Thành tích đáng nể của lớp học trường làng Hà Tĩnh trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh
Với 7/7 em tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2021-2022 đều đạt giải, trong đó có 2 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích, lớp 12A6 – Trường THPT Cẩm Xuyên ( Hà Tĩnh) đã làm nên “kỳ tích” cho ngôi trường “làng” ở huyện Cẩm Xuyên.
Video: Cô Phan Thị Mỹ Châu chia sẻ về thành tích của lớp
Cô Phan Thị Mỹ Châu – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 cùng các em học sinh say mê trong tiết học Lịch sử.
Mấy ngày nay, niềm vui về kết quả của kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 vẫn trên từng gương mặt giáo viên và các em học sinh lớp 12A6 (lớp chuyên Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), Trường THPT Cẩm Xuyên (đóng tại xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên).
Cô Phan Thị Mỹ Châu – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 tự hào cho biết: “Gắn bó với lớp trong suốt 3 năm học, tôi biết rằng, thành quả ngày hôm nay là cả chuỗi ngày dài phấn đấu không mệt mỏi của các em và thầy, cô giáo trong trường. Tôi rất vui và tự hào trước kết quả xuất sắc mà 7 em đã đạt được. Đó là một thành tích cực kỳ đáng tự hào…”.
Em Nguyễn Phương Liên – đạt giải nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.
Có thể nói, kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2021 – 2022 đã để lại nhiều cảm xúc khó quên cho các thành viên lớp 12A6 tham gia các đội tuyển Văn – Sử – Địa. Với em Nguyễn Phương Liên, niềm vui dường như được nhân lên bởi em đã giành được giải nhất môn Ngữ văn, một trong những mục tiêu cao nhất Liên đặt ra khi được điền tên vào đội tuyển. Phương Liên bộc bạch: “Em vui lắm, đến tận bây giờ vẫn nghĩ như mình đang mơ vậy. Kết quả đó đã giúp em tự tin hơn trong hành trình thực hiện ước mơ được trở thành luật sư của mình”.
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Phương Liên cho biết: “Để học tốt môn Ngữ văn, ngoài kiến thức ở lớp và trao đổi với cô giáo, mỗi ngày, em giành thêm 2 – 3 tiếng để học thêm ở nhà, tự mày mò trên internet để tìm kiếm bài học mới lạ. Ngoài ra, em còn đọc thêm các loại sách tham khảo, các bộ đề thi học sinh giỏi năm trước để làm được nhiều dạng đề khác nhau”.
Bằng sự chăm chỉ, say mê học tập của mình, em Trần Thị Ngọc Hiền đã mang về giải nhất môn Lịch sử
Trong mùa thi học sinh giỏi tỉnh năm nay của lớp 12A6, các môn Ngữ văn và Lịch sử có 4 em đạt giải, trong đó 2 giải nhất, 2 giải nhì. Kết quả này được làm nên không chỉ bằng kiến thức, quyết tâm mà còn ở tinh thần vượt khó của mỗi thành viên trong đội.
Hoàn cảnh gia đình vất vả, đông anh chị em, bố mẹ làm nông nên sau mỗi giờ học em Trần Thị Ngọc Hiền thường phụ giúp bố mẹ việc nhà. Dẫu vậy, em vẫn luôn nỗ lực học tập để đạt được kết quả cao qua các năm học, nổi bật là giải nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua.
Ngọc Hiền cho hay, em bắt đầu chú ý đến môn Lịch sử từ năm lớp 9, nhưng ban đầu cũng chỉ đơn giản là thích mà thôi. Niềm đam mê, sự cuốn hút của môn học này với em thực sự bắt đầu từ năm lớp 10 – khi em được chọn vào lớp chuyên Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
“Lịch sử đã đưa em về với cội nguồn, bồi đắp cho em lòng tự hào về truyền thống của đất nước. Để đạt được thành tích cao ở bộ môn “kén” người học này, em thường xuyên theo dõi chương trình thời sự, cập nhật tin tức về những biến động của tình hình trong nước, thế giới. Từ đó, tích lũy được nhiều kiến thức để vận dụng vào các bài thi”, Ngọc Hiền chia sẻ.
Em Võ Đình Khoa, giải Nhì môn Lịch sử thường xuyên trao đổi bài với bạn để tích lũy thêm kiến thức.
Với em Vũ Đình Khoa, giải Nhì môn Lịch sử cấp tỉnh năm nay là kết quả của sự quan tâm, động viên của các thầy cô giáo và sự kỳ vọng, tin tưởng của bố mẹ. Chính điều đó đã giúp em hoàn thành được mục tiêu, đem “quả ngọt” về cho lớp và trường.
Cô Phan Thị Mỹ Châu cho biết: “Các em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua hầu hết là con em nông dân, trong đó nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Để chia sẻ với các em, thắp sáng ngọn lửa hiếu học, các thầy cô giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là chỗ dựa tinh thần cho các em trong những lúc khó khăn.
Từ sự chia sẻ đó, mỗi một học sinh nơi đây đều quyết tâm thực hiện mục tiêu mở cánh cửa tương lai bằng con đường kiến thức. Những thành quả này, cũng là cách để giáo viên, học sinh Trường THPT Cẩm Xuyên cải thiện đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra”.
Sự đồng hành, sẻ chia của thầy cô giáo chính là niềm động viên to lớn để các em học sinh 12A6 chiến thắng trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua.
Trần Thị Ngọc Hiền – giải nhất môn Lịch sử
Nguyễn Phương Liên – giải nhất môn Văn học
Vũ Đình Khoa – giải nhì môn Lịch sử
Nguyễn Thị Diễm Quỳnh – giải nhì môn Văn học
Nguyễn Thị Hải Yến – giải ba môn Địa lý
Nguyễn Thị Thảo – giải khuyến khích môn Địa lý
Nguyễn Thị Hồng – giải khuyến khích môn Địa lý
Nhận xét về thành tích mà đội ngũ giáo viên bồi dưỡng và các em học sinh lớp 12A6 đạt được, cô Đào Phương Lan – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Xuyên chia sẻ: “Kết quả đặc biệt của tập thể lớp 12A6 đạt được trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua chính là món quà, động lực để khích lệ tinh thần phấn đấu cho các đội tuyển lớp 10, 11 sắp tới. Đội ngũ sư phạm nhà trường sẽ tiếp tục chèo lái, tâm huyết, để cùng các em chiếm lĩnh những mốc chiến thắng mới”.
Trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm nay, Trường THPT Cẩm Xuyên đã giành thắng lợi lớn với tổng số 17/19 em học sinh đạt giải (đạt tỉ lệ 88,9%). Trong đó có 3 giải nhất, 2 giải nhì, 8 giải ba và 4 giải khuyến khích. Đây cũng là kết quả cao nhất về thành tích mũi nhọn mà trường đã đạt được từ trước tới nay.
Bộ Giáo dục nên học cách tổ chức thi cử và quản lý bằng cấp như IELTS
Ngành giáo dục nên có cách thức tổ chức các kì thi ngoại ngữ nói riêng, các kì thi khác nói chung, minh bạch và có phương thức quản lý bằng cấp, chứng chỉ.
Thời gian qua, chuyện học sinh học và thi IELTS nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, đã được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 12 và 13/QĐ-SGDĐT ngày 7/1/2022 về việc đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh năm học 2021 - 2022 cho 77 em có chứng chỉ quốc tế các môn tiếng Anh và tiếng Pháp lớp 12.[1]
Ở môn tiếng Anh, trong số 73 học sinh được công nhận học sinh giỏi tỉnh năm học 2021 - 2022 có 9 em đạt 8.0 điểm IELTS, tương đương với giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh; 30 em đạt 7.5 điểm IELTS, tương đương với giải nhì học sinh giỏi tỉnh; 34 em đạt 7.0 điểm IELTS, tương đương với giải ba học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh.
Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm học 2022 - 2023 đã sử dụng IELTS để xét tuyển, trong phương án tuyển sinh.
Đừng lo ngại học sinh học lệch vì thi IELTS
Thực tế, gần 40 năm dạy học, người viết thấy những học sinh phổ thông dám học và thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, xứng đáng nhận được sự khen ngợi của xã hội.
Những học sinh phổ thông dám thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, học không vì điểm số, thành tích, mà các em học vì đam mê, có mục tiêu rõ ràng.
Điều này khác biệt với không ít học sinh của chúng ta đang học ngoại ngữ vì thành tích, điểm số chứ không phải vì phát huy năng lực ngoại ngữ.[2]
Những học sinh phổ thông dám học và thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung là những học sinh có ý thức tự học.
Để có kết quả thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, ngoài học bên ngoài... nhưng cơ bản nhất, học sinh phổ thông phải tự học là chủ yếu.
Phiếu thu lệ phí thi IELTS. (Ảnh chụp màn hình)
Có người cho rằng, do lệ phí thi IELTS (4.750.000 đồng) quá cao so với mức thu nhập của người dân Việt Nam, nên học sinh chúng ta không tham gia thi, chỉ gia đình có khả năng mới cho con thi IELTS, nên sử dụng IELTS trong xét tuyển sinh đại học là không công bằng.
Hoàn toàn không phải vậy, ngày 15/01/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND về việc quy định chế độ khuyến khích tài năng cho học sinh trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông và các trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo quy định, những học sinh trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông và các trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi đạt được chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế (IELTS, TOEFL, CEFR) sẽ được thưởng từ 5 - 8 triệu đồng.[3]
Theo đó, chỉ cần học sinh phổ thông đạt IELTS 5.0, là có tiền thưởng 5.000.000 đồng, như vậy là thu bù chi, hay nói cách khác "hòa vốn".
Thế nhưng, số học sinh phổ thông trung học tham gia thi IELTS không nhiều, ngay tại huyện Xuyên Mộc, nơi người viết công tác, hàng năm số học sinh thi IELTS chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đừng lo ngại học sinh học lệch vì thi IELTS, những học sinh thi IELTS là những học sinh có ý thức tự học, biết làm chủ bản thân, chắc chắn các em sẽ biết mình cần học cái gì cho cuộc đời mình.
Bằng cấp, chứng chỉ, thi cử, chúng ta nên học theo cách tổ chức thi IELTS
Không phải ngẫu nhiên các trường đại học sử dụng IELTS làm tiêu chí xét tuyển sinh, học đại học cần phải có ý thức, năng lực tự học, sử dụng IELTS làm tiêu chí xét tuyển sinh, tức là đã tuyển được sinh viên đầu vào có năng lực, ý thức tự học.
Bên cạnh đó, các loại bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta có thể đều bị làm giả, hay học giả bằng thật, từ bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ... cho đến chứng chỉ nghề Tin học, với IELTS, không có chuyện đó. Chỉ vài cú kích chuột, có thể kiểm chứng ngay chứng chỉ IELTS thật hay giả.
Cách thức tổ chức thi IELTS minh bạch, không thể "chạy", loại bỏ hoàn toàn "học giả bằng thật"; ngoài ra, tổ chức thi IELTS cũng đóng góp vào ngân sách, khi lệ phí có 10% VAT.
Thầy Ph. một giáo viên dạy Anh ngữ (đề nghị giấu tên) cho biết: "Đề thi IELTS không thể "học tủ", "dạy tủ", chỉ có thể học hiểu, rèn luyện đầy đủ kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, mới có thể làm tốt.
Chỉ riêng nội dung đề thi IELTS, nó đã toát lên được nội hàm của cách dạy, cách học, định hướng được phương pháp dạy, phương pháp học: rèn luyện, phát huy phẩm chất, năng lực của người học, điều mà giáo dục chúng ta đang hướng tới trong môn ngoại ngữ nói riêng và giáo dục nói chung".
Điều đặc biệt hơn, chứng chỉ IELTS chỉ có giá trị 02 năm, khác với các chứng chỉ ngoại ngữ "nội" có giá trị trọn đời.
Sau 2 năm, chứng chỉ IELTS không còn tác dụng, học sinh phổ thông bắt buộc phải ôn luyện, tự học trọn đời, không tự mãn, tự kiêu, ỷ lại, nhờ đó chúng ta có một nguồn nhân lực ngoại ngữ chất lượng cao.
Trong lúc đó, ở nước ta, ngay "Bằng tiến sĩ lưỡng dụng: "vừa tiến vừa... sĩ"" [4]. Học sinh phổ thông thi IELTS mà không thi các chứng chỉ "ngoại ngữ nội", dù những chứng chỉ đó có giá trị trọn đời, điều đó cũng phản ánh phương thức tổ chức thi, quản lý chứng chỉ có vấn đề, phải sửa đổi cho phù hợp.
Vì thế, ngành giáo dục nên có cách thức tổ chức các kì thi ngoại ngữ nói riêng, các kì thi khác nói chung, minh bạch, có phương thức quản lý bằng cấp, chứng chỉ không thể làm giả, người viết tin rằng, các trường đại học sẽ dùng chứng chỉ B1, B2 xét tuyển như IELTS, chứ không phải "ưu tiên" nữa.[2]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://baohatinh.vn/giao-duc/77-hoc-sinh-ha-tinh-duoc-dac-cach-cong-nhan-hoc-sinh-gioi-tinh-lop-12/225496.htm
[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cac-truong-dai-hoc-nen-uu-tien-xet-tuyen-chung-chi-b1-b2-thay-vi-ielts-post223723.gd
[3]https://bariavungtau.gov.vn/sphere/baria/vungtau/page/print.cpx?uuid=5b9096325256891b87b84d93
[4]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/bang-tien-si-luong-dung-vua-tien-vua-si-post216629.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giành điểm 10 môn Sinh học, nữ sinh Hà Tĩnh ước mơ trở thành bác sỹ Xuất sắc giành điểm 10 môn Sinh, Toán 9,4 và Hóa 9,25 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em Nguyễn Thị Thảo Linh - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã chạm ước mơ trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Ngoài tập trung lắng nghe những bài giảng của thầy cô ở trên...