Thanh Hóa: Bất cập trong quản lý nguồn thực phẩm đưa vào trường học
Hầu hết các trường trên địa bàn TP. Thanh Hóa đang lấy thực phẩm để sử dụng cho bữa ăn của học sinh bằng… niềm tin còn nguồn gốc thế nào, ở đâu… thì ban giám hiệu trường đều không nắm được. Nhiều trường đang nhầm tưởng tấm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm chính là “bằng chứng” cho việc thực phẩm được lấy vào là thực phẩm sạch.
Lấy thực phẩm vào trường bằng… n iềm tin
An toàn thực phẩm trong trường học đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 755 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế việc kiểm tra thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không đang nằm ngoài khả năng của các nhà trường.
Theo ghi nhận thì khó khăn lớn nhất của các nhà trường hiện nay là việc thẩm định thực phẩm đưa vào trường có thật sự sạch không. Lãnh đạo các trường đều cho rằng, việc kiểm tra thực phẩm vào trường mỗi ngày cũng chỉ bằng mắt thường và cảm quan nên không thể biết được thực phẩm đó có thực sự sạch, an toàn hay không.
Việc kiểm tra thực phẩm có an toàn hay không đang nằm ngoài kiểm soát của nhà trường.
“Một thớ thịt ngon, một mớ rau tươi xanh, mơn mởn, chưa hẳn là đã sạch theo đúng nghĩa, bởi chỉ có máy móc, thiết bị mới có thể test được thành phần, dư lượng kháng sinh… trong sản phẩm đó là bao nhiêu. Mà các thiết bị này tất cả các trường hầu như không có? Đây là một điều chúng tôi rất trăn trở và lúng túng” – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn (TP Thanh Hóa) Phạm Thị Minh Thanh chia sẻ.
Không ký hợp đồng với một đơn vị cố định trong việc cung cấp thực phẩm cho bữa ăn của học sinh, hơn 30 năm nay, Trường Mầm non Ba Đình (TP. Thanh Hóa) lại chọn hình thức hợp đồng với các đơn vị nhỏ lẻ.
Nhiều trường vẫn có khuôn viên trồng rau sạch tuy nhiên không đủ để cung ứng cho học sinh nên đều phải lấy từ các đơn vị cung cấp.
Theo đó, để tổ chức ăn bán trú cho gần 400 học sinh, nhà trường phải ký hợp đồng với 17 đơn vị cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các trường khác, nhà trường cũng chỉ kiểm tra thực phẩm bằng mắt thường và đặt niềm tin vào nhà cung cấp. Ngay đến việc, các đơn vị cung cấp lấy nguồn thực phẩm này ở đâu, nhà trường cũng không hề biết.
Video đang HOT
“Thịt lợn nếu được kiểm dịch thì họ chỉ đóng dấu trên lưng, tuy nhiên trường chỉ lấy một số miếng thì cũng không thể biết được con lợn đó đã được kiểm dịch đóng dấu hay chưa. Rau, củ, quả thì cũng chỉ lấy bằng niềm tin chứ cũng không có máy móc để kiểm tra… Đây là vấn đề mà các hiệu trưởng rất trăn trở, mong muốn, các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra giám sát các nhà cung cấp thực phẩm để thực phẩm “bẩn” không có cơ hội tràn vào các bữa ăn học đường….”, cô giáo Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Đình (TP. Thanh Hóa) cho biết.
Ghi nhận tại rất nhiều điểm trường trên địa bàn TP. Thanh Hóa, tuy nhiên chỉ có Trường tư thục Mầm non Búp Sen Xanh và Tiểu học Phù Đổng là có giấy xác nhận thịt lợn đã được kiểm dịch mỗi ngày được cung cấp lưu lại trường.
Nhầm lẫn tai hại
Qua tìm hiểu có một thực tế hiện nay, hầu hết các trường đều đặt niềm tin vào tờ “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” do Phòng Kinh tế – hạ tầng các huyện, thị, thành phố cấp cho các đơn vị cung cấp thực phẩm. Các đơn vị cung cấp thực phẩm cũng coi đó như tờ “giấy thông hành” để hoàn thiện hồ sơ pháp lý trong việc ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các nhà trường.
Hầu hết các trường đang nhầm lẫn tờ giấy này chính là bảo đảm cho nguồn thực phẩm đưa vào trường học là sạch, an toàn.
Thực tế cho thấy, có những trường hợp đồng với vài chục cơ sở cung cấp thực phẩm và cũng chừng ấy cơ sở cung cấp hồ sơ là tấm “giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Ngay cả khối tư thục như mầm non Búp Sen Xanh, Tiểu học Phù Đổng làm tốt việc kiểm dịch thịt lợn đưa vào trường học thì một số mặt hàng khác hồ sơ cũng chỉ dừng lại ở tấm giấy từ Phòng kinh tế – hạ tầng cấp.
Trao đổi vấn đề này, ông Lê Thiệu Phúc, chuyên viên Phòng Kinh tế – hạ tầng, UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: “Lâu nay, các nhà trường cũng đang lầm tưởng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Phòng cấp cho các đơn vị cung cấp thực phẩm là tờ giấy chứng minh pháp lý sản phẩm của đơn vị cung cấp là an toàn. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, giấy này chỉ chứng minh cơ sở trên về con người không có bệnh truyền nhiễm, cơ sở vật chất đủ điều kiện. Còn để biết sản phẩm đó có thực sự sạch và an toàn hay không thì lại thuộc đơn vị khác cấp giấy chứng nhận và kiểm tra”.
Cũng theo ông Phúc thì hiện TP. Thanh Hóa đã thực hiện thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở một số địa phương. Năm 2019, thành phố sẽ triển khai mô hình ra tất cả các xã, phường trên địa bàn. Theo đó, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn muốn xuất bán sản phẩm gì trong ngày đều phải báo cáo các trưởng thôn, khu dân phố ký xác nhận.
Ông Phúc khuyến cáo các trường cần yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm cung cấp được giấy truy xuất nguồn gốc để đảm bảo vấn đề an toàn nguồn hàng đưa vào trường học.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Thanh Hóa:Trường học trong vùng dịch tả lợn châu Phi ngừng ăn thịt lợn
Tất cả các trường học nằm trong hai vùng có ổ dịch tả lợn châu Phi ở Thanh Hóa đã tạm ngừng cho học sinh sử dụng thịt lợn và thay thế bằng thức ăn khác.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ở 6 xã thuộc 2 huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của học sinh vùng có dịch, hầu hết các trường nằm trong hai địa phương trên đã ngừng sử dụng thịt lợn.
Thực đơn đã không còn thịt lợn tại trường mầm non thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa.
Trường mầm non xã Thiệu Phúc, là một trong những trường nằm trong vùng xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Do nhà trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh, nên ngay sau khi công bố dịch, nhiều bậc phụ huynh cũng đề xuất nhà trường tạm dừng ăn bán trú một thời gian. Tuy nhiên, để phụ huynh yên tâm, nhà trường đã thay thế món ăn bằng thịt lợn bằng món ăn khác.
Cô giáo Hoàng Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa cho biết: "Đối với sản phẩm thịt lợn, bình thường thực đơn của nhà trường cũng chỉ có 2 bữa/tuần. Tuy nhiên, khoảng hay tuần nay, trường không còn sử dụng thịt lợn nữa để không gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh".
Để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh, các trường đã thay thế thịt lợn bằng bổ sung tôm, cá, trứng...
Theo cô Hà thì nhà trường tăng cường các thực phẩm khác thay thế thịt lợn như: trứng, cá, thịt bò, thịt ngan, thịt gà, lạc, vừng, đậu phụ; rau, củ, quả... để bữa ăn cho các con đảm bảo an toàn và đủ chất dinh dưỡng. Sau khi dịch "tạm lắng", nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng thịt lợn để chế biến món ăn cho các con để đảm bảo chất dinh dưỡng.
"Khâu chế biến thực ăn cũng được nhà trường giám sát chặt chẽ. Sau mỗi bữa ăn của các con, nhà trường tăng cường giáo viên dọn rửa sạch sẽ khu vực ăn và nhà bếp, bát đũa được trùng nước nóng, phơi khô... Đến nay, sau hơn 1 tuần xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, mọi hoạt động giáo dục, ăn bán trú của Trường Mầm non xã Thiệu Phúc vẫn bình thường. Phụ huynh cũng đã yên tâm gửi con, cháu cho nhà trường chăm sóc" - cô Hà cho biết thêm.
Dù không "tẩy chay" thịt lợn nhưng để phụ huynh yên tâm, các trường đã tạm thời dừng sử dụng thịt lợn.
Ông Ngô Xuân Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thiệu Hóa cho biết: "Trước nguy cơ lây lan nhanh của bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, ngành Giáo dục huyện đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của bệnh dịch để có những biện pháp phòng tránh.
Các nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng thực phẩm tại các trường học, đặc biệt là việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm thịt lợn không có nguồn gốc xuất xứ và chưa qua kiểm dịch".
Yên Định cũng là một trong 2 huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Toàn huyện có 30 trường mầm non tổ chức ăn bán trú cho học sinh với khoảng 9.000 trẻ. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, ngành giáo dục huyện Yên Định cũng chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn.
"Nguồn thực phẩm đưa vào nhà trường phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không đưa các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ. Đối với những địa phương vùng "tâm dịch", các nhà trường tạm dừng sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn một thời gian. Tuy nhiên các nhà trường cũng tăng cường nhiều loại thức ăn khác thay thế thịt lợn, để bữa ăn của trẻ được phong phú, đa dạng và trên hết là đảm bảo an toàn" - bà Nguyễn Thị Khanh, Phó Phòng GD-ĐT huyện Yên Định cho biết.
Cô giáo Hồ Thị Chúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định cho biết: "Bình thường, thực đơn của nhà trường cũng chỉ có từ 2 đến 3 bữa/tuần có thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Tuy nhiên, do là địa phương xuất hiện dịch bệnh nên, dù không "tẩy chay" nhưng để phụ huynh yên tâm, những tuần đầu sau khi công bố dịch, nhà trường ngừng sử dụng thịt lợn để đảm bảo an toàn cho các con".
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Thầy giáo 8X vẽ tranh bằng phấn trắng trên bảng đen Với mong muốn truyền cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước qua những bức tranh và phát triển khả năng hội họa, năng khiếu của học sinh, thầy giáo 8X ở Thanh Hóa đã thực hiện những tác phẩm nghệ thuật bằng phấn trên bảng khiến người xem phải trầm trồ thán phục. Thầy giáo Thanh Hóa vẽ tranh bằng phấn...