Thanh Hóa: Điều động, thuyên chuyển GV tại huyện Yên Định: Ưu ái dựa trên đơn mà không xác minh!
Liên quan đến việc nhiều giáo viên tố UBND huyện Yên Định ( Thanh Hóa) ưu ái trường hợp thấp điểm lại được hoãn điều động, người cao điểm phải đi, lãnh đạo huyện này cho biết, do cô giáo này có đơn trình bày không đi được xe máy xa.
Còn việc trên thực tế cô ấy vẫn đi được là do huyện chưa xác minh mà chỉ dựa trên đơn.
Báo Dân trí vừa đăng 2 bài phản ánh về việc bất thường trong thu hồi, thay đổi nội dung hàng chục quyết định điều động giáo viên (GV); ưu ái trái quy định một số trường hợp, ban hành văn bản nhưng không thực hiện theo văn bản.
Trong đó, có phản ánh của các GV: Hoàng Thị Minh Ngà – Trường THCS Yên Bái; Trịnh Thị Huy – GV Trường Tiểu học Định Hưng; Nguyễn Thị Thuận – GV Trường Tiểu học Định Liên; Trịnh Văn Thủy – GV Trường Tiểu học Định Tăng. Sáng ngày 13/9, UBND huyện Yên Định đã mời các GV này lên làm việc.
Sau khi báo chí phản ánh, những người có tên kiến nghị đến báo đều được UBND huyện Yên Định mời lên làm việc.
Đáng nói, dù được mời lên làm việc nhưng nhiều lần, các GV đều bị Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định – Lê Xuân Thành “gạt phăng” không cho có ý kiến.
Tại buổi làm việc, trả lời câu hỏi của cô giáo Trịnh Thị Huy vì sao cô có số điểm 191,5 điểm lại phải điều động còn cô giáo Trần Thị Hiến có số điểm thấp hơn là 80 điểm lại không bị điều động thì được lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Yên Định giải thích: Do cô Hiến có đơn trình bày không đi được xe máy xa.
Đáng nói, tiêu chí xét hoãn điều động trong tất cả các văn bản của UBND huyện Yên Định đưa ra không có bất cứ dòng nào cho thấy không đi được xe máy xa thì được hoãn điều động.
Đặc biệt, khi được cô Huy hỏi phía UBND huyện có xác minh đơn trình bày của cô Hiến là đúng sự thật hay không trước khi đưa ra quyết định tạm hoãn điều động với cô này thì lãnh đạo Phòng GD cho biết, huyện chưa xác minh mà chỉ dựa trên đơn trình bày nguyện vọng.
Về trường hợp của thầy giáo Trịnh Văn Thủy, đã đi nghĩa vụ tại huyện miền núi Quan Sơn 5 năm, ngoài ra còn bị điều động về xã vùng xa như xã Định Công từ năm 2003, nhưng trong năm 2019, thầy vẫn bị UBND huyện Yên Định ra quyết định điều động đến Trường Tiểu học Định Thành.
Video đang HOT
Quyết định điều động thầy Trịnh Văn Thủy được căn cứ vào Công văn 3678 của UBND tỉnh Thanh Hóa nhưng UBND huyện Yên Định lại làm trái với Công văn này.
Đáng lưu ý, tại Quyết định điều động thầy Thủy đi đến nơi mới ghi rõ: “Căn cứ vào Quyết định 3678 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc điều động, thuyên chuyển GV…”, tuy nhiên Quyết định 3678 có nội dung “ưu tiên chưa phải điều động đối với GV đã ở vùng khó, miền núi từ 5 năm trở lên”.
Vấn đề này đã được thầy Trịnh Văn Thủy gửi đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được UBND huyện Yên Định trả lời. Tại buổi làm việc ngày 13/9, phía lãnh đạo huyện Yên Định cũng bỏ ngỏ câu hỏi của thầy Thủy.
Đối với trường hợp cô Hoàng Thị Minh Ngà đã hết nghĩa vụ 3 năm điều động. Theo Công văn 198 của UBND huyện Yên Định ngày 27/5/2019 có nội dung: Xem xét sắp xếp, bố trí đối với GV, nhân viên hành chính đã chuyển năm 2016 và các GV, nhân viên công tác quá xa nhà (có nguyện vọng về đơn vị cũ hoặc đơn vị gần nơi thường trú).
Thế nhưng cô Ngà tiếp tục bị điều động đến một trường khác là Trường THCS Yên Phong. Sau khi báo chí lên tiếng, ông Lê Xuân Thành – Phó Chủ tịch huyện “sửa sai” bằng cách: Sẽ xem xét để cô dạy trường mới được điều động về 1 năm hay cố gắng 1 học kỳ sẽ cho chuyển về đúng nguyện vọng.
Còn đối với trường hợp cô Nguyễn Thị Thuận, dù mang bệnh tật về xương khớp chân và cột sống do di chứng của vụ tai nạn vào năm 2012, hơn nữa cô còn có đơn xin nghỉ hưu sớm vì bệnh nhưng vẫn bị huyện này điều động đi đến nơi mới cách nơi cô ở hơn 12 km.
Dù trước đó cô Thuận đã nhiều lần có đơn kiến nghị vẫn bị huyện này “phớt lờ”. Thế nhưng, sáng ngày 13/9, tại buổi làm việc, phía UBND huyện Yên Định cho rằng “trách nhiệm không trình bày hoàn cảnh của cô Thuận là do Ban giám hiệu Trường Tiểu học Định Liên nên UBND huyện không nắm được”.
Liên quan đến vấn đề trên, sáng ngày 12/9, trả lời PV Dân trí, phía Phòng GD&ĐT huyện Yên Định khẳng định: “Có thể chúng tôi nắm được nguyện vọng người này nhưng không nắm được nguyện vọng người kia”.
Như vậy, UBND huyện Yên Định đã “bỏ quaờ” những nguyện vọng chính đáng và đúng quy định đối với một số GV nhưng lại ưu ái trái quy định đối với GV khác. Vậy có hay không vấn đề tiêu cực trong công tác điều động thuyên chuyển GV tại huyện này?
Dù trước đó, UBND huyện Yên Định thu hồi, sửa nội dung cho hơn 20 quyết định chỉ sau gần nửa tháng ban hành thế nhưng tại buổi làm việc với các GV, ông Lê Xuân Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định phát biểu: “Quyết định ký đóng dấu có phải tờ giấy lộn đâu mà sửa”. Phó Chủ tịch huyện này cũng thách thức: “các cô cứ đi gặp nhà báo, cứ đi kiện”…
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Bức xúc vì bị luân chuyển giáo viên trái quy định tại Thanh Hóa
Việc luân chuyển, điều động giáo viên ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã đẩy nhiều giáo viên vào cảnh tuyệt vọng, không còn động lực đến trường.
Không chỉ bất ngờ thu hồi, thay đổi hàng loạt quyết định trong luân chuyển, điều động giáo viên, huyện Yên Định (Thanh Hóa) còn ra văn bản một đằng, thực hiện một nẻo, ưu ái trái quy định. Việc làm trên đã đẩy nhiều giáo viên trên địa bàn lâm vào cảnh tuyệt vọng, không còn động lực đến trường đầu năm học mới.
Cô Thuận thất vọng trước cách làm của huyện Yên Định.
Những ngày qua, rất nhiều giáo viên ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, tay cầm lá đơn, quyết định... đến trụ sở Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đòi lại sự công bằng.
Di chứng của lần tai nạn giao thông năm 2012 khiến cột sống và khớp chân của cô Nguyễn Thị Thuận, giáo viên Trường Tiểu học Định Liên (48 tuổi) vẫn còn phải điều trị. Bản thân cô Thuận cũng đã có đơn xin được nghỉ hưu sớm vì bệnh tật. Thế nhưng, cô phải luân chuyển đến Trường Tiểu học Yên Trung với quãng đường 13km trong khi người có số điểm thấp hơn cô lại được tạm hoãn điều động.
Những giáo viên ở Yên Định bị luân chuyển trái quy định đang không biết điều gì xảy ra.
"Tôi là 1 giáo viên bình thường, công tác gần 30 năm rồi, năm nay gần 50 tuổi. Đúng theo công bằng, văn bản thì chấm điểm từ trên xuống dưới tôi chưa phải đi trong số 4 người đi theo quy định. Trong 4 người đó không ai có diện ưu tiên, tôi là có điểm cao thứ 2, mà điều tôi đi luân chuyển, người thấp điểm hơn thì ở lại. Mình đã viết đơn nhiều mà phòng giáo dục cứ quanh co không trả lời" - cô Thuận bức xúc.
Tương tự như cô Thuận, trường hợp của cô Trịnh Thị Huy, giáo viên trường Tiểu học Định Hưng cũng bị điều động một cách tréo ngoe. Mặc dù có số điểm cao hơn một số giáo viên khác nhưng lại bị luân chuyển đến nơi xa nhất, trong khi người có số điểm thấp hơn cô Huy thì lại được UBND huyện Yên Định "ưu ái" cho hoãn điều động với lý do không đi được xe máy xa.
"Họ đưa ra lý do cô Trần Thị Hiến không đi được xe máy xa để cho cô Hiến được tạm hoãn điều động, trong khi đó, việc không đi được xe máy xa không có trong tiêu chí xét hoãn điều động. Có cô giáo vừa bị kỷ luật, vừa thấp điểm hơn tôi cũng được ưu ái đến nơi gần. Việc luân chuyển giáo viên của huyện không công bằng, không công khai, minh bạch và trái với công văn, quy định" - cô Trịnh Thị Huy cho biết.
Ông Nguyễn Thiện Chinh khẳng định, rất nhiều giáo viên gửi đơn thư đến Phòng giáo dục và sẽ làm việc với những giáo viên này.
Trường hợp của cô Hoàng Thị Minh Ngà, giáo viên Trường THCS Yên Bái, thì chẳng khác nào huyện đã thất hứa bằng "văn bản". Năm 2016, cô thuộc đối tượng dôi dư phải luân chuyển từ Trường THCS Định Tường đến Trường THCS Yên Bái. Cô đã đi 3 năm theo kế hoạch đề ra của UBND huyện. Đến thời điểm này hết nghĩa vụ, cô đã gửi đơn kiến nghị được quay về trường cũ hoặc xem xét cho cô đến công tác tại Trường THCS Định Bình gần nơi cư trú nhất. Thế nhưng, nguyện vọng của giáo viên và quy định đều không được thực hiện
Ông Hồ Xuân Phương, chuyên viên phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Yên Định thừa nhận, do thiếu giáo viên nên không thể thực hiện đúng quy định được.
"Trong quá trình làm, có hướng dẫn thực hiện theo thang điểm của các đơn vị trường học. Ví dụ, trước, anh đi miền núi 5 năm hay bố mẹ già... nhưng giờ chỉ được ưu tiên điểm, đi miền núi cộng bao nhiêu điểm chứ không miễn vì ở Yên Định là huyện trung gian nên nhiều giáo viên đi miền núi thì dẫn đến ưu tiên theo quy định năm 2016 số đối tượng đó nhiều không đủ số lượng giáo viên để bố trí sắp xếp" - ông Phương cho biết.
Số giáo viên tiếp tục đến phòng giáo dục huyện gửi đơn kiến nghị ngày càng nhiều.
Cách luân chuyển giáo viên tại Yên Định đang đặt ra cho dư luận, đặc biệt là giáo viên nơi đây câu hỏi, cơ quan giáo dục, những người làm giáo dục, đúng ra phải là nơi hình thành và thượng tôn cho sự công bằng, liêm chính, chứ không thể tồn tại sự dối trá.
Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Yên Định Nguyễn Thiện Chinh khẳng định, việc thực hiện luân chuyển là chưa thể tuyệt đối được. Phòng đã nhận được đơn kiến nghị của các giáo viên, huyện sẽ gặp gỡ các giáo viên có đơn để làm việc, xem xét từng trường hợp./.
Theo VOV
Sĩ tử lỉnh kỉnh hành trang trổ tài vào ngành Sư phạm Âm nhạc Ảnh hưởng cơn bão số 2, hôm nay TPHCM trời mưa khá to nhưng không ngăn bước các thí sinh thi năng khiếu để tranh suất vào học ngành Sư phạm Âm nhạc tại trường ĐH Sài Gòn. Cơn mưa cũng khiến thí sinh gặp không ít khó khăn khi "tay xách nách mang" những nhạc cụ kèm theo phục vụ buổi thi...