Thanh Hóa: Nhiều học sinh tiểu học “kêu cứu” vì không được học tiếng Anh
Không có đủ giáo viên, nhiều năm qua hơn chục trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa) học sinh không được học tiếng Anh. Dù có nơi nhu cầu của phụ huynh được đóng tiền thuê giáo viên hợp đồng về dạy cho con em họ cũng bị cấm. Thực trạng này đã khiến phụ huynh và học sinh vô cùng lo lắng.
Giáo viên tiếng Anh về cho trường đạt chuẩn rồi đi
Theo phản ánh của rất nhiều phụ huynh có con đang theo học ở các Trường Tiểu học Công Bình, Công Chính, Công Liêm (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) thì dù ở miền xuôi và giữa thời đại 4.0 thế nhưng từ xưa đến nay học sinh không được học tiếng Anh. Đặc biệt là cùng trong huyện nhưng có trường được học có trường không được. Trường nào muốn chuẩn thì được một giáo viên ở nơi khác tăng cường về dạy được ít hôm rồi lại đi.
“Đứa con đầu của tôi khi học ở cấp tiểu học đã không được tiếp cận tiếng Anh, lên cấp 2 mới học nên lực học của cháu rất yếu. Tiếng Anh mà không có gốc thì làm sao mà học được. Trong khi đó, môn này lại là môn quy định bắt buộc thi để lên cấp 3. Bây giờ, đứa thứ hai đi học cũng vẫn không có giáo viên tiếng Anh khiến chúng tôi vô cùng lo lắng” – một phụ huynh có con học trường Tiểu học Công Bình cho biết.
Trường Tiểu học Yên Mỹ năm nào cũng có tờ trình xin giáo viên tiếng Anh.
Một phụ huynh khác có con học tại Trường Tiểu học Yên Mỹ nói: “Mấy năm nay, năm nào chúng tôi cũng đề nghị nhà trường xin giáo viên tiếng Anh về dạy, nếu không xin được thì nhà trường đứng ra hợp đồng rồi phụ huynh chúng tôi bỏ tiền ra đóng. Thế nhưng, nhà trường bảo nếu làm thế là sai quy định, Phòng Giáo dục không cho”.
Cũng theo phụ huynh thì dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì việc con em họ đang chịu thiệt thòi như thế này là không thể chấp nhận được. Mong muốn của phụ huynh là cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Theo thầy giáo Trần Thế Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công Bình thì từ xưa đến nay nhà trường không có giáo viên tiếng Anh. “Vẫn biết rằng giữa miền xuôi và giữa thời đại này, việc học sinh không được học tiếng Anh là vô cùng thiệt thòi nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao cả. Năm nào nhà trường cũng có ý kiến lên huyện để xin nhưng huyện cũng không có chỉ tiêu được tuyển”.
Cũng theo thầy Định thì năm học 2017-2018, để được công nhận trường chuẩn giai đoạn 1, Phòng có điều động một giáo viên ở nơi khác về dạy liên trường một thời gian ngắn. Sau đó, trường được công nhận chuẩn xong thì cô giáo lại phải đi tăng cường nơi khác.
Tại hơn chục trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa), học sinh vẫn chưa được học tiếng Anh.
Còn theo thầy Vũ Xuân Tin, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ thì: “Nhu cầu học sinh mong muốn được học tiếng Anh ở đây là rất lớn. Nhiều lần, phụ huynh đến đề nghị nhà trường hợp đồng giáo viên về dạy rồi họ đóng tiền nhưng do quy định không được nên chúng tôi không dám chấp nhận”.
Học sinh hơn chục trường tiểu học không được học tiếng Anh
Video đang HOT
Được biết, toàn huyện Nông Cống có 67 giáo viên tiếng Anh. Số giáo viên này chủ yếu bố trí ở các trường THPT, THCS và bổ túc, còn riêng đối với khối tiểu học thì toàn huyện có 35 trường Tiểu học thế nhưng chỉ mới bố trí được 24 trường học sinh được học tiếng Anh còn lại 11 trường vẫn chưa có giáo viên tiếng Anh.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống xác nhận tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng ở cấp tiểu học trên địa bàn.
“Do tinh giản biên chế, Nhà nước không cho tuyển dụng nên mới có tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh là như vậy. Do cấp tiếng Anh là môn bắt buộc thi vào cấp 3 nên chúng tôi phải ưu tiên cấp 2 phải đủ giáo viên tiếng Anh.
“Hiện trên địa bàn chỉ còn 1 trường tiểu học chưa chuẩn giai đoạn 1 nhưng các trường đạt chuẩn phải làm phương án đưa giáo viên tiếng Anh về tăng cường để cho trường đạt chuẩn rồi lại phải đi tăng cường ở trường khác. Biết làm như thế là không đúng nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác”.
“Sau nhiều lần làm tờ trình xin giáo viên tiếng Anh thì tỉnh cho huyện tuyển dụng 8 giáo viên. Dù vẫn đang thiếu nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục bằng cách cho các giáo viên dạy liên trường” – ông Bình cho biết thêm.
Được biết, trong toàn tỉnh Thanh Hóa, năm học 2017-2018 thiếu 258 giáo viên tiếng Anh, trong đó hầu hết là các huyện miền núi, ngoài ra còn một số huyện miền xuôi như Quảng Xương, Hoằng Hóa.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Cô giáo trẻ dạy tiếng Anh bằng trải nghiệm sáng tạo
Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên Trường Tiểu học Hải Thành đã tạo hứng thú cho học sinh say mê học tiếng Anh thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (29 tuổi), giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Hải Thành (quận Dương Kinh, Hải Phòng) gây ấn tượng với những người tiếp xúc bởi khuôn mặt trái xoan xinh xắn, đôi mắt long lanh và nụ cười duyên luôn thường trực trên môi.
Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Ngọc Anh thi đỗ vào khoa Sư phạm Anh, Trường Đại học Sư phạm Hải Phòng.
Sau 4 năm miệt mài đèn sách, năm 2011, Ngọc Anh xin về công tác tại Trường Tiểu học Hải Thành.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Hải Thành (Ảnh: Lã Tiến)
Ngọc Anh chia sẻ: "Ngay từ nhỏ, em đã yêu thích nghề dạy học và luôn ước mơ sau này ra trường sẽ trở thành một cô giáo giống mẹ em.
Mẹ chính là người đã truyền lửa đam mê cho em tiếp nối nghề của mẹ. Hàng ngày tiếp xúc với mẹ, em thấy được tình yêu của mẹ dành cho các em học sinh và cảm nhận được nghề dạy học thật cao quý.
Chính vì vậy, sau khi ra trường, em xin về Trường Tiểu học Hải Thành công tác với mong muốn đóng góp chút công sức để phát triển quê hương".
Ngày mới về trường, được phân công dạy môn tiếng Anh, Ngọc Anh còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc với các học sinh nhỏ tuổi và khó khăn trong việc quản lý học sinh trong lớp.
Được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, cô giáo trẻ từng bước khắc phục khó khăn, nhanh chóng hòa nhập với môi trường giáo dục và trở thành một trong những giáo viên giỏi của trường.
Theo cô giáo Ngọc Anh, để dạy tốt, trước hết phải nắm được tâm lý học sinh tiểu học, tạo ra môi trường thân thiện, cởi mở để các em có hứng thú với môn học.
Trong quá trình giảng dạy, Ngọc Anh luôn trăn trở, suy nghĩ làm cách nào để giúp các em học sinh tiếp thu bài một cách hiệu quả.
Và rồi năm học 2017-2018, cô giáo trẻ đã mạnh dạn đăng ký thực hiện chuyên đề cấp thành phố "Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh tiểu học thông qua dạy học tích hợp và trải nghiệm sáng tạo".
Cô giáo Ngọc Anh luôn biết cách tạo hứng thú cho học sinh trong các bài giảng của mình. (Ảnh: Lã Tiến)
Theo Ngọc Anh, với chuyên đề này, học sinh được học tiếng Anh trong môi trường thực tế tại các góc học tập trong nhà trường, qua đó giúp học sinh ghi nhớ từ ngữ một cách dễ dàng.
Hình thức học thông qua trải nghiệm còn giúp học sinh phát triển các kĩ năng vận động, kĩ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng thuyết trình.
Đồng thời, thông qua các tiết học trải nghiệm Tiếng Anh các em học sinh có cơ hội được phát triển các kĩ năng trong các môn học khác như Mỹ thuật, Âm nhạc...
Qua đó, học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức, trải nghiệm toàn diện và được thỏa mãn sự hiếu kỳ, thích khám phá khi được quan sát, vui chơi với các đồ vật thật,...và quan trọng hơn hết là giúp học sinh biết bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nhà trường.
Theo cô giáo Vũ Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thành, sau khi chuyên đề được áp dụng vào giảng dạy, những giờ học tiếng Anh trên lớp không còn khô khan nữa mà trở nên hấp dẫn, thực sự lôi cuốn.
Thông qua các hoạt động thực tế, các em học sinh ngày càng hiểu hơn về bài giảng, nắm vững kiến thức và dần yêu thích môn ngoại ngữ này. Nhờ đó, các kĩ năng nghe, nói, viết của học sinh được nâng lên.
Chuyên đề này đã được các đồng chí giáo viên tiếng Anh trong toàn thành phố về dự và Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đánh giá xếp loại xuất sắc.
Là một giáo viên giỏi, Ngọc Anh luôn ý thức được trách nhiệm của người giáo viên không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt những kiến thức trên lớp mà còn phải trở thành những người bạn thân thiết của học trò.
Chính vì thế, cô giáo trẻ luôn dành thời gian quan tâm lắng nghe những tâm tư, khúc mắc của những học sinh học yếu, nhút nhát.
Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Ngọc Anh cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để các em có thể yên tâm học hành.
Hơn 7 năm gắn bó với nghề, giờ đây nhớ lại những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, Ngọc Anh không giấu nổi sự xúc động.
Những học sinh được Ngọc Anh dạy dỗ ngày một tự tin, mạnh dạn hơn, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi hát tiếng Anh, giao lưu Olympic tiếng Anh cấp thành phố.
Với lòng yêu nghề, sự cống hiến không biết mệt mỏi, nhiều năm liên tục, cô giáo Ngọc Anh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp sơ sở.
Năm học 2017-2018, Ngọc Anh đạt thủ khoa trong cuộc thi dạy giỏi tiếng Anh cấp thành phố, được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tặng giấy khen.
Đặc biệt, Ngọc Anh được Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam trao bằng khen vì đạt thành tích trong phong trào thi đua "Hai tốt" năm học 2017-2018.
Nhận xét về giáo viên của mình, cô giáo Vũ Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cô giáo Ngọc Anh là giáo viên trẻ rất nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề, luôn gương mẫu, đi đầu trong trong hoạt động chuyên môn.
Cô không ngừng sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học, là cốt cán chuyên môn của trường, quận và thành phố Hải Phòng.
Có sức hút trong chuyên môn với đồng nghiệp và lôi cuốn học sinh trong mỗi tiết học.
Với tình yêu nghề, sự nhiệt huyết, tận tụy, cô Ngọc Anh được các thầy cô trong trường và học sinh yêu mến".
Theo giaoduc.net.vn
Khánh Hòa trị bệnh thành tích hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi Bà Hoàng Thị Lý, PGĐ Phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, Sở GD&ĐT vừa ban hành văn bản điều chỉnh lại nội dung hướng dẫn tổ chức Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, thị xã, thành phố năm học 2018-2019. Ảnh minh họa Trong văn bản nêu rõ, để khắc phục bệnh thành tích ở cấp tiểu học...