Thanh thản như… thi vào đại học
Mùa tuyển sinh 2019, một số trường ĐH đã thông báo chỉ xét học bạ phổ thông để tuyển/sơ tuyển vào trường. Khi tất cả các trường ĐH đều áp dụng hình thức này, mọi áp lực thi cử sẽ được xóa bỏ.
Chỉ có điều mỗi cơ sở giáo dục cũng như mỗi gia đình, học sinh, cần xây dựng ý thức để duy trì những ưu điểm của hình thức tuyển sinh này, tránh để xảy ra những biến tướng khiến những đổi mới tiến bộ không thể tiếp tục.
Mùa thi THPT Quốc gia 2019, cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi. Ngành giáo dục đã huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi. Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 70,2%, nghĩa là gần 30% thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp phổ thông.
Tới giờ này, sự an toàn và nghiêm túc của kỳ thi đã được ghi nhận. Còn những vất vả, tốn kém về vật chất, sự căng thẳng của cả ngành giáo dục cũng như thí sinh và gia đình, vẫn là điều chưa đong đếm hết. Điều đó cho thấy công tác tổ chức của kỳ thi vẫn cần tiếp tục được đổi mới, để đạt được tất cả các mục tiêu.
Thí sinh thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: TTXVN
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia, còn phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng thuộc về quyền tự chủ của các trường. Song song với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển, một số đại học, trường đại học xét tuyển học bạ 2019 để tuyển sinh đầu vào. Thống kê sơ bộ của các kênh tuyển sinh cho thấy có trên dưới 100 trường sử dụng hình thức xét tuyển học bạ. Có trường xét tuyển điểm của cả 3 năm học THPT hoặc tương đương, có trường xét điểm của 2 năm, cũng có trường chỉ xét tuyển đối với kết quả học tập của thí sinh ở năm lớp 12. Có trường xét học bạ để tuyển toàn bộ chỉ tiêu, có trường chỉ xét 50%, có trường 30%. Đa số các trường xét để tuyển thẳng thí sinh vào trường, và cũng có một số trường xét để duyệt vòng (tạm gọi là) sơ khảo, và tổ chức các hình thức kiểm tra thêm phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo, ví dụ các trường nghệ thuật, kiến trúc, báo chí…
Điều đáng mừng là không chỉ các trường dân lập, trường “top dưới” sử dụng hình thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh. Có những trường công lập, (trong đó bao gồm cả trường top đầu) cũng áp dụng hình thức xét tuyển này, như trường ĐH Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (điều kiện sơ tuyển), ĐH Hàng hải, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp…; các trường ĐH vùng, đại học địa phương, các trường/khoa/phân hiệu thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Kon Tum, và cả Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
Việc các trường ĐH xét tuyển học bạ để tuyển sinh là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy xu hướng tuyển sinh vào ĐH của Việt Nam đã bắt đầu bắt nhịp được với thế giới. Nhiều trường ĐH danh giá của Mỹ, Anh, Úc… từ lâu đã áp dụng hình thức tuyển sinh này, và chất lượng đào tạo, sản phẩm đào tạo của họ là các sinh viên ra trường, đều được đánh giá cao. Điều này cho thấy “đầu vào”, dù rất quan trọng, nhưng quá trình đào tạo và công tác kiểm định ở “đầu ra” trong dây chuyền giáo dục mới thực sự là yếu tố quyết định. Thêm vào đó, khi chỉ sử dụng hình thức xét học bạ, các trường ĐH đã thể hiện quyết tâm góp phần làm giảm bớt gánh nặng thi cử cho xã hội, tạo thêm cơ hội cho nhiều thí sinh được tiếp cận giáo dục bậc cao, đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào quá trình phấn đấu của học sinh phổ thông cũng như công tác giảng dạy, quản lý giáo dục ở cấp phổ thông của các trường cấp III, các Sở giáo dục địa phương. Điều này cũng cho thấy chủ trương “tự chủ” của các trường ĐH đã ngày càng được phát huy ở khía cạnh thiết thực nhất cho người học và cho công tác quản lý.
Những ưu điểm của hình thức tuyển sinh dựa trên xét tuyển học bạ đã được nhìn nhận rõ. Nhiều gia đình thí sinh đã thực sự tìm thấy một “lối đi” nhẹ nhàng cho việc thi vào Đại học. Điều này cũng có giá trị động viên rất lớn, khích lệ tinh thần nỗ lực của học sinh phổ thông, động viên các em có kế hoạch phấn đấu suốt quá trình học cấp III. Hiện nay, nhiều học sinh phổ thông đã bắt đầu cho những kế hoạch như vậy, ví dụ việc tập trung ôn luyện ngoại ngữ để thi lấy chứng chỉ quốc tế, trước quy định chứng chỉ này có thể giúp thí sinh không phải thi tốt nghiệp ngoại ngữ, và một số trường ĐH uy tín, ví dụ ĐH Ngoại thương, chính thức áp dụng phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập bậc phổ thông.
Tất nhiên, quy định nào cũng tồn tại những kẽ hở. Thực tế, giáo dục phổ thông trên toàn quốc còn chưa đạt được một mặt bằng chung. Còn khoảng cách giữa đồng bằng, thành thị với các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng còn những vấn đề như công tác thi, kiểm định chất lượng giáo dục chưa thực sự đảm bảo ở 100% các trường, các địa phương. Nhiều cá nhân “lo xa” còn tính ngay tới khả năng có sự “luồn lách”, để thí sinh có được bảng điểm, học bạ “đẹp”. Điều này không ai dám nói trước, bởi từ quá khứ, Bộ GD- ĐT cũng đã từng áp dụng rồi lại phải huỷ hình thức “tuyển thẳng” vào đại học với học sinh phổ thông có kết quả học tập xuất sắc.
Thực tế đó, một lần nữa đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý giáo dục. Phải làm gì, để kết quả học tập của mỗi trong số hàng triệu học sinh phổ thông trên toàn quốc được đảm bảo chính xác, chuẩn mực, nhằm tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh? Làm sao, để mỗi cuốn học bạ có thể chắc chắn phản ánh chính xác thực lực của thí sinh, như những chứng chỉ quốc tế? Giải được câu hỏi này, chắc chắn cần sự chuyển mình hơn nữa của cả hệ thống giáo dục, từ công tác giảng dạy, chấm điểm, kiểm định chất lượng… trong từng trường, từng địa phương; tới việc thay đổi các cách thức giảng dạy phổ thông, hướng tới cấp chứng chỉ cho mọi môn học, cấp học như cách mà nền giáo dục của nhiều nước tiên tiến đang áp dụng. Làm được như vậy, không chỉ bản thân việc thi cử của thí sinh trở nên nhẹ nhàng, mà bản thân quá trình học tập của các học sinh cũng sẽ được giảm tải. Mỗi gia đình, mỗi học sinh, mỗi thời điểm đều có thể lựa chọn hình thức, tốc độ, môi trường học tập (gồm cả học tại trường hoặc homeschooling) phù hợp. Việc học tập sẽ thật sự nhẹ nhàng, cũng như việc bước vào các cổng trường đại học sẽ không còn áp lực quá căng thẳng, mà thanh thản theo đúng năng lực và khả năng của mỗi thí sinh, mỗi gia đình.
Đổi mới cách thức tuyển sinh ĐH, CĐ cũng góp phần thay đổi phương pháp dạy và học theo hướng tích cực. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Lộ trình cho việc “thanh thản vào đại học” đã và đang được ngành giáo dục khởi động, bắt đầu bằng những trường đại học đầu tiên xét tuyển trên kết quả học tập bậc phổ thông. Sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục chuyển đổi, đổi mới công tác thi và tuyển sinh, sao cho đạt được đích đến cuối cùng. Tất nhiên, trên hành trình đó, không chỉ cần sự tham gia của các giáo viên, các cơ sở giáo dục, mà còn cần ý thức của chính mỗi gia đình, phụ huynh và học sinh. Hãy hưởng ứng những chủ trương, những lộ trình tích cực bằng sự tin tưởng và trung thực, để ngành giáo dục yên tâm duy trì những ưu điểm của hình thức tuyển sinh này, tránh để xảy ra những biến tướng khiến những đổi mới tiến bộ không thể tiếp tục.
Thuỳ Hương
Theo Báo Tin tức
Những yêu cầu mới về nhân lực fintech
Lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) đang thiếu nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin đồng thời thành thạo nghiệp vụ tài chính kinh doanh.
Một số trường đại học đã đưa vào chương trình đào tạo những nội dung liên quan để đáp ứng nhu cầu của người học và các nhà tuyển dụng tương lai.
Ngành fintech đang cần nhân lực vừa am hiểu kiến thức tài chính vừa nắm vững những kỹ năng công nghệ cần thiết. Ảnh: Pinterest
Lưu Hà Thanh Anh (18 tuổi) vừa đậu tốt nghiệp lớp 12 và chọn ngành fintech (công nghệ tài chính) để theo học bậc đại học. Quyết định này đến từ lần Thanh Anh tham gia một cuộc thi nhỏ về khởi nghiệp (startup) với bạn bè vào năm 2018. Nhờ trải nghiệm này, Thanh Anh đã nhận được nhiều lời tư vấn về thương mại điện tử và về lập trình, hai mảng quan trọng trong ngành fintech. Từ đó em có được hiểu biết ban đầu về vai trò của ngành fintech và chọn nó làm ngành học để theo đuổi.
Nhu cầu nhân lực đang hình thành
Vài năm gần đây, số lượng những bạn trẻ thích fintech như Thanh Anh đang ngày càng gia tăng. Tuy vậy, nhân lực trong ngành mới mẻ này vẫn còn thiếu. Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe chia sẻ, vấn đề hiện nay về nhân lực cho ngành fintech là người biết về công nghệ thông tin (CNTT) thì thường không có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngược lại người biết tài chính thì không am hiểu CNTT.
Hệ quả là nhân lực chỉ giỏi CNTT mà không có kiến thức tài chính sẽ không đạt hiệu quả công việc trong lập trình ứng dụng về fintech. Ngược lại, nhân sự cấp cao có chuyên môn về tài chính ngân hàng thường quyết định chậm hoặc sai lầm khi đầu tư về công nghệ do ít am hiểu về CNTT. Cuối cùng, khi yêu cầu trình độ nhân lực trong ngành fintech dần nâng cao thì những nhân viên, lãnh đạo cũ, không thông thạo cả hai mảng CNTT và tài chính sẽ khó trụ vững trong ngành.
Trên thực tế, không chỉ những ai chọn ngành fintech mới phải học thêm về công nghệ. Các tập đoàn lớn đang số hóa quy trình làm việc cũng có nhu cầu về người am hiểu cả tài chính và công nghệ. Báo cáo của Hiệp hội kế toán viên quốc tế (ACCA) cho thấy nhu cầu sử dụng nhân lực ngành tài chính sắp tới sẽ cần thêm một số kỹ năng mới liên quan đến công nghệ. Hiện nay, các công ty vẫn phải thuê ngoài các chuyên viên về big data (dữ liệu lớn) và lập trình. Tuy vậy, họ đang có nhu cầu tuyển các vị trí về tài chính, thuế và quản lý nắm vững về công nghệ. Trong tương lai gần, nhân viên trong ngành tài chính sẽ phải hiểu được một số mảng của ngành công nghệ thông tin để cùng làm việc với bộ phận kỹ thuật khi cần phát triển thêm phần mềm.
Giải pháp từ ngành giáo dục đào tạo
Các cơ sở giáo dục đào tạo đã nắm bắt được nhu cầu của nguồn nhân lực fintech và cho ra đời các chương trình đào tạo phù hợp. Chương trình học fintech chủ yếu đào tạo về ngành tài chính ngân hàng kèm thêm thời lượng lớn cho các môn về lập trình của ngành công nghệ thông tin. Đơn cử như chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao Công nghệ tài chính của trường Đại học Kinh tế-Luật TPHCM dành 60% thời lượng để trang bị cho sinh viên về chuyên môn kinh tế, kinh doanh và tài chính-ngân hàng. Còn lại 40% thời lượng của chương trình được dành để đào tạo về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, công cụ toán học và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính để sinh viên áp dụng công nghệ vào ngành nghề. Theo thống kê của trường, các sinh viên học ngành công nghệ tài chính sẽ phù hợp với các nghề nghiệp phát triển công nghệ tài chính, quản lý tại các công ty fintech, công ty phát triển phần mềm, tổ chức tài chính.
Nhiều chuyên viên ngành ngân hàng cũng nhìn nhận nhu cầu tuyển người vừa có kiến thức tài chính ngân hàng vừa có kiến thức công nghệ. Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc công nghệ ngân hàng số của Ngân hàng Tiên Phong, chia sẻ các ngân hàng đang đầu tư nhiều nguồn lực vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (Machine learning). Do đó, ngành ngân hàng có nhu cầu cao về nguồn nhân lực fintech. Một số cơ sở cũng đã tích cực đi đầu xu thế như chương trình Cử nhân công nghệ tài chính của Viện Ngân hàng Tài chính đã cung cấp các môn công nghệ khá chuyên sâu như Lập trình căn bản, Phân tích dữ liệu tài chính qui mô lớn, Hệ thống thông tin tài chính và Nhóm phần mềm ứng dụng trong tài chính. Chương trình của Viện Ngân hàng Tài chính đi theo hướng chuyên sâu, chủ động hướng nghiệp cho sinh viên vào những vị trí cụ thể như: trưởng nhóm Mô hình rủi ro trong mảng quản trị rủi ro, chuyên viên quản lý đề án công nghệ và chuyên viên cao cấp quản trị dữ liệu tại các ngân hàng hay các công ty phát triển phần mềm. Những công việc nói trên đều là những vị trí hấp dẫn, với mức lương có thể lên tới 30-40 triệu đồng một tháng.
Tương tự, một số chương trình thạc sĩ ngành tài chính cũng đang hướng đến việc đào tạo về công nghệ dành cho nhân lực ngành fintech. Viện quốc tế Pháp ngữ liên kết với trường Đại học quản trị Normandie của Pháp mở chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Ngân hàng, Tài chính & Fintech. Ngoài những kiến thức cơ bản và chuyên sâu ngành tài chính, sinh viên của khóa thạc sĩ này cũng phải học các môn thuộc ngành công nghệ thông tin như lập trình, lập trình hướng đối tượng và phát triển ứng dụng.
Mỹ Huyền
Theo SGTT
Thí sinh chỉ được nhập học bằng một phương thức xét tuyển Thí sinh dù trúng tuyển bằng nhiều phương thức nhưng chỉ được nhập học bằng một phương thức duy nhất. Đó là quy định được thông báo trong các đơn vị thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Khả Hòa Chiều qua (11.7), một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM...