Thanh Hóa: Phòng Giáo dục biến giáo viên thành người bán sách “bất đắc dĩ”?
Đã nhiều năm qua, cứ vào đầu năm học mới là các trường tiểu học trên địa bàn huyện Yên Định ( Thanh Hóa) lại nhận một số loại sách từ Phòng Giáo dục giao về.
Tình trạng trên khiến giáo viên (GV) trở thành người bán sách “bất đắc dĩ” còn phụ huynh học sinh thì bức xúc không biết kêu ai.
Ép buộc hay tự nguyện?
Theo phản ánh của rất nhiều phụ huynh đang có con theo học cấp tiểu học trên địa bàn huyện Yên Định, nhiều năm qua họ rất bức xúc việc con đi học phải mua 5 cuốn sách do nhà trường bán ra bao gồm: Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch; Em thực hành an toàn giao thông; Bài tập thực hành kỹ năng sống và hai cuốn vở luyện viết. Giá 5 cuốn sách từ khối 1 đến khối 5 giao động từ 100-120 nghìn đồng.
“Năm nào cũng đầu năm học là chúng tôi đã phải nhận sách và đóng tiền. Có năm tôi không biết nhà trường bán sách này nên mua ở ngoài rồi nhưng nhà trường vẫn khăng khăng ép lấy cho bằng được. Trong khi đó, giá tiền những cuốn này mua ở ngoài rẻ hơn trong trường do được trừ 10% thuế còn nhà trường thì thu cao hơn giá bìa 1.000 đồng” – một phụ huynh có con học trường Tiểu học Yên Phong cho biết.
Những cuốn sách này đã được Phòng GD huyện Yên Định đưa về các trường bán cho học sinh nhiều năm qua.
Phụ huynh khác ở trường Tiểu học Định Tường bức xúc: “Trong cuộc họp phụ huynh tôi đã phát biểu tại sao lại bắt chúng tôi mua những cuốn sách này, mà sao năm nào cũng mua là sao? Chúng tôi vô cùng bức xúc nhưng nói cũng chẳng thay đổi được gì. Tình trạng nhà trường bán sách bắt học sinh mua đã tồn tại rất nhiều năm nay”.
Ngay cả một số GV tại các trường cũng không vui vẻ gì khi năm nào cũng đóng vai người bán sách “bất đắc dĩ”. “Cứ hết năm học là Phòng yêu cầu nhà trường gửi danh sách học sinh lên, sau đó đến đầu năm học, nhà trường lên phòng nhận đủ sách đủ vở về phát cho học sinh và thu tiền. Chúng tôi cũng thương học sinh nên nhiều khi vẫn trả lại nhà trường các trường hợp như hoàn cảnh khó khăn, gia đình đã mua ở ngoài hoặc anh chị học rồi để lại cho em. Tuy nhiên, không phải lớp nào GV chủ nhiệm cũng chống lại nhà trường để trả lại” – một GV trên địa bàn cho biết.
Các GV cũng bất bình việc Phòng GD huyện này đưa hai cuốn sách thực hành luyện viết vào danh mục kiểm tra vở sạch chữ đẹp không khác gì “ép” nhà trường phải nhận về bán cho học sinh.
Thầy giáo Lê Huy Biên, Hiệu phó Trường Tiểu học Yên Phong cũng xác nhận: “Mấy loại sách mà phụ huynh phản ánh là sách được nhà trường lấy từ Phòng GD&ĐT huyện. Sách này được triển khai cho học sinh toàn trường mua”.
Video đang HOT
Thầy Biên cũng cho biết không nhớ tình trạng bán sách này diễn ra từ khi nào, chỉ biết là nhiều năm qua đã triển khai.
Nhà trường được hưởng 10%, Phòng GD&ĐT được bao nhiêu?
Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh, Chuyên viên tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Yên Định cho biết: “Chúng tôi thực hiện theo toàn tỉnh, cuối năm đi tập huấn dạy mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch thì tổng công ty sách của Thanh Hóa họ thông qua Phòng Tiểu học để đến quảng bá cái này. Các phòng cũng quảng bá đến các trường. Họp phụ huynh cuối năm, phụ huynh nào muốn mua sách cho con thì đăng ký với nhà trường, nhà trường gửi danh sách lên Phòng, Phòng đăng ký về công ty sách. Công ty sách nhờ thu tiền rồi chuyển cho họ”.
Tại điểm b, mục 2.1 trong Công văn 2372-BGD về việc sử dụng tài liệu tham khảo trong trường phổ thông quy định: Các tổ chức, cá nhân thuộc sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.
Để minh chứng cho việc Phòng quảng bá, bán sách hộ cho công ty được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho phép, bà Thanh đưa ra một số công văn, văn bản. Trong đó có văn bản từ năm 2015 được in ra, không có dấu đỏ, chỉ có từ “đã ký” phía trên tên ông Hoàng Tiến Hiện, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa (hiện đã nghỉ hưu).
“Em cứ đọc hết các công văn đi, hệ thống công văn đây, chuyển để các em thấy. Có đầy đủ các loại công văn để triển khai đến, cái này hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh bảo bắt ép thì cho chúng tôi tên cụ thể để chúng tôi xuống đối chất” – bà Thanh khẳng định.
Để minh chứng cho việc bán sách đã được thông qua Sở GD&ĐT, Phòng GD huyện Yên Định cung cấp cho PV một văn bản từ năm 2015 và người đứng tên ký văn bản hiện đã về hưu.
Bà Thanh cũng phân trần việc không muốn học sinh học sách trôi nổi, làm nhái, sách được bán ở ngoài thị trường nên mới quảng bá, đưa sách của công ty đã được thẩm định của Phòng Giáo dục tiểu học.
Việc phụ huynh thắc mắc mua sách ngoài giá rẻ hơn được bà Thanh cho rằng có thể sách ở ngoài thị trường là hàng nhái, hoặc có thể đại lý lấy số lượng lớn thì trừ phần trăm. “Nhà sách họ cũng trích lại cho trường 10% nhưng chắc nhà trường không trừ cho học sinh” – chuyên viên Phòng GD&ĐT Yên Định cho biết thêm.
Để làm rõ được việc có hay không việc các nhà trường không mua hoàn toàn gần 100% sách như phản ánh, PV đề nghị bà Thanh cung cấp số liệu cụ thể số sách bán xuống từng trường. Tuy nhiên, vị chuyên viên này từ chối với lý do đang còn chờ các trường báo về số sách trả lại. “Hiện tại, tôi chưa thống kê được con số cụ thể. Năm nay công ty họ gửi về gần 10 nghìn sách Mỹ thuật Đan Mạch, còn hai loại kia khoảng 6.000-7.000 sách tuy nhiên, có nhiều trường còn trả lại”.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa khẳng định, ngoài văn bản chấn chỉnh chung, ông còn có thông báo về việc không có chuyện văn phòng Sở giới thiệu bán các loại văn phòng phẩm.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Trịnh Văn Tâm, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay từ đầu năm học 2019-2020, Sở đã có văn bản chấn chỉnh việc quảng bá, bán sách, tài liệu trong nhà trường. Nghiêm cấm phát hành thêm hồ sơ, sổ sách kể cả của GV và người học.
Ông Tâm cũng khẳng định, không có chuyện Sở có văn bản đồng ý cho Phòng quảng bá, bán sách như Phòng GD&ĐT huyện Yên Định nói. “Tôi cũng đã trao đổi với Phòng phụ trách tiểu học và được biết hai năm nay không sách vở nào, văn bản nào chỉ đạo việc này. Sở không thò tay vào phát hành sổ sách, tài liệu nào.
Công văn từ năm 2015 mà Phòng GD&ĐT Yên Định cung cấp thì hiện nay ông Hoàng Tiến Hiện (Phó giám đốc) đã nghỉ hưu và cũng không biết công văn này có đúng hay làm giả nữa vì không có dấu mà chỉ được in ra. Ngay đầu năm học, ngoài văn bản chấn chỉnh chung, tôi còn có thông báo gửi đến các phòng GD khẳng định không có việc văn phòng Sở giới thiệu bán sách, tài liệu. Nếu có người đến nói được Sở giới thiệu là giả danh” – ông Tâm cho biết.
Cũng theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT, hoạt động trong nhà trường không cho phép các các công ty vào trong nhà trường bán sách, công ty thích buôn bán thì ra cơ sở của họ buôn bán. Phòng GD thu tiền qua GV cũng không được.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Bất thường luân chuyển GV Yên Định: "Bát nháo" trường 7 lớp có 6 giáo viên dạy Ngữ văn
Việc điều động giáo viên tại Yên Định, Thanh Hóa lộn xộn, bát nháo. Dù đang thừa giáo viên nhưng huyện vẫn huy động chỉ để "đánh trống ghi tên".
Năm học 2018-2019 Trường THCS Yên Thái, xã Yên Thái, huyện Yên Định có 7 lớp nhưng có đến 4 giáo viên dạy Ngữ văn.
Theo chương trình học, mỗi tuần trường này có 30 tiết Ngữ văn (5 lớp của các khối 6; 7; 8 là 4 tiết/tuần; riêng 2 lớp khối 9 là 5 tiết/tuần). Với số tiết học này chỉ cần 2 giáo viên Ngữ văn là đủ, thế nhưng trường này có đến 4 giáo viên Ngữ văn nên buộc Ban Giám hiệu nhà trường phải phân công 1 giáo viên Ngữ văn sang làm công tác thư viên từ năm 2016 đến nay (vẫn thừa 1 giáo viên). Nhưng không hiểu vì lý do gì đầu năm học 2019-2020 huyện Yên Định tiếp tục điều 2 giáo viên dạy Ngữ văn của trường THCS Định Tường và THCS Định Liên về nhận công tác tại trường THCS Yên Thái.
Trường THCS Yên Thái nơi có đến 6 giáo viên Ngữ văn.
Cô Trịnh Thu Hường, Phó Hiệu trưởng nhà trường Trường THCS Yên Thái cho biết: Nhà trường đã báo cáo phòng giáo dục về việc thừa và tổ chức chấm điểm số giáo viên Ngữ văn để làm cơ sở huyện điều chuyển bớt đi, nhưng không hiểu sao huyện vẫn điều thêm 2 giáo viên Ngữ văn về.
"Thực tế trường vẫn có ý kiến rằng tại sao đang thừa giáo viên Ngữ văn nhưng vẫn tuyển thêm, điều này quá bất cập", ông Hường cho biết.
Trong khi bộ môn Ngữ văn dư thừa giáo viên thì huyện không chuyển đi, còn môn Địa lý trường này chỉ có 1 giáo viên huyện lại điều đi trường khác, khiến từ đầu năm học đến nay trường THCS Yên Thái trống giáo viên môn Địa lý. Nhằm lấp chỗ trống này, Ban Giám hiệu trường THCS Yên Thái buộc phải bố trí cho 3 giáo viên Ngữ văn sang dạy Địa lý.
Cô Trịnh Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường phân trần: "Mặc dù biết bố trí giáo viên Ngữ văn sang dạy địa lý là không đảm bảo chất lượng nhưng nhà trường cũng không còn cách nào khác".
Đáng nói hơn, cũng theo cô Trịnh Thu Hương, trong ngày 18/09, huyện Yên Định đã "bất thình lình" ra quyết định điều động cô Lê Thị Thu (là giáo viên môn Ngữ văn đang làm công tác thư viện tại trường THCS Yên Thái) về nhận công tác tại trường THCS Yên Giang, mặc dù cô Thu đã có đơn xin chuyển công tác từ nhiều năm nay nhưng không được xem xét. "Tại sao lại bất thình lình ra quyết định điều động đúng thời điểm này?" nhiều giáo viên đặt câu hỏi?
Trao đổi với chúng tôi, phần lớn các giáo viên đang công tác tại huyện Yên Định cho rằng, cách điều động, thuyên chuyển giáo viên tại huyện Yên Định đã và đang tồn tại nhiều bất cập, gây bất an trong tư tưởng cán bộ, giáo viên.
Trước đó, như VOV đã phản ánh, đầu năm học 2019-2020, huyện Yên Định đã xem xét điều động, luân chuyển 240 giáo viên. Thế nhưng, chỉ sau 10 ngày ra quyết định luân chuyển, điều động (từ 29/7 đến 12/8), huyện Yên Định đã bất ngờ thu hồi hàng loạt quyết định luân chuyển của cán bộ, giáo viên và tự ý thay đổi điểm trường luân chuyển, gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ giáo viên và hoài nghi trong dư luận về việc làm chưa minh bạch.
Việc làm này của huyện Yên Định đã gây bức xúc đối với giáo viên, ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần một số thầy cô giáo trong diện luân chuyển. Bí thư Huyện ủy Yên Định đã có công văn "Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Nội vụ xem xét, giải quyết đơn kiến nghị, đề xuất của các giáo viên, gặp gỡ, giải thích và có phương án giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể; Báo cáo kết quả công tác bố trí, sắp xếp, điều động giáo viên, nhân viên hành chính năm học 2019-2020, phương án, kết quả giải quyết từng trường hợp cụ thể các đơn phản ánh, kiến nghị của giáo viên gửi về huyện ủy trước ngày 20/9".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này./.
Theo VOV
Bất thường trong luân chuyển giáo viên: Huyện nói thầy cô chống lệnh Ông Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định lại cho rằng, quyết định của UBND huyện là "mệnh lệnh", chống lệnh là sai. Như VOV đã phản ánh về những bất thường trong luân chuyển giáo viên tại huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều giáo viên bất bình, dư luận hoài nghi. Được biết UBND huyện Yên...