Thanh Hóa: Buồn vui sau bục giảng của cô giáo hơn 30 năm gắn với sự nghiệp trồng người
Dù có một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng qua đời sớm, một mình phải chăm sóc người con bị tật nguyền thế nhưng hơn 30 năm qua, cô Nguyễn Thị Hằng (Trường Tiểu học Điện Biên 1, TP Thanh Hóa) luôn hoàn thành nhiệm vụ, nhiều năm liên tục là giáo viên giỏi cấp tỉnh, là tấm gương về nghị lực sống phi thường. Bao thế hệ học trò đi qua, đều nhớ và biết ơn người mẹ thứ hai này.
Không những dạy chữ mà còn làm mẹ
Tôi tình cờ biết đến cô giáo Nguyễn Thị Hằng qua câu chuyện của những học sinh cũ của cô. Dù đã mấy chục năm qua, dù nhiều thế hệ học trò của cô giờ đã có gia đình thế nhưng họ vẫn không quên người mẹ thứ hai này.
Ngay khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, cô Hằng (SN 1964) được phân công về dạy tại trường Tiểu học Điện Biên (sau này trường tách thành hai trường tiểu học thì cô được về dạy Trường Tiểu học Điện Biên 1). Với thâm niên 34 năm gắn với sự nghiệp “trồng người” thì cũng chừng ấy năm cô được nhà trường tin tưởng giao cho dạy học sinh lớp 1 – lớp học được coi là phức tạp nhất bậc tiểu học.
Để dạy lứa học trò đầu tiên của bậc tiểu học là một việc không hề đơn giản. Làm sao để trò học giỏi đã là khó nhưng để trò nghe lời cô và ngoan lại là việc còn khó hơn rất nhiều. Thế nhưng, bằng tình thương của người mẹ, bằng kinh nghiệm thực tế và những phương pháp đặc biệt, lứa học trò nào của cô Hằng không những đứng đầu về chất lượng mà còn đứng đầu về nề nếp.
Với cô Hằng, dạy học sinh lớp 1 ngoài dạy chữ còn phải làm mẹ.
Cô giáo Hằng tâm sự: “Khối 1 là khối lớp quan trọng nhất ở bậc tiểu học, là nền tảng giáo dục đạo đức và kiến thức cho học sinh. Sự thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học với nhiều bỡ ngỡ đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm đặc biệt quan tâm tới học sinh, vừa truyền cảm hứng, vừa dạy dỗ vừa chăm sóc. Với học sinh lớp 1, không chỉ dạy chữ mà còn phải làm mẹ”.
Học sinh lớp 1 đang ở độ tuổi rất nhiều thay đổi, từ một đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay ông bà, bố mẹ nay phải tự lập từ chuyện đi vệ sinh đến việc ăn uống, ngủ nghỉ. Nhiều trẻ nghịch ngợm, hiếu động khiến mình cũng rất “đau đầu”, gặp phải trường hợp như thế mình vừa phải nghiêm khắc, vừa phải dùng tình thương của người mẹ để dỗ dành, từ đó sẽ giúp trẻ thay đổi và nghe lời.
Cũng theo cô Hằng, việc giáo dục học sinh, là không phải chỉ dạy chữ, dạy chương trình sách giáo khoa cho các em hàng ngày, mà cần phải dạy bằng cả quá trình học tập và rèn luyện. Đặc biệt, phải nắm bắt được những tâm tư, tình cảm của mỗi học sinh và phải thật sự tâm huyết với nghề.
Riêng đối với học sinh lớp 1, cô giáo phải biết cách tổ chức nhiều hoạt động để tất cả các em học sinh cùng được chơi, cùng được tham gia, các em sẽ thích và từ đó các em mới có thể hiểu nhanh và nhớ lâu.
Dù là giáo viên của những thế hệ cũ, nhưng cô Hằng luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để mang lại hiệu quả tốt nhất cho học sinh. Với những học sinh yếu kém, cô kiên trì hướng dẫn, có nhiều giải pháp giúp học sinh tiến bộ như tổ chức hình thức học tập đôi bạn cùng tiến.
Vượt lên số phận
Cô Hằng có một nỗi khổ tâm đó là con trai đầu của cô ngay từ khi sinh ra đã bị tàn tật. Hơn 30 năm, chàng trai ấy sống trên tay của mẹ, từ ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân và hơn 30 năm, vẫn chỉ như một đứa trẻ vô tri vô giác.
Nỗi đau tiếp tục ập xuống đó là vào chính cái ngày tôn vinh các nhà giáo, ngày 20/11 của gần 20 năm trước, người chồng thương yêu của cô cũng bỏ cô mà ra đi trong một cơn bạo bệnh. Có chồng đỡ đần đã vất vả, vắng chồng nỗi vất vả, gánh nặng đè lên đôi vai của cô.
Cô tưởng chừng như gục ngã nhưng nhìn con, cô lại cố gắng sống. Niềm an ủi của cô giáo Hằng chính là những buổi đến trường đứng trên bục giảng, nhìn những đứa trẻ như con của mình mà lấy đó làm động lực.
Mỗi lần đứng trên bục giảng, được nhìn thấy học trò khiến cô giáo Hằng quên đi số phận của mình.
Những năm trước, cuộc sống còn khó khăn, cô vẫn còn nhớ như in những đêm thức trắng chong đèn vừa ôm con trai vừa soạn giáo án. Nhiều đêm con ốm, sốt một mình chăm sóc con, không được ngả lưng chút nào nhưng đến buổi lên lớp cô vẫn cố gắng đi đúng giờ, gạt mọi nỗi muộn phiền để không ảnh hưởng đến bài giảng cho học sinh.
Dù vất vả là vậy, thế nhưng có những học sinh học lực kém trong lớp, cô lại xin phụ huynh cho về nhà mình để kèm cặp, chăm sóc như con mình.
“Cuộc sống đôi lúc cũng làm mình nản lòng lắm, nhưng dù có thế nào thì vẫn phải bước tiếp. Nhìn thấy học sinh, đồng nghiệp đó là động lực để mình vượt qua số phận” – cô Hằng tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Oanh, phụ huynh có con học với cô Hằng chia sẻ: “Những lần đón con muộn tưởng rằng cô đã về nhưng cô lại tranh thủ thời gian chờ phụ huynh đến đón kiểm tra lại bài vở của con, chỉnh sửa từng lỗi sai hay nhận xét vào từng trang mỗi ngày để phụ huynh biết được hôm nay con học ra sao. Gửi con cho cô Hằng, chúng tôi thật sự rất yên tâm. Cũng đã nhiều năm trôi qua rồi nhưng con trai vẫn thường xuyên nhắc đến cô Hằng với một sự quý mến và trân trọng vô cùng”.
Chia sẻ về cô Hằng, cô giáo Phạm Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1 cho biết: “Cô Hằng là một tấm gương về nghị lực vượt lên số phận khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Không những vậy, nhiều năm liền cô Hằng là giáo viên giỏi cấp tỉnh, giải Nhất chữ đẹp cấp tỉnh. Lớp học sinh cô Hằng chủ nhiệm lúc nào cũng đứng đầu về thành tích cũng như về nề nếp.
“Điều đặc biệt ở cô Hằng là dù hoàn cảnh như vậy nhưng cô rất chỉn chu, lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, giờ vào học là 7h30 nhưng chưa bao giờ cô Hằng đến sau 7h để kiểm tra lớp học, kiểm tra máy chiếu, kê lại bàn ghế cho ngăn nắp để đón học sinh. Hết giờ làm việc, lúc nào cô cũng chờ đến khi phụ huynh đón con về hết thì cô mới yên tâm ra về. Nhiều học sinh cũ của cô giờ đã có gia đình, nhưng lễ tết đều nhớ về thăm cô. Còn có những học sinh cũ giờ vẫn tìm đến cô để gửi con nhờ cô dìu dắt” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1 tâm sự.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Hà Tĩnh: Ông thầy không bằng cấp
Mới học xong lớp 7, không có bằng cấp gì trong tay nhưng ông Đặng Tiến Dũng ở Hà Tĩnh được hàng ngàn em học sinh gọi là thầy. Các em yêu mến, "bái sư" bởi cái tâm và trí tuệ hiếm có của ông.
Ông thầy không bằng cấp Đặng Tiến Dũng chia sẻ về sự nghiệp trồng người
Con học cha, cha học con!
Ông Đặng Tiến Dũng say sưa truyền giảng cho các em
Hơn 20 năm qua, dù phải chịu biết bao đớn đau của bệnh tật mỗi lúc trở trời, khó khăn của cuộc sống, nhưng ông "giáo làng" Đặng Tiến Dũng (63 tuổi) ở thôn 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ấy vẫn chèo lái con thuyền tri thức để đưa bao thế hệ học trò cập bến tương lai.
Ông Dũng là con thứ 3 trong một gia đình 5 anh em. Từ lúc mới chào đời, tuổi thơ ông cũng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa trong làng. Đến năm lớp 1, trong một lần sốt nặng khiến nửa người dưới của ông bị liệt, dù được cha mẹ đưa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng vẫn không đỡ.
Từ đó, ngày ngày ông Dũng đến trường trên đôi lưng của cha mẹ.
"Lúc đó tôi rất ham học và mong muốn sau này trở thành một người thầy. Biết được mơ ước ấy mặc dù tôi bị bệnh nhưng cha mẹ cứ thay phiên cõng tôi tới trường", ông Dũng chia sẻ.
Thế nhưng mọi cố gắng, ước mơ của ông đã phải dừng lại giữa chừng khi vừa lên lớp 5 (lớp 7 bây giờ - PV), căn bệnh cũ của ông tái phát và chuyển biến xấu hơn. Suốt 2 năm điều trị, tiêu tốn biết bao tiền của nhưng cũng chỉ chữa được một chân, chân còn lại vĩnh viễn chịu cảnh tàn phế.
"Khi biết mình không còn cơ hội để đến trường, tôi khóc rất nhiều. Mãi một thời gian sau tôi mới bình tâm lại. Tôi cứ nghĩ có thể là do duyên số, cứ để mặc số phận, mình cứ lạc quan mà sống. Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả", ông Dũng chia sẻ về quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời mình.
Không còn đi học nữa, ông Dũng lại học đủ thứ nghề để tự nuôi thân và phụ giúp gia đình từ nghề sửa xe, đến làm thợ mộc.
Sau những buổi dạy học, ông Dũng lại tiếp tục mày mò, sách vở để tìm kiếm thêm kiến thức
Đến năm 1984, niềm hạnh phúc đến với ông khi được người con gái cùng xã tên Phạm Thị Hồng đem lòng yêu mến và quyết lấy ông để xây dựng cuộc sống gia đình.
Rồi hạnh phúc của ông được nhân lên gấp bội khi 5 người con lần lượt ra đời.
"Đời tôi đã không được học hành đến nơi đến chốn nhưng với các con thì phải được đến trường. Và bằng mọi cách để giúp các con đạt được những ước mơ của mình", ông Dũng nói.
Và ông đã trở thành người thầy bất đắc dĩ.
Sau thời gian làm thợ mộc, đêm về ông lại mày mò sách vở để có kiến thức kèm cặp cho các con. Con học cha, rồi cha học con cứ như thế sau nhiều năm trời ông đã "đủ kiến thức" để chỉ dạy cho các con từ lớp nhỏ đến lớp lớn.
"Các con của tôi học rất giỏi nên ngoài các cuốn sách giáo khoa thì thường được nhà trường tặng thêm các cuốn sách nâng cao. Trong quá trình chỉ dạy cho con, cái nào con không hiểu thì hỏi cha, cái nào cha chưa hiểu thì nhờ con", ông Dũng cười chia sẻ.
Và món quà vô giá mà ông có được là cả 5 người con của ông đều đỗ đạt vào những trường tốp đầu và đã có công ăn việc làm ổn định.
Đến người thầy của hàng ngàn học sinh
Đến bây giờ ông đã có hàng ngàn học sinh "bái sư" theo học
Ông kể: Năm 1994 có 28 em ở nhiều xã khác nhau trên huyện Hương Khê đến xin ông học làm thợ mộc. Sau đó, tìm hiểu thì ông mới biết các em đều vừa mới trượt trong kỳ thi tốt nghiệp vào cấp 3.
"Lúc đó thấy các em còn nhỏ quá mà phải bỏ học giữa chừng, tôi lại nhớ đến tình cảnh của mình hồi xưa. Khi hỏi thì các em đều nói mong muốn được đến trường như các bạn. Thế là buổi ngày thì tôi dạy chúng làm mộc, đêm về thì dạy chữ. Sau đó thì cả 28 em đều đậu tốt nghiệp và đậu vào các trường đại học, trong đó có những trường thuộc tốp đầu cả nước", ông Dũng chia sẻ.
Tiếng thơm vang xa, kể từ đó, hàng ngàn em học sinh trên địa bàn đã kéo nhau tới gặp ông "bái sư".
Đến năm 2000 ông bỏ hết các công việc để tập trung dạy, ôn tập cho các em học sinh.
Trong căn nhà nhỏ, vợ chồng ông dành phần lớn diện tích để làm nơi dạy bài cho các em.
Những ngày bình thường thì chỉ có lớp học buổi tối. Còn ngày nghĩ thì dường như ông Dũng không còn thời gian rỗi. Ông dạy từ sáng đến chiều tối, chia thành nhiều ca học, nhiều lớp khác nhau. Ông Dũng có thể dạy được các môn học từ cấp 1 đến cấp 3 nhưng mạnh nhất là các môn Toán, Lý và Hóa.
"Không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn học sinh xuống theo học. Trong mọi vấn đề thì điều cốt lõi là đi đúng trọng tâm, đặc biệt là giữa người thầy và học trò phải gần gũi, xem nhau như bạn thì việc học sẽ dễ dàng hơn", ông Dũng chia sẻ về phương pháp dạy học của mình.
Năm 2010 ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và nhiều phần thưởng khác.
Đến bây giờ, ông Dũng không còn nhớ rõ đã có bao thế hệ học sinh đã được ông truyền dạy.
"Để trả công cho tôi nhiều gia đình thì đưa tôi ít tiền, có gia đình thì cho gạo. Hay những em có hoàn cảnh khó khăn thì tôi dạy miễn phí. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là thấy các em tiếp thu tốt những gì tôi truyền dạy và chứng kiến các em trưởng thành", ông Dũng chia sẻ.
Với những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, thầy "giáo làng" Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010 ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Xuân Sinh
Theo Dân trí
Tiếp sức người Thầy - một chương trình giàu tính nhân văn "Tiếp sức người Thầy" là một chương trình ý nghĩa, giàu tính nhân văn được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang triển khai từ năm 2011 đến nay. Từ chương trình này, nhiều cán bộ, giáo viên đã nhận được sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn, gắn bó với sự nghiệp trồng người. Cô Trần Thị Liễn, giáo...