“Thành công của tôi là giúp nhiều thế hệ học sinh thêm yêu môn Văn”
Không chỉ nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cao tại các cuộc thi, cô giáo Trần Thị Khánh còn là người truyền lửa cho nhiều thế hệ giáo viên trẻ và học sinh.
Cô Trần Thị Khánh (áo đỏ)
Năm 2021, cô giáo Khánh là 1 trong 6 giáo viên tại Hà Tĩnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy
Cô giáo Trần Thị Khánh (Sn 1971) hiện đang là Tổ trưởng tổ chuyên môn tại trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Cô giáo Trần Thị Khánh (Tổ trưởng Tổ chuyên môn trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)
Cô Khánh tâm sự, ngay từ nhỏ cô đã có niềm đam mê văn học. Lớn lên, ước mơ làm giáo viên dạy Văn cứ lớn dần thôi thúc cô phấn đấu thực hiện. “Mẹ tôi là một giáo viên. Từ nhỏ, tôi thường theo mẹ đến trường, mỗi lần đứng ngoài lớp nhìn mẹ dạy học tôi đã ao ước mình cũng trở thành giáo viên giống như mẹ. Điều đặc biệt gia đình tôi có 6 chị em thì 5 người đều theo nghề giáo”.
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ Văn, trường Đại học Vinh, cô Khánh được phân công giảng dạy tại trường THPT Nghèn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), sau đó tiếp tục được chuyển vào công tác tại trường THPT Cẩm Bình. Ở môi trường công tác nào, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, học hỏi của mình, cô nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc mới và dần khẳng định mình.
Chia sẻ về quá trình dạy học của mình, cô Khánh luôn quan niệm, Văn học không phải như các môn tự nhiên – chỉ khi yêu thích các em mới cảm nhận được vẻ đẹp của văn học. Bởi vậy, trong suốt gần 30 năm giảng dạy tại trường, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp truyền đạt để vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn giảng dạy. Mục tiêu của cô làm tìm mọi cách truyền thụ để học sinh dễ hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tính nhân văn của bộ môn này.
“Dạy môn Ngữ văn, ngoài niềm đam mê, tâm huyết, người dạy còn cần tự trau dồi kỹ năng truyền thụ và biểu cảm trong mỗi bài giảng. Mỗi nhóm học sinh đều có một phương pháp tiếp cận riêng. Hiện nay, theo phương pháp dạy học mới của Bộ GD&ĐT thì học sinh là người đóng vai trò trung tâm, giáo viên chỉ khơi gợi để các em tự cảm nhận.
Video đang HOT
Chính vì vậy, tôi rất chú trọng đến việc tổ chức cách lớp học, giao nhiệm vụ để các em phát huy được hết khả năng, nói lên quan điểm của mình. Dù ý kiến nào giáo viên cũng cần tôn trọng và khuyến khích các em… Bản thân giáo viên phải luôn học hỏi, không ngại thay đổi, sáng tạo trong phương pháp tiếp cận văn học”, cô Khánh chia sẻ.
Quả ngọt từ niềm tâm huyết
Ngoài giảng dạy môn Ngữ văn, nhiều năm nay, cô giáo Trần Thị Khánh còn tham gia bồi dưỡng đổi tuyển học sinh giỏi Văn của trường. Lớp bồi dưỡng của cô luôn dành được thành tích cao tại các cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh và Quốc gia. Tỷ lệ đạt giải luôn đạt từ 80% đến 100%. Trong đó, có nhiều em giành giải cao tại kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn trong những năm gần đây.
Cô giáo Khánh (áo vàng) cùng các đồng nghiệp
Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô đã được đánh giá cao tại cấp Sở, được đồng nghiệp áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn như: “Đọc – hiểu các trích đoạn ngâm khúc trong chương trình Ngữ Văn 10 theo đặc trưng thể loại”; “Chủ đề dạy học tích hợp: Hình tượng người nghệ sĩ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và trích đoạn Vĩnh biệt cửu trùng đài (Trích vỡ kịch Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng” …
8 năm liên tục đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, là điển hình tiên tiến của ngành giáo dục Hà Tĩnh giai đoạn (2010 – 2015), (2016 – 2020), được công nhận “Giáo viên giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn (2016 – 2020) của Công đoàn Ngành giáo dục Việt Nam, đạt giải Nhì tại Hội thi Giáo viên giỏi cấp Tỉnh năm học 2015 – 2016, được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh giai đoạn 2016 – 2019.
“Thành công của tôi là đã truyền lửa được niềm yêu thích môn văn đến nhiều thế hệ học sinh”, cô Khánh chia sẻ.
Năm 2021, cô Trần Thị Khánh là 1 trong 6 giáo viên Hà Tĩnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.
Chia sẻ về thành tích của mình, cô Khánh cho biết, trong gần 30 năm giảng dạy ngoài các giải thưởng thì thành công nhất của bản thân cô là đã truyền lửa được niềm yêu thích môn văn đến nhiều thế hệ học sinh.
“Mới cách đây ít hôm, có một học sinh tâm sự với tôi, lớp em chỉ mong đến giờ học văn của cô. Nhiều bạn khối tự nhiên cũng “nghiện” những tiết dạy Văn của cô. Những câu nói này của các em đã khiến tôi thêm có động lực để công hiến và say với nghề”, cô Khánh bộc bạch.
Nhận xét về cô giáo Trần Thị Khánh, Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Bình, Nguyễn Văn Quang cho biết: “Cô giáo Khánh là một trong những giáo viên có thâm niên trong dạy, bồi dưỡng môn Ngữ Văn tại trường. Ở cô luôn có một niềm say mê, tận tụy với công việc. Không chỉ dạy học sinh, cô Khánh còn truyền lửa, bồi dưỡng chuyên môn cho những giáo viên trẻ tại trường”.
Thầy giáo dạy Vật lý bằng thơ
Thầy Trần Minh Tú, Trường THCS Trương Hán Siêu (TP Ninh Bình, Ninh Bình) là giáo viên tâm huyết, đóng góp nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý.
Thầy Trần Minh Tú bên học trò. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, với phương pháp tích hợp kiến thức Vật lý vào thơ giúp tiết học thêm hấp dẫn, học sinh dễ tiếp thu, nhanh nhớ bài.
Đưa kiến thức Vật lý vào thơ
Là giáo viên có nhiều thành tích, kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý nên thầy Trần Minh Tú luôn trăn trở, tìm tòi các phương pháp giảng dạy để từng tiết học hiệu quả, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Mặt khác, cũng là người có tâm hồn và kiến thức về thơ ca, lịch sử nên thầy Tú đã mạnh dạn tích hợp kiến thức môn Vật lý vào các câu thơ do mình sáng tác để dạy học thêm phong phú, thu hút học trò.
Thầy Tú chia sẻ: Thơ ca đến với bản thân tự nhiên (từ khi học đại học) rồi cứ thế ngấm dần và yêu thích. Tuy nhiên, để lồng ghép kiến thức thực tế môn Vật lý vào những câu thơ lục bát và làm sao truyền tải một cách tự nhiên, dễ hiểu nhất tới học trò buộc phải suy nghĩ không ít trước khi làm.
Có những câu thơ ngắn đến trong đầu thầy Tú sau vài phút, nhưng những bài thơ dài, truyền tải những công thức khó phải suy nghĩ vài ngày, có khi cả tuần. Khó hơn cả làm sao vừa "bắt vần" được cho thơ vừa lồng ghép mềm mại kiến thức vật lý để khi đọc lên học trò dễ hiểu, dễ nhớ. Tính đến nay, trong "kho" thơ lồng ghép kiến thức vật lý của thầy Tú có trên 30 câu thơ. Trong đó kiến thức trải dài từ lớp 7 đến lớp 9, nhiều nhất vẫn tập trung vào kiến thức lớp 8...
Theo thầy Tú, sở dĩ các câu thơ đều gieo theo thể lục bát bởi đây là thể thơ đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Dù lồng ghép các khái niệm và hiện tượng vật lý khô khan thì học sinh vẫn có thể lĩnh hội một cách tự nhiên, dễ ghi nhớ, khơi dậy hứng thú học tập, hiểu bài sâu sắc.
Những câu thơ tích hợp kiến thức Vật lý khéo léo của thầy Tú được học trò và đồng nghiệp đánh giá cao như: "Điện năng truyền tải đi xa/Ắt có hao phí tỏa ra môi trường/ Giảm hao, U hãy tăng cường/ Chớ nên giảm trở (R) trên đường dây đi"; hay "Mắt cận, cực viễn lại gần/ Mắt lão, cực cận lại lần ra xa"; "Không gian mà có từ trường/ Thì kim thử lệch hướng thường Bắc Nam"; "Thủy tinh thể trong mắt ta/ Là kính hội tụ khác xa kính thường/ Cơ vòng khiến nó xẹp trương/ Làm cho tiêu cự cũng thường đổi thay"...
Hoặc để trả lời một số hiện tượng vật lý thực tế bằng thơ lục bát, thầy Tú viết: "Hạt bụi nào có biết bay/ Là phân tử khí đẩy lay không ngừng"; "Tóc người hấp thụ sóng âm/ Sóng không phản xạ rơi đâm vào đầu"; "Một tai thì vểnh lên trời/ Một tai áp đất đồng thời lắng nghe/ Âm qua đất rắn trên hè/ Âm qua không khí đều nghe rõ ràng"...
Thậm chí, thầy Tú còn sử dụng nhuần nhuyễn thơ lục bát để đặt câu hỏi khi kiểm tra bài cũ, kiểm tra định kì, dẫn dắt bài học như: "Phân biệt chuyển động đứng im/ Nhìn quanh vật đó mà tìm mốc so/ Khoảng cách em chớ có đo/ Quan tâm vị trí mới lo đứng dời" - Lấy ví dụ minh họa cho bài thơ trên?
"Nghe tên Biển Chết hãi ghê/ Nhưng mà đến đó chẳng hề sợ đâu/ Nước biển rất mặn từ lâu/ Con người cứ nổi, chìm sâu không thành" - Bài thơ trên nói về Biển Chết. Em hãy cho biết Biển Chết nằm ở đâu và tại sao con người khi đến Biển Chết dù biết bơi hay không vẫn luôn nổi trên mặt nước Biển Chết?
Thầy Trần Minh Tú đạt nhiều thành tích trong bồi dưỡng HS giỏi môn Vật lý một phần nhờ phương pháp tích hợp kiến thức vật lý vào thơ để dạy. Ảnh: NVCC
Để học sinh hào hứng từng tiết học
Chia sẻ về việc tích hợp kiến thức vật lý vào thơ để dạy học, thầy Trần Minh Tú nói: Vật lý là một trong những môn học khó, nếu không có những bài giảng và phương pháp hợp lý, phù hợp dễ làm các em thụ động trong việc tiếp thu, cảm nhận...
Dạy học tích hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp học sinh tìm kiếm thông tin nhanh hơn, khuyến khích việc học sâu và rộng, thúc đẩy thái độ học tập tích cực. Và với cách dạy này, người thầy không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà giữ vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập, giúp các em tự tìm kiếm thông tin theo chủ đề có tính chất khái quát và chuyên sâu; tích cực, chủ động thu nhận kiến thức để có thể vận dụng vào thực tiễn, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, tạo hứng thú và động lực cho việc học...
Em Trần Minh Thảo, cựu học sinh Trường THCS Trương Hán Siêu được học thầy Tú năm lớp 9, chia sẻ: "Cách lồng ghép kiến thức vật lý vào thơ để dạy của thầy Tú giúp chúng em tiếp thu bài học nhanh, dễ hiểu và bị lôi cuốn với từng bài giảng. Cũng vì hiểu bài nên tiết học luôn sôi nổi, các bạn hăng hái phát biểu, thảo luận bài... Năm nay vào lớp 10 và không còn được học thầy Tú nhưng em vẫn nhớ những tiết học đầy hấp dẫn, phương pháp dạy học ấn tượng của thầy. Em mong muốn được trải nghiệm cách dạy này ở những lớp học tiếp theo...".
Lần đầu tiên được học Vật lý tích hợp qua thơ, em Đặng Quỳnh Nga, lớp 8C, Trường THCS Trương Hán Siêu thích thú cách dạy mới và độc đáo của thầy Tú.
Phương pháp này giúp học sinh ghi nhớ kiến thức thuận lợi thay vì phải học theo cách truyền thống các định nghĩa, khái niệm dài và có phần "khô cứng"...
Nhận xét về đồng nghiệp, cô Trịnh Vân Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Hán Siêu, cho biết: Là giáo viên trẻ nhưng thầy Tú có chuyên môn vững vàng, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, tâm huyết với công việc. Đặc biệt, thầy Tú thích ứng nhanh và đầy sáng tạo trong đổi mới giáo dục.
Những kiến thức vật lý khó, "khô khan", song thầy đã giúp HS dễ nhớ bằng cách chuyển thể sang thơ để giảng dạy, khiến bài học trở nên sinh động, phong phú. Ngoài ra, bằng kiến thức thơ văn, vật lý của mình, thầy Tú còn "thổi" lên trong học sinh tình yêu với kiến thức lịch sử, văn học thông qua các bài hát, câu thơ do mình tự sáng tác, lồng ghép...
Trước đây học Vật lý với em luôn khó khăn và không hứng thú. Nhưng từ khi được học thầy Tú (lớp 7, 8) bằng cách dạy đổi mới, sáng tạo khiến em thấy việc học dễ dàng, nhanh hiểu bài hơn và yêu môn học... - Học sinh Đặng Quỳnh Nga
Thầy Thịnh 'kiên trì' và 'kho báu' gần 1.000 lá thư của học sinh gửi Trong 7 năm dạy Vật lý ở trường cấp 3 Nguyễn Du, quận 10, thầy Thịnh đã nhận khoảng 750 lá thư học sinh viết tặng vào cuối học kỳ 1, coi như "báu vật" khi đi dạy. Ngày 29/11, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao danh hiệu cho 14 nhà giáo của thành phố đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú...