Thanh Hóa hỗ trợ thiết bị thí điểm học trực tuyến
Tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ mỗi khối lớp của mỗi trường bộ thiết bị phục vụ giảng dạy trực tuyến. Trong thời gian thực hiện thí điểm không tính phí các trường học.
Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm học tập trực tuyến của UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm mục đích xây dựng mô hình dạy học trực tuyến bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với một số thiết bị, phần mềm hỗ trợ dạy học; góp phần đa dạng hóa phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng dạy học và công tác quản lý trong ngành giáo dục.
Thí điểm dạy học trực tuyến tại Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.
Trên cơ sở kết quả việc dạy học thí điểm, làm cơ sở nhân rộng mô hình dạy học trực tuyến, triển khai xây dựng và thực hiện mô hình “trường học thông minh” trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thực hiện được việc tổ chức dạy học trong tình huống ứng phó với thiên tai, dịch bệnh phải cho học sinh nghỉ học dài ngày.
Theo kế hoạch thì phần mềm E-Learning của VNPT Thanh Hóa triển khai tại các trường: THPT Hàm Rồng, THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa); phần mềm ViettelStudy của Viettel Thanh Hóa triển khai tại các trường: THPT Đào Duy Từ, THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa).
Từ ngày 30/3 – 25/4/2020, triển khai thí điểm dạy học ôn tập kiến thức học kỳ I đối với một số môn học lựa chọn. Từ tháng 5/2020, trên cơ sở kết qủa triển khai của giai đoạn thí điểm, nếu có tính khả thi và hiệu quả, đề xuất kế hoạch triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị doanh nghiệp không tính phí các trường học trong thời gian thực hiện thí điểm và hỗ trợ dịch vụ 3G/4G truy cập vào các hệ thống ViettelStudy và E-learning.
Ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ mỗi khối lớp của mỗi trường 1 bộ thiết bị phục vụ giảng dạy gồm: camera, micro không dây, giá 3 chân máy ảnh để triển khai thực hiện thí điểm học tập trực tuyến; hỗ trợ giáo viên chuẩn bị bài giảng và lên lớp theo quy định.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng giải pháp này không chỉ để phòng, chống dịch bệnh mà còn để hướng tới xây dựng trường học thông minh trên địa bàn trong giai đoạn tới.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường được chọn dạy thí điểm trực tuyến rà soát những nội dung ôn tập, chương trình học kỳ I phù hợp với triển khai dạy học trực tuyến.
Các trường phân công tổ/nhóm chuyên môn giới thiệu giáo viên có năng lực tổ chức triển khai thực hiện chọn bài ôn tập, kiểm tra phù hợp tổ chức thực hiện, giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học qua hình thức trực tuyến.
Phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh, nhận xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh. Không giao bài quá nhiều, quá khó tạo áp lực nặng nề đối với học sinh…
Theo kế hoạch, lớp 9 dạy 3 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh; lớp 6, 7, 8 dạy các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh; lớp 12 dạy 9 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân; lớp 10, 11 dạy 3 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.
Nhà trường, tổ/nhóm bộ môn chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung củng cố, hệ thống, ôn tập chương trình học kì I (không dạy bài mới). Trực tiếp tổ chức dạy học trực tuyến là các giáo viên có năng lực chuyên môn, trình độ sư phạm, khả năng sử dụng CNTT.
Giáo viên tổ chức dạy học trên lớp học, học sinh học tại nhà, học sinh có thể tương tác trực tiếp với giáo viên giảng dạy hoặc gửi thông tin về nhà trường để được trao đổi, giải đáp.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ngoài các đơn vị chọn thí điểm, các trường THCS, THPT nếu có điều kiện, chủ động tổ chức dạy học trực tuyến.
Thầy Lê Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng cho biết, lâu nay nhà trường vẫn triển khai dạy trực tuyến theo từng nhóm nhỏ; hiện nay triển khai dạy toàn trường.
Video đang HOT
Hiện nay, đang chờ trang bị phương tiện; các tổ đang tập huấn phương pháp dạy. Buổi sáng học bình thường trên lớp, buổi ôn tập cho các cháu, theo từng nhóm, từng lớp, đặc biệt ưu tiên cho khối lớp 12 trước.
Duy Tuyên
Tết ở Israel của du học sinh Việt: Giữa sa mạc khô cằn, vẫn có hoa đào bánh chưng theo cách khác biệt
'Thú vị và khác biệt lắm!' - Lê Bá Tài, chàng thanh niên vừa trở về sau hơn 1 năm làm việc tại Israel, hào hứng trả lời về tết Việt, về những trải nghiệm của mình trên mảnh đất nhỏ bé, xa xôi ở vùng Trung Đông.
Tết Việt trên vùng đất sa mạc khô cằn
Cách đây 4 năm (2016), Tài khi ấy đang là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh - Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, đã quyết định bảo lưu chương trình học, nộp đơn tham gia chương trình Tu nghiệp sinh nông nghiệp - Learning by doing của trung tâm đào tạo nông nghiệp quốc tế ARAVA - AICAT.
Lê Bá Tài - Chụp tại Jerusalem thủ đô Israel
Vốn là dân ngoại ngữ, không có kiến thức chuyên ngành về nông nghiệp, vậy mà Tài vẫn quyết định đi, và lại chọn Israel - vùng đất sa mạc nóng bỏng với những tin tức chiến tranh hàng ngày trên báo đài. Nói về quyết định của mình, Tài cười: 'Cơ hội chỉ đến một lần thôi. Mình nghĩ thế'.
Và những trang trại bao la, cảnh sắc đặc biệt, con người thân thiện hồn hậu tại mảnh đất ấy đã mê hoặc chàng trai Thanh Hóa, để rồi 2 năm sau (2018), Tài quyết định quay trở lại Israel với tư cách phiên dịch viên, tham gia hỗ trợ các bạn sinh viên trong quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại đây.
Tài kể, mùa hè thì nắng nóng cháy da cháy thịt nhưng thời điểm Tết (theo lịch Âm) ở Israel thời tiết rất lạnh, đặc biệt là đêm và sáng sớm. Các bạn sinh viên Việt Nam thường dậy từ 4-5h sáng để nấu ăn, chuẩn bị đi làm. Hôm nào đi học thì dậy muộn hơn, khoảng 7-8h sáng.
Trường AICAT, nơi sinh viên Việt Nam theo học có chính sách cho sinh viên nghỉ 1 ngày vào đúng mùng 1 Tết, nên mọi người vẫn có thể tổ chức ăn Tết và gọi điện về cho gia đình qua điện thoại.
Ngoài hơn 300 sinh viên Việt Nam, chương trình còn tiếp nhận hơn 700 sinh viên quốc tế khác đến từ các nước Asean và châu Phi. Đây cũng là một thuận lợi với sinh viên Việt Nam bởi đồ ăn, gia vị đặc trưng của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là gạo đều có đủ.
Do đó, đồ ăn Tết ở Israel gần như không thiếu món gì. Bánh chưng, giò thủ, dưa muối đều được các bạn tìm mua nguyên liệu và chuẩn bị từ trước. Giò thủ thì do người Thái Lan nhập đầu lợn về, gạo nếp, mộc nhĩ... đều khá sẵn ở các cửa hàng. Khó kiếm nhất là lá chuối thì các bạn Việt Nam ở miền Bắc Israel - nơi có rất nhiều trang trại trồng chuối, hỗ trợ gửi tới.
Tu nghiệp sinh Việt Nam quây quần gói bánh chưng
Nồi bánh chưng chuẩn bị được bắc lên bếp
Món giò thủ được chế biến từ nguyên liệu tại Israel nhưng ăn vẫn đủ vị
Sân khấu để các bạn đón giao thừa
Buổi tiệc ngoài trời được tiến hành tại khu vực dã ngoại của một công viên
Những khuôn mặt trông bánh chưng và bồi hồi nhớ quê nhà
Mọi người thức trông bánh chưng và ngắm sao đêm. Vì là khu vực sa mạc nên bầu trời khá trong, có thể nhìn thấy sao rất rõ bằng mắt thường.
Nơi khói lửa, vẫn tìm được hương vị Tết Việt
'Năm ngoái mình ăn 2 cái Tết, 1 cái ở sa mạc, 1 cái ở ngay sát dải Gaza, cách tầm 6-10 giây tên lửa bay'.
Tài làm việc ở Hatzeva, nằm ở đầu miền Nam của Israel. Đây là vùng đất yên bình, cây trồng đa dạng nên lượng tu nghiệp sinh Việt Nam ở đây cũng khá nhiều. Tết cũng là thời điểm sinh viên ở Hatzeva rất bận bởi đây là khu vực chủ yếu trồng những cây xuất khẩu mùa đông. Tuy vậy, các bạn đều cố gắng chuẩn bị dần nguyên liệu và nấu trước những món mất nhiều thời gian.
Những người đồng hương Việt quây quần bên bữa cơm tất niên chuẩn bị đón năm mới
Vì đã ở Hatzeva vào hôm 27 Tết nên đêm 30, Tài nảy ra ý định đón Tết ở một vùng đất mới. 'Mình chọn Shuva, một ngôi làng cách dải Gaza chưa tới 5km. Đây là nơi đe dọa chiến tranh nhiều nhất vậy mà vẫn có khoảng tầm 10 bạn sinh viên Việt Nam theo học và làm việc. Mình nghe tiếng khu này đáng sợ đã lâu nên quyết định đến thăm vào đúng dịp Tết.
Mình gọi điện cho một bạn leader ở Gaza và bạn đã đồng ý cho mình ở nhờ. Sau 3 tiếng đồng hồ đổi 3 lượt xe buýt thì mình cũng đến nơi. Lúc đến các bạn đã chuẩn bị xong xuôi hết rồi, mình chỉ phụ gói bánh chưng rồi vừa trông bánh chưng vừa cùng mọi người chơi ma sói'.
Khi tôi tỏ ra ngạc nhiên vì nhìn thấy cành đào tươi thắm trong bức ảnh Tài gửi, Tài nói: 'Ai cũng ngạc nhiên vì mọi người mặc định Israel là sa mạc thì không thể trồng được đào. Thực ra vùng Shuva và các khu vực lân cận có khí hậu khá giống Việt Nam, hệ thực vật phát triển rất đa dạng. Chỉ cần tìm được trang trại trồng đào là các bạn sinh viên có thể dễ dàng xin được vài cành'.
Cành đào tượng trưng cho Tết Việt xuất hiện trong bữa tiệc năm mới của các du học sinh ở Trung Đông
Đốt pháo bông mua ở siêu thị để chúc mừng năm mới
Ngày hôm sau được đưa đi thăm vườn cam và chanh, ngắm hoa cỏ ven đường
Hoa Poppy Anemone - quốc hoa của Israel. 'Mình tới Shuva chơi đúng đợt hoa đang nở đẹp và ngay sau đó mấy hôm có mưa lớn hoa cũng bị dập hết, thật quá may!'
'2 năm ở Israel để lại cho mình ấn tượng khó quên. Lúc chưa sang thì thấy báo đài đưa tin toàn chiến tranh giết chóc, lúc sang thì thấy hầu hết đất nước đều là nhà cửa thành phố xinh đẹp, con người thân thiện, chỉ có một góc Bờ Tây và Gaza là còn bị chia cắt bởi chiến tranh.
Thậm chí thành phố Tel Aviv còn được coi là Silicon Valley của Châu Á vì có hệ sinh thái hỗ trợ các startup rất hiệu quả, tạo nên các công ty trị giá tỉ đô vang danh toàn cầu. Israel với mình như một viên ngọc quý bị ai đó giấu trong chiếc hòm xù xì, chỉ có ai dám mạnh dạn bước tới mở toang ra thì mới khám phá được thứ quý giá bên trong'.
Những loài hoa trên sa mạc ở Israel
Ảnh: NVCC
Theo baodatviet
Đam mê, cống hiến và những "quả ngọt" Nhiều năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa luôn "gặt hái" được những "quả ngọt" từ phong trào phát hiện và bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi. Đặc biệt, trong năm 2019, ngành giáo dục tỉnh nhà đã "bội thu" tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, với 3 HCV, 1 HCB quốc tế và 1 HCĐ khu vực Châu...