Thanh Hóa: Lo thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học trước năm học mới
Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn miền núi tỉnh Thanh Hóa lại lo lắng vấn đề thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học. Đặc biệt, đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa.
Lớp 1 Trường Tiểu học Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Huy động nguồn lực
Ngày 12/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ, danh mục, dự toán mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020 – 2021.
Theo quyết định, sẽ có 512 trường tiểu học (TH), tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa được trang bị đồ dùng dạy học tối thiểu lớp 1 phục vụ năm học 2020 – 2021. Quyết định cũng nêu rõ: Các trường có từ 1 – 4 lớp, thì được cấp 1 bộ. Trường có từ 5 lớp trở lên, sẽ được cấp 2 bộ.
Quy mô mua sắm đồ dùng dạy học tối thiểu lớp 1 thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 – 2021 theo quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5/4/2019 của Bộ GD&ĐT. Danh mục mua sắm thiết bị theo quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5/4/2019 của Bộ GD&ĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở GD&ĐT Thanh Hóa thực hiện mua sắm tập trung.
Tổng kinh phí là 92 tỷ 786 triệu đồng, kinh phí được lấy từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo (các nhiệm vụ phát sinh) trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2020.
Theo danh mục mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1, do UBND tỉnh Thanh Hóa quy định, thì mỗi bộ đồ dùng có tới hàng trăm thiết bị. Ví dụ: Các thẻ chữ số từ 0 đến 9, thẻ dấu so sánh (lớn hơn, bé hơn, bằng). Thẻ dấu phép tính, gồm: Thẻ dấu phép tính (cộng, trừ), que tính, bộ thẻ chữ học vần thực hành, bộ mẫu chữ viết quy định trong trường tiểu học…
Video đang HOT
Mô hình đồng hồ GV có thể quay được cả kim giờ, kim phút. Bộ sa bàn giáo dục giao thông, gồm: Sa bàn ngã tư đường phố (mô tả nút giao thông), có vạch chỉ dẫn đường dành cho người đi bộ. Cột đèn tín hiệu giao thông, có thể cắm đứng tại các góc ngã tư trên sa bàn. Mô hình một số cột biển báo đường dành cho người đi bộ, nhường đường cho người đi bộ, cấm người đi bộ, cấm đi ngược chiều, giao nhau với đường sắt, đá lở…
Mô hình một số phương tiện giao thông (ô tô 4 chỗ; xe buýt; xe tải; xe máy; xe đạp), kích thước phù hợp với kích thước sa bàn. Ngoài ra, còn các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Bên cạnh đó, các loại thiết bị dùng chung, như: Bảng nhóm, tủ đựng thiết bị, bảng phụ, máy chiếu, tivi, máy tính, bộ tranh ảnh phục vụ môn tập viết, dạy chữ viết…
Còn trước đó, ngày 3/12/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã quyết định phê duyệt hơn 33,6 tỷ đồng, để mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 – 2021 cho các trường vùng đặc biệt khó khăn. Như vậy, tính cả hai đợt, tỉnh Thanh Hóa đã phải chi tới hơn 120 tỷ đồng, để phục vụ việc mua sắm, đồ dùng dạy học cho năm học 2020 – 2021.
Vùng cao còn khó
Lớp học tại khu lẻ bản Ón của Trường Tiểu học Tam Chung (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa).
Mặc dù, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chi hơn 90 tỷ đồng, để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu lớp 1 phục vụ năm học 2020 – 2021, nhưng trên thực tế nhiều trường vẫn còn thiếu thốn trầm trọng.
Qua khảo sát tại một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, tình trạng thiếu thốn đồ dùng, trang thiết bị dạy học ở nhiều trường đang diễn ra.
Ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, cho biết: Ngoài số đồ dùng, trang thiết bị do tỉnh cấp cho các nhà trường, để chuẩn bị cho năm học mới 2020 – 2021, huyện Lang Chánh đang rất lo lắng do thiếu đồ dùng dạy học.
Cũng theo ông Thư, sau khi thống kê tại các trường, hiện tại Lang Chánh còn thiếu 25 bộ đồ dùng dạy học (mỗi trường 1 bộ) với giá ước tính 450 triệu đồng. Mua sắm đồ dùng dành cho HS, bao gồm 371 bộ thực hành Toán Tiếng Việt, dự kiến tổng kinh phí hơn 96 triệu đồng. “Ngoài ra, vấn đề mua sắm đồ dùng dạy học lớp 1 năm học 2020 – 2021 cho các trường TH, TH&THCS có HS tiểu học, nhưng không được hưởng trợ cấp của tỉnh, lên tới 600 đến 700 triệu đồng. Tuy nhiên, là huyện miền núi, đang có nhiều khó khăn, nên huyện cũng không có kinh phí để hỗ trợ. Do đó, chúng tôi chỉ biết làm tờ trình gửi về tỉnh, đề nghị hỗ trợ mà thôi”, ông Thư nói.
Cũng theo ông Thư, trên thực tế, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ cấp đồ dùng, trang thiết bị dạy học dựa trên đầu trường. Mỗi trường TH, nếu có quy mô trên 5 lớp 1, thì cấp 2 bộ đồ dùng. Còn trường nào dưới 4 lớp 1, được cấp 1 bộ đồ dùng. “Đối với miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, thì việc điều tiết bộ đồ dùng là vô cùng khó. Bởi lẽ, có trường với quy mô 8 lớp, nhưng có tới 2 hoặc 3 điểm lẻ, thậm chí còn có cả lớp ghép, thì việc điều tiết đồ dùng dạy học là không đơn giản”, ông Thư chia sẻ.
Còn ông Mai Xuân Giang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, cho hay: Ngày chuẩn bị cho năm học mới 2020 – 2021, các trường TH và TH&THCS trên địa bàn huyện Mường Lát thuộc khu vực đặc biệt khó khăn đã được tỉnh cấp các bộ đồ dùng, thiết bị lớp 1. Tổng số bộ thiết bị được cấp là 18 bộ, với kinh phí hơn 2,686 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế lớp 1 (bao gồm cả lớp học đơn và lớp học ghép), để đáp ứng yêu cầu đổi mới sách giáo khoa, GV lên lớp phải có đồ dùng thiết bị dạy học. Do đó, tổng các trường tiểu học trên địa bàn có nhu cầu cần bổ sung mua sắm là 50 bộ thiết bị lớp 1, với tổng kinh phí dự kiến gần 7,5 tỷ đồng.
“Với thực trạng nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp, không có nguồn để tổ chức mua sắm các trang thiết bị cho các trường học. Nguồn kinh phí chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kinh phí cấp hàng năm của Nhà nước.
Vì vậy, Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát đề nghị Sở GD&ĐT có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các trường TH huyện Mường Lát, để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa kể từ năm học 2020 – 2021″, ông Giang cho hay.
Thanh Hóa: Hơn 6.000 cán bộ, giáo viên chia nhiều địa điểm tập huấn SGK lớp 1 mới
Trong hai ngày (13, 14/7), hơn 6.000 cán bộ, giáo viên của tỉnh Thanh Hóa tham gia tập huấn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, do Sở GD&ĐT tỉnh này tổ chức.
Hơn 6.000 giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý trường Tiểu học ở Thanh Hóa bắt đầu tham gia tập huấn SGS lớp 1 mới.
Sáng nay (13/7), hơn 6.000 cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 1 của toàn tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu tham gia tập huấn SGK lớp 1 mới.
Theo đó, bộ sách "Cánh diều" và các môn Âm nhạc- Mỹ thuật-Tiếng Anh của các bộ sách, do Nhà xuất bản giáo dục phát hành, được đa số các trường Tiểu học của Thanh Hóa đăng ký tham gia.
Chủ biên bộ sách đang giải đáp thắc mắc chung quanh việc triển khai sách giáo khoa mới cho giáo viên.
Cũng theo thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, bộ SGK Cánh diều được giáo viên đa số các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Do đó, đợt tập huấn sử dụng SGK lần này là chương trình trọng tâm, để giúp cán bộ quản lý bậc Tiểu học và giáo viên dạy lớp 1 giáo nắm vững cấu trúc sách, cách khai thác sử dụng các học liệu bổ trợ phục vụ giảng dạy hiệu quả. Từ đó, giáo viên có thể tự tin bước vào thực hiện chương trình GDPT 2018.
Đợt tập huấn này có hơn 6.000 cán bộ quản lý, khối trưởng chuyên môn và 100% giáo viên lớp 1 các trường tiểu học tại Thanh Hóa đã lựa chọn bộ sách giáo khoa "Cánh diều", bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực", do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.
Do số lượng giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý trường Tiểu học lên tới hơn 6.000 người, nên Sở GD&ĐT Thanh Hóa phải tổ chức thành nhiều địa điểm để tập huấn SGK lớp 1 mới.
Trong thời gian tập huấn, các chủ biên, nhà viết sách và chuyên gia giáo dục sẽ hướng dẫn giáo viên cấu trúc sách giáo khoa, học liệu bổ trợ của bộ sách. Cách triển khai phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh thông qua các phương pháp dạy học tích cực, phát triển năng lực học sinh.
Bên cạnh đó, những giáo viên tham gia tập huấn cũng có thể đối thoại trực tiếp với các chủ biên, để được giải đáp thắc mắc chung quanh việc triển khai sách giáo khoa mới.
Ninh Kiều tích cực chuẩn bị Chương trình Giáo dục phổ thông mới Năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện đối với lớp 1. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực phục vụ công tác này. Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Nguyễn Du đảm bảo 1 lớp/1 phòng phục vụ học sinh lớp 1....