẵn một khoản tiền được phép sử dụng khi mua sắm để nhắc nhở bản thân không được tiêu xài bừa bãi. Những ai không dùng tiền mặt mà chỉ dùng thẻ ngân hàng khi mua sắm vẫn có thể áp dụng cách này. Bạn có thể chuyển số tiền được sử dụng vào 1 thẻ và dùng thẻ đó để mua sắm.
7. Trả lại 1 món trước khi thanh toán
Trước khi thanh toán ở quầy thu ngân, bà Ogasawara sẽ buộc bản thân phải trả lại 1 món trong giỏ hàng của mình. Nhờ vậy mà bà có thể tiết kiệm được thêm 1 khoản.
8. Không tốn tiền mua gia vị
Bà Ogasawara tiết lộ mình không tốn tiền mua gia vị vì bà tận dụng gói gia vị có sẵn khi ăn mì gói, natto hoặc những gói sốt miễn phí của nhà hàng.
9. Tái sử dụng
Ngoài ra, bà cũng tận dụng những thứ đã bỏ đi, tái sử dụng chúng để tạo ra những đồ dùng trong gia đình. Ví dụ như dùng quần áo cũ để làm vỏ bọc ghế, hộp đựng thức ăn từ quán ăn để thay thế cho túi đựng thực phẩm… Như vậy bà cũng tiết kiệm được kha khá.
Nhiều người cho rằng bà Ogasawara có thể sống như thế này là bởi bà có quan niệm sống đơn giản, không câu nệ hình thức. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng sống là phải vui, không cần phải tằn tiện đến thế.
Tất nhiên, không phải các bí quyết tiết kiệm tiền của bà đều phù hợp với tất cả mọi người. Bạn có thể chọn một cách nào đó thích hợp để rèn luyện tính tiết kiệm, không tiêu tiền phung phí.
Bà tin rằng, 1.000 yên cũng có thể tạo ra sự khác biệt nếu ta cố gắng mỗi ngày. Khi ta tối đa hoá giá trị của đồng tiền nhỏ thì sẽ tạo ra được khác biệt lớn.
7 lời khuyên tiền bạc giúp các gia đình vừa tiết kiệm vừa tận hưởng cuộc sống
Dù hai bạn vừa kết hôn hay đã có con, dưới đây đều là những cách tiết kiệm chi tiêu cho gia đình mà bạn nên cân nhắc.
1. Tập trung vào chi phí thực phẩm
Tìm ra cách tiết kiệm tiền khi đã có gia đình là bài toán khiến không ít người phải đau đầu, đặc biệt là các "tay hòm chìa khóa". Tiền chi cho ăn uống thường là khoản chi lớn trong sinh hoạt phí của mỗi gia đình và đó là lý do việc đầu tiên bạn nên làm là tập trung vào chi phí thực phẩm. Bằng cách lên kế hoạch trước cho các bữa ăn và thay đổi thói quen ăn uống, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền từ khoản này.
Thay vì đến bữa mới đi chợ và nghĩ xem ăn gì, sẽ tốt hơn khi các bữa ăn đều đã được bạn lên kế hoạch trước. Chỉ với một chút ít thời gian vào ngày cuối tuần, bạn có thể lên thực đơn cho tuần sau và mua sắm chỉ trong 1 lần rồi sơ chế trước.
Việc lên kế hoạch trước về các bữa ăn sẽ giúp bạn tận dụng tốt hơn nguồn thực phẩm mà mình có. Sẽ rất lãng phí khi bạn thèm ăn một món, mua đủ nguyên liệu về tự làm và sau đó để lãng phí nguồn thực phẩm còn lại. Khi lên trước thực đơn, bạn sẽ biết món gì có thể tận dụng được các nguyên liệu còn lại. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý đến việc lên thực đơn sao cho phù hợp với mùa. Các loại rau củ khi vào mùa sẽ vừa có giá phải chăng lại đảm bảo chất lượng tốt.
Khi đi mua sắm, với danh sách đã được lên trước, bạn sẽ hạn chế được việc chi tiêu bốc đồng, mua về nhà những sản phẩm không thực sự cần thiết. Bạn cũng có thể cầm theo số tiền mặt gần với số tiền mà mình dự tính trước để tránh chi tiêu quá dễ dàng.
2. Tổ chức sinh nhật đơn giản
Sinh nhật có thể là ngày khiến ví của bạn mỏng đi một cách đáng kể. Đặc biệt là khi gia đình bạn có con, tâm lý phổ biến của các ông bố bà mẹ là muốn con mình có những ngày sinh nhật thật đáng nhớ và không kém phần hoành tráng.
Hãy nhớ rằng, sinh nhật hay nhiều dịp quan trọng khác là dịp để chúng ta tạo ra những kỷ niệm chứ không phải dịp để "đốt" tiền. Con bạn có thể sẽ rất thích thú khi được tổ chức sinh nhật cùng bạn bè ở công viên, tham gia bữa tiệc trà ngoài trời rồi cùng nhau chơi các trò chơi vận động.
Nếu muốn tổ chức sinh nhật cho con với ngân sách thoải mái hơn, bạn có thể lựa chọn cách tổ chức chung tiệc với bé khác có sinh nhật trong cùng tuần để giảm chi phí hoặc đặt vào ngày thường thay vì cuối tuần...
3. "Cũ người mới ta"
Liên tục mua sắm quần áo và giày dép mới cho con cái có thể là cái bẫy khiến bạn không ngừng lãng phí tiền bạc. Sự thật là lũ trẻ nhà bạn sẽ lớn rất nhanh và đôi giày đắt đỏ mới mua hôm nay sẽ nhanh chóng không còn vừa với chân của chúng nữa.
Hãy nghĩ đến việc trao đổi sản phẩm hoặc mua những đồ đã qua sử dụng. Bạn có thể đến các cửa hàng trao đổi, bán đồ cũ hoặc lên mạng tìm kiếm để gia nhập vào các hội này.
Chỉ cần dành một buổi chiều cuối tuần rỗi rãi dể dọn lại tủ quần áo và nhà kho, bạn sẽ phát hiện có rất nhiều thứ mình đã mua mà chưa hề sử dụng đến hoặc rất ít khi dùng. Những người như bạn không hề ít và đó là lý do trao đổi hàng hóa sẽ giúp bạn vừa có đồ cần thiết để dùng lại không hề tốn kém. Biết đâu ai đó đang cần chiếc xe đẩy đang nằm trong kho của bạn và thừa một bộ bàn ghế ngoài trời mà bạn rất thích. Hãy cân nhắc xem liệu đó có phải là sản phẩm sẽ gắn bó với mình, con mình lâu dài không để quyết định mua mới hay trao đổi hay mua đồ cũ.
4. Tận hưởng những niềm vui giản dị
Các kỳ nghỉ và nhu cầu giải trí là hai bẫy ngân sách lớn đối với các gia đình. Một trong những cách giúp bạn dễ tiết kiệm nhất trong chi tiêu gia đình ở lĩnh vực này là ngừng nghĩ về chúng một cách quá cầu kỳ, phức tạp. Việc diải trí hay du lịch không cần phải quá xa hoa, tốn quá nhiều tiền để cảm thấy vui vẻ và đáng nhớ.
Sự thật là, lũ trẻ rất đơn giản và bạn có rất nhiều cách để cả gia đình có thể vui chơi, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Đó có thể là một chuyến picnic trong ngày tại địa điểm gần nhà hay đơn giản là tại một công viên nào đó. Không tốn nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo thư giãn, đây là những lựa chọn được khuyến khích cho các gia đình.
Bạn cũng có thể cho con cái đến các công viên để đạp xe hoặc đi thăm bảo tàng trong thành phố. Sẽ có rất nhiều điều thú vị chờ đợi cả gia đình cùng khám phá tại những nơi này. Những chuyến du lịch cũng có thể được thay bằng chuyến về quê hay vui chơi trong ngày tại công viên nước.
5. Lên kế hoạch trước cho kỳ nghỉ
Chúng ta ngày càng quen thuộc với các kỳ nghỉ định kỳ mỗi năm. Đó có thể là chuyến du lịch trong và ngoài nước, chuyến đi thăm người thân... Nếu bạn đang nghĩ về các cách tiết kiệm hiệu quả cho gia đình, hãy chuẩn bị cho kỳ nghỉ sớm để tránh "nước đến chân mới nhảy".
Bằng cách lên trước kế hoạch về thời gian, địa điểm dự định đi, bạn có thể tiết kiệm được kha khá tiền vé máy bay và phòng khách sạn nhờ đặt trước. Hãy nhớ, số tiền chi cho các kỳ nghỉ cần nằm trong ngân sách, đã được lên kế hoạch trước.
Nhiều người có sở thích du lịch cho lời khuyên rằng bạn nên tiết kiệm ở một tài khoản riêng cho nhu cầu du lịch, giải trí và dự trù khoản tiền nhất định mình sẽ chuyển ngay vào đó sau mỗi kỳ lấy lương. Bằng cách này, bạn có thể yên tâm tận hưởng những kỳ nghỉ mà không sợ chúng đang khiến bạn trở nên khó khăn về tiền bạc. Đơn giản là bởi, tất cả đã nằm trong kế hoạch của bạn và được chuẩn bị trước.
6. Giảm chi phí ở nhà
Một trong những khoản chi lớn nhất của những người đã có gia đình chính là ngôi nhà. Đây là nơi thậm chí có thể "đốt" hết những gì mà bạn và người thân đã tiết kiệm được. Chính vì vậy, cắt giảm chi phí dành cho khoản này có thể giúp bạn rủng rỉnh hơn.
Chỉ với một vài thao tác đơn giản, bạn có thể thực hiện việc tiết kiệm hóa đơn tiền điện. Bạn có thể cài đặt bộ điều chỉnh nhiệt tự động để giảm chi phí làm mát và sưởi ấm, tắt máy lạnh khi không cần thiết. Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, quạt trần hay rút phích cắm các thiết bị khi không sử dụng sẽ giúp bạn giảm chi phí phải thanh toán mỗi tháng cho tiền điện.
Nếu bạn muốn làm một điều gì đó quyết liệt hơn, hãy nghĩ đến việc giảm quy mô ngôi nhà mình đang ở hoặc cho thuê những phần diện tích không sử dụng đến. Rất có thể con bạn đang còn nhỏ, chưa có nhu cầu sử dụng đến phòng riêng và bằng cách cho thuê nó, bạn có thể nhanh chóng thu về một khoản đều đặn. Đừng để bạn và gia đình rơi vào tình trạng kiệt quệ vì nhà cửa, hãy sống dưới mức thu nhập của mình.
7. Nói chuyện về ngân sách và tiết kiệm với con cái
Học cách về tiết kiệm tiền bạc trong gia đình không nên chỉ là điều dành cho các ông bố bà mẹ. Bạn hoàn toàn có thể cung cấp cho con cái những bài học đơn giản và gần gũi nhất về ngân sách, về tiết kiệm.
Chúng không cần thiết phải hiểu về những định nghĩa phức tạp song nên hiểu một cách cơ bản chi tiêu và tiết kiệm. Những gì lũ trẻ được học được về tiền bạc từ khi còn nhỏ có thể hữu ích sau này, giúp chúng có nền tài chính vững chắc, đặc biệt là sau khi lập gia đình.
Hãy nắm ngay 9 "thủ thuật" khó ngờ này của siêu thị để tiết kiệm thêm tiền khi đi mua sắm Bạn có biết rằng siêu thị luôn có một số thủ thuật khiến khách hàng chi nhiều tiền hơn hay không? Đi siêu thị là một trong những việc mà chúng ta làm thường xuyên để mua các mặt hàng thiết yếu. Vào mua sắm rất nhiều lần nhưng bạn có biết rằng siêu thị luôn có một số thủ thuật khiến khách...