Thanh Hóa: Hỗ trợ tiền ăn cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ở 3 huyện vùng cao
Để giúp cho các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giảm bớt khó khăn, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng (bằng nguồn xã hội hóa) cho ba huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa, để nấu ăn cho thí sinh.
Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) sẽ bố trí cho thí sinh có nơi ăn, chốn nghỉ trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Chiều 3/8, ông Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Tại hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm nay của huyện Quan Sơn có 375 thí sinh, được bố trí tại 16 phòng thi.
Trước tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, nên Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của huyện đã xây dựng phương án trưng dụng toàn bộ khu ký túc xá của Trường THCS Dân tộc nội trú Quan Sơn, để làm nơi ăn, nghỉ cho thí sinh. Bên cạnh đó, Trường THPT Quan Sơn cũng dùng khu ký túc xá của nhà trường và vận động 4 hộ dân ở cạnh trường, cho thí sinh làm nơi ăn, nghỉ trong những ngày thi.
“Khu ký túc xá của Trường THPT Quan Sơn và THCS Dân tộc nội trú sẽ chứa được khoảng 300 thí sinh. Ngoài ra, có 4 hộ dân ở cạnh trường cùng đủ cho gần 100 thí sinh nữa. Như vậy, việc ăn, nghỉ cho thí sinh trong những ngày thi đã được huyện lo chu đáo”, ông Đạo nói.
Cũng theo ông Đạo, sáng ngày 3/8, ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh đã có cuộc kiểm tra, thị sát tình hình chuẩn bị công tác thi tại huyện Quan Sơn.
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo kỳ thi huyện Quan Sơn, ông Liêm cho biết, năm nay UBND tỉnh sẽ hỗ trợ cho ba huyện vùng cao, biên giới 100 triệu đồng, để nhà trường lo việc ăn uống cho thí sinh ở xa trường. Theo đó, huyện Mường Lát được hỗ trợ 40 triệu đồng, huyện Quan Hóa và Quan Sơn mỗi đơn vị 30 triệu đồng. Nguồn kinh phí nêu trên được UBND tỉnh Thanh Hóa huy đồng từ xã hội hóa.
Video đang HOT
Về phương án hỗ trợ học sinh ở bản Lầm, xã Trung Tiến (bị lũ cuốn trôi cầu tạm), nhà trường sẽ cử giáo viên phụ trách địa bàn tranh thủ lúc nước rú thì vào bản phối hợp với gia đình để đưa 4 học sinh lớp 12 về trường, bố trí nơi ăn, ở cho các em từ nay đến ngày thi.
Đối với công tác lo nơi ăn, nghỉ cho 41 cán bộ, giám thị kỳ thi, huyện Quan Sơn cũng đã hoàn tất. Theo đó, cán bộ và giám thị coi thi từ các huyện miền xuôi lên sẽ được huyện bố trí tại một số khách sạn ở trung tâm huyện, thuận tiện cho việc di chuyển đến điểm thi.
Ông Tạ Quốc Việt – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Quan Sơn, cho biết, năm nay nhà trường có 113 thí sinh dự thi. Các em sẽ được thi tại điểm thi Trường THPT Quan Sơn.
“Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ và dịch bệnh Covid-19, nhà trường cũng đã tổ chức họp bàn với phụ huynh học sinh, vận động các em ở xa thì không nên về nhà, mà ở lại các điểm trọ để tránh mưa lũ. Do đó, học sinh ở các bản xa như Ché Lầu (xã Na Mèo) có 2 học sinh đều thống nhất phương án ở lại nhà trọ, để tiếp tục tự ôn tập, chờ đến ngày thi”, ông Việt cho hay.
Cũng theo ông Việt, trong tối 2/8, mưa lũ nước sông Luồng dâng cao đã khiến đập tràn tạm qua sông ở bản Bo Hiềng bị cuốn trôi. Tuy nhiên, đến chiều nay, nước đã rút và bà con có thể đi bộ qua được.
Do đó, nhà trường cũng xây dựng phương án, sẽ cử giáo viên vào bản Sa Ná, bản Son hỗ trợ với gia đình đưa 6 học sinh lớp 12 của 2 bản này ra ngoài, bố trí nơi trọ cho các em để chờ đến ngày thi.
Chuyện giáo viên "cắm bản"
Chênh vênh bên sườn núi ở các huyện vùng cao Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa), những lớp học tạm, điểm trường còn muôn vàn khó khăn nhưng hàng ngày vẫn ngân vang tiếng tập đọc của cô và trò.
Các cô giáo ở bản Cha Khót với học trò của mình
Gác nỗi niềm riêng, vượt khó ở vùng xa
Từ điểm trường chính (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) đến bản Cha Khót phải mất gần 20 km. Điểm trường lẻ này chỉ có hai nữ giáo viên "cắm bản", đó là cô Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng.
Nhà hai cô giáo Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng đều ở xã Trung Hạ (huyện Quan Sơn), cách điểm trường Cha Khót gần trăm cây số. Vì thế, vào cuối mỗi tuần nếu trời không mưa gió thì các cô tranh thủ về với gia đình của mình. Còn gặp thời tiết không thuận, các cô phải ở lại điểm trường đến cả tháng trời.
Nhiều khó khăn về việc đi lại đối với giáo viên cắm bản ở khu vực miền núi Thanh Hóa
Với cô Chuyên, cô Hằng thì những cung đường trơn trượt sau cơn mưa rừng bất chợt không có gì xa lạ. Cô Vi Thị Chuyên chia sẻ: Đợt mưa lũ hồi tháng 8/2019 vừa qua, con đường vào bản bị sạt lở nặng nề nên hai chị em phải nhờ bà con dân bản đưa xe qua suối giúp. Khi vào được đến trường, phòng học của các em, phòng ở của chị em chúng tôi bị thấm dột hết, hai chị em phải nhờ phụ huynh học sinh đến sửa sang, che chắn lại mới có phòng cho các em học, cũng như nơi để ngủ. Đó là chưa kể đến việc thiếu nước sinh hoạt... Khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi luôn động viên nhau để cố gắng vượt qua.
Chẳng riêng gì chuyện công tác xa nhà gặp nhiều khó khăn, cô giáo Chuyên còn có hoàn cảnh gia đình rất vất vả. Trước kia, chồng cô Chuyên là y tá thôn, bản, nhưng bị bệnh nặng phải phẫu thuật nhiều lần nên anh phải nghỉ việc. Vợ chồng cô Chuyên có hai con, một bé gái hiện nay đang học lớp 7, còn con trai đầu lòng sau khi tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cháu không thi vào trường đại học, cao đẳng nào cả, mà đi Hà Nội làm thuê để kiếm tiền phụ giúp mẹ thuốc men cho bố và nuôi em ăn học.
Trước đây, cả cô Chuyên và cô Hằng đều dạy ở Trường Tiểu học Trung Hạ (huyện Quan Sơn). Cách đây hơn 2 năm, hai nữ giáo viên này được điều động lên công tác ở Trường Tiểu học Na Mèo và vào phụ trách khu Cha Khót.
Thầy giáo Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, cho biết: "Năm học 2019-2020, điểm trường Cha Khót có 25 học sinh được chia thành 2 lớp ghép: Lớp 1 và 3; 2-4 và 5. Cha Khót là điểm trường xa xôi, hẻo lánh, đường đi lại khó khăn, nên việc hai giáo viên nữ phải vào "cắm bản" lại càng vất vả gấp bội. Biết là nếu có giáo viên nam vào "cắm bản" thì các cô giáo đỡ nhọc nhằn hơn nhưng, hiện nay nhà trường đang thiếu giáo viên so với định biên của trường chuẩn quốc gia, nên ban giám hiệu mới phải bố trí giáo viên nữ vào khu lẻ như vậy.
Khi thầy thương trò thiếu thốn
Là một trong những người có thâm niên "cắm bản", thầy Lò Văn Thơm, ở bản Sậy, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa trần tình: Ở đây tội nhất vẫn là các em học sinh, trời ấm thì đỡ nhưng những hôm mưa, rét nhìn bọn trẻ thương lắm. Quần áo các em mặc không đủ ấm, nhiệt độ ngoài trời thì xuống thấp... Nhiều hôm thầy trò chúng tôi phải đốt lửa sưởi ngay giữa phòng học, vừa ấm, vừa lấy ánh sáng để học.
Còn thầy giáo Phạm Ngọc Tiến, điểm trường Pa Púa, Trường Tiểu học Trung Lý, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, nhớ lại: Ngày đầu đặt chân đến đây, cả điểm trường chỉ có một mình, trong căn phòng bằng tranh tre, nứa lá. Hàng ngày, ngoài việc lên lớp, tôi phải học thêm tiếng Mông. Phải mất vài tháng, tôi mới hòa mình được với đồng bào nơi đây. Nhiều lúc chỉ muốn bỏ cuộc nhưng nhìn thấy các em lại không đành lòng. Vất vả của các thầy, cô cắm bản là làm thế nào để động viên các em đi học chuyên cần, nhất là sau mỗi dịp nghỉ hè. Ngoài ra, khó khăn mà các giáo viên đang công tác tại đây gặp phải là những lúc trời ở đây đổ mưa, sương mù dày đặc, khiến phòng học không có điện, tối om. Những lớp học cũ kỹ, không cửa chắn, không còn đủ sức để che chở cho các cháu.
Ở nhiều điểm trường lẻ tại khu vực vùng núi, vùng biên giới Thanh Hóa vẫn còn tình trạng không chợ, không điện lưới, không sóng điện thoại, không có nước sạch... Vì vậy, các thầy, cô giáo lúc nào cũng phải dự trữ cá khô, trứng, mì tôm... để phòng khi thời tiết mưa dài ngày.
HOÀNG LAM
Theo Tiền phong
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Học sinh cần vững tâm trước dịch COVID-19 Trước diễn biến của dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, việc chuẩn bị tốt kiến thức, ổn định tâm lý và đảm bảo sức khỏe cho chính mình là điều vô cùng cần thiết, giúp các sĩ tử tự tin chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra ngày 9 và 10.8. Ảnh:...