Thanh Hóa: Dự kiến thu tiền xã hội hóa giáo dục để… trả nợ cũ
Năm học mới vừa bắt đầu chưa được bao lâu, nhiều phụ huynh đã phải lo lắng đến các khoản thu, chi ngoài ngân sách mà nhà trường dự kiến đặt ra.
Trong khi đó tỉnh Thanh Hóa cũng như ngành giáo dục đã có hướng dẫn, cũng như chấn chỉnh việc thu chi ngoài ngân sách tại các cơ sở giáo dục.
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con em theo học tại Trường THCS Tiến Lộc (xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nhà trường đã có danh sách dự kiến các khoản thu trong năm học 2019 – 2020.
Trường THCS Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) dự kiến thu 17 khoản trong năm học mới.
Theo danh sách dự kiến, có 17 khoản thu theo các danh mục như: khoản thu theo quy định của nhà nước, khoản thu bắt buộc theo luật, khoản thu của các đoàn thể liên quan đến học sinh, các khoản thu tự phục vụ học sinh và quỹ xã hội hóa giáo dục.
Trong đó, đáng chú ý có các khoản thu như: tiền học thêm hơn 1,4 triệu đồng; quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh 100.000 đồng; tiền nước uống 50.000 đồng; tiền phô tô kiểm tra (chưa tính đề của Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT) 30.000 đồng/học kỳ; trả công thuê dọn vệ sinh, mua giấy, các dụng cụ vệ sinh 50.000 đồng/phụ huynh.
Bên cạnh đó còn có các khoản như: bổ sung đồ thực hành, thiết bị, tư liệu tham khảo 50.000 đồng; bảo dưỡng, bảo trì máy tính 100.000 đồng.
Danh sách dự kiến các khoản thu trong năm học 2019 – 2020.
Đặc biệt, có khoản thu trả nợ cũ 300.000 đồng và khoản thu làm nhà để xe học sinh, tu sửa nhỏ cơ sở vật chất 100.000 đồng.
Theo ý kiến phản ánh của phụ huynh, các khoản thu tự phục vụ học sinh mang tiếng là thỏa thuận, nhưng trên thực tế là nhà trường tự lập danh sách rồi phổ biển cho phụ huynh phải đóng.
Đối với khoản thu xã hội hóa giáo dục 300.000 đồng, theo danh sách dự kiến thì nhà trường cào bằng, không có sự bàn bạc dân chủ. Trong đó, phụ huynh cho rằng, năm nào học sinh cũng phải đóng nhiều khoản mà nhà trường còn thu khoản tiền trả nợ cũ là không chấp nhận được.
Theo phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm đã phổ biến các khoản thu và đã có một số phụ huynh nộp tiền.
Liên quan đến những phản ánh trên, ông Lê Quang Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Lộc thừa nhận, các khoản nêu trên là nhà trường dự kiến thu trong năm học này.
Đồng thời, ông Lê Quang Anh cho rằng, đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa thông báo thu bất cứ một khoản gì. Còn vấn đề phản ánh của phụ huynh về việc có một số người đã nộp tiền cho cô giáo chủ nhiệm, ông sẽ nắm lại.
Hiệu trưởng nhà trường giải thích về các khoản thu tự phục vụ học sinh là những khoản nhà trường xây dựng trên tinh thần thỏa thuận, không nằm trong quy định.
Ông Lê Quang Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Lộc.
Đối với khoản thu trả nợ cũ của nhà trường và khoản thu làm nhà để xe, tu sửa nhỏ cơ sở vật chất, ông Anh lý giải, đây là khoản phụ huynh nhờ xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường năm 2018, vận động xã hội hóa thì theo tinh thần tự nguyện. Mức thu 300.000 đồng là dự kiến của phụ huynh đưa ra để vận động, nhà trường không ép.
Video đang HOT
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, Trường THCS Tiến Lộc đã có văn bản gửi huyện về các khoản thu trên, tuy nhiên huyện đã chỉ đạo không đồng ý.
Vấn đề thông tin nhà trường tổ chức thu, huyện sẽ giao Phòng GD&ĐT kiểm tra, làm rõ, nếu đúng như phản ánh sẽ xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, đối với các khoản thu thỏa thuận, phục vụ trực tiếp học sinh theo nhu cầu tự nguyện của cha mẹ học sinh (CMHS) với các nhà trường và điều kiện của từng vùng, miền (không bắt buộc) như: Tiền công phục vụ và tiền ăn bán trú, tiền mua bổ sung đồ dùng và dụng cụ dùng chung phục vụ bán trú.
Tiền nước uống, trông trẻ ngoài giờ, hồ sơ học sinh lớp đầu cấp, sổ liên lạc điện tử; đồ dùng cá nhân trực tiếp phục vụ bán trú học sinh và học phẩm đối với mầm non, các nhà trường phải thống nhất với Hội CMHS về mẫu, màu sắc và thẩm mỹ cho phù hợp với từng độ tuổi.
Tổ chức Hội nghị Ban đại diện CMHS trường, lớp để triển khai kế hoạch thu, chi đến CMHS; kết qủa thu, chi phải quyết toán theo quy định.
Khoản kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục, các cơ sở giáo dục lập dự toán, gửi cơ quan tài chính cấp trên để xem xét, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Các khoản không được thu trong các cơ sở giáo dục như: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Đồng thời, không thu đóng góp của CMHS để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh; các nhà trường thống nhất với Hội CMHS về mẫu, màu sắc để CMHS tự may đồng phục cho HS.
Khoản thu kiểm tra định kỳ đối với học sinh Tiểu học, THCS, THPT, các nhà trường chỉ thu tiền giấy thi phục vụ học sinh; không thu tiền ra đề thi, coi thi, chấm thi…
Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu theo đúng quy định và có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về thực hiện các khoản thu ngoài ngân sách của các đơn vị trực thuộc, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có)…
Địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu thì Trưởng Phòng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT. Các đơn vị trường tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu theo đúng quy định và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân để xảy ra tình trạng lạm thu; chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT về thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách sai quy định.
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Thủ khoa toàn quốc năm nay đến từ những địa phương nào?
Năm nay, ngoại trừ nữ thủ khoa khối D01 (Toán, Văn, tiếng Anh) là một thí sinh đến từ huyện Đan Phượng, Hà Nội, thủ khoa các khối A, A1, B, C, D1, D7 đều đến từ các vùng Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Vũ Đức Anh - Thủ khoa khối A đến từ Thanh Hóa
Với việc giành được tổng điểm 29,5 (Toán 9,8; Vật lý 9,25 và Hóa học 10), em Vũ Đức Anh (lớp 12T1 Trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hóa) trở thành thủ khoa khối A của cả nước.
Hiện tại, Đức Anh đang ở TP.HCM để đi làm thêm cùng người thân. Đức Anh cho hay nửa tháng nay sau khi kì thi kết thúc em đã theo chú vào TP.HCM để phụ giúp công việc làm biển quảng cáo thuê.
Vũ Đức Anh, cậu học trò xứ Thanh đạt thủ khoa khối A toàn quốc năm 2019.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Đức Anh cho rằng để học được một phần là do đam mê của từng và em đam mê các môn tự nhiên. Về phương pháp học tập em chú trọng ôn luyện đề nhuần nhuyễn.
Được biết, sắp tới dự định của Đức Anh sẽ theo học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khoa Công nghệ thông tin và khoa học máy tính.
"Sau này lên đại học chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ hơn nhiều, chắc chắn em cũng sẽ đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, đỡ được phần nào hay phần nấy", Đức Anh chia sẻ.
Trần Quỳnh Trang - Thủ khoa khối A1 đến từ Hà Tĩnh
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Trần Quỳnh Trang, học lớp 12 chuyên Toán 1 trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) là thí sinh có tổng điểm khối A1 cao nhất cả nước với 28,9 điểm trong đó Toán 9,4; Lý 9,5 và Tiếng Anh 10.
Trần Quỳnh Trang (bên phải), thủ khoa khối A1 toàn quốc năm nay.
Số điểm trong kỳ thi chính là kết quả của suốt 12 năm nỗ lực của Quỳnh Trang. Trong suốt những năm học phổ thông, Trang luôn là học sinh giỏi toàn diện. Tại kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, Trang đã giành giải Nhất năm lớp 11 và giải Nhì năm lớp 12.
Bí quyết để học tốt của Trang chính là niềm đam mê. "Ngay từ nhỏ em đã yêu thích môn Toán. Ngoài các kiến thức trên lớp em còn mày mò các bài toàn ở ngoài, các lớp trên để giải. Ngoài ra, em còn lên Internet tìm hiểu, tham khảo từ các anh chị khóa trước. Em cũng thường học nhóm với các bạn vừa trao đổi với nhau nhiều phương pháp giải bài tập", Quỳnh Trang bật mí.
Với kết quả thi của mình, Trang dự định sẽ nộp hồ sơ vào khoa kinh tế đối ngoại của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Chia sẻ về dự định của mình, Trang cho hay: "Em mong muốn mình sẽ là một người thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư.
Ngô Thu Hà - Thủ khoa khối B đến từ Phú Thọ
Với 29,8 điểm thi THPT quốc gia 2019, em Ngô Thu Hà - học sinh lớp 12 chuyên Toán trường THPT Chuyên Hùng Vương- Phú Thọ trở thành thủ khoa khối B toàn quốc.
Năm 2016, em đỗ thủ khoa chuyên Toán của trường THPT Chuyên Hùng Vương. Với sự khiêm tốn và đam mê học tập, Thu Hà đã không ngừng cố gắng và đạt được nhiều kết quả cao: Giải nhì Kì thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC, Huy chương Bạc Giao lưu Học sinh giỏi các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ, 2 năm liền đạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán.
Ngô Thu Hà, thủ khoa khối B đến từ Hùng Vương, Phú Thọ.
Tuy có thành tích là thủ khoa nhưng Thu Hà chưa từng đi học thêm thầy cô nào ở bên ngoài, kiến thức của cô nàng đến từ các buổi giảng trên lớp, trong sách giáo khoa và từ "núi" đề thi thử mà Thu Hà luyện mỗi ngày. "Em chủ yếu đi học lớp phân hóa do nhà trường tổ chức, còn lại thì không đi học thêm hay học online ở đâu hết", Thu Hà nói.
Thu Hà cho biết sẽ nộp điểm xét tuyển vào ngành Y Dược vì theo cô nàng đây là một nghề có thể giúp đỡ được nhiều người cho nên quyết tâm theo đuổi.
Nguyễn Thị Trà My - Thủ khoa khối D1 đến từ Hà Nội
Không đến từ trường chuyên lớp chọn, Nguyễn Thị Trà My (lớp 12A1, trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đạt 28,4 điểm (Toán 9.4 điểm, Ngữ văn 9 điểm, Tiếng Anh 10 điểm), trở thành thủ khoa khối D1 toàn quốc.
Trước đó, Trà My từng giành giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi cấp trường môn Toán, giải ba cuộc thi Olympic Tiếng Anh cấp thành phố lớp 11 và giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 12.
Bí quyết đạt kết quả này của My là tập trung nghe giảng, tự đào sâu kiến thức. Khi được hỏi bí quyết học tập của con gái mình, bố của Trà My cho biết, con gái mình không quá căng thẳng trong học tập. Có hôm con thức khuya nhưng có hôm ngủ sớm thì sáng sẽ dậy sớm hơn một chút để học. Ngoài việc học, Trà My rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp, trường.
Trà My (trái) cùng bạn học.
Được biết, với kết quả này, Trà My dự kiến đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế Đối ngoại và nguyện vọng 2 là ngành Tài chính Ngân hàng, đều của ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Nguyễn Thị Hà Phương - Thủ khoa khối D7 đến từ Hà Tĩnh
Mặc dù là học sinh chuyên Toán nhưng em Nguyễn Thị Hà Phương đã giành được điểm 10 tuyệt đối ở môn thi Tiếng Anh. Ngoài ra, điểm thi lần 2 môn thi còn lại Hóa 9,75 và Toán 9,6. Với số điểm này, Hà Phương đã trở thành thủ khoa toàn quốc khối D7 kỳ thi THPT quốc gia 2019. Phương học chung lớp cùng thủ khoa khối A1 Quỳnh Trang.
Không chỉ đạt kết quả cao tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, thành tích của Hà Phương trong suốt nhiều năm học cũng khiến bạn bè ngưỡng mộ với nhiều giải "khủng". Năm lớp 9 em giành giải Nhất tỉnh, giải Nhất quốc gia về làm Toán qua máy tính cầm tay Casio; Năm lớp 10, Hà Phương giành giải 3 học sinh giỏi Toán; lớp 11 và lớp 12, Hà Phương giành giải Nhì cũng ở bộ môn này. Bên cạnh thành tích học tập, em còn là bí thư chi đoàn lớp 12 Toán 1 trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Tân thủ khoa toàn quốc khối D7 - Nguyễn Thị Hà Phương.
Nói về kinh nghiệm học tập của mình, Hà Phương cho rằng kiến thức trên lớp chính là kiến thức căn bản, nên cố gắng tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, Phương còn mua thêm sách tham khảo và sách nâng cao, các bộ giải đề qua mạng để ôn luyện.
"Em lên mạng chỉ học qua các bài giảng, sau đó tải về máy để tự học, tự giải, không lạm dụng học mạng nhiều vì như vậy dễ phân tán tư tưởng từ mạng xã hội...", Hà Phương chia sẻ.
Trung bình, mỗi ngày Hà Phương dành khoảng học 3-4 tiếng tự học ở nhà, gần thi THPT quốc gia thì tăng lên khoảng 10 tiếng. Những lúc căng thẳng, Phương thường đọc truyện tranh, xem phim.
Về dự định sắp tới, Hà Phương cho hay em sẽ làm hồ sở xét tuyết vào một trong 2 khoa Quản trị kinh doanh hoặc Kinh tế đối ngoại của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Hoàng Thị Thái Bảo - Thủ khoa khối C đến từ Nghệ An
Nữ sinh Hoàng Thị Thái Bảo, cựu học sinh lớp 12C1 trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An xuất sắc giành được 28,75 điểm (Ngữ văn 9,25; Lịch sử 9,75 và Địa lý 9,75). trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, chính thức trở thành Thủ khoa khối C toàn quốc.
Nhờ vào sự chăm chỉ, rèn luyện nhiều ngày tháng nên trước kỳ thi Thái Bảo rất thoải mái và bình tĩnh. "Mỗi ngày em học ôn một môn, chủ yếu dành thời gian vào 5 tiếng buổi tối và đêm để học, vì đây là lúc em thấy thoải mái và tập trung nhất của mình".
Liên tiếp 3 năm học THPT, Thái Bảo đều đạt học sinh giỏi, kết quả học tập luôn đứng trong top dẫn đầu của lớp, của trường. Từng xuất sắc giành được giải Ba môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cùng hàng loạt các giải thưởng văn nghệ, thể dục, thể thao khác như: giải Nhất cấp thành phố môn đá cầu; thành viên tích cực trong câu lạc bộ nhảy.
Thủ khoa khối C của cả nước năm 2019, Hoàng Thị Thái Bảo.
Với số điểm khối C cao nhất cả nước, nữ sinh Thái Bảo chọn đăng ký theo ngành Sư phạm Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Em muốn theo nghiệp Nhà giáo, tuy không giàu sang, nhưng có ý nghĩa với xã hội.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Hà Nội đẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội vừa mới cung cấp thì số lượng thí sinh đạt trên 27 điểm ở tổ hợp ba môn xét tuyển của địa phương này là 297 thí sinh, đứng đầu cả nước. Với số lượng 297 thí sinh, Hà Nội nhiều hơn 1,7 lần so với TP.HCM (đứng thứ 2 với 171 thí sinh), gấp...